Thursday, October 1, 2020

 “Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi” mê … bướm

 Ký Thiệt 

 

– Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại Sài-Gòn ngày 15.10.1964 vì tội gài bom dưới chân cầu Công Lý mưu sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara không thành và đã bị bắt tại trận ngày 9.5.1964.


Sau khi Nguyễn Văn Trỗi chết, CSVN đã rầm rộ mở chiến dịch tuyên truyền trên cả hai miền Nam, Bắc và quốc tế, bằng cách đề cao, đánh bóng, anh hùng hóa và gọi anh ta là “liệt sĩ” cùng với những huyền thoại bịa đặt để viết truyện, quay phim. Quan trọng nhất là đã “sáng tác” ra thái độ bất khuất hào hùng của Trỗi trước khi bị bắn với tiếng hô: “Hãy nhớ lấy lời tôi!”


Tờ Tiền Phong ở Hà-nội khi ấy đã viết như sau:


“Trước pháp trường, anh Trỗi không cần bịt mắt mà hiên ngang nhìn thẳng quân thù hô khẩu hiệu chống Mỹ. Hình ảnh hiên ngang của anh được các hãng thông tấn thế giới đưa tin làm rung động lòng người dân yêu hòa bình và yêu Việt Nam. Tấm gương anh Trỗi hy sinh đã khơi gợi nhiều áng văn thơ lay động lòng người, khơi dậy phong trào yêu nước trong lớp thanh niên một thời.”


Lúc đó không ít người tại Việt Nam và trên thế giới đã tin vào tuyên truyền bịa đặt láo khoét như vậy. Trừ một số ít người biết rõ sự thật nhưng cũng chỉ giữ im lặng hay không có điều kiện thuận lợi loan truyền rộng rãi.


Thời gian trôi qua, chuyện “liệt sĩ” Nguyễn Văn Trỗi đã trở thành chuyện “ruồi bu”, cũng như những chuyện “ruồi bu” khác về Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Bé vân vân, và ngay cả những chuyện thêu dệt rẻ tiền về “bác Hồ” vô vàn kính yêu cúa các cháu ngoan nhi đồng gái…, chẳng ai muốn nghe, dù có cho tiền.


Nhưng ngày 15.10.2014, 50 năm sau ngày Trỗi bị xử bắn (15.10.1964), bồi bút CSVN còn trơ trẽn viết một bài tưởng niệm “liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi” với phần mở đầu như dưới đây:


“Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có rất nhiều tấm gương anh dũng hy sinh. Các anh không một phút đắn đo khi lấy máu, xương của mình đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ từng tấc đất, giữ vẹn lãnh thổ, biên cương mà ông cha đã dày công gây dựng, bồi đắp và gìn giữ qua mấy nghìn năm lịch sử trong điều kiện chiến tranh nối tiếp chiến tranh. Nguyễn Văn Trỗi là một trong số những tấm gương tiêu biểu như thế.


Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1-2-1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn sinh sống. Ở đây, anh vừa làm thuê để kiếm sống, vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán.


Năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi gia nhập trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Bước vào đời hoạt động cách mạng, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Có lần anh đã ném lựu đạn làm chết và bị thương một số tên địch.


Biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5-1964, lực lượng của ta liền vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Với tình yêu quê hương và lòng căm thù quân xâm lược sâu sắc nên mặc dù mới cưới vợ được hơn 10 ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, Thành phố Hồ Chí Minh) – nơi dự đoán là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mác Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Sài Gòn sẽ đi qua. Tuy nhiên, khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý, đang chuẩn bị nốt một số công việc còn lại thì không may việc bị bại lộ, anh bị địch bắt.


Để đảm bảo an toàn hoạt động và tính mạng cho đồng đội, Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai mà còn nhận trách nhiệm về mình. Sau một thời gian giam giữ, tra tấn, kẻ thù đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử tại tòa, rồi kết án tử hình.


