Friday, January 15, 2021

TÌM MỘT ÁNH SAO

Hải Phong

Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ?

Vừa xong ca mổ, Hân liếc nhìn đồng hồ. Còn 45 phút nữa mới đến phiên mổ kế tiếp. Đám sinh viên thực tập chào nàng rồi kéo nhau ra sân.

Bụng đói cồn cào, Hân khoác vội chiếc áo choàng rồi đi nhanh sang cafeteria, hy vọng giờ này còn sớm, không phải xếp hàng lâu.

Sân cỏ úa cuối mùa còn loáng thoáng chút nước mưa buổi sáng. Trong sân, dăm ba chiếc lá vàng còn vương lại trên những cành khô trơ trụi lá như tiếc nuối mùa thu. Mùa thu đất trời, mùa thu cuộc đời, buồn man mác như nhau, nhưng đẹp và êm ả. Vài chiếc lá lìa cành bay lượn như cánh bướm, rơi nhẹ trên vai. Mơ màng, nàng đưa tay hứng lấy thì mới giật mình khám phá ra là chiếc sắc tay đã không còn khoác trên vai.

Hân vội vã quay trở lại văn phòng tìm cũng không thấy. Lo lắng, Hân cứ ngồi thừ trên ghế đá nhíu mày cố nhớ xem nàng đã bỏ quên chiếc sắc tay ở đâu? Ngoài vài trăm đồng tiền mặt không đáng kể thì toàn là giấy tờ và thẻ tín dụng, kể cả sổ ngân hàng nàng cũng để cả trong sắc. Nhưng quan trọng hơn cả là chiếc vòng tay nạm kim cương, không phải vì trị giá của chiếc vòng mà vì đó là món quà của mẹ, bao năm qua không rời khỏi cổ tay Hân, trừ những lúc có ca mổ nàng phải tháo ra để trong sắc tay.

Nàng vận dụng ký ức đi ngược lại thời gian từ lúc ra khỏi nhà, đến lúc ngừng trước cổng bệnh viện để trả tiền vào cổng. Thường, nàng hay có thói quen dậy sớm, đi bộ nửa giờ đến bệnh viện, như một cách tập thể dục, cho nên nàng không mua thẻ đậu xe hàng tháng, trừ những hôm đặc biệt phải cần đến xe thì nàng mới lái xe đi làm. Hân còn nhớ rõ đã đưa tấm giấy 20$ cho người gác cổng, khi liếc kính chiếu hậu thấy hàng xe xếp dài đằng sau, nàng cứ thế nhét tiền thối lại vào chiếc sắc tay rồi chạy vào bãi đậu. Nhíu mày, nàng chợt nghĩ ra là lúc vội, đã không để lại chiếc sắc tay sang ghế ngồi bên cạnh mà dường như nàng cứ để bên tay trái của mình, chỗ cánh cửa phía người lái. Rồi cứ thế xuống xe ôm chồng hồ sơ bệnh lý vội vã vào cho kịp ca mổ mà không để ý đến chiếc sắc tay, có thể đã rớt ra ngoài khi nàng mở cửa xe.

Nhớ đến đấy, Hân quả quyết là chiếc sắc tay chỉ có thể rớt ở ngoài bãi đậu xe, vì từ đó, nàng đi thẳng vào phòng làm việc, thay vội chiếc áo blouse trắng rồi sang phòng mổ chứ không ghé chỗ nào khác.

Thẫn thờ, Hân lững thững đi ra bãi đậu, kiếm cầu may. Nhưng dĩ nhiên là không thấy. Cả buổi sáng, biết bao chiếc xe, bao nhiêu người ra vào nơi này, mong gì mà tìm được chứ. Nàng chạy lên cổng chính, nơi nhận những đồ vật đánh rơi hay bỏ quên, người nhân viên cũng lắc đầu nói không có. Hân chán nản, quên cả đói khát, nàng vào văn phòng lấy vài chiếc bánh khô ăn tạm rồi quay sang phòng mổ, chuẩn bị cho ca mổ kế tiếp. Buổi chiều thật dài. Tan việc, nàng không thiết đi xuống phố như dự định nữa, mà về thẳng nhà, hy vọng có ai nhặt được của rơi, gọi điện thoại nhắn tin. Nhưng chiếc điện thoại vô tình vẫn không có dấu hiệu báo tin nào. Nàng lại gọi điện thoại sang cho mẹ hỏi xem có ai gọi về bên ấy nhắn gì không? Cũng không thấy. Kể chuyện cho mẹ nghe, mẹ trách:

– Con cứ mải mê công việc quá nên chả trách cái gì cũng quên, thế đã gọi cảnh sát chưa?

