Monday, October 19, 2020

Bạn tôi, Ba Lan và những ngày khốn nạn

Nguyễn Tuấn
Thời còn nhỏ tôi cứ nhớ hoài câu nói của nhân vật chính Pavel trong Thép đã tôi thế ấy: "Mỗi người chỉ có một cuộc đời, hãy sống sao cho xứng đáng…”. Thế hệ chúng tôi, nói theo ngôn từ bây giờ là thế hệ 6X, bây giờ đa số đã trên 40, 45 tuổi, cũng đã có một thời trôi nổi và đủ kỷ niệm để nhìn lại, để ngậm ngùi cho những thăng trầm chẳng chừa một ai.

Tôi có ông chú họ, năm 1957, bằng đủ mọi cách, trở về Hà Nội từ Pháp, với cái bằng đại học còn mới toanh và một va-li sách. Đến năm 1977, 1978, sau khi đi làm về, chiều nào ông cũng ngồi đọc kinh Phật trước bàn thờ, chuyện cơm áo (và tem phiếu) xem như không màng. Thỉnh thoảng tới nhà chơi, tôi hay lục lọi trong đống sách vở, nhiều khi một vài bức ảnh đen trắng đã úa màu của chú chụp ở Paris, Rome rơi ra. Chú đẹp trai, tóc chải dầu bóng vắt ra sau, thật khác với hình ảnh bây giờ. Tôi nghe kể hôm chú vác va-li đi vào nhà, ai cũng tưởng chú còn ở Pháp, mẹ chú đang ngồi têm trầu ở cái sập gụ, ngã xuống bất tỉnh, không phải vì mừng!

Đến thế hệ tôi thì khác… Thời đó người ta vẫn dùng hai chữ “đi Tây” để chỉ học sinh được cử đi học nước ngoài ở Liên Xô hay các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Tôi may mắn ở trong số đó (ít ra là nhà đỡ lo một miệng ăn!). Lê lết mãi đến năm 1986 tôi cũng tốt nghiệp được ở một trường đại học 'danh tiếng' ở Đông Âu. Nói là lê lết cũng không sai, nói là đậu vớt lại càng đúng. Hôm thi tốt nghiệp, ông giáo sư nói với tôi: “Tôi cho cậu qua được là vì chiếu cố năm thứ nhất xuất sắc của cậu, bây giờ cậu tệ quá, nếu là sinh viên bản xứ thì cậu hỏng rồi”

“Em cám ơn thầy hết sức, thế là quý rồi.” Tôi đáp lại, trong bụng nghĩ thầm: “Em đậu vớt với mấy thằng bản xứ, còn thầy là giáo sư vớt của thế giới, mấy cái máy trong phòng thí nghiệm của thầy có cái từ năm 1950, 1960 thì làm ăn cái gì, cả đời thầy chưa gặp ai là đồng nghiệp ngoài trừ mấy bác Liên Xô, chúng mình cùng hạng vớt với nhau cả thôi!”.

Thời đó đa số sinh viên du học chúng tôi không ai học cả, sự nghèo đói ở Việt Nam, sự bế tắc của xã hội dẫn đến sự cùng quẫn trong học hành. Từ chỗ là những sinh viên giỏi nhất trong năm đầu, chúng tôi trở thành chót lớp trong năm cuối.

Tháng 8 lãnh bằng, tháng 11 về nước, nhưng tôi không muốn về. Nếu không muốn về thì trốn đi đâu đó một thời gian cho ban quản lý sứ quán quên đi, khỏi gọi công an trục xuất. Gần đến ngày về thì tôi nhận được thư của H. ở Ba Lan: "Mày qua đây chơi cho vui rồi tính gì rồi tính”. Thế là trên lưng một ba lô, vượt biên giới của Ba Lan, mua cái vé tàu đến Wroclaw, H. đón tôi ở Bydgosczc.

H., rất thân với tôi từ ngày nó từ Thanh Hóa ra học lớp chuyên môn. Nó ốm nhom và cao nghều với một đặc tính là cứ mở miệng nói thì thế nào cũng có câu đệm rất tục “Địt mẹ!”. Không ai biết nhiều về gia đình nó ngoại trừ tôi. Ba nó mất sớm, mẹ nó nuôi nó và đứa em bằng nghề nấu rượu (dĩ nhiên là rượu lậu vì thời đó không có gạo ăn thì lấy gạo đâu mà nấu rượu).

