Saturday, January 2, 2021


TIN TỨC - 1/1/2021

CẬP NHẬT TRANH CỬ

Kiểm phiếu cử tri đoàn

Ngày 6/1, thượng viện và hạ viện sẽ họp chung dưới sự chủ tọa của PTT Pence trong tư cách chủ tịch thượng viện, để kiểm phiếu của cử tri đoàn bầu tổng thống. PTT chỉ chủ tọa việc kiểm phiếu cho đúng thủ tục thôi, chứ không có quyền tự ý chấp nhận hay bác bỏ bất cứ gì. Những tin PTT có toàn quyền chấp nhận hay bác bỏ bất cứ chuyện gì, kể cả việc bác bỏ danh sách cử tri đoàn đã được thống đốc chính thức ký, có vẻ vô căn cứ.

Cử tri đoàn đã bầu hôm 14/12 rồi. Đó là cuộc bầu tổng thống chính thức. Kết quả bầu cử của cử tri đoàn đã được niêm phong, gửi cho thượng viện. Ngày 6/1 các phong bì thư sẽ được công khai mở và công bố. 

Nếu không ai phản đối, cụ Biden sẽ thắng vì cử tri đoàn đã bầu cho cụ Biden với 306 phiếu và TT Trump 232 phiếu, vì đây là kết quả chính thức. Chỉ khi nào danh sách của các tiểu bang bị chính thức phản kháng và sửa đổi trong cuộc kiểm phiếu thì mới có kết quả khác.

Nếu có một dân biểu VÀ một thượng nghị sĩ phản đối bằng văn thư chính thức -in-writing- một danh sách của một tiểu bang nào đó, thượng viện và hạ viện sẽ họp riêng để biểu quyết về lý do phản đối và tính hợp pháp của danh sách cử tri đoàn của cả tiểu bang. Trong hai phiên họp riêng đó, một số giới hạn dân biểu và nghị sĩ sẽ được phát biểu ý kiến, nhưng mỗi người chỉ được nói tối đa 5 phút, và cuộc họp cho mỗi tiểu bang bị phản đối chỉ được kéo dài tối đa 2 tiếng đồng hồ, rồi biểu quyết. Mỗi thượng nghị sĩ và mỗi dân biểu (chứ không phải mỗi tiểu bang) có một phiếu, đa số thắng. Nếu phản đối được cả hai viện chấp nhận, phiếu của tiểu bang đó sẽ không được nhìn nhận. Nếu phản đối bị cả hai viện bác, danh sách chính thức do thống đốc ký sẽ có giá trị. Cuộc kiểm phiếu năm nay được dự đoán sẽ có phản đối chống danh sách của ít nhất sáu tiểu bang, nếu trường hợp mỗi tiểu bang được thảo luận hai tiếng, thì buổi kiểm phiếu có thể sẽ mất ít nhất hai ngày.

Nếu có phản đối, hạ viện biểu quyết với mỗi dân biểu một phiếu thì đảng DC sẽ thắng vì họ nắm đa số 222-212. Trừ phi có ít nhất 6 dân biểu DC ‘phản đảng’, là điều khó xẩy ra. Với phe CH nắm đa số 50-48, có nhiều triển vọng thượng viện sẽ biểu quyết khác với hạ viện. 

Trong trường hợp đảng DC chiếm được cả hai ghế thượng nghị sĩ tại Georgia, hai bên sẽ ngang nhau 50-50, và PTT Pence sẽ có tiếng nói quyết định vì nhiệm kỳ đương kim PTT kiêm chủ tịch thượng viện của ông chỉ chắm dứt ngày 20/1/2021.

Nếu có khác biệt giữa hai biểu quyết của thượng viện và hạ viện, danh sách do thống đốc ký xác nhận sẽ được chấp nhận.