Nàng thở dài:

– Chưa mẹ ạ. Con vừa ra khỏi phòng mổ xong.

– Thế có để điện thoại cầm tay trong sắc không?

Nghe mẹ hỏi thế, Hân chợt choàng tỉnh. Ờ nhỉ? Hóa ra mẹ già cả mà còn tỉnh táo hơn nàng! Chiếc điện thoại sáng nay nằm nguyên trong sắc, nàng chưa vào tới bệnh viện nên đã kịp tắt đâu. May ra… nàng bảo mẹ:

– Cám ơn mẹ nhắc, để con gọi thử, may ra…

Hân hồi hộp quay số. Chuông vừa reo tiếng thứ nhì, đã có tiếng a lô, vội vã, như thể là người cầm máy chỉ chờ có người gọi để trả lời. Hân lễ phép nói bằng ngoại ngữ giải thích. Bên kia tiếng người đàn bà có lẽ cũng chưa nhiều tuổi trả lời ấp úng vài câu ngoại ngữ không được rành mạch lắm, cuối cùng bà ta hỏi nàng:

– Bà có nói tiếng Việt không?

Hân mừng rỡ, hỏi han chiếc sắc tay bị mất. Người đàn bà lễ phép:

– Tôi lượm được trong bệnh viện, thấy cái tên bác sĩ Việt Nam, nên tôi giữ đây. Từ sáng tới giờ, tôi không dám tắt điện thoại, cứ chờ bác sĩ phôn.

Hân mừng quá, hỏi địa chỉ để nàng tới xin về. Người đàn bà cho địa chỉ và hẹn giờ tối nay để nàng tới lấy. Bà ta nói còn phải đi dọn dẹp cho một nhà gần đó, sau giờ cơm tối mới về.

Hân cám ơn rồi quay điện thoại sang báo tin mừng cho mẹ.

Buổi tối, con đường hẹp khó tìm chỗ đậu xe. Hân ngại ngùng nhìn quãng đường vắng vẻ, khu nhà không được khang trang lắm, bên ngoài, người ta chất các bao rác ngổn ngang, chắc ngày mai là tới ngày xe rác tới hốt. Chần chừ một lúc, không còn lựa chọn nào khác, nàng đành xuống xe, khóa cửa rồi lững thững cầm tờ giấy ghi địa chỉ và số điện thoại, lần mò tìm nhà, bụng nơm nớp lo sợ. Ở giữa thành phố hỗn tạp này, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Vào đến bên trong chiếc building cũ kỹ, nàng thở phào. Mùi thức ăn đủ loại xông cả ra hành lang. Nàng lần mò tìm cầu thang, lên lầu số 4, lo ngại gõ cửa.

Một người đàn bà chạy ra mở cửa. Trái với sự lo ngại của nàng, bà này trông hiền hậu, chắc trạc tuổi nàng, ăn mặc giản dị. Bà ta lúng túng:

– Mời bác sĩ vô, nhà cửa tui luộm thuộm quá, bà đừng cười.

Hân ngượng ngùng:

– Không đâu….

rồi ngồi xuống chiếc ghế sofa cũ kỹ, trong lúc bà chủ nhà chạy vào phòng cầm chiếc sắc tay ra đưa nàng. Hân mừng rỡ nói lời cám ơn, rồi lúng túng muốn nói gì song lại ngại ngùng. Có đứa nhỏ, chắc chừng 16, 17 tuổi, đang ở trong phòng, thò đầu ra nhìn nàng rồi lại chạy tọt vào trong.

