Thursday, April 1, 2021

CHÙM RÂU MỌC NGƯỢC

Sáng Chúa nhật hôm ấy, chủ tịch xã Năm Lộ tụ tập dân làng để xem ông trừng trị kẻ ăn cắp gạo của hợp tác xã đêm vứa qua. Một số ít người dân tò mò đến xem, trong đó có vợ con của Năm Lộ. Dân làng nhìn thấy một người đàn ông bị cột hai chân bị treo ngược lên cành đa xà ngang, đầu chúc xuống gần mặt đất, thân lơ lững qua lại, nhìn kỷ mới biết là anh Hòa. Năm Lộ đứng một bên cầm roi quất vào người anh tới tấp. Đau quá, Hòa kêu lên:

- "Tôi chỉ lấy cắp một lon gạo, nấu cháo cho thằng con tôi bệnh đói mấy ngày!"

- "Mày ăn cắp của nhân dân là tao đánh. Mày có chùm râu mọc ngược, thì suốt đời mày làm chuyện ngược". Nói xong Năm Lộ lại đánh. Đau quá, Hòa kêu lên:

- "Tôi lấy một lon gạo, mấy ông cán bộ cấp cao lấy hàng tạ gạo…!".

- " Mày nói xấu đến cán bộ hả!" Năm Lộ thét lên rồi vụt roi vào người Hòa liên tục. Lúc đó đứa con gái nhỏ của Năm Lộ đang đứng xem, bỗng vuột khỏi tay mẹ chạy đến bên bố, nhìn bố nói:

- " Đêm qua, bố cũng lấy gạo, sao bố đánh người ta nhiều thế!"

Năm Lộ khựng lại, rồi dừng tay, hắn nhìn qua, thấy Hòa cũng không còn cử động nữa, Năm Lộ sai hai anh dân quân tháo dây ra thả Hòa nằm trên đất.

Khoảng hơn nửa giờ sau Hòa tỉnh dậy, anh lồm cồm, bò lết ra ngoài đường. Những người quen Hòa đang chờ sẵn ngoài lộ, họ cỏng Hòa về. Ở nhà, vài người lối xóm thương tình Hòa, họ mang cơm cháo, thuốc men chăm sóc cho hai cha con. Một tuần sau Hòa mới dần hồi phục, từ đó anh không dám ra đường sợ bọn Năm Lộ lại bắt đi đánh nữa.

Năm Lộ là một hung thần ở xã này. Trong giai đoạn Cãi Cách Ruộng Đất, bố của Lộ tìm cách tiếp cận với "đội cãi cách" về làng, ông hăng say họp tác với đội, đấu tố những người có ruộng, có của hơn ông, ngay cả người buôn thúng bán bưng ông cũng không chừa, làm một số người bị hành hạ, tù tội hoặc chết oan. Sau này dù đã có chính sách sửa sai, nhưng Lộ vẫn được tuyên dương là con của một người có công với Cách Mạng và được ‘hất” lên làm chủ tịch xã ở vùng này.

Trận đòn sống chết vừa qua đã làm Hòa nhớ lại. Thuở trước thằng Lộ răng hô, học cùng trường làng với anh. Ngày cuối niên khóa, trường tổ chức một buổi văn nghệ toàn lớp, nó mê và đeo đuổi một cô gái xinh, học dưới một lớp, cô ấy theo ngồi sát ghế với Hòa, và tránh né hắn. Lộ mon men đến gần cô ấy, nghe cô khen Hòa có chùm râu mọc ngược bên cằm là chùm "râu duyên". Từ đấy nó đâm ra thù Hòa, dù cô ấy đã đi lấy chồng ở làng xa khác.

Trong những ngày dưỡng thương, Hòa ôn lại hoàn cảnh nghèo nàn của mình. Vài tháng vừa qua, vợ Hòa lâm bệnh. Cơn bệnh kéo dài không thuyên giảm, anh phải nghỉ làm, ở nhà chạy thuốc men và chăm sóc vợ. Tiền nong đã cạn nhưng bệnh của vợ lại tăng hơn, rồi người anh yêu thương đã qua đời. Nhà không còn tiền, anh phải mượn cụ Nghĩa để làm đám tang cho vợ. Xong, anh cố gắng đi làm nhiều hơn, để dành tiền trả cho cụ Nghĩa thì thằng con lại bệnh, lại chạy thuốc men cho con. Nhà hết gạo, anh làm liều đi ăn cắp một lon gạo thì bị bắt rồi bị đòn đau. Bây giờ, chổ làm đã đưổi việc, anh đi xin việc mới với cái lý lịch "ăn cắp gạo" hợp tác xã nên không nơi nào nhận anh. Làm sao có tiền nuôi con, trả nợ cho cụ Nghĩa!

Cụ Nghĩa trước đây là bộ đội "Đi B" (chiến trường miền Nam) hơn mười năm, đã lên được hàm sĩ quan, bây giờ về quê phục viên. Có một lần, Hòa vừa đun xong một ấm nước vối, chợt thấy cụ Nghĩa đi ngang qua nhà, anh chạy ra mời cụ vào cùng uống nước. Hôm ấy, cụ ngồi chơi lâu, cụ kể chuyện thời cụ đi bộ đội, mà anh nhớ nhất là câu nói của cụ: "Đời tôi sướng nhất là thời gian sau "Giải Phóng" tôi được công tác ở một thị trấn ven đô Sàigòn và vài tỉnh miền Nam, người ở đó tính rộng rãi, chân thật, cuộc sống dể dàng, đất đai màu mỡ...". Cụ nói vì cụ là con cả trong gia đình, có một người em trai nhưng đã chết trận, nên cụ phải về quê để lo mồ mã ông bà, nếu không thì cụ đã dời vào Nam sinh sống lâu rồi.". Ở trong xã này, thằng Năm Lộ đều hiếp đáp mọi người, duy chỉ có cụ Nghĩa thì nó "dạ, dạ, thưa, thưa!". Hôm nay Hòa đến nhà cụ Nghĩa xin ý kiến và nhờ cụ giúp đở.

Tại nhà cụ Nghĩa, Hòa trình bày về hoàn cảnh sống của mình đã bế tắt nếu tiếp tục ở trong xã này, nên muốn chuyển vào Nam sinh sống. Hiện nay tiền bạc cạn kiệt, Hòa xin cụ mua dùm cái nhà của anh để anh có cơ hội trả nợ cho cụ, còn phần tiền dư để cha con anh chi phí trong chuyến đi và sinh sống thời gian đầu ở xứ lạ. Ban đầu cụ không chịu, nhưng Hòa khẩn cầu cụ giúp. Cuối cùng, cụ đồng ý, cụ bảo nếu không ở trong Nam được, trở về, cụ sẽ hoàn lại nhà, rồi trả phần nợ sau cũng được.