Kết quả chính thức của việc kiểm phiếu sẽ được PTT Pence tuyên đọc, và người đắc cử sẽ chính thức là tổng thống đắc cử, chờ tới 20/1 sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Trong trường hợp danh sách của nhiều tiểu bang không được thừa nhận, đưa đến tình trạng không có ứng cử viên nào hội đủ 270 phiếu để đắc cử thì việc bầu TT và PTT sẽ được trao cho quốc hội.

Hạ viện sẽ bầu tổng thống, toàn quyền bầu trong danh sách 3 ứng cử viên được nhiều phiếu cử tri đoàn nhất, với mỗi tiểu bang một phiếu (không phải mỗi dân biểu một phiếu), tính theo số dân biểu CH hay DC của hai đảng trong khối dân biểu đại diện cho tiểu bang. Ai có nhiều phiếu nhất sẽ thắng. Hiện nay, đảng CH nắm đa số tại 27 tiểu bang, đảng DC có 20, và 3 tiểu bang có số dân biểu CH và DC ngang nhau. Trong kịch bản này, có nhiều hy vọng TT Trump sẽ tái đắc cử.

Thượng viện sẽ bầu phó tổng thống, với mỗi nghị sĩ một phiếu. Hiện nay CH nắm đa số sẽ bầu cho PTT Pence, và ông sẽ tái đắc cử. Cho dù DC thắng thêm hai ghế tại Georgia, thì CH vẫn thắng với lá phiếu quyết định của PTT Pence.

Có người đã viết hạ viện sẽ bầu cả tổng thống lẫn phó tổng thống, với người nhiều phiếu nhất là tổng thống và người về nhì làm phó. Đó là điều khoản trong Hiến Pháp nguyên thủy, trước Tu Chính XII.

Nguyên văn Tu Chính XII:


Nhìn vào thủ tục trên, hy vọng của TT Trump lật ngược kết quả bầu rất mong manh trong cuộc kiểm phiếu cử tri đoàn, nhưng nếu vượt qua được chặng này, lại chắc chắn thắng cử nếu hạ viện bầu. Thế mới nói không có xứ nào có những thủ tục bầu cử nhiêu khê như Mỹ. Bài viết dưới đây về thủ tục kiểm phiếu cử tri đoàn, kẻ này đọc 10 hiểu 3 đã đủ để tự phục rồi.

Thủ tục này có rắc rối mới khi một số dân biểu CH đã nộp một danh sách cử tri đoàn do họ bổ nhiệm, bầu cho TT Trump và nộp cho thượng viện, không có chữ ký của thống đốc. Cái rắc rối là Hiến Pháp chỉ đề cập đến danh sách cử tri đoàn do ‘tiểu bang’ đệ nạp, mà không viết rõ ai là tiểu bang, thống đốc hay hạ viện? Do đó, cho tới nay, không rõ danh sách của thống đốc và danh sách của hạ viện tiểu bang, danh sách nào sẽ được chính thức chấp nhận. Có thể hai viện sẽ phải biểu quyết chấp nhận danh sách nào.

Hai chính đảng ‘đổi dép’

Chính trị Mỹ như tuồng cải lương, với các đào kép thay quần đổi áo, thay mũ đổi dép cho mỗi màn.

Năm xưa, khi kiểm phiếu cuộc bầu TT Bush con, phe DC phản kháng phiếu của những tiểu bang then chốt bầu cho Bush. Nổi đình nổi đám nhất là bà dân biểu Stephanie Tubbs của Ohio phản đối danh sách của Ohio, được bà thượng nghị sĩ Barbara Boxer của Cali hỗ trợ. Nếu phiếu của Ohio bị bác, TT Bush con sẽ không đủ 270 phiếu , quốc hội khi đó trong tay đảng DC, sẽ bầu PTT Al Gore. Rốt cuộc phản kháng bị bác và đa số cả hạ viện lẫn thượng viện chấp nhận danh sách do thống đốc Ohio ký và đệ nạp.