Bà chủ nhà đem ly trà nóng, cái tách trà và cái đĩa lót cũng không cùng kiểu, mời nàng:

– Bác sĩ uống tạm.

Hân lúng túng:

– Cám ơn bà…

– Bác sĩ đừng kêu vậy, tui ngại. Tui tên Lan.

Hân ngập ngừng mở sắc tay, không quên nhìn thật nhanh: may quá, chiếc vòng tay còn nguyên trong đó. Nàng thoáng xấu hổ với ý nghĩ đã kiểm soát xem chiếc vòng tay có còn đó không? Nếu người ta tham, hẳn đã không chờ nàng gọi điện thoại để trả lại đồ!

Sau phút lúng túng ấy, nàng rút 2 tờ giấy 100$, lễ phép trao cho bà chủ nhà:

– Thật không biết cám ơn bà cách nào, xin bà vui lòng nhận chút quà, mua bánh cho các cháu.

Người đàn bà cau mặt:

– Bác sĩ đừng thấy tui nghèo mà khi dễ. Tui lượm được đồ thì trả, không phải để lấy công!

Hân lại càng lúng túng:

– Tôi không có ý đó, bà đừng giận…

Người đàn bà cầm hai tờ giấy bạc, nhét trở vào trong sắc tay của nàng, dịu giọng:

– Nghèo, lắm lúc cũng khổ lắm bà ơi. Tui đâu có chữ nghĩa, đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ ăn và lo cho đứa nhỏ học hành cho bằng nguời ta. Cho nên thấy của rơi, ai mà không ham! Tui lượm được đồ cũng mừng lắm chớ, mới đem về nhà. Nhưng mở ra, thấy chiếc vòng tay của bà có khắc chữ trên đó tui biết là đồ kỷ niệm, phải nén lòng mong cho bà gọi lại để trả về. Tui tính tới ngày mai bà không phôn thì tui cũng kêu thằng nhỏ kêu cảnh sát trao lại. Mất đồ thì không sao, mất đi kỷ niệm tội lắm.

Hân ngạc nhiên. Ở hoàn cảnh không dư dả như bà Lan, sao nhặt được của rơi mà không lấy, cả chút thù lao nhỏ cũng không nhận là sao? Hân nhìn quanh nhà, đồ đạc đơn sơ, cọc cạch quá. Thấy bà ta rơm rớm nước mắt, Hân ngại ngùng:

– Bà dường như có nhiều tâm sự, nhiều kỷ niệm?

Bà Lan rút chiếc khăn giấy trong hộp, thấm nước mắt:

– Nói ra bác sĩ đừng cười, lúc gia đình tui đi vượt biên, đâu giàu có gì, ngoài mấy bộ quần áo trên người, chỉ có hai miếng mề đai bằng đồng đeo trên cổ hai đứa con. Tới lúc bị công an bắt, tui đã thất lạc chồng tui và thằng con lớn. Chắc ổng không còn nên đã không liên lạc được nữa. Thằng con, tới nay, không biết sống chết ra sao. Nếu có gặp lại chắc cũng không nhìn ra nó đâu bác sĩ à, lúc đó nó còn nhỏ xíu. Tui chỉ mong ai có lượm được nó nuôi dùm. Chỉ cầu cho nó còn đeo chiếc mề đai thì may ra mới nhận ra nhau, nó có chiếc y hệt như của em nó đây.

Hân nhíu mày không hiểu tại sao bà chủ nhà lại kể chuyện này với nàng. Bà chủ nhà lại thút thít:

– Bà hiểu không? Từ đó, tui tự nói với tui, lượm được đồ kỷ niệm của ai dù quý giá tới đâu cũng không lấy, biết đâu nó có giá trị bằng cả mạng người?

Hân gật gù:

– Thì ra thế! Tôi xin lỗi đã làm bà buồn.

Bà chủ nhà cười buồn:

– Tui phải xin lỗi đã nói lung tung với bác sĩ. Coi như là có duyên. Khi không của rơi giữa đường giữa xá, không vô tay ai mà vô tay tui? Bác sĩ nói có phải là duyên không?