H. thẳng tính, thấy không đúng là chưởi thẳng tay, nhưng nó học rất giỏi và sống hết mình vì bạn bè nên ai cũng nể. Tôi còn nhớ như in hôm học chính trị về chủ nghĩa cộng sản, thầy giảng: “Liên Xô đang tiến lên chủ nghĩa cộng sản, còn ta sẽ tiến lên sau này, lúc đó chúng ta làm theo năng lực mà hưởng theo nhu cầu”. 

H. ngồi ở cuối lớp phang ngay một câu đủ để mấy thằng tôi nghe: "Địt mẹ, ở Thanh Hóa quê tao, xây cái cống thoát nước 3 năm chưa xong, chủ nghĩa cộng sản thế đéo nào được!”.
Mấy năm cấp 3 trôi qua, hồn nhiên như mây trời, chúng tôi mắt sáng, thông minh, lòng với bao ước muốn được bay nhảy học hành. Thế giới như trong tầm tay với những đêm thức trắng vật lộn với những con số, những bài toán khó. Thi đại học, bọn chúng tôi dĩ nhiên là đủ điểm đi Tây. H. và tôi lại đi cùng một nước và cùng trượt dài trên con đường từ học giỏi cho đến học dốt và rất dốt. Chúng tôi nhiều khi bỏ học cả tháng trời, chỉ để về trường học một hai ngày rồi đi thi, để được vớt lên lớp.

H. chẳng bao giờ kể với tôi về mẹ nó. Chỉ có một hôm khi say nó mới lộ ra: “Địt mẹ, mày biết không, sau khi bố tao đi bộ đội chết, mẹ tao làm rượu lậu, bán rượu lậu, lại hơ hớ thế thì mấy thằng chó ở huyện ở xã thế nào chẳng mò đến. Địt mẹ, không bán rượu thì làm hợp tác xã có mà đói nhăn răng!”. Tôi biết nó giận mẹ điều gì và chẳng bao giờ thấy nó thư từ về nhà.

Cuộc sống của chúng tôi cứ thế trôi qua, chẳng có một mục đích gì cho đến một ngày H. bảo tôi rằng nó muốn qua Ba Lan sống bằng cách làm một em Ba Lan nào đó có bầu! Chỗ bọn tôi ở có con gái Ba Lan qua làm việc. Cũng như Việt Nam, dân Ba Lan lang bạt kiếm việc làm ở mấy nước khá hơn là Đông Đức, Tiệp Khắc và Hung, ngoại trừ ai may mắn hơn đã qua được Tây Âu. 

H. cao ráo nên dễ dàng thôi, nó lại chọn một cô Ba Lan dưới trung bình về hình thức, được cái tốt bụng, hay cười toe toét. Kể như kế hoạch của H. tiến triển tốt đẹp, M. có bầu sau vài tháng. H. bảo tôi: “Ba Lan nghèo nhất, vợ tao lại xấu nên ở được!”. H. và M. dẫn nhau lên sứ quán Việt Nam ở Ba Lan làm giấy tờ, may cho nó là sứ quán ở đây còn đàng hoàng, can thiệp để nó có giấy tờ vào Ba Lan. Xong việc, H. mua mấy chai rượu và một thùng bia uống qua đêm với anh em, xem như đám cưới. Sáng hôm sau tôi đưa hai vợ chồng ra ga, M. đã nặng nề với cái bụng bầu.
thiếu nữ Ba Lan, y phục cổ truyền

Nhìn bạn tôi đau lòng, lẽ nào số phận của chúng tôi lại như vậy, trước đó chưa đến 5 năm, chúng tôi còn là những học sinh rất giỏi, ước mơ đi vào những giảng đường cao rộng vẫn như còn đó, muốn bay đến những vì sao, trở thành những kỹ sư, những chuyên viên ưu tú. Giờ đây H. qua Ba Lan mà không biết cái gì chờ đợi mình, với một đứa con sắp chào đời. Có cái gì đó hơn cả sự nghèo khổ ở quê nhà làm chúng tôi sợ mà không dám trở về? Có cái gì hơn là sự ngột ngạt của mùi xì dầu, nước mắm lẫn thuốc lào ở những cơ quan ngoại giao Việt Nam làm chúng tôi tránh xa. H. đã nhiều lần chửi: “Địt mẹ, chúng nó nói láo!”. Thế hệ chúng tôi hoặc một số ít chúng tôi không còn phương hướng, nhưng có một ít nhận thức về sự đúng sai, về sự thật và dối trá, bắt đầu nổi loạn với chính bản thân mình: bỏ học, uống rượu bia như nước lã, tự hỏi mình là ai mà bị dân bản xứ khinh như chó ở những nước được xem là anh em đồng chí.

