Tuesday, February 16, 2021

Miền Nam thay đổi 

Không biết từ bao giờ người bán hàng ở Sài Gòn biết chơi chiêu gian dối, lừa đảo người mua hàng kiểu 1/2 kg như vầy. Ai ba chớp ba nháng nhào vô là dính (Xem hình) 

Ngày xưa không có cái này 

Nhìn vô 10.000 đồng 1/2 kg, số 1 lớn chà bá, số 2 nhỏ xíu sẽ làm nhiều người đi đường nhìn không rõ dính bẫy. Khi biết chỉ là nữa kg có nhiều người sẽ không mua, nhưng đa phần người Nam Kỳ có tánh sĩ diện, thành ra có lỡ cũng phải mua, vậy là người bán trót lọt 

Ta gọi cái chuyện này là gian manh.

Thói gian manh này học được từ mấy bà bán hàng rong từ ngoài Bắc đi vô Nam chứ ai. 

Sau 1975 tới nay rất nhiều giá trị Nam Kỳ đã biến mất 

Trước năm 1975, người Nam Kỳ nhà nghèo khi mua gạo về nấu cơm chỉ tính lít gạo chứ không tính kg như hiện nay, thành ra mới có câu "Nhà nghèo đong gạo lít", "nhà mạt mua gạo lon" 

Con gái thấy nhà trai con đông mua gạo từng lon từng lít nó sợ xanh mặt không bao giờ dám về làm dâu. 

Nhà giàu thì mua gạo giạ, bỏ vô bao tời chỉ xanh, nhà đông con một tháng ăn hết hai giạ gạo. 

Cái giạ là cái thùng tròn (cái nữa giạ gọi là cái táo) do người Pháp quy định,tính 1 giạ bằng 40 lít, nữa giạ là một táo 20 lít.

Thời Nguyễn ở Nam Kỳ có cái giạ hình vuông, một giạ bằng 13 thưng, bằng 26 đấu.

Người Nam Kỳ đong lúa, đong gạo bằng giạ hết. Nếu quy ra thì một giạ bằng 40 lít, bằng 20 tới 25 kg. 

Khi đong, người chân thực đong đủ, tức gạt ngang miệng giạ, người rộng rãi đong giạ vun (giạ già), kẻ gian manh đong giạ sét (giạ non) khi gạo hay lúa bị hõm xuống. 

Người Miền Bắc không tính giạ, đất đai xứ này ít đồng bằng mà dân đông, thành ra tính lúa hay gạo đều quy ra "cân" hết, một cân thóc, một cân gạo là một kg thóc, một kg gạo.

Người Miền Nam tính gạo kg là nở rộ sau 1975, có từ thời bao cấp ở các hợp tác xã ,công ty lương thực nơi mấy bà Bắc Kỳ hét ra lửa.

Người Nam Kỳ bán chất lỏng như nước mắm, rượu đế, dấm, nước tương, xăng, dầu hôi, dầu phộng, dầu hào, dầu mè thì tính lít và xị, bốn xị thành một lít (=1000 ml). Có cái quặng múc chất lỏng kêu là cái cống.

Một đôi nước uống (2 thùng nước) là 40 lít nước. Mấy bà gánh nước mướn tính đôi cho chủ nhà, có bà chỉ nhận từ chục đôi trở lên. 

Nam Kỳ xưa có thói quen mua bán tính chục, tính mớ với trái cây, tức xưa không tính kg. 

Chục ở Sài Gòn và chung quanh như Long An, Bình Dương ,Biên Hòa xưa là 12 trái. Thời tôi còn nhỏ đã mua chục 12 rồi. Có những loại trái cây quý hiếm như măng cụt thì chục có khi là 10. 

Ở Miền Tây trái cây thì tính chục gồm 12, 14, 16, 18 ,có nơi 24 trái.

Tân An, 1 chục trái cây được tính từ 12, 14 cho đến 16 trái tùy buổi chợ.

Định Tường, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp tính chục trái cây 12, Cao Lãnh chục 18, Cái Mơn chục trái cây 12, Mỏ Cày chục 14, Bến Tre bán xoài tính chục 16. 

Sóc Trăng trước 1975 chục 14 trái, sau năm 1975 chục chỉ còn 12, nay tính kg. Trà Vinh tính chục trái cây 12, 14. 

Cau ăn trầu bán chục 16 trái cho mấy bà già thường ăn trầu, mua đám cưới thì tính quày, tính buồng. 

