Sunday, February 7, 2021

Sự điên rồ của văn hóa tẩy chay(cancel culture)



Văn hóa tẩy chay là một trong những thứ tồi tệ nhất của phe cánh tả cấp tiến đối với xã hội của chúng ta. Nó đang rất lan tràn và ảnh hưởng của nó không có giới hạn; thậm chí tên của triết gia vĩ đại David Hume cũng đã bị gỡ bỏ khỏi một tòa nhà của Đại học Edinburgh vì những cáo buộc phân biệt chủng tộc.

Và chúng ta có thể chắc rằng sẽ có thêm nhiều nhân vật văn hóa nổi tiếng khác cũng sẽ sớm bị tẩy chay, bởi vì quá khứ sẽ mang tới bất kỳ những nạn nhân nào tiếp theo—chính vì đó là quá khứ.

Ngài Hume qua đời ở Edinburgh năm 1776. Chỉ cần một chút suy ngẫm về điều kiện sống thời đó cũng đủ để hiểu rằng việc lục lọi lại lịch sử nhằm tìm kiếm những kẻ phân biệt chủng tộc là ngu ngốc đến mức độ nào.

Trong suốt cuộc đời của ngài Hume, động cơ hơi nước, động cơ đốt trong và hàng không đều ở một tương lai rất xa. Phương tiện đi lại tốt nhất là bằng ngựa, nhưng hầu hết mọi người đều đi bộ. Người ta biết gì nhiều về thế giới và các nền văn hóa khác tại thời điểm này? Phần lớn mọi người hiếm khi rời khỏi khu vực nhỏ bao gồm ngôi làng của họ và một vài thị trấn lân cận mà việc trao đổi thương mại có thể dẫn họ tới. Hầu hết mọi người đều hiếm khi, hay chưa bao giờ, gặp người đến từ một quốc gia khác hoặc một chủng tộc khác, vì vậy mà họ hầu như không biết gì về những nền văn hóa khác. (Đài phát thanh, phim ảnh và truyền hình cũng vẫn còn ở một tương lai xa.)

Trong một thế giới với những hạn chế như vậy, tư duy kiểu bộ lạc chắc chắn là phổ biến: Người ta chỉ liên lac với những người họ biết. Nhiều lắm thì họ cũng chỉ có những hình dung mơ hồ về những thứ họ chưa bao giờ nhìn thấy, và theo lẽ tự nhiên sẽ cảm thấy e ngại nhiều hơn là thiện cảm đối với chúng. Gọi những người đàn ông và phụ nữ thời ấy là những người phân biệt chủng tộc khi họ biết quá ít về các dân tộc khác là một điều ngớ ngẩn.

Bởi vì các nền văn hóa khi đó hầu như đều cách biệt nhau, nên chúng có thể ở các giai đoạn phát triển rất khác nhau, và việc đó cũng lại củng cố lối tư duy kiểu bộ lạc. Trong thời đại của chúng ta, hầu hết các nền văn hóa đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những nền văn hóa có công nghệ tiên tiến nhất, vì vậy tất cả đều có thể tiếp cận với các công nghệ hiện đại được phát triển chủ yếu bởi người Âu Châu. Nhưng vào thời của Hume, nhiều nền văn hóa vẫn còn sơ khai về mặt công nghệ. Sự khác biệt lớn trong quá trình phát triển đương nhiên sẽ khiến những người thuộc nền văn hóa có công nghệ cao hơn xem thường những người khác mỗi khi có sự tiếp xúc. Đây được cho là tội của Hume, nhưng tội này của ông ấy thì dường như ai cũng có.

Tuy nhiên, nguyên nhân khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn là khi các nền văn hóa ở các giai đoạn phát triển khác nhau tiếp xúc, phong tục của địa phương này có thể là sự ghê tởm ở địa phương khác. Ăn thịt đồng loại, hiến tế người, và tra tấn theo nghi lễ là sự kinh khủng đối với hầu hết người Âu Châu, và họ thường dùng những từ như “lạc hậu” và “man rợ” khi phản ứng về chúng. Điều đó có biến họ thành những người phân biệt chủng tộc không? Tất nhiên là không, bởi vì hầu hết những người hiện đại cũng sẽ có đánh giá tương tự khi đối mặt với những hành vi như vậy.

Vẫn còn một lý do khác khiến những người thời xưa có thể e ngại, đó là bất kỳ sự xuất hiện đột ngột nào của một số lượng đáng kể những người từ các bộ lạc hoặc nền văn hóa khác đều có thể là sự rắc rối.

