Friday, October 9, 2020

Cái chết bí ẩn của nhà vật lý hàng đầu thế giới
Tác giả Nguyễn HoàngNguồnAnLe20's BlogNgày đăng: 2020-10-09
Cuộc thương chiến Mỹ – Trung được cho chỉ là phần nổi, đằng sau đó là cuộc chiến công nghệ, khi các tập đoàn Trung Quốc đều bị Tổng thống Donald Trump “sờ gáy”, từ Huawei, Tik tok… Việc Trung Quốc tập trung 1.000 nhà khoa học tài năng người Hoa ở Mỹ và không tiếc tiền thâu tóm các doanh nghiệp công nghệ bản địa, bị Nhà Trắng cho rằng đây là hành động trộm cắp công nghệ để tuồn về Trung Quốc.
Đỉnh điểm của cuộc chiến công nghệ là giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ, nhiều nhà khoa học bị điều tra và cái chết bí ẩn của chuyên gia vật lý nổi tiếng người Hoa Trương Thủ Thịnh.
Cuối tháng 12/2018, đúng vào hôm “Công chúa Huawei” Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada cũng xảy ra vụ việc Trương Thủ Thịnh (Shou Cheng Zhang), nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng là “Người Hoa gần với giải Nobel vật lý nhất”, đồng thời là nhà đầu tư mạo hiểm bất ngờ nhảy lầu tự sát tại Mỹ ở tuổi 55. Thông tin ông chết lại được công bố cùng ngày với việc Mạnh Vãn Chu bị bắt đã phủ bóng mây nghi vấn lên cái chết bất thường này.
15 tuổi đã học đại học
Ngày 6/12/2018, Trường Đại học Stanford và người thân của Trương Thủ Thịnh đều đã xác nhận tin ông qua đời. Người nhà ông nói trong một văn bản tuyên bố, Trương Thủ Thịnh đã bất ngờ qua đời hôm 1/12 sau một thời gian chống chọi với chứng trầm cảm.
Trương Thủ Thịnh sinh năm 1963 tại Thượng Hải, 15 tuổi đã vào học tại khoa Vật lý, Đại học Phục Đán; 17 tuổi được cử sang CHLB Đức học, cùng năm qua Mỹ học nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại phân hiệu Stony Brook University trực thuộc Đại học bang New York; người trực tiếp hướng dẫn là Giáo sư Dương Chấn Ninh, người đã đoạt giải Nobel về Vật lý. Năm 1987 ông lấy được bằng Tiến sĩ, năm 1993 ông được Đại học Stanford mời giảng dạy tại khoa Vật lý, hai năm sau thì trở thành Giáo sư suốt đời của khoa này ở tuổi 32.

Giáo sư Trương Thủ Thịnh. Ảnh: News.stanford.
Những thành tựu xuất sắc của Trương Thủ Thịnh về Vật lý Lượng tử đã đưa ông trở thành người nổi tiếng trên quốc tế, Năm 2007, Tạp chí “Science” của Mỹ coi thành quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp là một trong “10 thành tựu lớn mang tính đột phá quan trọng toàn cầu”. Đó là chứng minh được giả thiết về hạt fermion của nhà vật lý Ettore Majorana mà các nhà vật lý vất vả tìm kiếm trong suốt 80 năm trước đó. Trương Thủ Thịnh đã đặt tên cho loại hạt bí ẩn mà ông tìm thấy là “Hạt Thiên sứ”.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, Trương Thủ Thịnh đã được nhận tất cả các giải thưởng lớn về Vật lý, chỉ ngoại trừ giải Nobel. Trương Thủ Thịnh là Viện sỹ Viện Mỹ thuật và Khoa học Mỹ (American Academy of Arts and Sciences), Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (United States National Academy of Sciences, NAS), Viện sỹ quốc tịch nước ngoài Viện Khoa học Trung Quốc. Giáo sư Dương Chấn Ninh, người đã nhận giải Nobel Vật lý từng nhận xét về người học trò của ông: “Đối với cậu ấy, việc được nhận giải Nobel chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Chính quyền chú ý
Những thành tựu của ông Trương Thủ Thịnh được chính phủ Trung Quốc chú ý. Năm 2009 ông được lựa chọn tham gia “Kế hoạch ngàn người” – tức kế hoạch du nhập nhân tài từ nước ngoài về của Trung Quốc. Ông được Đại học Thanh Hoa mời về làm đồng Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ Lượng tử, nhiều lần được các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp và biểu dương. Tháng 1/2018, Trương Thủ Thịnh đã được trao Giải thưởng Khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2017.

