Saturday, December 26, 2020

Đạp bánh tráng

Khi ra đường người ta thường hay mang theo tiền dằn túi, nói để phòng hờ rủi ro ‘đạp bánh tráng’ thì có tiền mà trả. Ðây là một câu nói đùa nhưng ‘tai nạn’ này đã thật sự xảy ra với anh em chúng tôi.

Vào niên học 1955, Tuấn, anh tôi, học lớp ba thầy Tươi, còn tôi học lớp tư thầy Quang trường Tiểu học Tây Ninh. Năm ấy, học sinh trường chúng tôi có nhiều bạn mới di cư từ miền Bắc đến học chung. Các bạn này thường mặc áo vải nâu. Tôi không rõ do chính phủ cứu trợ, phát cho đồng bào di cư vải màu này hay đó là màu được người quê miền Bắc ưa chuộng. Thấy ngồ ngộ nên má tôi may cho anh em chúng tôi, mỗi đứa một cái áo sơ-mi màu nâu ‘di cư’ để mặc đi học.

Ðoạn đường trước trường Tiểu học Tây Ninh trong những năm ấy đầy dẫy những gánh hàng rong, xe cà-rem, xe nước đá … Học sinh phải đi qua chốn nhộn nhịp, lôi cuốn này trước khi đến trường.

Trưa hôm ấy, anh em chúng tôi đang tung tăng bước vào cổng trường bỗng dưng có ai túm áo chúng tôi từ sau lưng kéo lại. Ðó là một bà mặc áo túi, cũng một màu nâu như áo sơ-mi của chúng tôi nhưng đã bạc màu, đầu bà đội chiếc nón lá rách bươm. Chúng tôi chưa kịp nói gì bà đã la lớn lên:

“Chúng mày chạy đâu cho thoát? Ðạp vỡ bánh đa của bà thì phải đền!”

Anh em chúng tôi phân trần:“Ðâu có, anh em tui đâu có đạp bánh đa của ai !”

Nhưng bà không nghe, kéo anh em chúng tôi đến văn phòng Hiệu trưởng.

Ba tôi là thầy giáo Sen, dạy lớp tư. Ngày hai buổi đi dạy học ông chở chúng tôi theo luôn bằng xe mobylette. Khi anh tôi lên lớp ba ông mới cho phép anh dẫn tôi đi học, lội bộ từ nhà đến trường cùng với chúng bạn.

Hôm ấy, nhờ ai đó thông báo nên ba tôi đến ngay văn phòng Hiệu trưởng. Gặp ba, anh em chúng tôi mừng rỡ vì nghĩ rằng ông sẽ bảo vệ chúng tôi khỏi tội đạp bể bánh tráng mà bà bán hàng đã vu oan. Tuy nhiên, mặc dù chúng tôi nói không có đạp bể bánh tráng, ông nhìn bà bán hàng rồi không hiểu sao ông xin lỗi bà, hỏi bà bị thiệt hại bao nhiêu và ung dung móc bóp lấy tiền đền.

Bà ta đòi sáu đồng cho 12 bánh đa bị bể, mỗi cái giá năm cắc, nhưng bỗng nhiên bà lại chăm chú nhìn mặt anh em chúng tôi một lát, rồi lắc đầu nói:

“Ôi, lạy Chúa tôi ! Tôi nhầm thầy ạ. Hai cậu này tóc cúp ngắn còn hai cậu học sinh chạy đùa, đạp vỡ bánh đa của tôi, cũng mặc áo màu này nhưng tóc để dài. Thôi, tôi xin lỗi thầy, tôi không dám nhận tiền của thầy đâu. Tội chết!”

“Vậy thì bà cho phép tôi đền giùm cho hai cậu học trò ấy nhen!”

Ba tôi vừa nói vừa đưa cho bà bán bánh đa tờ 10 đồng và ông xin bà giữ trọn số tiền, khỏi thối lại. Ông phải cố gắng thuyết phục bà ấy mới nhận số tiền.

Sau khi bà bán bánh đa đi rồi, ba tôi biểu: “Thôi, hai đứa đến lớp học đi!” nhưng anh em chúng tôi vẫn đứng lại, mặt mày ngơ ngác không hiểu vì sao ba lại đền bà bán hàng đến 10 đồng. Riêng tôi, trong lòng cũng có tiếc số tiền ‘lớn’ ấy vì thời đó mỗi ngày tôi chỉ được ba má cho năm cắc để ăn bánh mà thôi.

Chần chừ trong giây lát tôi mới dám hỏi ông. Ba tôi không trả lời ngay mà dắt chúng tôi ra ngoài hành lang rồi ông ngồi xuống, một chân quỳ, một chân co gối, ôm cả hai chúng tôi vào lòng và nói:

“Ba thấy bà ấy nghèo quá, phải đành đoạn bỏ nhà, bỏ cửa, chạy trốn cộng sản, di cư vào Nam tìm tự do, nên ba tặng cho bà chút tiền làm phước đó mà! Hai đứa về lớp học giỏi, ba thương.”

Ðó là bài học phước thiện đầu tiên ba dạy anh em chúng tôi.

Chiều hôm ấy, ba tôi đi dạy học về nhà với vài cái bánh đa cột trên ghi-đông xe. Ông kể chuyện ‘đạp bánh tráng’ cho má tôi nghe và nói rằng bà bán bánh đón ông ở cửa trường, biếu cho ông năm cái bánh bà mới nướng còn nóng hổi. Chiều hôm ấy, má tôi hái đu đủ làm món gỏi xúc bánh đa thay vì bánh phồng tôm, cả nhà ai cũng khen ngon.

Hai mươi năm sau, năm 1975, vào khoảng giữa tháng năm, một hôm tôi nằm chèo queo, một mình trên chiếc ghế bố, trong căn lều trại tị nạn Orote Point ở đảo Guam. Hình ảnh ‘đạp bánh tráng’ năm xưa chợt đến với tôi, mang theo một nỗi buồn ray rứt. Tôi có ngờ đâu mình cũng phải bỏ xứ ra đi, không một đồng xu dính túi, như bà bán bánh đa năm ấy, và tôi tự hỏi lần này bà ta có cơ hội chạy trốn cộng sản, tìm tự do như năm 1954 hay không. Và… và tôi nhớ đến ba má tôi, anh chị em tôi còn kẹt lại ở quê nhà thật nhiều …

ĐAD

No comments:

Post a Comment