Bây giờ, khi thượng nghị sĩ CH Josh Hawley lên tiếng cho biết ông sẽ hậu thuẫn những phản kháng đã được cả nửa tá dân biểu CH đe dọa, phe DC hô hoán đảng CH coi thường Hiến Pháp, là “chó sủa mặt trăng”, theo TNS Dick Durbin DC của Illinois. Chính ông Durbin năm xưa lại là người lớn tiếng ca tụng hai bà phản kháng phiếu của Ohio.

Ông Durbin khi đó không phải là người duy nhất hỗ trợ phản kháng: đã có tới 31 dân biểu DC biểu quyết bác bỏ danh sách của Ohio. Bây giờ tất cả đều nhất loạt thay áo đổi giầy, lớn tiếng công kích mọi phản kháng là không tôn trọng Hiến Pháp.

Đặc biệt là chính bà chủ tịch Nancy Pelosi năm xưa đã biểu quyết bác bỏ danh sách của Ohio, bây giờ cũng đổi dép, lớn tiếng công kích phe CH muốn ‘phá’ kết quả bầu cử.

Các chính khách luôn là những người muôn mặt, dẻo lưỡi, chỉ có đám cử tri của họ mới là loại cuồng.

Chuyện thiết quân luật

Tiếp theo việc TT Trump tuýt “Martial law = Fake news”, bà Jenna Ellis, luật sư chính thức của TT Trump, đã tuýt bác bỏ chuyện thiết quân luật. Theo bà Ellis, nước Mỹ có luật pháp rõ ràng mà tất cả đều phải tôn trọng.

Trong thời gian qua, tiếp theo việc tướng Michael Flynn kêu gọi thiết quân luật, tịch thu các máy bầu cử, ra lệnh bầu lại tại một số tiểu bang đang tranh cãi, nhiều người đã lớn tiếng cổ võ theo, đòi TT Trump thiết quân luật, làm y như tướng Flynn kêu gọi.

Thật ra tướng Flynn có vẻ như cố tình đóng vai quá khích, cốt ý để TT Trump được coi như một người tương đối ôn hòa và biết điều hơn.

Tất cả những người hiểu nước Mỹ đều biết Mỹ không phải là VNCH dưới thời các tướng lãnh thay nhau thiết quân luật, đảo chánh chiếm quyền. Ở Mỹ, không có ông tướng nào muốn dính dáng vào chính trị và không có ông tướng nào sẵn sàng ra lệnh lính của mình xuống đường đảo chánh hết. 

Trong quá khứ, Mỹ đã có thiết quân luật trong thời nội chiến dưới TT Lincoln, hoặc trong vài trường hợp khẩn cấp, có ‘giới nghiêm’ quân sự giới hạn trong một vài khu vực nhỏ để chống bạo loạn, không bao giờ có chuyện thiết quân luật cả tiểu bang để duy trì quyền hành của tổng thống hay 'bảo vệ Hiến Pháp'.


TT Trump kiện Wisconsin

Chỉ còn vài ngày nữa là quốc hội liên bang sẽ họp để kiểm tra phiếu cử tri đoàn. Dù vậy, Ủy Ban Vận động của TT Trump cũng vẫn nộp đơn lên Tối Cao Pháp Viện, kiện tiểu bang Wisconsin vì TCPV tiểu bang đã bác bỏ, không thụ lý đơn của Ủy Ban kiện tiểu bang gian lận bầu cử. 

CẬP NHẬT TRANH CỬ GEORGIA

Cuộc bầu cử hai thượng nghị sĩ liên bang tại Georgia còn chưa tới một tuần nữa. Ai cũng ý thức được tầm mức cực kỳ quan trọng vì hai cuộc bầu này sẽ quyết định đảng nào nắm đa số tại thượng viện.

Đảng DC đã gây quỹ được tới trên 100 triệu cho mỗi ứng cử viên của họ, hơn xa các ứng cử viên CH, với hầu hết số tiền thu góp được từ ngoài tiểu bang, đặc biệt là từ Cali và New York.

