Wednesday, February 24, 2021

Trò chơi nguy hiểm với lạm phát của Joe Biden
Tác giả Thụy MyNguồnRFINgày đăng: 2021-02-24
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Joe Biden giới thiệu kế hoạch chống đại dịch Covid tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/01/2021. REUTERS - JONATHAN ERNST
Le Monde phân tích « Trò chơi nguy hiểm của Biden đối với lạm phát ». Theo tác giả bài viết, những sai lầm nghiêm trọng nhất thường xảy ra vào đầu nhiệm kỳ, khi còn ngây ngất muốn thực hiện những lời hứa tranh cử, bất chấp lý lẽ. Kế hoạch tái thúc đẩy của ông Joe Biden với 1.900 tỉ đô la, tương đương 15% GDP Hoa Kỳ, nằm trong số đó.
Bóng ma lạm phát « chưa từng thấy kể từ một thế hệ »
Kế hoạch này có nguy cơ làm sống dậy bóng ma lạm phát tưởng chừng đã biến mất, dẫn đến tăng lãi suất, đưa nước Mỹ đến bờ vực suy thoái. Tiếng chuông báo động được gióng lên bởi một tên tuổi lớn trong ngành kinh tế là Larry Summers, cựu bộ trưởng Tài Chính thời Bill Clinton ; và Olivier Blanchard, cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nổi tiếng vì chỉ trích việc áp đặt khắc khổ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Ông Summers cảnh báo áp lực lạm phát « chưa từng thấy kể từ một thế hệ », còn ông Blanchard nhấn mạnh « Kế hoạch 1.900 tỉ đô la có thể khiến nền kinh tế trở nên quá nóng, và như vậy sẽ phản tác dụng ».
Đó là do khi tranh cử, ông Biden hứa hẹn sẽ không lặp lại sai lầm của Barack Obama năm 2009, ngân sách tái thúc đẩy không đủ để tạo nhiều công ăn việc làm. Nhưng đây không phải là trường hợp của năm 2020. Phe Dân Chủ từ chối công nhận những thành tựu trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, với kế hoạch hỗ trợ lớn đã giúp người Mỹ năm 2020 giàu hơn năm 2019.
Điểm kế tiếp là ông Biden nói về tình hình 2021 như là nước Mỹ đang phải đối mặt với sự khởi đầu khủng hoảng do đại dịch Covid. Trên thực tế đã là năm thứ hai, thời kỳ hồi phục sau căn bệnh. Tấm chi phiếu đắt giá 1.400 đô la mà Joe Biden muốn gởi cho mỗi người Mỹ (có thu nhập dưới 75.000 đô la) gây thiệt hại nặng cho ngân sách.
Châu Âu không muốn bị liên lụy
Nếu tổng thống Dân Chủ Lyndon Johnson khi lao vào cuộc chiến tranh Việt Nam đã khởi động lạm phát trước cả khi xảy ra cú sốc dầu lửa, thì ông Biden sắp sửa lãng phí nguồn lực trong cuộc chiến chống Covid, trong lúc đại dịch đang lùi bước tại Hoa Kỳ.
Điều đáng lo là Joe Biden có sự ủng hộ của một « liên minh tội lỗi » : Quỹ Dự trữ Liên bang (FED) muốn để mặc lạm phát nhằm tạo việc làm ; Wall Street tràn ngập lượng tiền miễn phí vẫn thấy chưa đủ ; người Mỹ trung lưu có thể tiết kiệm và chơi chứng khoán, như trong vụ đầu tư vào GameStop.
Chính quyền Biden muốn thúc đẩy chính sách tiêu xài nơi các đối tác G7. Phía sau lớp vỏ đa phương là mong muốn tránh hành động đơn độc, dẫn đến sự mất giá của đồng đô la và đẩy nhanh lạm phát. Le Monde lo sợ bóng ma này sẽ quay lại với châu Âu, lạm phát đưa đến lãi suất tăng, bùng nổ nợ nần.
Chẳng khác gì thời Lyndon Johnson, mà chính sách lạm phát khiến Richard Nixon phải từ bỏ việc quy đổi đồng đô la thành vàng, chấm dứt hệ thống tỉ giá cố định cho các đồng tiền chính (Bretton Woods). Bộ trưởng Tài Chính của Nixon, John Connally từng nói với châu Âu : « Đô la là đồng tiền của chúng tôi, nhưng là vấn đề của quý vị ». Tờ báo mong rằng một cuộc khủng hoảng tương lai của đồng euro không liên quan đến kế hoạch quá đáng của Joe Biden.
Những cạm bẫy của đồng tiền ảo bitcoin
Cũng về kinh tế, Les Echos dành trang nhất cho « Bitcoin : Phía sau một thị trường cạm bẫy ». Đồng tiền ảo đã tăng giá đến 400% trong năm 2020, cũng liên quan đến một số vụ lừa đảo, vừa sụt giá 15%. « Vàng của thiên niên kỷ » đã mất đi ánh hào quang, và chừng như khó thể là giá trị ổn định lâu dài.