Hòa dẫn thằng Thảo, đứa con trai đi vào Nam bằng tàu hỏa. Khi con tàu qua khỏi sông Bến Hải, nhìn hai bên đường, nhà cửa, quang cảnh khác với miền Bắc. Dọc đường, Hòa ghé xuống một vài thành phố để xin việc làm. Lúc bấy giờ là thời “bao cấp”, phần lớn các công việc doanh thương đều do nhà nước quản lý, hầu hết người dân phải ăn độn… đời sống ê chề; Hơn nữa, lúc đó, người dân ở phía Nam hình như không có thiện cảm với người miền Bắc, nên anh không tìm ra việc làm; Tuy thế, anh cũng nhận thấy lối cư xử của họ hài hòa với nhau, không quan liêu, hống hách, khốn nạn như chính bản thân anh đã từng gặp nơi làng quê anh ở.

Ngẫm nghĩ đến lời cụ Nghĩa kể chuyện về Sài Gòn, người, xe đông đúc, nhà cửa nhiều tầng cao, ban đêm đèn đường vẫn thắp sáng, vẫn có người làm việc, vẫn có xe ô tô chạy giống như các thành phố Tây phương. Hòa nghĩ chắc ở Sài Gòn dể kiếm việc hơn là những nơi khác, nên anh mua vé xe đò cho hai cha con vào thẳng Sài Gòn.

Đến Long Khánh, xe dừng lại để hành khách xuống xe nghỉ ngơi, giải khát, ăn uống. Thằng con kêu đói, Hòa dẫn nó đến quán cháo nhỏ ở góc bến xe. Anh mua một tô cháo, húp vài miếng rồi đưa cho thằng con, nhìn nó ăn, anh lộ vẻ thèm thuồng. Chị bán cháo nhìn anh hỏi: "Cha con anh đi đâu đó?" Anh trả lời: "Ở miền Bắc đi vào Sàigòn kiếm việc làm!". Chị hỏi: "Đã có ai ở Sài gòn hứa thuê mướn anh chưa?" Trả lời: "Chưa! đang đi tìm, không có việc chắc sẽ chết đói!" Chị nói: "Hôm qua, có ông Ba Hồng ở trong xóm, ra đây nhờ mọi người tìm dùm một người đàn ông phụ việc và ở lại trong nhà luôn để trông coi việc nhà cửa, vườn tược! anh muốn việc đó không?". Trả lời: "Muốn! việc gì cũng xin làm". Chị nói: "Muốn thì đi hỏi đi! để người khác xin, thì mất việc đó! Nhà ông Ba ở cuối xóm, đi thẳng con đường này khoãng hơn cây số, đến ngôi nhà ngói củ kế một dám đất trống rộng là tới!". Nghe xong, anh đứng thừ người, suy nghĩ một hồi lâu, rồi vội dẫn thằng bé đến chiếc xe đò nói với anh lơ xe cho anh xin lại cái ba lô ở trên mui xe vì anh muốn xuống đây để đi kiếm việc làm. Lấy ba lô xong, anh lơ xe nhìn hai cha con dáng nghèo khổ, móc trong túi lấy ra ba tờ bạc rồi nói: "chưa tới Sàigòn mà xuống đây, thôi trả lại một ít đó!".

Đeo ba lô lên vai, anh đến chào chị bán cháo. Trước khi đi, chị nói: "Tui biết anh đang đói, tui tặng anh một bát cháo, ăn xong lại đi, nếu không xin được việc, đi tới, đi lui, đói xỉu đó". Anh cầm bát cháo đưa cho thằng con, nó múc vài muỗng ăn rồi đưa lại anh. Xong, anh đi. Dọc đường anh nghĩ thầm: sao ở trong Nam, anh nghe những tiếng như "Tặng, Biếu, Trả, Cho..." mà ở miền Bắc sao mà hiếm thế.

Đến nhà ông Ba Hồng xin việc, Hòa được ông tiếp chuyện trên một bộ phản gổ trước hàng hiên. Kẻ hỏi người thưa như một cuộc chuyện trò thân mật gần hơn nữa giờ. Sau đó ông Ba dẫn cha con Hòa đến một phòng, chỉ vào bên trong có một cái giường đôi vừa cho hai người nằm. Thằng Thảo vừa thấy cái giường, nó nhảy lên vui mừng, vì những đêm trước nó ngồi ngủ trên xe, trên sân ga, dưới hiên nhà, hay trên sạp gổ ở góc chợ, nay nghe ông Ba nói cho cha con nó nằm trên đó, nó vui mừng như được cho kẹo.

Những ngày đầu, nghỉ ngơi, ăn uống cho lại sức, cha con anh còn dẩn nhau đi dạo quanh quẩn trong làng, đồng thời cũng đến cám ơn và báo cho chị bán cháo biết là anh được ông Ba nhận việc và luôn tiện hỏi han về ông Ba. Chị cho biết ông Ba Hồng là người rộng rãi và được mọi người trong làng quý trọng.

Ông Ba hướng dẫn anh những công việc ở nhà và cách chăm sóc những vườn cây ăn trái của ông, nào là chôm chôm, nhãn lồng, vãi, mít tố nữ… Ở quê, Hòa làm nghề nông, vào đây làm công việc chăm sóc vườn trái cây xem như đồng nghề. Tuy những khu vườn trái cây ở nơi này rộng lớn, nhưng với đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa, phân bón thích hợp và dụng cụ đầy đủ nên việc trồng trọt chăm bón dễ dàng hơn những đám ruộng nhỏ nơi quê anh gấp nhiều lần. Sau một thời gian, nhờ tính cần mẫn, hiền lành, hòa nhã với mọi người chung quanh và nghe theo những điều chỉ dẫn của ông Ba, Hòa đã mau chóng thành thạo việc làm, nên được ông Ba giao việc cho anh mỗi khi ông cần đi xa hay về thăm gia đình người em gái, ở Sàigòn. Mỗi lần về lại vườn cây, ông Ba thưởng thêm tiền cho Hòa và mua quà cáp cho thằng Thảo con anh.

Niên học mới sắp tới, Hòa xin ông Ba được nhập hộ khẩu vào trong nhà ông để ghi danh cho thằng Thảo được theo học tại trường học trong xã này.

Buổi sáng, ông Ba cùng cha con Hòa đến trụ sở xã xin gặp ông chủ tịch để làm đơn xin cha con Hòa nhập hộ khẩu vào gia đình ông. Ông xã trưởng tên Vinh bắt ghế mời ông Ba ngồi trước bàn làm việc của ông, rồi gọi một người thư ký dẫn cha con Hòa đến phòng lập hộ khẩu. Còn ông Ba thì vẫn ngồi nói chuyện với ông chủ tịch Vinh. Việc lập thủ thủ tục nhập hộ khẩu với anh thư ký thực dễ dàng và nhanh chóng, không mấy chốc anh Hòa đã trở thành “công dân” trong thôn xã này. Sự mau mắn của ông chủ tịch xã và sự thân thiện vô cùng uyển chuyển của người thư ký đối với cha con Hòa khi làm việc làm anh ngạc nhiên vô cùng. Sau này anh mới biết việc làm mau chóng này là do sự liên hệ giữa ông Ba Hồng và ông xã trưởng Vinh đã có từ trước.