Cụ Biden tuần trước đã đích thân xuống Georgia để vận động cho hai con gà nhà, trong khi TT Trump dự trù sẽ tới Georgia đầu tuần tới.

Đảng CH thua cả hai thì số ghế sẽ ngang nhau 50-50, nhưng đảng DC sẽ nắm đa số với bà PTT Kamala Harris là chủ tịch thượng viện (nếu liên danh Biden-Harris được xác nhận đắc cử). CH hiện đang có 50 ghế, chỉ cần thắng 1 ghế là sẽ nắm đa số.

Việc nắm đa số, cho dù với một ghế, cũng rất quan trọng vì đảng đa số sẽ có quyền bổ nhiệm tất cả chủ tịch các ủy ban, và cũng có quyền quyết định nghị trình, cho thảo luận và biểu quyết chuyện gì, đồng thời cũng có tiếng nói mạnh hơn trong việc phê chuẩn nội các và bổ nhiệm các thẩm phán, kể cả thẩm phán Tối Cao Pháp Viện liên bang.

CỤ BIDEN NGỤY BIỆN VỚ VẨN

Trong khi vụ tham nhũng của cậu ấm Hunter Biden lùm xùm trở lại, qua các cuộc điều tra được bộ Tư Pháp, FBI, sở thuế IRS, và công tố tiểu bang Delaware phát động, thì cụ Biden vẫn khăng khăng khẳng định ông công tử của cụ trong trắng hơn ma sơ.

Mới đây, cụ đã đi thêm một bước nữa, công khai tố cáo tất cả những tố giác chỉ là đòn phép xuyên tạc của… Putin là đồng minh của TT Trump, thù ghét muốn chống phá cụ.

Một ký giả ‘gà nhà’ hỏi một câu hỏi kiểu ‘mớm mồi cho cụ, hỏi “có phải những tố giác về anh Hunter đều là những đòn xuyên tạc của Putin không?”, cụ Biden mừng rỡ, trả lời ngay “Yes, yes, yes”.

Hai tờ báo phe ta, New York Times và Washington Post, thấy chuyện quá lố bịch, đã không loan tin về cuộc trao đổi này.

TIN TRỢ CẤP

TT Trump ký cho 600 đô
Sau khi phàn nàn, khiếu nại về gói trợ cấp mà quốc hội vừa phê chuẩn, TT Trump cuối cùng đã ký thông qua một gói cứu trợ trị giá khoảng 900 tỷ, trong đó có điều khoản quan trọng nhất cho dân, là trợ cấp đặc biệt 600 đô cho mỗi người và mỗi trẻ em dưới 17 tuổi luôn. Gói cứu trợ này nằm trong một ngân sách chung cho cả liên bang trị giá 1.400 tỷ đô cho thời gian từ đầu tháng Giêng tới cuối tháng Chín năm tới, với tổng cộng cả gói là 2.300 tỷ đô.

Nếu không có luộm thuộm hành chánh gì, thì mọi người sẽ nhận được tiền vào tuần tới. Cũng như lần trước, không ai cần làm đơn xin gì hết, sở thuế IRS sẽ tính tiền cho mỗi người rồi chuyển thẳng vào trương mục ngân hàng, hay gửi chi phiếu về thẳng nhà.

TT Trump hứa mọi người sẽ có thêm tiền sớm. Đó là chuyện của quốc hội phải làm. Phe DC đã mau mắn đệ nạp một tu chính đặc biệt để cấp mỗi người thêm 1.400 đô nữa cho đủ 2.000 đô mà TT Trump kêu gọi. 

Hạ Viện thông qua 2.000 đô
Các dân biểu DC đã đệ nạp dự luật phụ đính, tăng số tiền cứu trợ COVID lên tới 2.000 đô cho mỗi người, thay vì 600 đô.

Dự luật đã được thông qua dù đã có 130 dân biểu CH và 2 dân biểu DC chống. Khối CH trong quốc hội đã chống lại ý kiến này vì chỉ có cho dân thêm tiền mà không cắt giảm bớt tiền trợ cấp cho các tiểu bang và địa phương như phe CH và TT Trump đòi hỏi, sẽ đưa đến thâm thủng ngân sách và công nợ quá lớn.