Quá trình học làm người của tôi và H. là như thế. Sau này nhìn lại, chúng tôi vẫn nghĩ những ngày đó là những ngày khốn nạn nhưng đẹp nhất trong cuộc đời.

Từ Bydgocszc, tôi gặp lại thằng bạn sau gần một năm. Thêm một chuyến xe bus gần một tiếng và sau đó lội bộ hơn 3 cây số thì chúng tôi đến nhà cha mẹ M., giữa một làng quê ngay giữa lòng Ba Lan. 

Vào những năm đó Ba Lan nghèo xơ xác: tháng Mười Một, những thành phố một màu xám xịt, những làng xóm tiêu điều. Chiến tranh Thế giới thứ hai tàn phá quốc gia này quá nặng nề và hơn 40 năm kinh tế quốc doanh làm Ba Lan chìm trong khủng hoảng triền miên. Người Ba Lan bỏ nước tha phương cầu thực khắp nơi, cửa hàng nhà nước hầu như không có gì, cả quốc gia hầu như nhờ vào kinh tế chợ trời và tiền của người Ba Lan ở nước ngoài. Những ngôi chợ tự mọc ra, bán tất cả mọi thứ nhu yếu phẩm do người Ba Lan tự làm, vào Ba Lan bằng mọi đường. 

H. đúng, khi nó nói với tôi rằng người nghèo dễ thông cảm cho nhau. Dân Ba Lan nhìn chúng tôi một cách thiện cảm, có lẽ thời đó, số người Việt ở đây có thể đếm trên đầu ngón tay. Của ít thì quý.
nông trại gia đinh Ba Lan

Tôi phục H. nghiên cứu kế hoạch ở lại một cách chu đáo, cha mẹ M. là nông dân vẫn còn giữ làm của tư được mấy mẫu đất. May cho Ba Lan là hợp tác hóa nông nghiệp sau khi Đảng Cộng sản Ba Lan lên nắm quyền không triệt để, nên một số nông dân vẫn còn ở ngoài nông trường quốc doanh. Họ là thành phần cứu Ba Lan khỏi lâm vào nạn đói với lượng lương thực sản xuất trên những mảnh đất nhỏ bé đó. 

Cha mẹ M. rất bình dân và ngôi nhà của họ tuy rất cũ nhưng gọn gàng. Ông bà hết sức mừng rỡ khi chúng tôi bước vào và hơn ai hết tôi muốn xem mặt thằng cháu của mình như thế nào. Tôi mừng cho bạn mình, M. quá hiền lành, thằng bé kháu khỉnh và nhất là cuộc đời của nó hy vọng sẽ khá hơn. Đêm đầu tiên chúng tôi ngồi uống rượu, bao nhiêu chuyện để kể, M. cũng nhập cuộc, có lẽ M. cũng rất vui vì chúng tôi nói đủ thứ chuyện trên đời, mặc dù cô chẳng hiểu gì cả.

Những ngày sau đó tôi sống cùng gia đình H. và giúp nó làm đủ thứ, H. biến ngôi nhà kho thành một trại nuôi gà để đến mỗi tuần đem ra chợ trời bán. H. cày như điên và biến cơ sở của gia đình M. trở nên khang trang nên nó rất được họ hàng bên vợ yêu thích (có bác còn đề nghị tôi lấy vợ và ở lại luôn). 

Cái thú của tôi là đi bán chợ trời vào những ngày thứ Bảy. Chúng tôi dậy sớm, H. thịt gần cả 50 con gà, nhổ lông bằng cái máy quay mà nó tự chế. Chợ họp cách nhà khoảng 10 cây số, trên một mảnh đất gần một ga xép cho người mua dễ dàng đi lại. Đúng là chợ trời vì họp hoàn toàn ngoài trời dưới mấy cái dù đơn giản. Mỗi người mỗi sạp hàng. Cha của M. có môt cái sạp chỉ để bán những thứ lặt vặt như khoai tây, hành, su hào…, những thứ mà mấy mẫu đất của ông làm ra trong mùa hè.