Nhân buổi tối cũng rảnh rỗi, hôm sau lại không phải vào bệnh viện, Hân ngồi nán lại nghe tâm sự của bà chủ nhà. Nói một hồi, bà ta vào phòng cầm sợi dây đeo cổ, chắc không phải bằng vàng thật, vì đã ngả màu đen đen, chiếc mề đai bằng đồng cũng không còn bóng bẩy, nhưng trên đó nét khắc hãy còn rõ ràng, có hình hai con cá quyện vào nhau, nét vẽ ngộ ngộ. Thoáng một cái, Hân ngỡ ngàng: vật này, dường như nàng đã có nhìn qua rồi. Nàng chau mày ngắm nghía, phân vân:

– Đẹp quá!

Bà Lan cười buồn:

– Bác sĩ chọc tui rồi, đồ rẻ tiền mà, chẳng qua là chồng tui để lại, tui phải giữ để mong kiếm lại đứa con…

Hân chữa thẹn:

– Tôi nói nét điêu khắc đẹp quá! Hình hai con cá thật linh động.

Bà Lan gật gù:

– Là ba tụi nhỏ khắc cho hai đứa nhỏ trước khi cả gia đình được người quen cho đi vượt biên. Ổng nói lỡ có bề gì thất lạc, để hai anh em chúng sau này còn nhận được nhau. Cho nên tui quý hóa nó lắm.

– Thì ra thế!

Đường về đêm khuya mát lạnh. Tuyết đầu mùa đã rơi lất phất. Hân lái xe mà tâm thần bất ổn. Nàng bâng khuâng chưa muốn về nhà, nên rút điện thoại gọi về xem con đã ăn cơm chưa? Bên kia đầu dây, Thiên ngạc nhiên:

– Tối thế mẹ còn đi đâu? Về tới nhà không thấy mẹ, con ăn cơm rồi.

Hân buồn buồn:

– Tốt, mẹ lái xe đi loanh quanh dạo phố một tí rồi mẹ về. Con buồn ngủ thì đi ngủ trước.

– Dạ.

Mẹ gà con vịt, niềm vui của nàng giờ đây chỉ còn đứa con nuôi, sau lần đổ vỡ hôn nhân chỉ vì nàng không thể có con với Nam. Nàng đã quên cả bản thân, để vùi đầu vào công tác. Nhóm bạn của nàng, đứa thì là “gái già” vì lo học quá, lỡ cả tuổi xuân, đứa thì lở dở chuyện gia đình như nàng, đứa thì hăng say công tác xã hội quá, quên cả người bên cạnh; cả nhóm tìm vui trong công tác, và cũng trong một chuyến đi theo phái đoàn y sĩ về quê nhà cứu tế bệnh nhân tại các làng thôn hẻo lánh, nàng đã xả thân cứu được bé Thiên thoát khỏi tay tử thần vì chứng bệnh nan y. Đứa bé quyến luyến vị ân nhân. Hân thấy nó khôi ngô lại không có gia đình, nghe nói gia đình nó đi vượt biên, bị công an bắt, ba nó bị bắn chết, mẹ và em nó không biết sống chết ra sao, nó cứ vất vưởng sống nhờ tình thương của những người chung quanh; nàng tự nhiên bùi ngùi thương cảm. Sau vài lần trở lại quê nhà, nàng đã nhờ cô bạn già cùng nhóm, là luật sư, lo thủ tục cho nàng nhận bé Thiên làm con nuôi và mang sang đây. Thoáng một cái, nay Thiên đã gần lên đại học. Nó chăm chỉ, sáng dạ, là nguồn an ủi của Hân. Thiên biết mẹ hy sinh cho mình, thường nói:

– Con sẽ ráng học nối nghề mẹ, mai mốt nuôi mẹ.

Câu nói ấy đã khiến Hân được an ủi rất nhiều. Nhưng đêm nay, nỗi buồn vô cớ ập tới… không suy nghĩ nữa, nàng bẻ tay lái, về nhà.

Ánh đèn trong phòng Thiên còn sáng. Nàng se sẽ mở cửa vào nhà, để không làm phiền đến con. Nhưng Thiên thò cổ ra, ôm hôn mẹ:

– Lần sau đi đâu tối, mẹ chờ con về chở đi. Lúc này thành phố kém an ninh.