Thượng viện chưa sẵn sàng
Lãnh tụ khối đa số CH tại thượng viện, TNS McConnell cho biết không có lộ trình thực tế cho việc thông qua tu chính gói cứu trợ, tăng tiền cứu trợ cá nhân từ 600 lên tới 2.000 đô. Nghĩa là tuần tới, mọi người sẽ nhận được 600 đô thôi. Số tiền phụ trội sẽ tùy thuộc các nghị sĩ và dân biểu đấu võ với nhau.

QUỐC HỘI VƯỢT QUA PHỦ QUYẾT CỦA TT TRUMP

Sau khi TT Trump phủ quyết dự luật ngân sách quốc phòng 741 tỷ, hạ viện đã biểu quyết vượt qua phủ quyết với tỷ số 322-87, với 66 dân biểu CH và 21 dân biểu biểu quyết chấp nhận phủ quyết của TT Trump.

Sau đó, thượng viện cũng đã biểu quyết vượt qua phủ quyết của TT Trump với tỷ lệ 81-13.

Đây là lần đầu tiên lưỡng viện vượt qua phủ quyết của TT Trump.


Về chuyện này, xin được đăng lại tin của DĐTC tuần trước:

TT Trump đã chính thức phủ quyết luật về ngân sách quốc phòng mới nhất, trị giá 741 tỷ đô. Theo TT Trump, ông phủ quyết vì nhiều vấn đề: điều khoản 230, việc đổi tên các căn cứ quân sự, việc không rút thêm quân tại Afghanistan và Đức.

Điều khoản 230 cấm không được thưa kiện các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter,… TT Trump phản đối việc cấm truy tố này vì ông cho rằng sẽ đe dọa an ninh quốc gia, nếu cho các trang mạng này tha hồ loan tin, có thể có nhiều tin gây hại lớn cho an ninh quốc gia.

Luật quốc phòng mới chạy theo ‘phải đạo chính trị’, muốn cho phép việc đổi tên các căn cứ quân sự, bỏ tên các nhân vật liên quan đến chuyện kỳ thị màu da, đặc biệt là các lãnh đạo và tướng quân miền Nam trong nội chiến Mỹ. TT Trump chống lại việc viết lại lịch sử của khối cấp tiến.

TT Trump có ý định rút thêm lính Mỹ từ Afghanistan về Mỹ, và giảm quân số tại Đức, chuyển qua Ba Lan. Luật quốc phòng bắt TT phải có sự đồng ý của quốc hội mới rút quân được.

Luật sư Lin Wood cũng đã cho biết dự luật còn có điều khoản nữa mà TT Trump bác bỏ. Đó là việc cấm không cho tổng thống quyền sử dụng quân đội chính quy -không phải National Guard- để dẹp loạn nội bộ nếu không có sự đồng ý của quốc hội. 

Tuần tới, thượng viện và hạ viện sẽ biểu quyết có vượt qua phủ quyết của TT Trump hay không. Cần 2/3 thượng viện và hạ viện để vượt qua.

Thực tế, các phản đối của TT Trump đều là những chi tiết. Vấn đề chính là sự tranh dành quyền lực giữa hành pháp và lập pháp đã có từ không biết bao nhiêu đời tổng thống, mà thí dụ lớn nhất là việc quốc hội năm 1973 đã thông qua War Powers Act để bắt các tổng thống phải có sự đồng ý của quốc hội mới tham gia chiến tranh ngoài nước Mỹ được. Là chuyện thường tình. Tất cả các TT Clinton, Bush con và Obama trước đây đều đã phủ quyết dự luật ngân sách vì lý do này, lý do nọ, dù họ đều biết là quốc hội sẽ vượt qua phủ quyết. Chính xác nhất, phủ quyết chỉ là một tuyên cáo của tổng thống không muốn lập pháp chuyên quyền, gặm nhấm quyền của hành pháp thôi.