Les Echos ví von, vàng ở đây có thể hiểu theo nghĩa đen, vì mỗi đồng bitcoin đang được luân chuyển hiện có giá tương đương một ký vàng ròng. Ngày càng có nhiều nhà giao dịch lớn ở Wall Street đề nghị bitcoin cho các nhà đầu tư muốn có lời lớn, làm tăng đáng kể số người mua vào, dẫn đến cơn sốt đầu tư.
Nhà nghiên cứu Matthieu Bouvard lược qua những trồi sụt của bitcoin : từ 20.000 đô la trong đỉnh giá đầu tiên tháng 12/2017, sáu tuần sau đồng tiền ảo này lao đốc, chỉ còn 6.000 đô la. Đến đầu tháng Giêng 2021, bitcoin tăng lên 40.000 đô la rồi xuống giá, và khi Tesla bất chợt mua vào ồ ạt, lại vọt lên 50.000 đô la và hai ngày qua giảm đôi chút. Nói chung đồng tiền ảo này tăng giảm gấp 10 lần so với thị trường chứng khoán, rất dễ đau tim !
Khác với cổ phiếu hay trái phiếu, bitcoin không mang lại cổ tức, giá trị của nó không gắn với một hiệu quả kinh tế nào. Do không chịu sự điều chỉnh của ngân hàng, được trao đổi trên những sàn giao dịch ít liên kết với nhau, bitcoin dễ bị tấn công hay gian lận. Tác giả ước tính mỗi năm có 2% lượng bitcoin mất đi vì tin tặc hay bị đánh cắp, ngoài ra còn bị đẩy giá như hồi 2017. Mỉa mai thay, di sản của Nakamoto - nhà sáng tạo bí ẩn tạo ra bitcoin như một đồng tiền không bị ngân hàng kiểm soát - có thể mở đường cho những dự án quy mô, qua đó các chính phủ hay doanh nghiệp nắm lấy quyền khống chế.
Báo chí chống lại GAFA : Bốn bài học từ cuộc chiến đấu của Úc
Le Figaro nhận định các cơ quan truyền thông trên thế giới đều dán mắt vào cuộc chiến giữa báo chí Úc với Google và Facebook về vấn đề thù lao cho nội dung, và lần này chừng thắng lợi đứng về phía các báo. Làm thế nào một quốc gia chỉ có 25 triệu dân có thể hạ được hai tập đoàn kỹ thuật số khổng lồ của toàn cầu ? Le Figaro rút ra bốn bài học.
Bài học đầu tiên là từ những cuộc chiến trước đó. Năm 2014, Tây Ban Nha là nước đầu tiên cố gắng chống lại việc mạng xã hội đăng lại miễn phí các bài báo, nhưng Google đóng dịch vụ và Madrid đành chịu thua. Châu Âu rút kinh nghiệm là cần phải ra luật. Dựa vào chỉ thị châu Âu về tác quyền, Pháp tiếp bước vào mùa hè 2019 với một cuộc chiến chính trị và tư pháp suốt một năm, rốt cuộc đạt được thỏa thuận với Google nhưng Facebook vẫn chưa ký. Dù vậy, Paris đã xoi thủng được một kẽ hở trong bức tường GAFA. Họ phải chấp nhận lùi bước trước nguyên tắc bất di bất dịch xưa nay là không bao giờ trả tiền cho nội dung.
Bài học thứ hai là sự tích cực của chính phủ. Nhà nước Úc cùng với lập pháp đều nhất trí với sau, hết sức kiên quyết. Thượng Viện đưa ra một luật ưu đãi cho báo chí khi đưa vào một điểm chính là lập cơ chế trọng tài. Và khi Facebook trả đũa bằng cách cấm mọi liên kết với các bài báo cũng như một số dịch vụ thiết yếu của chính phủ, thủ tướng Scott Morrisson đã ra tay, trong đó có một cuộc điện thoại thẳng thừng với Mark Zuckerberg. Việc lập cơ chế trọng tài thực sự là một loại « vũ khí hủy diệt hàng loạt ».
Bài học thứ ba, là cần có mặt trận báo chí mạnh mẽ. Úc không phải là một nước « lớn », nhưng là quê hương của Rupert Murdoch, nhà tài phiệt báo chí thế giới không hề ngán ngại GAFA. Đế quốc của ông không chỉ có bốn tờ báo lớn của Úc, mà cả những tên tuổi lớn ở Mỹ (Wall Street Journal, New York Post) và Anh (The Sun, The Times). Nhà tỉ phú đã đạt được thỏa thuận với Google, mà con số cụ thể được giữ bí mật.
Bài học cuối cùng là tranh thủ sự cạnh tranh, dựa vào một bên thứ ba để chống lại cặp Google-Facebook. Đó là trường hợp của Microsoft, chữ « M » trong GAFAM, vốn rất muốn hạ được hai đối thủ cạnh tranh. Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft không thể đọ được với Google, và mạng xã hội Linkedln cũng không phổ biến bằng nhóm Facebook (gồm cả Facebook, Instagram và WhatsApp), nhưng cũng không thể để yên cho cặp Google-Facebook tung hoành trên thị trường quảng cáo điện tử. Gặm nhấm được một ít trong chiếc bánh trị giá 350 tỉ đô la, cũng đáng để hỗ trợ báo chí một ít.