Cha của Vinh trước đây là người làm kế toán cho ông Ba Hồng tại một vựa trái cây lớn ở Sàigòn. Ông phải lòng với một chị bạn hàng ở Long Khánh thường mang trái cây vào Sài Gòn bán cho vựa, ông nhờ ông Ba mai mối dùm, sau khi được chấp thuận, ông Ba giúp tiền tổ chức đám cưới. Cưới vợ xong ông về quê vợ ở rể, rồi sinh ra Vinh. Ông Ba giúp thêm vốn để vợ chồng ông mở một vựa trái cây nhỏ, việc buôn bán càng lúc càng khá. Sau này, ông Ba còn đưa tiền cho ông bà khai khẩn thêm những khu đất hoang gần rừng, trồng trọt thành những vườn cây ăn trái. Nhờ thế mà cha mẹ Vinh càng lúc càng khá giả.

Vinh lớn lên học tiểu học ở quê, trung học ở tỉnh. Lúc đó, hai lớp cuối trung học, tỉnh nhà chưa có, Vinh vào Sài gòn học tiếp, ăn ở nhà ông Ba và được ông Ba xem như con cháu trong nhà.

Một hôm Vinh về quê thăm cha mẹ. Buổi chiều đạp xe đi thăm mấy khu vườn ở gần bìa rừng thì mấy "ông trên núi" bắt, mang Vinh đi phục vụ "Cách Mạng". Từ khi Vinh mất tích, cha mẹ Vinh buồn rầu, bỏ cã công việc làm ăn, vườn tược đi tìm con, tháng ngày qua, trên đường đi, cả hai ông bà bị tử nạn trong một tai nạn xe cộ. Vinh trở về sau ngày "Giải Phóng" , nghe tin cha mẹ đã qua đời. Hàng ngày ra mộ, nhìn những chùm cỏ trên mộ liu xiu theo chiều gió, ngẫm nghĩ đời người như ẩn, như hiện lúc có lúc không Đang chơ vơ một mình, thì giấy tờ ở quận ủy gửi về cất nhắc anh làm chủ tịch xã . Lúc mới về Vinh chỉ có hai bộ quần áo trong cái ba lô, ông Ba nghe tin Vinh về, kín đáo giúp đở, Vinh dần dần có “của”. Khi làm việc, Vinh hài hòa, nâng đở thuộc cấp, cảm thông với những khó khăn trong cuộc sống người dân nên được mọi người quý mến.

Ông Ba Hồng gốc ở miền Bắc. Gia đình ông sống trong một làng quê kế cận với thành phố Hải Phòng. Lúc còn trẻ, ông chứng kiến cảnh người chết vì đói năm Ất Dậu, cảnh hành hạ địa chủ, phú nông, tư sản trong phong trào Cải cách Ruộng đất cùng cách hành xử của cán bộ với dân… . Khi nghe tin có cuộc Di Cư vào Nam, ông lén lút bán rẻ những vật dụng mà ông có cho những người quen biết, rồi kín đáo mang gia đình đến nhà cô em gái gần cảng Hải phòng xuống “Tàu Há Mồm” xuôi Nam.

Khi Đoàn “Quân Giải Phóng” vào Sài Gòn, trong lúc họ bắt đầu giăng cờ xí, biểu ngữ, treo loa từng góc phố để ca tụng lãnh tụ, chủ nghĩa, chiến thắng… thì ông Ba Hồng tìm cách phân phối nhà cửa, tài sản… đến những người trong gia đình và người thân tín. Vợ ông đã qua đời năm trước, người con trai độc nhất của ông đã đi du học ở nước ngoài cách đây vài năm. chỉ còn một mình ông ở trong căn nhà củ của gia đình. Nếu có “sự cố” gì xảy ra thì ông sẽ dâng cái nhà này cho phường khóm rồi xin đi "kinh tế mới" với ý định về Long Khánh, nơi sẵn có nhà cửa, đất đai, vườn cây ăn trái… và có Vinh đang làm chủ tịch xã vùng này.

Ở với nhau lâu ngày, ông Ba đã xem cha con Hòa như người nhà. Việc vườn tược, hoa màu gần như ông giao cho Hòa quản trị, chỉ giúp ý kiến khi có vấn đề khó khăn. Đặc biệt là ông Ba rất thương thằng Thảo, ông để ý việc học hành của nó, ông chỉ bảo, dạy thêm cho Thảo. Mỗi lần Thảo có điểm học cao, ông đãi Thảo đi ăn tiệm, mua quà bánh, sách vở để học thêm. Những lúc trúng mùa hoa quả khấm khá, ông thưởng thêm tiền công thật nhiều cho Hòa.

Thời gian sau mùa thu hoạch là lúc rảnh rỗi, ông Ba khuyến khích Hòa cùng một số thanh niên năng động trong làng lên rừng hái nấm, đào măng, khoai củ, cắt cây, hái lá thuốc Nam bán cho các tiệm thuốc Bắc và các gian hàng ngoài chợ… kiếm thêm tiền. Nhờ công ciệc phụ trội này mà Hòa dần dà dành dụm được một số tiền càng lúc càng khẩm.