Hân cười buồn:

– Con làm như mẹ là con nít. Mẹ phải tự lo thân chứ. Mai mốt không có con bên cạnh thì mẹ cũng phải biết tự lo chứ.

Thiên cười:

– Sao lại lo không có con bên cạnh? Con ở đây chứ đi đâu?

Hân nhìn con, buồn bã:

– Con lớn rồi, học xong cũng lập gia đình…

– Thì con đem theo mẹ luôn.

Thiên cười rộn rã. Hân không cười, bâng khuâng:

– Hôm nọ, mẹ dọn phòng con thấy có cái hộp bánh cũ, con để bao nhiêu là thứ lỉnh kỉnh trong đó….

Thiên ngạc nhiên:

– Con vẫn để trong ngăn kéo mẹ ạ. Lần sau mẹ cứ kệ con, để con tự dọn được rồi. Mẹ đụng vô, lại vất hết đồ của con…

Hân lẩm nhẩm:

– Không, mẹ không vất gì hết. Mất đồ không sao, mất kỷ niệm tội lắm con à!

Thiên ngạc nhiên với cử chỉ và giọng nói của mẹ đêm nay. Chàng nhún vai, khoác chiếc khăn, đi vào phòng tắm. Tiếng nước sối xả vang ra. Hân run run mở ngăn kéo, cầm cái hộp bánh, mở ra. Bên trong ngổn ngang bao nhiêu thứ lặt vặt. Nàng lục lọi, hồi hộp cầm sợi dây chuyền ngả đen, nắm trong lòng bàn tay. Trên chiếc mề đai, hai con cá quyện vào nhau, quyến luyến. Tim nàng đập mạnh. Nàng nín thở, để lại sợi dây vào hộp, cất vào chỗ cũ rồi về phòng ngủ.

********
Cả tuần suy nghĩ bâng khuâng, Hân lần mò về nhà tìm mẹ. Mẹ hỏi nàng định xử trí ra sao? Hân lắc đầu nói không biết. Hai mẹ con ngồi với nhau cả buổi chiều. Mẹ nàng kể là hồi còn nhỏ, trước khi đi ngủ, bọn nàng phải chờ nghe kể chuyện cổ tích xong mới chịu vào giường. Bây giờ, lắm lúc mẹ muốn kể chuyện cổ tích, cũng chẳng biết kể cho ai? Mấy đứa cháu nội, cháu ngoại, có kể chúng cũng chẳng hiểu tiếng Việt. Hân cười:

– Mẹ không định kể chuyện cổ tích cho con nghe chứ?

Mẹ cầm cái lược, gỡ mái tóc thưa đã bạc trắng xóa, nhẹ nhàng kể lể:

– Chính là mẹ có ý đó. Con muốn nghe không? Chuyện kể rằng:

“Ngày xưa, có bà mẹ nghèo khổ phải đem cho đứa con, rồi đi tha phương cầu thực. Bao nhiêu năm sau trở về làng, đến tìm lại đứa con thì người mẹ nuôi thương con không chịu trả. Cả hai bà mẹ đều nhận mình là mẹ ruột của đứa con. Trưởng làng không biết xử sao, đành đem hai bà mẹ đến đình làng nhờ Bụt phân giải.”

Hân đang nằm xoài trên ghế sofa, ngồi thẳng người lên, chăm chú, hồi hộp nhìn mẹ:

– Bụt xử thế nào hở mẹ?

Bụt hiện lên xử rằng:

– Hai bà mẹ, mỗi bà đứng một bên cầm cánh tay đứa con và ai kéo được đứa con về phía mình thì người ấy là mẹ ruột của nó.

Cả hai bà mẹ cùng ra sức kéo đứa con đến nỗi đứa bé đau đớn rên siết. Bà mẹ ruột nghèo khổ thấy con đau đớn, không đành lòng nên đành buông tay để chịu thua.

Hân thở dài, lập lại câu hỏi ban nãy:

– Thế là bà ta mất đứa con hở mẹ? Bụt xử thế nào hở mẹ?