Trận đấu mới sẽ diễn ra tại châu Âu, nhất là tại Đức, với kinh nghiệm của Pháp và Úc. Nhưng để thay đổi hẳn thế cờ, cuộc chiến quan trọng nhất phải là tại Mỹ. Nhưng nước Mỹ dường như vẫn chưa chọn lựa được giữa báo chí và GAFA.
Miến Điện : Các sắc tộc cùng chống lại quân đội
Tựa chính các báo Paris hôm nay tập trung cho những vấn đề của nước Pháp, như kiểu chữ viết không phân biệt giới tính, vụ tấn công tin học khiến nửa triệu người Pháp bị lộ thông tin cá nhân, hiện tượng loạn luân. Về thời sự quốc tế, hồ sơ Miến Điện, các rắc rối pháp lý của cựu tổng thống Donald Trump…tiếp tục được chú ý.
La Croix chạy tựa « Người Miến Điện và các sắc tộc thiểu số đoàn kết chống lại giới quân sự ». Trong những cuộc biểu tình gần đây, bên cạnh người Miến - tức tộc người Bamar theo đạo Phật vốn chiếm đa số - còn có người Karen, Kachin, Mon, Shan, Chin…thậm chí cả người Rohingya vốn bị kỳ thị. Một hiện tượng hiếm hoi, tại một đất nước luôn diễn ra xung đột sắc tộc.
Theo chuyên gia Sophie Boisseau du Rocher của IFRI, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện, các sắc tộc thiểu số đoàn kết xung quanh bà Aung San Suu Kyi. Không phải họ ủng hộ đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà, mà để phản đối vụ đảo chính, vì biết rằng quân đội không phải là giải pháp cho vấn đề của họ. Riêng đối với những người Rohingya lưu vong, việc kẻ thù tệ hại nhất là quân đội nắm trọn quyền hành có nghĩa là hy vọng quay lại Miến Điện sẽ tan biến.
Giấc mơ Miến Điện thống nhất của tướng Aung San, cha bà Aung San Suu Kyi chưa bao giờ thành sự thật, các sắc tộc thiểu số nổi dậy chống sự thống trị của người Bamar sau khi giành độc lập. David Camroux, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CERI) giải thích : « Đó là một đất nước luôn đang trong tình trạng xây dựng. Để chứng minh cho sự tồn tại, quân đội luôn phá hoại những toan tính đoàn kết qua việc tạo dựng bình đẳng giữa các sắc tộc ». Bà Du Rocher khuyên nên thận trọng vì giới quân nhân biết khai thác sự chia rẽ, và vấn đề sắc tộc rất phức tạp.
Chức sắc Phật giáo Miến Điện đứng ngoài phong trào tranh đấu
Cũng về Miến Điện, Le Monde chú ý đến việc giới sư sãi đứng ngoài phong trào phản kháng. Cho dù có những nhà sư tham gia hoạt động bất tuân dân sự, nhưng giới chức sắc Phật giáo không hành động như hồi năm 2007, trong cuộc « cách mạng áo cà sa ».
Thông tín viên khu vực Đông Nam Á của Le Monde cho biết có nhiều nguyên nhân. Nhiều nhà sư thất vọng trước chính sách của đảng LND nhằm làm yếu đi sangha (chức sắc Phật giáo), giảm tài trợ nhà nước cho các cơ sở Phật giáo, nhất là các trường Phật học. Cựu bộ trưởng giáo dục còn đòi rút bộ chữ cái Miến Điện đã giúp dịch được kinh sách tiếng Phạn của Phật giáo Nam Tông, như bộ Tam tự kinh. Khi bà Aung San Suu Kyi còn nắm quyền, đã có thời kỳ căng thẳng vì bà bị cáo buộc đưa đất nước vào tiến trình « phi Phật giáo hóa ».
Từ khi đảo chính, quân đội cố gắng tranh thủ cảm tình của giới chức Phật giáo, và cả thiểu số Công giáo. Tướng Min Aung Hlaing loan báo cho mở cửa lại chùa chiền đã bị đóng từ một tháng trước do đại dịch Covid, và các giáo đường. Tân bộ trưởng Biên Giới, tướng Tun Tun Naung nhanh nhẩu đến ngôi chùa của vị sư nổi tiếng Sittagu để cúng đường và xin « tư vấn » về những bước đi sắp tới.
Thật ra giới Phật giáo cũng đã chia rẽ từ cuộc cách mạng áo cà sa, rồi đến năm 2012 qua sự xung đột giữa người Rohingya và Phật tử ở bang Arakan, với sự kích động của nhóm Phật giáo cực đoan Ma Ba Tha. Một số nhà sư ủng hộ dân chủ, nhưng đa số vẫn nghi ngại chính quyền cũ của bà Aung San Suu Kyi. Một nhà sư ở Rangoon thẳng thừng nói : « Tiếc rằng tướng Aung San đáng kính lại sinh ra một người con như bà Suu Kyi ».

---------- 

No comments:

Post a Comment