Ở Phi Châu cũng như ở Bắc Mỹ, các bộ lạc đã chiến tranh với nhau liên tục—và cũng bắt người làm nô lệ—và phần còn lại của thế giới cũng không khác gì. Các nền văn hóa Á Châu thỉnh thoảng càn quét vào Âu Châu từ phía đông và gây ra sự hoảng loạn lẫn hỗn loạn. Những đợt cướp phá của người Viking đã làm khiếp sợ các vùng ven biển của Âu Châu trong nhiều thế kỷ.

Khi quý vị thường có trải nghiệm tồi tệ về các nền văn hóa khác, thì tư duy bộ lạc là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Bất kỳ quốc gia nào có láng giềng mạnh hơn đều thường xuyên sống trong nỗi sợ hãi bị xâm lược. Cách tốt nhất để ngăn chặn việc bị xâm lược là làm cho đất nước của mình mạnh hơn thông qua việc mở rộng nó. Điều đó khiến chúng ta khó có thể tách biệt được sự thận trọng và tính hiếu chiến vào thời xưa, nhưng việc phân biệt chủng tộc không có liên quan gì đến chuyện này.

Vì tất cả những lý do trên, một cáo buộc “phân biệt chủng tộc!” được đưa ra, chẳng hạn như nói, vào năm 1750, sẽ đơn giản là khiến mọi người không thể lý giải được. Đó là một thế giới khác. Thế giới đó đã thay đổi như thế nào? Nó đã thay đổi vì các quốc gia Âu Châu đã trở nên có học thức và giàu có hơn. Mong muốn tìm hiểu về phần còn lại của thế giới đã làm giảm bớt sự sợ hãi về các nền văn hóa khác. 

Thời kỳ Khai sáng Âu Châu đã thúc đẩy nhận thức rằng tất cả chúng ta đều có chung một giá trị nhân văn, tư tưởng này đã bắt đầu thay thế cho tư duy bộ lạc phổ biến trước đó. Điều này, đến lượt nó, đã dẫn đến sự thành công của phong trào chấm dứt chế độ nô lệ. Khi những tư tưởng Khai sáng lan rộng khắp thế giới, chế độ nô lệ cũng bắt đầu biến mất.

Trước khi đưa ra những phán xét về mặt đạo đức đối với tư duy bộ lạc hay “phân biệt chủng tộc,” chúng ta thực sự cần phải biết quá trình chuyển đổi từ tư duy bộ lạc sang những tư tưởng Khai sáng đã diễn ra như thế nào tại một thời điểm và địa điểm cụ thể. Không có ý nghĩa gì khi chỉ trích một người sống vào năm 1750 về những tư tưởng mà hầu như cả xã hội đều có vào thời điểm đó.

Nhưng sự điên rồ của những kẻ tỉnh thức và chống phân biệt chủng tộc ngày nay thậm chí còn vượt xa hơn thế, vì những người này có xu hướng tấn công những người đã đi trước thời đại của họ, chỉ vì họ không phát triển bằng thời đại của chúng ta. Điều trớ trêu là khi chọn tấn công ngài Hume thì họ lại là những người thua cuộc. Vì Edinburgh là nơi phát triển và lan rộng của phong trào Khai sáng, và ngài Hume là một nhân vật dẫn đầu. Vậy những giá trị tỉnh thức còn lại là gì, ngoài sự nhạo báng và hạ thấp những ý tưởng Khai sáng?

Việc tẩy chay ngài Hume cho chúng ta thấy sự thiếu hiểu biết đáng kinh ngạc về lịch sử nhân loại đã trở nên phổ biến đến mức nào. Giờ đây, ngay cả Đại học Edinburgh dường như cũng chia sẻ sự thiếu hiểu biết đó — hay chỉ đơn giản là họ bị đám đông tỉnh thức này đe dọa?

Ông John M. Ellis là giáo sư danh dự tại Đại học California–Santa Cruz, là chủ tịch Hiệp hội các học giả California, và là tác giả của nhiều cuốn sách, gần đây nhất là cuốn “Sự suy sụp của giáo dục đại học: Nó đã diễn ra như thế nào, thiệt hại nó đã gây ra, và những gì có thể làm.”

John M. Ellis _ Chân Thư
Source: baomai.blogspot.com

No comments:

Post a Comment