Mẹ nàng đứng dậy đi vào bếp:

– Con ăn học nhiều, chắc chắn sẽ tìm ra câu trả lời.

Đêm ấy, về nhà Hân vào phòng con ngồi mãi, ấp úng không biết nói ra sao. Thiên ôm mẹ:

– Cả tuần nay, mẹ thế nào ấy? Mẹ có bịnh gì không?

Hân gỡ tay con ra, nhìn vào mắt:

– Mẹ không bịnh. Thiên này, con còn nhớ có lần con hỏi về cha mẹ ruột của con?

– Dạ, con muốn biết nhưng nếu mẹ không muốn kể thì con không hỏi nữa.

Nàng lắc đầu:

– Không phải là mẹ không muốn kể mà là mẹ cũng không biết phải kể thế nào. Mẹ hỏi con: nếu con tìm được mẹ ruột của con, con có còn thương mẹ không?

Thiên ngỡ ngàng:

– Dĩ nhiên là có chứ. Mẹ lo lắng hy sinh cho con bao năm, sao con lại không thương?

Hân lại hỏi:

– Thế nếu mẹ ruột của con nghèo khổ, con có nhận mẹ con không?

Thiên đã cảm thấy có điều gì không ổn, chàng rắn rỏi trả lời mẹ:

– Mẹ! Con thương mẹ không phải vì mẹ là bác sĩ, mà vì mẹ là mẹ của con, và vì mẹ thương con. Dù mẹ có nghèo, thì mẹ vẫn là mẹ của con.

Hân suy nghĩ giây lâu rồi đứng lên, vào phòng con, mở ngăn kéo tủ lấy ra cái hộp bánh cũ trước đôi mắt ngạc nhiên của Thiên. Nàng mở hộp, lấy ra sợi dây có chiếc mề đai khắc hình đôi cá, đeo vào cổ con và nói:

– Nếu thế, mẹ sẽ đưa con đi gặp mẹ ruột của con.

********
Hân tưởng làm như thế là nàng vĩ đại, là nàng nghĩ đến tình ruột thịt của đứa con yêu quý, nhưng có biết đâu chính nàng lại là người đau đớn không nguôi. Ngày ngày đi làm, tối về nhìn căn phòng của con vắng vẻ, đã có lúc Hân tưởng nàng khuỵu xuống. Đi ra đi vào trong căn nhà thênh thang trống vắng, có đêm nàng đã vặn tivi suốt đêm để có tiếng động, nhưng rồi tiếng động ấy cũng không làm nàng dễ chịu hơn.

Đêm nay, Giáng sinh lại về, nhà nhà tưng bừng đón ngày trọng đại. Hân cũng đem cây thông ra dựng lên trong phòng khách cho đỡ trống trải. Các em nàng, gia đình nào cũng rộn rịp đón ngày lễ lớn. Qua tối 25 mới tụ họp về nhà mẹ vui chung. Chỉ có Hân thui thủi nơi này. Mẹ hỏi nàng có muốn về bên mẹ sớm không? Hân không muốn. Dù gì , hôm nay nàng cũng muốn ở lại nhà. Ngày này, mọi năm, nàng cùng con tíu tít trang hoàng. Dù chỉ có một mình bé Thiên, nàng cũng chiều con, bao giờ cũng về nhà sớm, sửa soạn bữa ăn Giáng sinh thịnh soạn. Nàng không bao giờ thích ăn gà Tây, nhưng năm nào cũng dậy sớm, bỏ con gà vào lò quay cả ngày để kịp đến khuya ăn réveillon.

Năm nay, bếp nước lạnh tanh. Hân ngồi thừ ngoài phòng khách, tắt đèn tối thui, chỉ còn ánh đèn màu chiếu từ cây thông giả lấp la lấp lánh như ánh sao đêm ngoài trời tối đen như mực. Ngoài đường, vài gia đình đi lễ khuya về, vợ chồng con cái líu ríu co ro kéo cao cổ áo choàng. Ngân nhìn lên bầu trời lấp lánh sao đêm, dõi trông theo ánh sao ngời sáng nhất, cho đến lúc chịu không được, nàng gục đầu bên song cửa, để giòng nước mắt tự do tuôn tràn trên mái tóc dài xõa ngang vai. Thì, lạ thay, bàn tay ai đã đặt lên vai nàng, khẽ nâng khuôn mặt dàn dụa nước mắt của nàng lên:

– Mẹ! Sao mẹ ngồi đây? Sao mẹ không bật đèn lên?