Trong những năm đầu chiếm được miền Nam, đoàn quân nón cối, dép râu dùng quyền lực bắt những sĩ quan quân đội, viên chức chính quyền miền Nam tù đày nơi rừng sâu, nước độc, tạo cảnh con xa cha, vợ mất chồng, gia đình chia ly, tịch thu nhà cửa và tài sản, ngăn sông cấm chợ, đổi tiền, reo rắc tang thương cho người miền Nam, rồi lạm dụng ngữ nghĩa đặt tên là “Thời Bao Cấp”!. Thế vẫn chưa đủ. Nhà cầm quyền miền Bắc lại cử thêm một cán bộ cao cấp, không biết ông này học hành tới đâu, chỉ nghe nói lúc trước hắn ta làm nghề hoạn lợn, thiến heo. Nhờ sống trong một chế độ “Hồng hơn Chuyên”, ”Văn Hay Chữ Tốt không bằng học Dốt mà lắm Quyền”, nên hắn chờ cơ hội thực hiện quyền lực man dã của mình để làm nấc thang lên chức. So với những người lãnh đạo miền Bắc khác, hắn ta là một trong những kẻ ít học nhất, thua về học vấn thì tìm cách gở, theo câu “thua Me thì gở Bài Cào”, nhưng trớ trêu thay bí danh của hắn ta lại là “Số Bù: 10”. Nếu đánh bài cào thì ván nào hắn cũng thua, nên khi được dịp vào miền Nam, hắn “Cào” hết tài sản của người dân bằng cách tạo ra một chiến dịch Cải Tạo Công Thương Nghiệp để tịch thu tài sản và triệt tiêu các doanh nghiệp, thương nghiệp, lùa dân đi kinh tế mới v.v.. Miền Nam trước đây là một vựa lúa cho cả nước và Đông Nam Á, nay họ phải ăn bo bo, cơm trộn với khoai sắn, nhiều người chết vì bệnh tật, đói khổ …, Những đồng chí cấp cao như anh Tô, anh Mười Cúc, Sáu Dân…thấy hắn hành hạ người dân quá trớn, nhưng cũng phải bó tay, nghe hắn tuyên bố là hắn làm đúng tinh thần Bôn-Sê-Vích theo phiên bản của Mao, Sít, Lê… là quan thầy đồ tể ở hai quốc gia phương Bắc. Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, và các thành phố khác ở miền Nam trở nên thành phố chết, đó là thảm họa về kinh tế của anh “Số Bù” gây ra mà nhiều năm sau vẫn chưa vực lên được.

Đất nước lúc bấy giờ thống nhất, sau khi hai bên đã có người thắng, người thua. Nhưng trên thực tế, toàn dân là kẻ chiến bại, là nạn nhân của những tay lãnh đạo hiếu chiến, đã mượn súng, xin đạn nước ngoài, xúi dân mình bắn vào nhau. Thay vì, cuộc chiến huynh đệ tương tàn chấm dứt, người dân hai bên cần chung sức, góp công xây dựng lại cơ đồ đất nước, thì những kẻ lãnh đạo đã không dùng trí nhân thay cho cường bạo, lại reo hò trên chiến thắng, hành hạ, trả thù kẻ bị thua, dồn họ đến cảnh khốn cùng vì thế mà phong trào vượt biên lại càng bùng phát. Người trí thức, kẻ thương nhân còn khả năng vật chất, họ sẵn sàng đánh“tù tì” với sinh mạng của mình, băng rừng, vượt biển ra khỏi nước, dù dọc đường có vùi thây trong rừng sâu, bỏ xác dưới đáy biển. Mặc kệ, cứ đi, có điều kiện là đi, dù sống hay chết.

Ở Long Khánh, vài người quen đến nhà Hòa ngỏ ý muốn bán nhà, đất hay vườn cây ăn trái với một giá "rẽ mạt". Ban đầu họ nói cần tiền để làm một việc gì đó, về sau, họ công khai nói thẳng là cần tiền để đi vượt biên vì thằng con đến tuổi nghĩa vụ, hoặc vì lý do nào khác.... Hòa đem chuyện này hỏi ý kiến ông Ba, ông nói: "Người ta bán đất, bán vườn giá rẻ vì họ cần tiền để thực hiện mục đích của họ, nếu anh có khả năng thì nên mua giúp họ, việc giấy tờ sang tên thì đã có Vinh nó lo". Ông nói tiếp: "Năm 1954, vợ chồng ông cũng lén bán rẻ đồ đạc trong nhà mới có đủ phương tiện mang cả gia đình đến bến tàu, vào Nam còn có chút ít vốn làm ăn!”. Hòa nhớ lại thuở xưa ở quê, anh cũng đến nhà cụ Nghĩa, nài nỉ xin bán nhà cho cụ để vào Nam, nên mới có cuộc sống thoải mái như ngày hôm nay.

Với số tiền dành dụm từ bấy lâu nay, Hòa chỉ mua hai mảnh đất của hai gia đình có con trong tuổi nghĩa vụ. Vài người khác nghe anh mua đất, họ đến nhờ anh mua dùm. Không còn tiền, anh phải đến nhà chị Tấm (chị bán cháo tặng tô cháo cho cha con anh) trình bày sự việc mua đất, vườn cùng với ý kiến của ông Ba Hồng, chị cũng đồng ý với ông Ba “Nên giúp người cần giúp”. Thế rồi anh làm trung gian, mua cho chị một vài khu vườn lớn đã có sẵn cây ăn trái,

Thời gian qua mau, thời “bao cấp” cũng qua theo. Bấy giờ người miền Bắc bắt đầu tràn vào Nam, từ Bến Hải đến tận Cà Mau. Giá nhà, giá đất càng lúc càng tăng lên vùn vụt, nhất những nơi thị tứ. Bến xe Long Khánh bây giờ không còn là một là một bến xe đò nhỏ nơi tỉnh lẻ. Quanh bến xe dọc theo quốc lộ, những dãy nhà có tầng, bê tông, san sát gần nhau, phía sau có vài ba biệt thự ngói đỏ khuất trong hàng cây hoa giấy rộ hoa, lẻ tẻ vài chiếc ô tô con hay những xe gắn máy bóng láng.

Chị Tấm bây giờ là một bà chủ vựa trái cây, chị không còn là người đàn bà góa phụ không con của một hạ sĩ quan “Ngụy” đã tử trận. Lúc đó, một thân, một mình, chị về ở với mẹ, lập quán cháo nhỏ ngoài bến xe bán buôn qua ngày. Nhà chị ở gần trường học của thằng Thảo trong thành phố, cha con anh Hòa ở với ông Ba trong miệt xóm xa. Mỗi ngày anh hai bận đi, về chở con đến lớp học làm giảm thời gian, năng suất làm việc. Hòa gửi nhờ thằng con ở nhà chị Tấm gần trường. Những ngày cuối tuần hay ngày nghỉ lễ anh đến chở nó về. Lâu ngày, Thảo ham chơi với bạn bè, nên có lúc nó không về nhà với anh. Nhớ con, anh đạp xe lên nhà chị Tấm thăm con, có khi được mời ăn cơm, nhấm nháp chút rượu rồi sa đà ngủ lại. Phần Thảo ở lâu trong nhà chị Tấm, nó quen hơi, những người lối xóm xúi nó gọi chị Tấm bằng Mẹ Tấm, chị chỉ mĩm cười. Lâu ngày rồi cũng qua, cha con anh Hòa trở thành “người nhà” của chị lúc nào không hay biết. Hoàn cảnh cuộc sống đã đổi khác, người chị bây giờ đầy đặn, da chị căng nõn như chiếc bánh men được trộn với bột nở, nhưng lòng thương người, tính rộng rãi của chị cũng vẫn như thuở trước.

Thảo học xong trung học phải chuyển vào Sài gòn học tiếp. Ông Ba dẫn nó vào gửi ở nhà cô em học hành với mấy đứa cháu cùng lứa. Thảo học giỏi, chuyên cần, hiền lành giống bố, ngoài giờ học nó giúp đở những công việc trong gia đình, nên được mọi người thương mến.