TIN TOÀ ÁN

Tòa kháng án khu vực District of Columbia, vùng thủ đô Washington, đã ra phán quyết mới về việc các dân biểu DC kiện đòi coi giấy thuế của TT Trump từ 8 năm qua.

Vụ kiện này trước đây đã lên tới Tối Cao Pháp Viện liên bang, và tại đây, đã có phán quyết trả vụ kiện lại cho tòa dưới để nghiên cứu kỹ hơn việc phân chia quyền lực giữa hành pháp và lập pháp.

Bây giờ, tòa dưới đã lấy phán quyết tương, trả vụ kiện xuống tòa sơ thẩm DC để thi hành phán quyết của TCPV.

CNN VÀ TT TRUMP

Hai nhà báo của CNN, Jim Acosta và Jake Tapper, đã lên tiếng thú nhận công việc của mấy anh đó với TT Biden sẽ dễ thở, đỡ mệt hơn.

Những lời ‘thú tội’ của CNN là bằng chứng cụ thể nhất CNN đã cố gắng cỡ nào để moi móc và bôi bác, xuyên tạc TT Trump. Anh Acosta, nói thẳng thừng khi mà TT Trump tố cáo truyền thông nói láo, là fake news, thì anh ta không thể chấp nhận được và bằng mọi giạ phải triệt hạ ông ta.

Nhà bình luận của Fox News, Howard Kuntz nhận định dưới thời Trump, công kích tổng thống sẽ có nhiều người ủng hộ, theo dõi trên các bài báo, phóng sự và diễn đàn hơn, sẽ có nhiều tiền hơn. Ngược lại, đánh cụ Biden như thế sẽ mất hậu thuẫn và mất tiền.

TT TRUMP ĐƯỢC NGƯỠNG MỘ NHẤT

Giữa đám mây mù bầu cử, TT Trump lại là người được dân Mỹ ngưỡng mộ nhất thế giới! “Ngưỡng mộ” là VL dịch từ “admire”.

Theo một thăm dò thường niên của Gallup, năm nay, TT Trump đã được 18% dân Mỹ cho là người đáng ngưỡng mộ nhất. Sau lưng ông là TT Obama với 15%, cụ Biden 9%, bác sĩ Fauci 3%, và Đức Giáo Hoàng Francis 2%.

Trong hai năm trước, 2017 và 2018, TT Trump xếp hạng nhì sau TT Obama, là người đã giữ chức vô địch trong 12 năm liền.

Một cụ DUT nặng bên Đức (chuyện bình thường bên Âu Châu!), đã diễn giải ngay TT Trump được ngưỡng mộ nhất nhờ … “trốn thuế giỏi (chính Trump tự khen mình như vậy), nói năng không giống ai, hành động kỳ cục (như xô đẩy người đồng nhiệm ở hội nghị liên quốc), nhờ người khác đề cử mình tranh giải Nobel mà lại bảo là người ta tự ý đề cử v.v…”.

Ấy vậy mà cụ này vẫn khăng khăng thề là cụ rất ‘trung dung’, không có thành kiến gì với TT Trump đấy. May là ‘trung dung’ đấy, chứ nếu không thì ai biết được cụ này sẽ rủa cỡ nào?

Theo lý luận này, thì TT Obama trước đây đã được khâm phục vì… xin lỗi giỏi, dám chửi cảnh sát là ngu, chịu chui ra khỏi cửa sau của máy bay, chấp nhận lãnh đạo từ sau lưng,…

Thật ra, thành kiến phe phái là chuyện bình thường, không ai có thể đấm ngực nói tôi hoàn toàn trung dung công tâm, nhưng khi tính phe phái đi quá xa, nói Trump được ngưỡng mộ vì trốn thuế giỏi, nói láo hay,… thì cái thái độ đó trở nên lố bịch chỉ khiến thiên hạ cười khẩy và người đưa ra lời ngụy biện đó chỉ là tự mình hại mình, đánh mất uy tín, tư cách của chính mình thôi. Có thiếu gì cách công kích, chê bai Trump mà không cần phải cuồng vô lý đến vậy.