Đôi mắt nàng sáng lên qua làn nước mắt, giọng nàng tắt nghẹn:

– Mẹ ngồi nhìn trời, tìm một ánh sao.

Thiên ôm mẹ trong vòng tay:

– Ánh sao của mẹ về đây rồi, mãi mãi ở bên mẹ, không xa rời mẹ, mẹ không cần tìm nữa.

Hân ôm chặt con:

– Con nói thật? Mẹ của con bằng lòng như thế?

Thiên nhìn thẳng vào mắt mẹ:

– Mẹ con bảo con về đây. Không thể để mẹ một mình trong đêm Giáng Sinh này. Không thể để mẹ buồn rầu trong căn nhà này.

– Thế còn mẹ con?

– Mẹ con đã có em con bên cạnh. Còn mẹ, mẹ chỉ có con!

Hân bâng khuâng hỏi thêm:

– Thế còn con? Lòng con thế nào?

– Mẹ, đêm nay là đêm Giáng sinh đầu tiên không có mẹ bên cạnh. Con theo bạn bè đi lễ nhà thờ và ngồi mãi dưới chân tượng Maria. Chính lúc đó, con hiểu ra được một điều là người lúc nào cũng ở trong lòng con là mẹ. Mẹ là Ave Maria vĩnh viễn trong lòng con.

Hân nghẹn ngào cảm động ôm con mãi cho đến lúc Thiên gỡ tay mẹ ra:

– Nhưng mẹ không cấm con thường xuyên về thăm Mẹ của con chứ.

Hân cuống quít:

– Không, không bao giờ, con muốn về lúc nào thì về, miễn là mẹ biết con còn bên cạnh mẹ.

Thiên thì thầm:

– Con sẽ vĩnh viễn ở bên cạnh mẹ.

Có tiếng chuông điện thoại reo vang. Thiên bắt phone lên rồi đưa cho mẹ:

– Mẹ, bà ngoại gọi.

Hân thấm nước mắt, bắt phone. Đầu giây bên kia, tiếng mẹ hiền hòa chúc nàng Giáng sinh vui vẻ. Hân xấu hổ:

– Mẹ, lẽ ra con phải gọi phone chúc mẹ.

Mẹ cười tha thứ:

– Mẹ có trách gì con đâu. Mẹ phone sang vì biết con chưa ngủ được. Thế con có muốn nghe nốt câu chuyện cổ tích mẹ đang kể dở hôm nọ không?

Hân ngạc nhiên, thích thú:

– Muốn chứ mẹ!

Mẹ ậm ừ:

– Hôm nọ mẹ kể đến đâu nhỉ?

Hân tiếp lời:

– Mẹ kể đến chỗ Bụt làm “Bao Công xử án”.

Mẹ: à, rồi tiếp: “Bụt thấy bà mẹ ruột đứa nhỏ buông tay chịu thua và lủi thủi quay đi thì Ngài nói: Người này mới chính là mẹ của đứa nhỏ. Chỉ có người mẹ khi thấy con đau đớn mới biết thương xót nó. Thà chịu hy sinh mất đứa con chứ không muốn giành dựt con để làm nó đau đớn, rên rỉ. Chính bà ta mới xứng đáng để giữ đứa con…”

Hân như chợt tỉnh cơn mơ:

– Cám ơn mẹ. Mẹ ngủ ngon.

Thiên xà vào bên cạnh mẹ, ghé tai vào điện thoại:

– Mẹ, bà ngoại kể gì vậy mẹ?

Nàng xoa đầu con:

– Bà ngoại nói: chỉ có những người biết hy sinh thì mới được Thiên Chúa ban ơn…

Bên ngoài, tiếng chuông thánh đường rộn rã reo vang.

Hải Phong

No comments:

Post a Comment