Thursday, October 8, 2020

CHUYỆN LÃO NÔNG NHẬT BẢN "LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI"

Bài: Thanh Phương

Ông Takao Furuno, sinh năm 1950, hiện sống tại làng Keisen trên đảo Kyushu (miền tây Nhật Bản), vốn có thói quen nhìn ngắm vịt trời bơi lội trên ruộng lúa của mình. Ông đã không hề nghi rằng phương thức sản xuất gắn liền với loài vật này do ông tìm ra, một ngày kia sẽ được hàng nghìn nông dân trên khắp châu Á ứng dụng.

Phương pháp của ông Furuno được đặt tên là "Aigamo", theo tên của giống vịt mà ông đưa vào sử dụng. Đây là giống vịt được phối từ vịt trời đực và các giống vịt nội địa khác. Câu chuyện của ông Furuno bắt đầu từ một hôm ông chợt tự hỏi tại sao mình thường phải dốc toàn bộ những thứ kiếm được từ việc sản xuất gạo của năm này để đầu tư cho vụ mùa năm sau. Ông không muốn tiếp tục đi theo con đường như vậy. Ông bắt đầu trăn trở tìm kiếm phương thức sản xuất mới và suy tính liệu kết hợp giữa những kinh nghiệm canh tác được đúc kết trong dân gian với khoa học hiện đại, thì kết quả sẽ thế nào?

Ông Furuno được biết người nông dân xưa kia thường nuôi vịt trong ruộng lúa. Ông cũng thử làm như vậy và để ý thấy rằng vịt con có thể ăn hết sâu bọ và côn trùng bám trên cây lúa. Sau khi thóc mầm được gieo xuống ruộng lúa đã rào kín, những chú vịt con khoảng 2 tuần tuổi sẽ được thả vào ruộng, theo tỷ lệ khoảng 100 con/mẫu Anh (khoảng 0,4 hécta). Vịt con sẽ chỉ ăn cỏ dại, mầm cỏ dại, côn trùng và những giống sâu bọ gây hại khác, chứ không gây hại cho lúa non như vịt trưởng thành. Cách di chuyển tự nhiên của vịt cũng giúp làm tơi đất và tăng cường sức khỏe cho cuống lúa.

Ông Furuno cũng đọc được rằng nông dân trước đây từng thả cá vào ruộng lúa, chỉ khi thuốc trừ sâu được sử dụng để bảo vệ cánh đồng, loại thuốc này đã giết chết cá nên người ta không thể tiếp tục nuôi cá nữa. Ông chợt nảy ra sáng kiến, nếu sử dụng vịt thay thuốc trừ sâu thì sẽ có thể nuôi cá trong ruộng. Vịt và cá cùng là những nông sản cho lợi ích kinh tế cao.

Khi được biết về kế hoạch trên, các chuyên gia nông nghiệp đều khuyên ông cân nhắc kỹ, bởi lẽ "nếu ông cho lũ cá nhỏ bé này xuống ruộng và rồi lại thả vịt con vào, thì vịt sẽ chén sạch cá cho mà xem". Để thử nghiệm, ông Furuno thả cá vào một bồn nước, cho vài chú vịt vào rồi quan sát. Quả đúng như thế, lũ vịt chỉ chăm chú ngụp xuống nước để săn cá. Thế nhưng, khi ông khuấy một ít đất vào bồn nước để tạo môi trường vẩn đục như ở ruộng lúa, thì thật bất ngờ, lũ vịt con chẳng còn màng đến cá nữa.