Không chỉ hành động bất chấp hy sinh tính mạng trong vụ cài mìn ở cầu Công Lý năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi còn thể hiện ý chí và niềm tin sắt đá đến giây phút bị xử tử. Anh không chấp nhận rửa tội mà còn khẳng định chính bọn Mỹ, ngụy mới là kẻ có tội, là thủ phạm gây ra cảnh xóm làng tan nát, cảnh lầm than chết chóc, cảnh con mất cha, vợ mất chồng. Thời gian ở trong tù, đã chịu bao nhiêu cực hình tra tấn của địch, nhưng anh vẫn luôn luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, bảo vệ cơ sở cách mạng và tìm cách vượt ngục để được tiếp tục chiến đấu. Nhiều lần anh đã nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Còn giặc Mỹ, không ai có hạnh phúc cả”. Câu nói ấy không chỉ gây xúc động trong tuổi trẻ và nhân dân ta mà cả tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ trên thế giới.


Tuy biết trước sẽ bị tử hình nhưng anh vẫn lạc quan, yêu đời. Tại pháp trường, Nguyễn Văn Trỗi rất bình thản, tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Khi địch bịt mắt anh, anh giật tấm băng đen rồi nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi”.


Giây phút cuối cùng, anh dõng dạc hô to:


“Hãy nhớ lấy lời tôi

Đả đảo đế quốc Mỹ

Đả đảo Nguyễn Khánh

Hồ Chí Minh muôn năm!

Hồ Chí Minh muôn năm!

Việt Nam muôn năm!”

 

(TIN TỨC 15.10.2014)

Ngô Trọng Bình (tổng hợp)”

 

Gần đây, chuyện thật về “liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi” mới được đưa ra ánh sáng không kém ly kỳ hấp dẫn trong một cuốn sách của Nhà báo Tô Ngọc.


Tô Ngọc là một ký giả kỳ cựu và nổi danh tại miền Nam suốt ba thập niên cho đến ngày mất nước năm 1975. Khi ấy ông đang là Tổng Thư ký Nghiêp Đoàn Ký Giả Việt Nam do Nhà báo Thanh Thương Hoàng làm Chủ tịch.


Với chức vụ ấy, Nhà báo Tô Ngọc đã phải “trả nợ máu” trong trại tù cộng sản 13 năm, sau đó được sang Mỹ tái định cư tại Sacramento theo chương trình “HO”. Những năm gần đây, ông Tô Ngọc chủ trương Tạp chí Chính Văn và vừa qua đời tại thủ phủ Tiểu bang California cuối năm ngoái.


Những bài viết giá trị của Nhà báo nhà văn Tô Ngọc 
đã được tuyển chọn in vào một tuyển tập tựa đề là “Sự Đời”, gồm hầu hết là những chuyện trong đời sống quanh ta, gần ta, hay của chính ta, như “Ngứa và gãi”, “Bắc Kỳ rau muống”, “Cái khoái thư tư”, “Chửi”, “Háo danh”, “Hầu bóng”, “Khoe khoang”, “Nói phét”, “Rượu và đàn bà”, và thuốc phiện, vân vân…


Qua những đề tài có vẻ tầm thường ấy, Tô Ngọc đã đào sâu, mở rộng tới mọi ngõ ngách, hang hốc liên quan đến chủ đề, đến lịch sử, thời sự, triết thuyết, đến những chuyện xưa và nay, từ Đông sang Tây, kể cả chuyện ma hiện hồn, nhưng không phải là chuyện bịa đặt, nhảm nhí.


Với 13 năm trong tù, “Sự Đời” không thể thiếu những chuyện liên hệ tới đời sống trong trại tù cộng sản ở Việt Nam. Tuy nhiên, viết về những chuyện trong tù, ngòi bút Tô Ngọc không gay gắt, thù hận, mà chỉ “vuốt nhẹ” thôi nhưng có thể đau tới tận xương tủy, trong đó có những chuyện thật về các anh hùng “liệt sĩ”, như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé, và đặc biệt là trường hợp Nguyễn Văn Trỗi, đã được bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN dựng ra, tô vẽ thành những thần tượng cao đẹp tuyệt vời để quyến rũ, thúc đẩy thanh thiếu niên trên cả hai miền Bắc và Nam VN dấn thân vào chỗ chết.