Từ ngày Hòa về sống chung với chị Tấm, ông Ba sống ở nhà một mình. Người con trai du học bên Đức đã lập gia đình với một cô gái người bản xứ, anh ấy muốn bảo trợ ông qua Đức ở với gia đình anh, nhưng ông nói già rồi ở đâu quen đó. Ông muốn ở lại, chăm sóc mộ phần gia đình và khi chết ông muốn được chôn cùng nơi với vợ. Ông xây một cái am nhỏ trong khuôn đất nhà ông, ngày ngày tụng kinh, ngồi thiền. Việc vườn tược ông giao cho Hòa chăm sóc

Vinh xin nghỉ hưu sau một thời gian dài làm chủ tịch xã, nhờ tính tình hài hòa ảnh hưởng từ đức tính nhân hậu của cha mẹ và khoáng đạt của ông Ba. Lúc làm việc, Vinh hay giúp đở mọi người, được dân thương, người mến. Ngay cã những người hậu nhiệm cũng trọng quý anh, gặp việc khó khăn, họ cũng nhờ anh góp ý, phụ giúp, nên anh vẫn được các cán bộ trong xã trọng mến.

Thằng Thảo bây giờ là sinh viên năm thứ ba ngành kỷ thuật điện, Thảo chăm chỉ học hành, hiền lành. cao lớn, đẹp trai hơn cha. đặc biệt cũng có một chùm râu mọc ngược ngắn, gọn, nhỏ hơn râu cha, lúc nói chuyện những sợi râu nhỏ đong đưa qua lại như sợi tơ bay trong gió.

Anh Năm Lộ một thời làm mưa, làm gió với mọi người trong làng. Với chức chủ tịch xã, anh có quyền phê chuẩn lý lịch, giới thiệu việc làm, ghi danh vào trường học cho người dân trong xã nên mọi người đều kiên sợ anh, anh cũng có thói ưa đánh người vô cớ... Dân làng mỗi lần đi trên đường, xa xa thấy dáng anh đi đối diện là họ "bẻ cua", đổi hướng, hay chuyển qua bên lề khác để không chạm mặt anh. Về sau những thanh niên trong làng đi học trên phố hay ngoài tỉnh. Sau khi ra trường, họ có việc làm, có chức, có vụ trong tỉnh nhà, họp nhau tố cáo những xách nhiễu của Năm Lộ lên huyện ủy và tỉnh ủy, sau đó Năm Lộ bị "hạ tầng công tác". Kể từ đó, gia cảnh của Năm Lộ cũng dần dà sa sút.

Gần cuối hè năm ấy, thằng Thảo sắp vào Sàigòn học năm cuối. Công việc bán buôn trái cây của chị Tấm cũng đã rảnh rỗi, chị đề nghị về thăm quê Hòa một chuyến. Nhiều năm sống chung với anh mà chị vẫn chưa thấy mặt mũi người thân nào vào thăm anh. Nghe chị nói, Hòa mĩm cười. Chị hỏi anh về các người thân thuộc để chị mua sắm quà cáp biếu xén họ, nhìn bà con.

Từ lúc xa quê, Hòa vẫn mang mặc cảm là kẻ ăn cắp gạo ở hợp tác xã, anh cũng sợ Năm Lộ biết nơi ở của anh trong Nam, mang công an vào bắt, nên mỗi lần về thăm quê, anh rất kín đáo. Anh thuê phòng trọ ở thành phố, đi xe thồ đến nhà người bạn thân mượn chiếc xe đạp, đội nón lá thực thấp để che mặt, đạp xe ra thăm mộ, thắp nhang, rồi đạp xe đi qua các đường củ, lối xưa, sau đó về lại phòng trọ trên phố. Anh nhờ người bạn mang tiền biếu những người đã giúp anh, nhưng phải nói tiền đó anh gửi từ miền Nam. Hòa luôn tránh gặp Năm Lộ vì không muốn dây dưa những rắc rối với cái quá khứ đau buồn của anh.

Chuyến về thăm quê lần này cùng Mẹ Tấm và Thảo. Biết Năm Lộ đã mất chức nên Hòa ở lâu hơn, xây lại và sửa sang phần mộ gia đình cùng thăm viếng họ hàng, những ân nhân đã giúp anh khi anh gặp hoàn cảnh đau thương, khốn cùng.

Trong thời gian chờ đợi xây cất, chỉnh trang phần mộ gia đình. Hòa mượn hai chiếc xe đạp, một chở mẹ Tấm, một cho Thảo cùng đạp xe lòng vòng theo sau những nơi thời thơ ấu còn dấu mòn trong kỷ ức. Nơi cha mẹ sinh ra anh ở một góc xóm, thuở xa xưa ấy là môt mái nhà tranh bao quanh bởi những chòm lau hoang dại, nay mọc lên vài ngôi nhà dưới bóng mát hàng cây soan. Những thửa ruộng nơi anh từng đi mót lúa sau mùa gặt góp nhặt được vài lon lúa, giả gọt nấu thơm cho buổi cơm chan mắm. Những cánh đồng cỏ xanh um sau mùa mưa, anh phụ cha cắt cỏ cho bầy bò ông phú hộ. Nhìn cái ao cạn nước, anh nói đã từng thả câu kiếm dăm ba con cá rô về kho mặn ăn dặm được vài ngày. Qua chiếc cầu nhỏ trên dòng suối, anh kể, thuở đó chưa có cầu, những ngày đi học, mùa hè nước cạn thì lội bì bỏm, đến mùa đông nước tràn đầy, đứng trên chiếc bè làm từ bốn thân chuối ghép lại, dùng gậy tre chống qua bờ bên kia. Những chiều mùa đông đi học về, vô ý làm bè chòng chành nước văng ướt quần áo, lạnh run, chạy nhanh về nhà, ngồi bên bếp lửa, mẹ tìm quần áo khô cho con thay. Hôm ngang qua bãi sông, anh dừng xe kể chuyện, buổi trưa hôm ấy đi qua bải dưa, thấy một trái dưa gang bị chim ăn gần một nữa, anh ngắt cuống dưa phủi bụi rồi đưa lên miệng cắn, nhai dòn. Chất ngọt đang vào cổ họng thì ông chủ dưa cầm cây roi dấu phía sau lưng đi tới, không nói, không năng, ông vung roi quất vào người anh túi bụi. Ôm vai chạy u về nhà. Cha anh thấy vết bầm trên cánh tay, hỏi, anh kể lại tự sự việc vừa qua, nghe xong ông cầm roi bắt nằm xuống vừa quất roi vào mông, vừa nói: “Cái gì không phải của mình thì đừng rờ tới”. Hôm đó anh bị hai trận đòn. Mẹ Tấm nhìn anh nói “chỉ ăn có nữa trái dưa mà bị hai trận đòn sao anh!” Trả lời: “ Nữa trái dưa lúc đó là cả thức ăn bửa cơm chiều của một gia đình làng quê anh đó!”. Mẹ Tấm nói “Ở vựa trái cây em, trái nào mất cuống, là em quăng vào giỏ rác!”. Khi đi ngang qua đình làng có cây đa (nơi anh bị Năm Lộ treo ngược đánh) là trụ sở xã, anh nói: “Đình làng này trước kia là nơi đấu tố các địa chủ. Lúc nhỏ, anh chứng kiến cảnh một người con gái đấu tố cha. Ngày đó người ta trói một ông già lớn tuổi dưới gốc cây đa này, một người thiếu nử, vừa đi học lớp cán bộ ở huyện về cầm một cây gậy đứng trước mặt cha, cô chỉ vào ông, quát lớn: “Thằng địa chủ bốc lột kia, đã đến ngày mày phải đền tội với nhân dân…” rồi cô vung gậy đánh vào đầu vào người ông đến lúc ông ngã xuống hai tay còn bị trói. Đêm đó, ông nằm chết dưới gốc cây đa này. Về sau, người dân không còn thấy cô ấy trở về làng nữa. Còn việc anh bị Năm Lộ treo ngược đánh thì anh không bao giờ “hé răng”. Ngay cả thằng Thảo cũng không biết chuyện anh bị đòn đau vì khi ấy nó đang bị sốt li bì nằm ở nhà.