CẬP NHẬT COVID





Tóm lược
COVID tiếp tục đánh mạnh. 

Tổng số người bị nhiễm đã vượt qua 20,5 triệu, trong khi số tử vong đã lên tới gần 356.000. Tuy nhiên theo thống kê chính, tình hình không bi thảm như TTDC hù dọa. Trái lại, tuy các con số bị nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng, nhưng tỷ lệ gia tăng đã chậm lại hẳn so với cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Có tin một loại vi khuẩn COVID biến thể, bắt đầu được thấy bên Anh Quốc, đã du nhập vào Mỹ và xuất hiện tại ít nhất ba tiểu bang. Các bác sĩ không rõ đây là vi khuẩn từ Anh chạy qua, hay là vi khuẩn đã biến thể tại Mỹ.

Vi khuẩn mới có đặc tính dễ lây lan hơn, nhưng không giết người nhiều hơn.

Thiên hạ tiếp tục du chơi trong dịp nghỉ lễ cuối năm
Cơ quan kiểm tra phi trường TSA cho biết chủ nhật sau ngày Giáng Sinh, đã có tới 1,3 triệu du khách đi ngang qua các phi trường Mỹ. Dĩ nhiên không kể số dân Mỹ lái xe đi chơi.

Con số này cao nhất từ ngày COVID bắt đầu tấn công nước Mỹ và các biện pháp cấm cung được ban hành hồi tháng 4. Chính phủ Mỹ ước lượng trong dịp lễ cuối năm nay, sẽ có khoảng 85 triệu người đi du lịch hay về thăm gia đình bằng máy bay, xe lửa và xe hơi. Chứng tỏ một số rất lớn dân Mỹ quá mệt mỏi với các hù dọa về số người bị nhiễm bị chết vì dịch COVID, đã coi như pha việc dịch COVID đang tái phát mạnh trên nước Mỹ cũng như khắp thế giới.

Hiện nay, số người bị nhiễm tại Mỹ đã lên tới 20 triệu người trong khi số tử vong là trên 350.000 người, hay 1,8% số người bị nhiễm, hay 0,1% dân số Mỹ. Trong số những người chết, đã có khoảng 140.000 hay 40% là các cụ trong các viện dưỡng lão, mà phần lớn có thể là chết vì nhiều lý do khác, không phải là do COVID.

Bản đổ dưới đây cho thấy tình trạng dịch tái phát: màu càng đậm càng bị nặng.


TC NHÌN NHẬN VŨ HÁN BỊ NẠN NẶNG

Trung tâm kiểm dịch của Trung Cộng -tương đương với CDC của Mỹ- đã có một nghiên cứu chi tiết về việc dịch corona phát tác tại Vũ Hán.

Theo nghiên cứu này, số người bị nhiễm trong thời gian đầu tại Vũ Hán đã lớn hơn gấp 10 lần con số chính thức được thông báo. Nghĩa là số người bị nhiễm thay vì là 50.000 như công bố, có thể đã lên tới 500.000.

Theo bài nghiên cứu, sự sai sót đó là do sự thiếu chính xác của các thử nghiệm đầu, cũng như việc các triệu chứng bị nhiễm không xuất hiện ngay mà chỉ xuất hiện sau hai tuần hay hơn.

Đây là nghiên cứu chính thức nên dĩ nhiên là không trung thực lắm, giống như tất cả những gì chính thức trong các xứ CS.

Một yếu tố quan trọng trong việc công bố các con số sai chính là việc nhà cầm quyền địa phương tại Vũ Hán cũng như chính quyền tại Bắc Kinh, đã có ý khỏa lấp, che dấu sự thật.

Vũ Linh

No comments:

Post a Comment