Friday, December 25, 2020

Hủ tiếu thương hồ.

đoàn xuân thu.


Xưa nay chỉ thấy tô phở bò, gà theo chân người Việt tỵ nạn tràn lan và nổi danh toàn thế giới; còn tô hủ tiếu quê mình hình như đã tàn phai nhan sắc.


Chớ hồi xưa trong nước, nhứt là Lục tỉnh Nam Kỳ tô hủ tiếu quê mình vẫn vô địch quyền vương, độc cô cầu bại. Tô phở Bắc mon men về tới cái đất Mỹ Tho danh trấn giang hồ về hủ tiếu cũng đành phải chịu xếp ve luôn. Mỹ Tho có cả hàng chục tiệm hủ tiếu chỉ loe ngoe vài ba tiệm phở tái, nạm, gầu…


Phở Bắc chỉ làm ‘đại ca’ trên chốn giang hồ Sài Gòn, ngay cả vô Chợ Lớn cũng phải chào thua.


Hủ tiếu là của người Tàu, người Quảng Ðông; còn người Triều Châu thì ăn hủ tiếu bò vò viên, tức ‘ngầu dục viễn’!


Nổi tiếng nhứt là hủ tiếu Mỹ Tho! Nó khác với hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế, bún mắm Sóc Trăng.


hu-tieu-thuong-ho

Bảo Huân


Hủ tiếu Mỹ Tho của người Quảng Ðông nhưng bánh hủ tiếu lại do người Việt ở Gò Cát, bên bờ kia sông Bảo Ðịnh, vùng ven thành phố Mỹ Tho làm.


Bánh hủ tiếu bằng bột gạo, không pha bột mì, bột lọc. Sợi hủ tiếu tươi chỉ cần trụng sơ với nước nóng là trong, giòn và dai và dẻo hơn các loại bánh hủ tiếu mềm xèo ở Chợ Lớn.


Cái thùng nước lèo của mấy xe hủ tiếu Mỹ Tho có hai ngăn. Một là nước sôi để trụng bánh; một ngăn chứa nước lèo, có vị ngọt từ xương, giò heo và khô mực nướng cùng với củ cải. Thịt heo nạc xắt mỏng như tờ giấy quyến, gan heo trải lên mặt tô rồi chan nước lèo lên, rắc tiêu.  (Sau nầy người ta thêm phèo non, tôm thẻ và trứng cút… Nhưng ăn thấy nó làm sao đâu vì làm mất cái vị, cái mùi hủ tiếu!)


Hủ tiếu là phải ăn với giá sống, hẹ, cải xà lách, củ hành phi. (Ðừng có bỏ rau tần ô rau ghém vô, ăn lãng xẹt hè).


Nêm nếm là phải xì dầu và giấm đỏ. Nêm bằng nước mắm y, rồi vắt chanh vào (để ăn phở) là trật lất.


***

Sở dĩ tui kỹ từng chút một về tô hủ tiếu là vì em yêu của tui là ‘á xẩm’. Tía vợ tui là Chú Sồi, chuyên nghề bán hủ tiếu.


Chính vì khoái ăn hủ tiếu mà tui mới ‘cuỗm’ được Quế Thanh, tên con vợ tui đó.


Chú Sồi có một chiếc xe có thành vách ba bên, lộng kiếng vẽ hình trong truyện Tam Quốc như Quan Công phò nhị tẩu, Giang tả cầu hôn, Ðương Dương trường bản, Khổng Minh tọa lầu. Ở giữa xe là một thùng nước lèo, bốc hơi nghi ngút, những rổ nhỏ đựng bánh hủ tiếu, mì nhỏ, mì lớn, hoành thánh, dầu chá quảy.


Hồi xưa lúc đói bụng, trong túi lại có kha khá tiền, tui bèn tắp vào lề, ngồi lên cái ghế xếp, trước mặt xe, có miếng ván hình chữ nhựt gài chốt bè ra, đủ đặt vừa tô hủ tiếu.


Lập tức chú Sồi đon đả: “Hà cái lầy thằng Tửng ‘xực mý dệ’ (ăn cái gì)?”

(Thằng nhỏ nào Chú Sồi cũng kêu là Tửng hết trơn hè. Hèn chi sau về làm rể cho Chú Sồi tui cũng bị hơi tửng tửng!)


Tui chơi lại tiếng Tàu luôn, cho dù tiếng Tàu của tui là loại ‘Tào Lao’. “Dách cô phảnh, thím xực xí quách…tố tố sủi!” (Một tô hủ tiếu nhiều xí quách, nhiều nước lèo). “Hầy lá!” (Ðược rồi!)


Ðưa tay đón lấy tô hủ tiếu từ bàn tay búp măng của á xẩm Quế Thanh, con gái chú Sồi, tui xịt một chút xì dầu, giấm đỏ, gắp thêm vài lát ớt, xốc bánh hủ tiếu lên, gắp một đũa khá lớn đưa vào miệng, bắt đầu hẩu xực.


Nước lèo nóng, cay vì ớt, vì tiêu, hơi nước lèo phả vào mặt, mồ hôi tươm ra ướt cả lông mày. Tui chiến đấu quyết liệt, hai hàm răng kêu kèn kẹt, chỉ trong chốc lát là tô hủ tiếu cạn queo.


Quế Thanh mang cho tui cái bình trà “Thái Ðức’ bằng nhôm nóng hổi, rót cho tui một ly rồi hỏi: “Hẩu lớ hia Tửng?” (Ngon không anh Tửng?)