Thằng Thảo lẽo đẽo đạp xe theo bố và mẹ Tấm, một hai ngày rồi tự cảm thấy thừa thãi. Nó xin anh cho nó đạp xe một mình, tự chạy vòng veo khắp làng xã và thôn xóm khác với vẻ đầy phấn khích. Sáng đạp xe đi, chiều tự đạp xe về khách sạn ở phố. Đi một mình ít ngày rồi cũng chán, Thảo ước có một người nào, làm quen nói chuyện hay cùng đi chơi cho đở buồn tênh.

Một buổi trưa, đang khát nước, tình cờ đạp xe ngang qua nhà có hàng dậu thấp, một cô gái cầm cái gáo nước đổ vào ấm. Thảo dừng xe, xin nước uống, cô ấy bảo nước này lạnh, không uống được đợi đun ấm nước vối nóng rồi hãy uống. Dắt xe vào sân, Thảo nhìn sững cô gái, nghĩ thầm: "người sao mà xinh thế!", còn cô gái cũng nhìn Thảo, thầm nghĩ: "người ở đâu tới sao mà “oai” nhỉ!". Cô mời anh ngồi trên một chiếc ghế củ ở dưới hiên, chờ ấm nước vối sôi đãi anh. Thời gian chờ đó Thảo “gây” chuyện. Anh nói: “Anh tên Thảo là sinh viên ở Sài gòn theo bố về thăm quê”. Cô kể: “Cô tên Hương vừa tốt nghiệp trung học hè này, đang xin việc làm mà chưa thấy nơi nào gọi”. Thảo nhìn quanh nhà, hỏi “sao nhà vắng thế”. Hương nói là bố dẫn mẹ đi khám bệnh trên tỉnh xa, vài ngày nữa mới về. Ngồi nói chuyện sa đà mà quên mất vạc nắng chiều đã lịm tắt trên thềm sân. Nhìn ra xa, mặt trời đã khuất sau chỏm tre neo gió. Nhìn vào nhà, trên bàn vẫn còn một chén cơm ăn dở. Thảo nói lời tạm biệt và xin hẹn ngày mai cho phép được gặp lại. Đang buồn vì mẹ bệnh, ở nhà một mình lo nghĩ vu vơ không ai chia sẻ, có người để nói chuyện quên nỗi buồn mẹ ốm là hợp với hoàn cảnh lúc này, nên Hương gật đầu.

Những buổi hẹn kế tiếp, ngồi nhà nói chuyện mãi cũng nhàm, Thảo nhờ Hương dẫn đi ngắm cảnh làng. Đã có sẵn thiện cảm với khuôn mặt chữ điền, giọng nói nhẹ nhàng lịch sự, không đượm mùi tuyên truyền chính trị như các “anh giai” khác trong làng. Mấy ngày nay ở nhà mãi cũng cuồng chân, lời “nhờ vã” của Thảo như mùa nắng hạn gặp ngày mưa. Có người rủ đi chơi, dại gì không chịu. Thế là. Hương và Thảo, mỗi người một chiếc xe đạp song đôi trên con đường rợp hàng phượng vĩ, trên cành những cánh hoa đong đưa chúm chím ở dưới nắng vàng chói chan, vang vang tiếng ve khẻ khàng như chào đón người cố hương trở về làng củ. Chiều nắng hanh hao, đạp xe qua những cánh đồng lúa trổ bông như dải lụa vàng, vông vang màu nắng, chênh chang hương lúa miền quê. Ngang qua hồ sen, những cánh sen khoe nhụy cuối hè, tỏa mùi hương ngan ngát dịu dàng. Mỏi chân, dừng lại, ngồi dưới bóng đa, hong khô giọt mồ hôi trên sống mũi, ngọn gió phôi pha đưa làn tóc bay qua chạm mặt chữ điền, thoáng hương bồ kết. Hai bờ vai gần sát chạm nhau, thời ban sơ quen biết còn hồn nhiên, vô nhiễm. Đạp xe qua con suối, bước theo bờ mương, thả bộ dưới bóng dừa…Đến bến đò, ngồi thuyền sang sông, dạo chơi thôn xóm khác. Dọc đường ghé những quán nhỏ, lúc khát thì uống, lúc đói thì ăn. Rồi vài ngày sau, chữ tình như sợi tơ vi diệu, rung động con tim của lứa đôi nhịp nhàng theo dòng nhạc giao hưởng tình ca. Mỗi buổi chiều về, nắng hoàng hôn nhuộm tím bãi đồi xa, là mỗi lần hai đứa bịn rịn chia tay về nhà, mỗi người mang trong lòng nỗi xốn xang nhơ nhớ như người quẫy gánh mang theo những cơn mơ trong giấc mộng chập chờn.

Ngày về đã đến. Sáng sớm, Hương đạp xe ra bến, tiển Thảo với đôi mắt đỏ au, rơi rướm. Hương đến chào bố mẹ Thảo, rồi đưa một bó lá vối cho Thảo, nói: “Anh về nấu nước vối uống để nhớ Hương!”. Mẹ Tấm đứng nhìn hai đứa quấn quit không muốn rời nhau, bước lại cầm tay Hương, nói: "Con gái nhà ai mà dể thương quá hè! Hèn gì mấy ngày nay thằng Thảo có vẻ gì lạ lạ!”