Giáo sư Trương Thủ Thịnh ra đi cùng ngày “Công chúa Huawei” bị bắt. Ảnh Box.
Năm 2012, phát biểu tại Diễn đàn thế kỷ của Đại học Thanh Hoa, Trương Thủ Thịnh nhớ lại chặng đường phát triển của ông: “Năm 2008, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy “Kế hoạch ngàn người”, cá nhân tôi rất vinh hạnh khi gặp được cơ hội như thế. Nhớ lại năm 1978, hồi đó bắt đầu khôi phục thi đại học, thực hiện Cải cách mở cửa; tôi chưa học Cao trung (tức Trung học Phổ thông) vẫn thử tham gia dự thi và đã đỗ ngay.
Sau đó, Trung Quốc bắt đầu cử lưu học sinh đi du học, tôi được chọn đào tạo dài hạn tại Đại học Berlin, Đức. Sau đó tôi giảng dạy tại Đại học Stanford, vẫn luôn nhớ đến sự phát triển của đất nước. Khi mà Trung Quốc cần dùng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy phát triển thì “Kế hoạch ngàn người” được triển khai, đã cho tôi một cơ hội mới; sự giao lưu học thuật của tôi với các đồng nghiệp trong nước ngày càng rộng mở và dày hơn”.
Gần đây, “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc gây nên sự chú ý và lo ngại của các giới quốc phòng, tình báo và học thuật Mỹ. Họ chỉ trích đây là bộ phận quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm chuyển nhượng, sao chép để cuối cùng đuổi kịp và vượt Mỹ về quân sự, công nghệ… Mục tiêu của họ là thúc đẩy việc di chuyển công nghệ và bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ tới Trung Quốc một cách hợp pháp và cả phi pháp.
Năm 2013, Trương Thủ Thịnh và nhà Vật lý người Anh Stephen Hawking đã được trao Giải thưởng Vật lý cơ sở. Sau khi được nhận giải, ông đã phát biểu trên đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV): “Tôi cũng là người đặc biệt tán thành tư tưởng Giấc mộng Trung Hoa do Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra”. Ông đã cho các phóng viên xem bức ảnh ông và một học giả trẻ người Trung Quốc chụp chung với Giáo sư Dương Chấn Ninh. Ông nói, 3 thế hệ học giả có bối cảnh và cuộc sống khác nhau, “nhưng chúng tôi đều có chung một giấc mộng”.
Trương Thủ Thịnh không nói rõ thêm “giấc mộng chung” đó là gì, nhưng mọi người đều hiểu đó chính là “Giấc mộng Trung Hoa”, thực hiện “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” mà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố. “Giấc mộng” đó bị các học giả phương Tây giải thích là “Chiến lược bí mật để Trung Quốc thay thế Mỹ bá chủ toàn cầu”.
Cũng năm 2013, Trương Thủ Thịnh và Cốc An Giai – một học trò của ông ở Đại học Stanford cùng nhau sáng lập ra quỹ đầu tư mang tên Danhua Capital. Công ty đầu tư mạo hiểm này đặt ở Silicon Valley, có số vốn ban đầu là 434,5 triệu USD, đầu tư cho hơn 100 công ty startup có tiềm năng nhất ở Mỹ, phần lớn trong các lĩnh vực nhạy cảm trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, số liệu và blockchain.
Báo chí Trung Quốc công khai đưa tin, đứng sau quỹ Danhua Capital là Tập đoàn phát triển Trung Quan Thôn của Trung Quốc – một công ty quốc doanh được chính quyền thành phố Bắc Kinh tài trợ. Năm 2006, một Trung tâm sáng tạo Trung Quan Thôn – Silicon Valley diện tích 7 ngàn mét vuông đã được khánh thành tại thành phố Santa Clara, tiểu bang California.
Tiền vốn của quỹ ra đi, công nghệ tiên tiến của nước ngoài và nguồn nhân lực cao cấp được mang về. Theo Bloomberg, từ năm 2014 đến giữa năm 2018, Trung Quốc đã cho lập 1.171 pháp nhân đầu tư như vậy, với số vốn lên tới 5,9 ngàn tỉ nhân dân tệ, tương đương 858 tỉ đô la!
Xâm nhập và bị điều tra
Sự thâm nhập của Trung Quốc vào Silicon Valley đã khiến các giới ở Mỹ chú ý. Hồi tháng 6-2018, hãng Reuters đưa tin, hơn 20 công ty đầu tư mạo hiểm ở Silicon Valley đã có mối quan hệ mật thiết với các quỹ của chính phủ hoặc công ty quốc doanh của Trung Quốc.
Hồi tháng 11/2018, bản Báo cáo điều tra Khoản 301 cập nhật” của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nói, có chứng cứ cho thấy chính phủ Trung Quốc đã lợi dụng một loạt công ty đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) ở Silicon Valley và một số trung tâm công nghệ để tạo thành một mạng lưới.
Đầu tư và các hoạt động liên quan của họ nhằm thúc đẩy thêm mục tiêu chính sách của chính phủ Trung Quốc trong giới doanh nhân. Báo cáo đã nêu đích danh tên Danhua Capital là một trong số các công ty lợi dụng đầu tư mạo hiểm để giúp chính phủ Trung Quốc có được các công nghệ mũi nhọn và bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan của Mỹ.