Sự thật về “liệt sĩ” Nguyễn Văn Trỗi, qua ngòi bút tả chân của Tô Ngọc đã trở thành một câu chuyện cười ra nước mắt, có một không hai về số kiếp hẩm hiu của người dân VN trong chiến tranh, và về “tài nghệ láo phét” của tuyên truyền cộng sản. Xin được trích nguyên văn dưới đây:


Nhắc đến “liệt sĩ” Nguyễn Văn Trỗi, người dân cư ngụ gần cầu Mac Mahon đường Công Lý nhớ ngay đến cái bè rau muống và cái cầu tiêu công cộng gần bên. Thật thế rau muống cũng như những loại rau khác đều rất cần phân bón, mà món “phân bắc” được coi như là “vua các loài phân”, vì trong đó người ta tìm thấy đủ các chất bổ dưỡng cũng như những bàng tố tối cần cho thực vật.


Nguyễn Văn Trỗi người xã An Phú Thủ Ðức gần Sài-Gòn. Trỗi làm nghề thợ điện. Là người hiền lành, chịu thương chịu khó làm ăn, nhưng anh ta bị một chứng bệnh thuộc thần kinh tâm lý rất khó trị, là thích xem người khác phái tắm rửa hoặc bài tiết. Hàng ngày đi sửa điện rong, tối nhận quạt máy, bàn ủi về nhà sửa. Trỗi mướn một căn phòng nhỏ trong xóm nhà sàn gần cầu Mac Mahon. Công việc tuy không nhiều, nhưng cũng tạm gọi mát mặt… Lâu lâu Trỗi cũng la-de củ kiệu với các bạn.


Ðối với lối xóm, Trỗi là người hiền lành chẳng gây chuyện xích mích với ai… Ai cũng biết Trỗi có tật hay đi la cà gần chỗ có bè rau muống giả vờ ngắt vài đọt “làm duyên” còn thì đích thực là ngước mắt nhìn lên phía cầu tiêu công cộng chiêm ngưỡng các loại “bươm bướm” của phụ nữ, đang thụ hưởng cái khoái thứ tư mà Trời Ðất ban cho loài người!


…Trở lại chuyện “liệt sĩ” Trỗi, thì buổi sáng hôm đó như thường lệ Trỗi lội bùn đi ngắt vài đọt rau muống làm duyên cho có cớ nhòm “bướm” bá tánh, bỗng nhiên mấy ông an ninh chìm ở đâu túa ra… Thế là Trỗi bị bắt, với bằng chứng rõ ràng: có sợi dây điện kéo dưới đất qua dẫy cầu tiêu tới tận cầu Mac Mahon. Ðúng Việt Cộng có âm mưu giật mìn nổ cầu, ám sát Bộ rưởng Quốc Phòng Mỹ Mac Namara!


Sau khi được “thẩm vấn khéo léo”, Nguyễn Văn Trỗi nhận tội đặc công Việt Cộng, đúng với bài bản của một ông Tướng có bộ râu dê xồm muốn nâng bi quan thày Mỹ Quốc.


Cái hôm đem Trỗi ra bắn, duy nhất chỉ có một nhà báo tham dự: ký giả Lâm Thao của tờ báo quân đội (Tiền Tuyến). Nguyễn Văn Trỗi mặt mày xanh như tầu lá, run rẩy đi không vững. Thật tội nghiệp cho anh ta. Một Thượng Tọa tới cầu nguyện, anh ta lắc đầu. Có lẽ Trỗi thấy nhà chùa không có thế lực, nên khi một linh mục xuất hiện (nếu tôi nhớ không lầm thì là cha Hoàng Yến, nguyên Hiệu Trưởng trường Saint Joseph Hải Phòng, nguyên Hội Trưởng Hội Bảo Vệ Luân Lý thời Ðệ Nhất Cộng Hòa) thì Trỗi quỳ mọp xuống, ôm lấy hai chân vị linh mục kêu van xin cứu mạng. Nhưng khi vị linh mục nói rằng ông chỉ có thể cứu phần hồn của Trỗi, chứ không thể cứu Trỗi khỏi tội nơi trần thế, thì Trỗi từ chối phép rửa tội. Chân tay rũ liệt mềm như bún, người ta phải xốc nách kéo lết đưa Trỗi tới chỗ hành quyết. Mặt Trỗi xám ngoét, mắt lạc thần trắng rã vì sợ, miệng lắp bắp kêu oan nhưng không ra tiếng… Âý thế mà không hiểu sao ngay sau khi Trỗi chết, cả “nước Sài Gòn” đã loan truyền tin Trỗi hùng dũng hô to trước khi bị bắn: “HCM muôn năm, VNDCCH muôn năm!” Còn trên báo “Nhân Dân” xuất bản tại Hà Nội, số mới nhất nhà “thi sĩ máy” Tố Hữu đã bấm nút “xịt” ra ngay một bài thơ ca tụng Trỗi trong đó có câu: “Phút lâm chung anh gọi Bác ba lần!”