Về lại Long Khánh, chỉ còn hơn một tuần nữa là Thảo phải vào Sài gòn học tiếp, thế mà không thấy Thảo sửa soạn gì việc đi học. người cứ ra vô đơ đơ, thờ thẩn. Mẹ Tấm “biết chuyện”, nhưng vẫn vờ hỏi, Thảo trả lời: "Lúc ở bến xe, Hương nói, mẹ Hương đi khám bệnh ở tỉnh vừa về đêm trước đó, bác sĩ cho biết bà bị ung thư ngực giai đoạn 1, nếu giải phẩu sớm có thể chửa lành. Chi phí giải phẩu, thuốc men, nằm viện cao quá. Bố Hương có ý bán nhà chửa bệnh cho mẹ rồi dời đến một nơi thâm sơn, cùng cốc nào đó”. Hương nói: “Nghe biết mẹ bệnh nan y, buồn quá sẽ không còn muốn liên lạc với con nữa. Mẹ bệnh mà con cái vẫn vui trong tình yêu là đồ bất hiếu!". Mẹ Tấm hỏi: "Bây giờ con tính sao?" Trả lời: "Con muốn bố mẹ giúp về chuyện con và Hương, nếu có khả năng mẹ có thể giúp cho mẹ Hương" Mẹ Tấm nói: "Việc này phải hỏi ý bố, nếu bố bằng lòng, mẹ sẽ giúp con".

Hai ngày sau, bố mẹ và Thảo lại trở về quê một lần nữa. Hôm sau, Thảo đến nhà Hương, bước vào cổng, rón rén, đứng nép bên cánh cửa, Thảo nghe tiếng rù rì nói chuyện trong nhà, tiếng người đàn bà nói: "Thôi, ba lượng vàng nhiều quá, nhà bán xong biết có hơn bao nhiêu không? thôi thì ở nhà chạy thuốc Nam!". Người đàn ông nói: “Hôm đó tôi năn nĩ họ tính ít lại, nhưng họ cứ khăng khăng bảo, tiền bác sĩ một lượng, tiền thuốc một lượng, tiền công tất cả y tá chăm sóc một lượng, chưa kể tiền “boa” “. Nghe rồi, Thảo nhẹ nhàng bước ra trước cửa nhìn thấy bố mẹ Hương đang ngồi trên chiếc ghế gần bàn, mặt quay vào trong nói chuyện với nhau. Thảo cất tiếng chào và xin gặp Hương. Mẹ Hương nghĩ chắc là người đến báo tin về việc làm Hương đang xin, nên nói: "Hương, nó bệnh mấy hôm nay, anh gặp nó về công việc nó đang xin phải không?" rồi bà đi vào trong gọi: "Hương ơi, có người muốn gặp!". Một lát sau, Hương bước ra, chăm chăm nhìn Thảo, cô chạy đến gần, nhìn kỷ rồi hét lên: "Anh đã về miền Nam rồi mà!". Thảo nói: "Anh ra lại cùng với bố mẹ để thăm Hương. Bố mẹ anh muốn được gặp hai bác để nói chuyện về chúng mình!". Lúc này, Năm Lộ nhìn kỷ khuôn mặt Thảo, tự dưng mặt ông dần xanh tái, nói năng ấp úng (sao nó giống thằng Hòa quá), còn Hương thì khuôn mặt đang xanh xao thì trở nên hồng hào.

Qua ngày mai, Bố và mẹ Tấm theo Thảo đến nhà Hương. Gần đến cổng nhà. Bố Hòa khựng lại, mẹ Tấm hỏi: "Anh có sao không?" Hòa ngập ngừng đáp: "Không!", rồi chậm chạp bước theo đi vào nhà sau cùng.

Trong nhà, bốn người lớn gặp nhau chào hỏi. Năm Lộ nhìn sững Hòa một hồi lâu, rồi muốn quay lưng đi ra nhà sau. Lúc ấy, Má Tấm đứng trước mặt ông, hai tay cầm một hộp quà đặt lên bàn và nói: "Thưa anh chị, chúng tôi có nghe cháu Thảo cho biết, chị vừa từ bệnh viện về, nên chúng tôi từ trong Nam vội ra thăm và có chút quà biếu anh chị". Bốn người đều yên lặng. Mẹ Tấm tiếp: "Sẵn đây chúng tôi xin phép anh chị cho cháu Hương và cháu Thảo làm quen để thành bạn lâu dài với nhau!". Ngừng một chốc, mẹ Hương nói: "Về phần quà cáp thì chúng tôi không dám nhận, còn chuyện gì thuộc về cháu Hương, cho tôi hỏi ý của cháu!", rồi bà quay vào trong nhà gọi: "Hương ơi, ra bố mẹ gọi!". Như đã chuẩn bị trước, Hương đi ra với bộ áo dài trắng, đứng sau lưng mẹ, Mẹ Hương quay lại hỏi Hương: " Ông bà này muốn con và cháu Thảo làm bạn lâu dài với nhau, ý con thế nào?" Hương mặt tươi hơn, gật đầu trả lời: " Dạ! Bố mẹ đặt đâu con ngồi đó!". Vợ chồng Năm Lộ tươi cười. Nghe xong mẹ Tấm nhìn Hương hói: “Ý con thế nào?”. Hương trả lời: “Bố mẹ cháu đồng ý thì con theo!”.

Không khí trong nhà bổng nhiên thân mật. Mẹ Tấm nhìn ba người đang tươi vui, nói: "Như thế là anh chị và cháu đã chấp thuận!". Mẹ Tấm quay người lấy cái túi xách của chị, mở ra mang hai chiếc nhẫn, rồi xin phép đeo vào ngón tay hai đứa. Xong mẹ Tấm nói: "Gói quà trên bàn, bây giờ không phải là quà thăm bệnh, nó đã trở thành lễ vật trong buổi dạm hỏi này cho hai cháu. Xin ông bà mở ra xem, cho chúng tôi biết ý kiến". Hộp quà mở ra: hai xấp vải kim tuyến, một xấp tiền chẵn không bao thư, 3 lượng vàng sáng chói. Năm Lộ nhìn các món quà một hồi lâu, rồi đến trước mặt Hòa chắp hai tay cúi đầu như chuẩn bị quỳ xuống. Hòa vội đứng dậy tránh qua một bên, đưa tay ra đở Năm Lộ, nói: "Bây giờ chúng ta là sui gia với nhau rồi!". Thừa lúc vui, Mẹ Tấm đến ôm Hương, vui hỏi: " Thảo mê con vì con xinh, con hiền, còn con thì thích Thảo về cái gì?" Trả lời: " Con thích chùm râu mọc ngược của anh ấy, chùm “râu duyên!". Mọi người đều cười, riêng Năm Lộ cũng cười nhưng miệng hơi lệch xuống.