Các loại bánh ít, bánh ú, bánh dừa, bánh bông lan tính chục 12 cái, trả giá chơi luôn chục 14 cái. 

"Bảy với ba tính ra một chục
Tam tứ lục tính lại cửu chương
Liệu bề thương được thì thương
Ðừng trao gánh nặng giữa đường cho em"

Trái cây có nơi bán mớ, rau cải bán mớ, cá tôm cũng bán mớ. Một mớ là một rổ, một đống, nói chung nhìn mắt mà quy ra. 

Rau cải ngày xưa cũng bán bó, bó nhỏ và bó lớn có giá khác nhau. Đồ hàng bông la gim như cải nồi, bông cải thì bán bắp, tức nguyên một cái mà tính lên, có chổ tính ký, nhưng không phổ biến. 

Chuối mua sỉ thì tính quày, mua lẻ thì tính nải, cứ từng nải mà tính, giá rẻ rề. 

Mua mía thì tính bó, một bó từ 12 cây trở lên. Dừa cũng tính chục 12, mua lẻ tính trái.

Lá chuối gói bánh khi mua thì tính theo xấp, một xấp có rất nhiều tàu lá rọc sẵn.

Lá dừa nước lợp nhà tính là thiên, một thiên bằng 1000 tào lá xé đôi, 1 thiên gạch bằng 1.000 cục, 1 thiên lúa là 100 giạ.

Khi đi mua cá thì Nam Kỳ xưa tính mớ, nhìn cá trong thau mà định giá, rẻ rề, sau tính ký. Mua cua thì tính mớ hoặc tính con. 

Mua thịt, mua gà thì tính ký, một ký (kg), 2 ký rồi nữa ký và mua bán phổ biến là gam (gram). Mức tính là 50g, 100g, 200g, 500g, 1kg, 2kg (Lái heo mua heo ở nhà dân tính bằng tạ, một tạ là 100 kg). 

Đặc biệt không có chữ "lạng" như bây giờ, lạng là bị BK "hóa" sau 1975. 

Ngày nay tới lá chuối cũng tính ký, mua mía, mua chuối cũng tính ký.

Mà bây giờ đi chợ Nam Kỳ nhưng nghe "Cho em hai lạng thịt " ,"Bán em miếng thịt ba chỉ" , bà mua "Bán em ba lạng thịt bò thăn, thái dùm em" , bà bán sẽ "Chờ tí, chị sẽ thái cho em ", rồi "Em mua xương về ninh nước dùng" nghe rất trái cái lổ nhỉ, khó chịu trong lòng, cái chữ gram biến mất, chữ ba rọi, nước lèo cũng biến mất, thái, nước dùng là cái giống gì? 

Nói chung đó là quá trình đồng hóa từ trong truyền hình, tuyên truyền và từ chính chánh quyền sở tại ở Miền Nam sau này.

Bạn sẽ hết hồn khi tại bến xe ở Miền Nam có bảng ghi "Chỗ đỗ xe" , rồi có nơi ghi "Cấm vất rác". Đúng ra phải là "Nơi đậu xe" và "Cấm đổ rác" chứ. 

Nói chung sau 1975 khi Miền Nam đón làn sóng di dân từ Miền Bắc vô cùng quá trình tuyên truyền của người cầm quyền khi họ đã xài những từ ngữ của vùng miền họ mà họ cho là "chuẩn" và ép dân Miền Nam ruột thịt xài nó trong giáo dục, truyền thông. Nhiều người Miền Nam vô ý thức đã hồn nhiên tự thay đổi bản thân mình mà không hay.

Nên nhớ,cái riêng của mình mà giữ không được thì sẽ không còn là mình nữa.

Không yêu cầu bạn thuộc những sự kiện lịch sử của Miền Nam vì bản chất bạn vốn hời hợt, nhưng bạn phát ngôn ra phải biết văn nào của mình, chữ nào của người ,phải giữ cái của mình để mình còn đường tồn tại mai sau. 

Hãy cúi xuống, hãy chạnh lòng nhớ mình là người Nam Kỳ Lục Tỉnh, người Miền Nam 

"Tôi đưa em về vườn bông trái Lái Thiêu
Ngọt bưởi Biên Hòa phù sa bát ngát
Em ngủ vai tôi ngậm tròn nước mắt
Em ngủ vai tôi tiếng hát êm đềm:
"Nhà Bè nước chảy chia hai 
Ai về Gia Ðịnh-Ðồng Nai thì về".

https://safechat.com/post/2799366173858005619

No comments:

Post a Comment