(“Thi sĩ máy” là tên một truyện ngắn đăng trên báo của nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”, xuất bản tại Hà Nội cuối thập niên 1950, chửi Tố Hữu về nghề làm thơ nịnh, kiểu “Khóc ông Xít-Ta-Lin”).


Mấy tờ báo thân Cộng, thêm vài ký giả kịch trường là đàn em của Tư Trang (tức Trần Hữu Trang), trước 1954 là Quản Lý ban Việt Kịch Năm Châu – với thành phần diễn viên : Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Sáu Nết, Kim Cúc, Kim Lan, Từ Tâm… từng lưu diễn Hà Nội/Hải Phòng các năm 1952-53 – sau hiệp định Genève 1954 Trần Hữu Trang tập kết ra Bắc), cùng đám Trần Ngọc Bình (tức ký giả Ký Ninh), vợ chồng Trần Kiêm Uẩn (con gái tên Phương Thảo, sau 1975 Phương Thảo có thời kỳ làm Bí Thư Thành Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM tại Sài Gòn), vợ chồng Trần Văn Sơn (tức ký giả Tỷ Ca) là Cộng Sản nằm vùng v.v… đã ra sức vận động một số báo “lừng khừng” (không lập trường) loan tin trên, làm như chính các ký giả báo đó đã chứng kiến tận mắt vụ hành quyết Nguyễn Văn Trỗi!


…Do một tình cờ sau khi ở tù về năm 1987, tôi quen với ông Hai Trí, người miền Nam, là chồng sau của bà Nguyễn Thị Ðịnh. Ông Hai Trí khi còn trẻ làm nghề hớt tóc bên Cao Miên, sau tham gia hoạt động trong MTGPMN, vào “R”, rồi do mai mối đã lấy bà Ðịnh. Bà Ðịnh có một đứa con trai với người chồng trước, trong thập niên 1960 đứa con trai bị công an Hà Nội bắn chết trong một cuộc biểu tình chống đối… Bà Ðịnh đòi trở về Nam, nhưng HCM liền “dở trò Lưu Bị”, khóc lóc năn nỉ… bà Ðịnh mủi lòng trước quỷ kế của HCM, ở lại miền Bắc tiếp tay cho Hà Nội đánh chiếm miền Nam.


Sau 30-4-75, ông Hai Trí trở về Sài Gòn, được cấp một ngôi nhà có vườn rộng, ở phía sau chùa Kỳ Quang xa lộ, gần hồ tắm Thiên Nga. Hai Trí là người con rất có hiếu, tiền nghỉ 
hưu chẳng được bao lăm, nhà ông thường thổi hai nồi cơm, cơm gạo ngon dành cho ông cụ thân sinh với thịt cá, còn phần ông thì ăn cơm gạo xấu với rau dưa đạm bạc… Mặc dù có vợ là Hội Trưởng Hội Phụ Nữ, nhưng ông và bà Ðịnh chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa…


Lâu lâu mới thấy bà Ðịnh tới thăm ông, chốc lát rồi đi ngay. Một lần ngồi uống trà với ông, vào năm 1991, có người trên xã An Phú mời ông hôm sau dự lễ truy điệu “liệt sĩ” Nguyễn Văn Trỗi (mộ Nguyễn Văn Trỗi chôn ở xã này)… Ông nhận lời, nhưng khi nhân viên xã đi khỏi, ông nói với tôi: 


“Tội nghiệp thằng Trỗi nó chết oan! Nó có phải là cách mạng cách đồ gì đâu !”

Tội nghiệp thằng Trỗi!” 


Ký‎ Thiệt

No comments:

Post a Comment