Vào tay H., món làm ra tiền chính là thịt gà. Mỗi con gà giá chỉ khoảng mấy ngàn Zloty, bằng 50 xu Mỹ, bán nguyên con hay chặt nửa. Thỉnh thoảng có người trả bằng đô-la Mỹ, nhiều nhất là tờ một đô, thỉnh thoảng có tờ 5 đô (lương công nhân ở Ba Lan khoảng 15 đô thời đó). Cả bữa chợ, tiền thu được khoảng trên dưới 50 đô, nhưng đó là một món tiền lớn đối với dân Ba Lan và gia đình M.
Có cái lạ là bọn con nít Ba Lan theo mẹ đi mua gà hay hỏi chúng tôi có biết Kungfu không. Ba Lan dạo đó, phim của Lý Tiểu Long được đem qua chiếu, từ Đường Sơn Đại Huynh cho đến Mãnh Long Quá Giang, nên mấy thằng da vàng được thơm lây. H. thỉnh thoảng cũng múa con dao bầu chặt gà, phạt một mảng vào thành sạp khiến bọn con nít phục quá xá. Trời lạnh, chúng tôi lúc nào cũng thủ một chai rượu, chén qua chén về, hết chai thì cũng xong bữa chợ.

Thứ Bảy trước Giáng sinh là bữa chợ lớn nhất nên mấy ngày trước đó chúng tôi phạt hết mấy trăm con gà, chỉ để lại gà con. Gà làm xong chỉ bỏ ở ngoài trời là tươi nguyên vì tuyết đã lất phất rơi. Tôi nhớ rất rõ là bữa chợ đó họp cả ngày, đến chiều, tuyết đổ mù mịt, tôi và H. nhìn những bông tuyết đã phủ kín những con gà cuối cùng nằm chỏng trơ trên sạp, cạnh mấy củ hành, tâm trạng lúc đó thật khó tả. Chỉ biết nốc thêm mấy ngụm rượu, bạn tôi lại buộc miệng: “Không biết tương lai sẽ như thế nào!”. Nhìn những người Ba Lan lầm lũi qua lại, không lẽ họ lại chịu sống như vậy hoài hay sao… Tôi chỉ nhớ là tiếng chuông nhà thờ khắp nơi đổ dồn như thúc giục mọi người đi lễ chiều, tuyết rơi dày và hai thằng Việt Nam đứng uống vodka trong ánh sáng chập choạng của một ngày mùa đông sắp qua. Cũng là đáng nhớ hoài…


Mấy mươi năm sau, tôi có dịp trở lại Ba Lan, H. và gia đình đã di dân qua nước khác, ngôi nhà và mấy mẫu đất của gia đình M. đã bán. Viện trợ của Khối thị trường chung châu Âu cho nông nghiệp Ba Lan đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, khang trang lên hẳn. Lái xe qua khu đất trước kia là ngôi chợ, lòng tôi như muốn khóc, không còn những sạp hàng nữa, chỉ còn một bãi cỏ tươm tất của một sân vận động. Đứng ở chỗ sạp hàng của H., trong tâm trí nhớ lại những bữa chợ như mới hôm qua. Đối diện là sạp của ông già bán xúc xích kiolbassa, nướng với than, ăn với mù tạt, nhậu với vodka, một con gà đổi được 7, 8 khúc. Xa hơn nữa là sạp của một bà chuyên bán mứt dâu, mứt nho và pho mát tự làm, một con gà là 4 hũ mứt to, rồi sạp áo quần, bán quần bò mác Levi’s, may ở Gdansk…

Ôi, những ngày không thể nào quên ở Ba Lan, chữ nghĩa không mấy trong đầu nhưng tự do, những người tình Ba Lan nhà quê ngọt ngào, hồn nhiên nghĩ rằng hễ là da vàng thì phải giỏi võ như Lý Tiểu Long, phải giàu như Nhật Bản. “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ", tâm trạng của tôi như thế đó trong lần dừng lại trên mảnh chợ xưa. Có một phần tuổi trẻ của H., của tôi ở đó, tất cả đã như gió bay đi, chỉ như còn vương vấn đâu mùi hương cũ…

No comments:

Post a Comment