Cái chết của Giáo sư Trương Thủ Thịnh gây rúng động dư luận – Ảnh YT
Tiến sĩ Điền Nguyên, một bình luận viên thời sự người Hoa cho rằng, “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc gắn kết các nhà khoa học gốc Hoa với Bắc Kinh, đương nhiên bị người Mỹ chú ý. Một ví dụ điển hình là Trung tâm Y học Tây Nam của Đại học University of Texas có ít nhất 4 giáo sư gốc Hoa tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã bị điều tra, bị sa thải hoặc bị buộc từ chức.
Ông Điền Nguyên nói, Danhua Capital của Trương Thủ Thịnh bị chính phủ Mỹ điều tra, thậm chí “Báo cáo 301” còn trực tiếp điểm tên, nói quỹ đầu tư này là “lô cốt đầu cầu” của Trung Quốc ở Đại học Stanford và Silicon Valley, chuyên thu thập những công nghệ mà Trung Quốc đang cần. Ông nhấn mạnh, “Kế hoạch ngàn người” bị coi là sự xâm thực các nhà khoa học người Hoa ở nước ngoài; chỉ cần có tên trong “Kế hoạch ngàn người” là về cơ bản đã trở thành đối tượng điều tra hàng đầu của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Ông nói: “Chỉ cần người nào tham gia “Kế hoạch ngàn người” là về cơ bản đã đối mặt với áp lực từ hai phía: một là từ phía chính phủ Mỹ và một đến từ phía Trung Quốc. Họ biệt đãi anh và quyết không để anh không có sự báo đáp lại”. Cho đến nay, chưa phát hiện được bằng chứng cho thấy quỹ trên làm việc theo lệnh của chính quyền Bắc Kinh, song quy mô và hoạt động của các quỹ đầu tư của nhà nước Trung Quốc đã gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Ví dụ, Quỹ Đầu tư công nghiệp vi mạch Trung Quốc, còn được gọi là Quỹ Lớn (Big Fund) có vốn khoảng 21 tỉ đô la, được phân bổ thêm 47 tỉ đô la nữa trong năm 2018, hoàn toàn có thể “nuốt trọn” những doanh nghiệp vi mạch khổng lồ của Mỹ không mấy khó khăn qua các hoạt động đầu tư cổ phiếu, mua bán và sáp nhập…
Chính vì thế, Mỹ đã âm thầm điều tra hoạt động của các quỹ đầu tư của Trung Quốc và tháng 8-2018 đã công bố báo cáo sơ bộ về cung cách và chính sách công nghệ của Trung Quốc, làm cơ sở để kiến nghị Quốc hội Mỹ sửa đổi luật đầu tư, tăng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS), siết chặt việc xem xét các dự án đầu tư, mua bán sáp nhập có sự tham gia của các quỹ đầu tư Trung Quốc.
Sự kiện Quỹ Danhua Capital bị USTR nêu tên, cùng với việc thành viên chương trình Ngàn tài năng liên tục bị sa lưới pháp luật ở Mỹ có thể là những yếu tố đưa tới chứng trầm cảm của nhà khoa học tài năng Trương Thủ Thịnh. Dù sao cái chết của ông – cùng với vụ bắt Phó chủ tịch Huawei – cũng làm hé lộ phần nào góc tối trong cuộc đối đầu công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ, thường bị che khuất sau những tuyên bố ồn ào về tăng thuế, cấm vận…