Sau khi tiển chân vợ chồng Hòa ra khỏi cổng. Quay vào nhà, mẹ Hương đến trước bàn nhìn chăm chăm gói quà đã mở: vải, tiền, vàng. Ôi! Cả cuộc đời chị chưa hề thấy cái “hợp thể” này bao giờ, chị thầm nghĩ: “Sắp chết chìm lại vớ được cái phao”. Vừa lúc đó, Hương cũng bước vào cửa, chị ôm Hương vào lòng, nói: “Đây chính là cái phao của mẹ đây”. Chị nhìn chồng nói tiếp “ Anh Hòa vào trong Nam tìm cuộc sống khá giả, còn mình ở đây tìm thêm kẻ thù. Mỗi lần ra ngoài gặp người quen, họ nhìn mình với đôi mắt căm căm”. Hương đang được mẹ ôm, nhẹ gở tay mẹ, nói “Con nghe nói ở trong Nam, mấy ông, bà bác sĩ học hành dài năm, dài tháng bằng sách Tây, sách Mỹ. Bệnh viện, dụng cụ, thuốc men cũng từ Tây, từ Mỹ. Trong đó, bác sĩ là bác sĩ, y tá là y tá chớ không phải y tá vô đảng lâu năm thì phong lên làm bác sĩ. Không biết mẹ được chẩn đoán bệnh bởi mấy ông “bác sĩ y tá” đó không?. Mẹ nên đi Sàigòn khám bệnh lại, xem lại chẩn đoán của bệnh viện trong ấy thế nào, rồi điều trị? Con đi với mẹ gặp anh Thảo ở đó, nhờ anh ấy dẫn mẹ đi viện, luôn tiện xem trong ấy có dể sống hay không, thì tính việc chuyển vào trong đó ở!”. Nói đến đây thì đôi má của Hương ửng hồng, còn khuôn mặt của chị Năm trước đây âu sầu như chiếc lá héo khô, bây giờ tươi lên như mới vừa được nhâm nước mát. Vài giờ trước đây, chị nghĩ Hương chỉ là đứa con gái trẻ con mà sao nó vừa “nhón chân” lên, trở nên một người thiếu nữ. Năm Lộ từ lúc gặp gia đình Hòa không nói một lời nào, giờ mới lên tiếng: “Tôi đã có ý định dời vào Nam từ lâu, nhưng không có điều kiện, không có người quen và không biết làm gì khi vào trong ấy!”.

Chiều đến, Hòa tới nhà người bạn thân (người đã cỏng Hòa về nhà sau khi bị đòn đau) để từ giả, mai về lại Long Khánh. Nói chuyện với bạn, Hòa thuật lại việc sáng nay vợ chồng Hòa đã dạm hỏi con Hương, con của Năm Lộ cho thằng Thảo. Người bạn mĩm cười, nói: “ Chuyện dạm hỏi con Hương cho thằng Thảo con mày sáng nay, vợ chồng Năm Lộ đã đi khoe cả làng này, phân nữa người làng đã biết rồi, họ không ngờ mày rộng rãi như thế, đa số họ cũng muốn dời về miền Nam để có cuộc sống như mày, trong đó có cả tao. Nhưng họ cứ thắc mắc:

- Thằng Năm Lộ đánh mày một trận thừa sống, thiếu chết mà mày đi làm sui với nó dể quá vậy?

- Tại tao muốn trả ơn con bé Hương! Hôm đó mà con bé Hương không can thằng Năm Lộ thì tao đã chết đòn với nó rồi! - Nhưng tại sao mày “quà” cho vợ chồng thằng Lộ nhiều quá vậy?

- Quà càng nhiều thì vợ chồng nó giao con Hương cho thằng con trai tao càng sớm hơn!

- Ngó mày thật thà, không ngờ mày thâm quá.

- Tao chỉ làm theo lời thằng Lộ, khi nó đánh tao, nó nói: “Suốt đời tao chỉ làm chuyện ngược!” Mày không nghe sao!. Nói xong, Hòa đưa cho người bạn một xấp tiền, nói:

- Mày muốn vào Nam, tao sẽ giúp mày. Đây, số tiền tao ứng trước cho chi phí xe cộ và dọc đường.

Về lại khách sạn, thấy mẹ Tấm đang nằm nghỉ. Hòa tắm xong, mang một chiếc ghế ra hành lang, ngồi ngắm trăng sao, nghĩ ngợi miên man về dĩ vãng.

Sau ngày “Giải Phóng” những biểu ngữ giăng trên đường, khẩu hiệu, những báo chí, những loa phóng thanh treo trên cột đèn góc phố…ca ngợi tung hô Đỉnh Cao Trí tuệ, Cái Nôi của Nhân Loại, Chủ Nghĩa Xã Hội Ưu Việt, Chủ Nghĩa Tư Bản đang giẫy chết… gọi dân miền Nam là bọn Ngụy, chính quyền Ngụy, lính Ngụy… Năm 1954, đã có hơn một triệu người di cư vào Nam. Năm 1975, nước nhà thống nhất, tại sao nhiều người dân miền Bắc, di dời vào Nam ở với bọn Ngụy. Hàng triệu người liều chết vượt biên đến các nước tư bản đang giẫy chết. Bây giờ các cán bộ, đảng viên cao cấp mang con, gửi cháu qua đầu tư tiền bạc và tài sản vào các nước tư bản giẫy chết đó. Phải chăng họ đã làm chuyện Ngược giống như hướng mọc của chùm râu của mình. Nghĩ tới đây, Hòa đưa tay sờ lên chùm râu, lẩm bẩm:

- Không biết! nếu chùm râu này nó mọc xuôi thì sao?

Mẹ Tấm thấy chồng mang ghế ra ngồi hành lang, chị rón rén bước theo đứng sau ghế anh, vừa nghe chồng lẩm bẩm, tiếng được tiếng không. Hai tay chị ôm vai chồng, nói:

- Anh vừa thì thầm xuôi, sui gì đó, anh đang nghĩ về ông Sui đó sáng nay phải không?. Lúc mình nói chuyện với ông, em thấy cử chỉ của ông ấy thật là ngộ ngộ.

Hòa trả lời:

- Ừ! anh cũng thấy ông ấy ngồ ngộ!

Mẹ Tấm cất tiếng cười vui làm Hòa cười theo. Hòa nhích qua một bên,kéo vợ cùng ngồi phần nữa chiếc ghế của mình. Nhìn lên trời cao, vầng trăng non đầu tháng hình bán nguyệt vừa hé lộ khỏi làn mây trắng như khóe môi hé một nụ cười mĩm chi với vợ chồng mình. Hòa choàng vai vợ, ngây ngất nhìn trăng như chưa bao giờ anh nhìn thấy một vầng trăng sáng nơi quê hương mình đẹp như đêm nay.

Lữ Long Phước


No comments:

Post a Comment