Tui cười hè hè: “Hẩu hẩu” (ngon ngon)! “Nị hụ len, hụ len!” (Em đẹp lắm)


Em nguýt tui một cái thậm thượt dài chừng 3 cây số, xổ luôn một tràng tiếng Việt: “Tía em nghe được là rượt anh chạy có cờ đó nhe! Ai biểu hia Tửng no bụng cững lên, dám dê ‘tiểu thư’, con cưng của Tía!”


***


Rồi sau khi CS chiếm miền Nam, gia đình bà con mình ai cũng đều suy sụp, ai cũng mạt, không còn tiền ăn hủ tiếu.


Xã hội mình trước 75, dù đang chịu đựng cuộc chiến đẫm máu kinh hoàng để vệ quốc vẫn còn chút ổn định nhưng khi tiếng súng ngưng rồi tàn phá còn hơn cả lúc chiến tranh.


Người dân bị bức hại, bị trả thù, bị đe dọa cướp nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, bị đày đi kinh tế mới. Ðêm nào công an Phường cũng xét hộ khẩu để bắt người đem đi nhốt khơi khơi.


Không còn chịu đựng nổi, bà con mình ai nấy cũng âm thầm nhưng rất quyết tâm là tìm đường ra biển. Muốn ra biển là phải biết đường sông vì tất cả các dòng sông đều xuôi dòng ra biển, nên phải chấp nhận cuộc sống gạo chợ nước sông, đời sương gió buôn bán qua ngày dò đường để dzọt.


Phần trên đường bộ bọn chúng rào đường chận ngõ ác liệt không bán buôn gì được hết. Thế là ở những ngã ba sông: chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Lục Sĩ Thành (Trà Vinh), chợ nổi Cái Răng, Phong Ðiền và chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, (Cần Thơ) nổi lên.


Tui trở về Mỹ Tho thăm Quế Thanh lần cuối trước khi đi. Không biết lành dữ thế nào, tui nói với em rằng: “Nị ráng chờ chừng nào biết Tửng nầy chết chắc, rồi hãy đi lấy chồng nhe!”


Chú Sồi nghe được, kêu tui lại biểu: “Tửng à! Nị dắt nó đi luôn đi. Thương nhau là sống chết phải có nhau, đồng tịch, đồng sàng, đồng quan, đồng quách mới được lớ!”


Người ta thương hồ khấm khá thì có ghe lườn, ghe cui, ghe rỗi, ghe cà vom… mui lợp ván chắc chắn, chịu được nắng mưa. Còn hai đứa tui nghèo, nhờ Chú Sồi vét hết trong nhà được chưa tới 5 chỉ vàng, mua cho một chiếc ghe tam bản be kèm, lợp mui giả khung bằng nan tre đan bện lá dừa nước, chạy máy đuôi tôm Kohler 4.


Sáng em bán hủ tiếu, tui bán cà phê, nước đá và rượu trên chợ nổi Cái Răng.


Chiều về một bến sông nào đó qua đêm thì Quế Thanh chèo mũi, tui chèo lái hoặc căng bốn góc mền nhờ gió đưa đi cho đỡ tốn xăng.


***

Chợ nổi họp theo con nước lớn, 5 giờ sáng tiếng máy ghe, thuyền trên chợ nổi cứ bồng bềnh trên sông trong tiết trời mờ mờ đục đục đẫm hơi sương.


“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn/ Em treo ‘bẹo’ Cái Răng, Ba Láng/ Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ”


(Em treo ‘bẹo’, là treo lủng lẳng trên cây sào trái khóm, trái xoài, dưa hấu, bầu, khoai lang, bưởi, khóm, chuối, cam, quýt, mía… bẹo hình, bẹo dạng, treo gì bán nấy.)


Giang hồ gạo chợ nước sông, dù có á xẩm em yêu kè kè một bên nhưng bữa nào đi bán một mình cũng có vài em bẹo hình bẹo dạng với tui. Con gái đồng bằng trên sông nước, gió thổi phần phật lật lên vạt áo bà ba, có cái gì trăng trắng làm tui cũng thèm nhểu nước miếng hè.


“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi. Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê!” 
Thôi thì cám cảnh nhau, tui lén Quế Thanh, cho em thương hồ ăn chịu hủ tiếu, chừng nào có tiền trả cũng được mà giựt luôn cũng hổng sao.


Em bạo dạn ướm lời: “Nước xuôi chạy gió buồm mền, muốn vô làm bé, biết bền hay không?”


Nhưng Quế Thanh, em yêu của tui, đánh hơi được, nhứt định không chịu; nếu tui rước thêm một con ‘ngựa bà’ nữa xuống ghe là em sẽ nhảy xuống sông tự trầm mà chết.


Sau sợ tui lạc lòng, nấn ná lâu sanh biến, nên Quế Thanh về lại Mỹ Tho ‘ráp’ với mấy xì thẩu có đóng tàu vượt biên cho hai đứa tui, vốn quen kiếp sông hồ làm ‘taxi’ đưa khách ra cá lớn.


Hôm cuối cùng, đưa khách bị bể, không dám quay vô, tui với em bèn ngộ biến phải tùng quyền, leo đại lên thuyền theo luôn ra cửa biển. Cái đó gọi là canh me!


Vật đổi sao dời. Ðá mòn sông cạn. Trần ai chớp mắt trăm năm mộng. Gần 4 chục năm rồi, đêm đêm bên Quế Thanh, mơ màng tui vẫn còn nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền hủ tiếu thương hồ trên chợ nổi năm nào.


đoàn xuân thu.

melbourne


No comments:

Post a Comment