Rồi bèo hoa dâu (tên khoa học là "Azolla") xuất hiện trong ruộng lúa của ông Furuno. Thường thì người nông dân Nhật Bản diệt loài bèo này theo định kỳ bằng thuốc hóa học. Nhưng ở cánh đồng của ông, bèo hoa dâu được thỏa sức phát triển, vì đây là thức ăn cho cả vịt và cá. Theo ông, nếu biết kiểm soát tốt bèo hoa dâu cũng là một loại thực vật rất hữu ích. Khi ruộng lúa ngập nước, loại bèo này phát triển mạnh để thu nitrogen. Khi ruộng lúa cạn, bèo chết để lại nguồn phân đạm tự nhiên. Bèo hoa dâu chỉ cần nước và không khí để tạo ra chất đạm. Chúng có thể chuyển hóa tới 9 tấn đạm mỗi năm trên một hécta. Ruộng thả bèo hoa dâu đỡ công làm cỏ, nước ruộng lâu khô, đất tơi xốp hơn. Bèo hoa dâu được vớt lên ủ thành phân bón cho hoa màu và làm thức ăn xanh cho chăn nuôi. Ông Furuno cho rằng, những sinh vật này hoàn toàn có thể chung sống hài hòa.

Như vậy, vịt con sẽ diệt cỏ dại và côn trùng thay cho các loại thuốc hóa học; chất thải của cá và vịt, kết hợp với nitrogen từ bèo hoa dâu sẽ cung cấp dưỡng chất cho đất. Với phương pháp đơn giản mà hiệu quả này, ông Furuno tiết kiệm được khá nhiều tiền mỗi năm. Ông cũng phát hiện ra rằng rễ của những cây lúa trên cánh đồng này lớn gần gấp đôi so với những cây lúa mọc theo phương thức sản xuất cũ. Với bộ rễ càng lớn, cây lúa càng sinh trưởng tốt, và cho năng suất cao. Sản lượng thóc gạo của ông cũng vì thế mà tăng từ 20 - 50% so với trước đó.

Nông trại của ông Furuno chỉ rộng khoảng 3 hécta. Sau khi lúa được thu hoạch, ông Furuno cải tạo đất và chuyển sang trồng màu. Ông trồng nhiều loại rau ở mỗi luống, thay đổi mùa vụ luân phiên, với tiêu chí cứ 2 hécta thì trồng lúa và 1 hécta thì trồng hỗn hợp các loại rau củ quả. Và do ông không sử dụng thuốc trừ sâu, nên khá nhiều cây ăn quả được trồng ven ruộng lúa. Cứ thế ông cung cấp rau củ, trái cây, gạo, thịt vịt, trứng vịt và cá cho 100 gia đình. Thu nhập của ông cao hơn đến 30% so với thu nhập trung bình của những nông dân cùng khu vực.

Phương pháp canh tác của ông Furuno không chỉ hiệu quả trong việc trừ sâu bệnh và cỏ dại mà còn tạo điều kiện cho người nông dân thu được không chỉ gạo mà còn nhiều sản phẩm khác trên cùng một mảnh ruộng, giúp họ tiết kiệm được thời gian đáng kể để đầu tư cho các hoạt động sản xuất khác. Ở Nhật Bản, có khoảng 10.000 nông dân đang áp dụng phương thức sản xuất của ông Furuno. Phương pháp canh tác này cũng được nhiều quốc gia có ngành nông nghiệp lúa nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Philíppin đưa vào ứng dụng.

Sáng kiến của ông Furuno đã đưa ông đến với nhiều quốc gia để chia sẻ kinh nghiệm canh tác. Cuốn sách "Quyền lực của vịt" của ông, xuất bản năm 2010, đã thu hút sự quan tâm của hơn 75.000 nông dân ở nhiều nước trên thế giới. Nông trại của ông Furuno thường xuyên nhộn nhịp các đoàn sinh viên trong và ngoài nước đến thực tập. Ông Furuno cũng được vinh danh trong cuốn sách "80 người làm thay đổi thế giới" của hai tác giả Sylvain Darnil và Mathieu Le Roux, với tư cách là người tiên phong trong việc ứng dụng nông nghiệp hữu cơ - hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi, mang lại các nông sản hoàn toàn sạch, có giá trị kinh tế cao và rất thân thiện với môi trường.

(Theo Leopold) từ Fb Tuan Bui Anh

No comments:

Post a Comment