Thực ra, cuộc thương chiến Mỹ-Trung không phải là chuyện thuế khóa, mà chính là công nghệ: cuộc chiến nhằm xác định vai trò thống trị về công nghệ, qua đó định hình toàn bộ nền kinh tế trong tương lai. Nhiều báo chí Trung Quốc khi đưa tin Trương Thủ Thịnh qua đời đều thống nhất nói là do “mắc chứng trầm cảm”; tuy nhiên trên các diễn đàn mạng xã hội ở bên trong Trung Quốc và hải ngoại lại lan truyền các thông tin khác hẳn.
Có tin nói ông Trương Thủ Thịnh do đầu tư thất bại, đã tự sát vì không chịu nổi trách nhiệm. Lại có tin nói do ông đang bị FBI điều tra. Nhiều người chú ý đến sự trùng hợp: hôm ông Trương Thủ Thịnh tự sát cũng chính là ngày bà Mạnh Vãn Chu – Phó chủ tịch, CFO (giám đốc tài chính) của Huawei bị bắt giữ tại Canada. Có nguồn tin nói, 1 ngày trước đó hai người còn tham dự hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao G20 tại Buenos Aires.
Lại có tin nói, năm 2017, ông Trương Thủ Thịnh đã tiếp xúc với giới chức lãnh đạo Huawei tại Thâm Quyến để thương lượng chuyện hợp tác với nhau… Về vụ này, tin công khai trên báo chí cho biết, ngày 1-4-2017, trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao công nghệ tại Thâm Quyến, Trương Thủ Thịnh đã gặp gỡ Dư Thừa Đông, Chủ tịch Công ty Trung Đoan trực thuộc Tập đoàn Huawei. Vụ này được coi là hai bên bàn chuyện hợp tác chế tạo chip bán dẫn.
Đủ mọi tin đồn xung quanh Trương Thủ Thịnh chưa được xác nhận; có lẽ chúng sẽ mãi mãi trở thành điều bí ẩn không thể được làm sáng tỏ đi theo cái chết đột ngột của ông. Steven Kivelson, Giáo sư vật lý của ĐH Stanford, bày tỏ cái chết của Trương là một “mất mát không thể tưởng tượng”. Những nghiên cứu của ông về lượng tử được tạp chí Science xác định là một trong 10 thành tựu khoa học hàng đầu năm 2007. Ông cũng nhận nhiều giải thưởng vật lý, gồm Europhysics năm 2010, giải Oliver Buckley và giải Dirac năm 2012, cùng giải Vật lý Frontiers năm 2013.
Nguyễn Hoàng-T.T (Theo Forbes)
-----------
Ý kiến độc giả :

Đối với khoa học thì cái chết của nhà vật lý Trương Thủ Thịnh có thể là một mất mát, nhưng đối với thế giới thì đó là một sự may mắn vì nếu tài năng này mà rơi vào bàn tay khống chế của Trung Quốc thì đó chỉ là cái họa cho thế giới. Trương Thủ Thịnh là kẻ tích cực đóng góp cho viẹc hình thành "giấc mộng Trung Hoa", thì đó là đại họa cho nhân loại vì một khi bọn Hán Cọng thử đắc công nghệ cao điều khiển được thế giới thì chúng sẽ áp đặt ách nô lệ lên mọi dân tộc khác và thế giới sẽ trở thành một chuồng thú để chúng sai khiến và dày xéo.
Ông trời có mắt đã khiến cho Trương Thủ Thịnh tự chấm dứt cuộc sống. Không đáng tiếc chút nào vì nhân loại vẫn luôn trên dà tiến hóa, không có bông hoa này nở thì vẫn có những bông hoa khác tươi đẹp hơn xuất hiện để trang điểm cho cuộc sống của nhân loại.

JB Trường Sơn

No comments:

Post a Comment