Tuesday, September 29, 2020

THẦY GIÁO VÀ THẦY THUỐC.

Trước đây, dư luận xã hội thường cho rằng giáo dục và y tế là hai ngành có thu nhập thấp. Thầy Cô giáo phải dạy chui thêm, Bác sĩ phải mở phòng mạch để kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Nhưng với những thông tin gần đây, cho thấy rằng thật sự không phải như thế, nhất là một số cán bộ lãnh đạo và các nhân viên có liên quan đến cơ sở vật chất, thiết bị và tiền bạc trong hai ngành này.

Với Giáo dục, bằng các chi thu nhập nhằng ở các trường học, quỹ phụ huynh sổ vàng đóng góp, quỹ tu bổ, sửa sang, trang bị, quỹ bán đồng phục, phù hiệu, tập vở, ghế ngồi, nước uống v...v... Mỗi mùa tựu trường, ban giám hiệu, nhất là trường chuyên, trường điểm có tiếng tăm tha hồ mà nhận phong bì, quà cáp. Có trường chi phí vào cửa trường lên đến con số ngàn đô la một suất. Tóm lại là đủ thứ phí phụ huynh phải đóng cho nhà trường để cho con em mình được đến lớp. 

Ở cấp lãnh đạo Sở cũng đủ cách để kiếm chác, hệ thống trường quốc tế và trường tư thục cũng phải cúng với lãnh đạo thì mới yên thân, hàng năm phải tổ chức nhiều chuyến đi nước ngoài cho cán bộ sở học tập, trao đổi. Quỹ nhà nước vẫn chi nhưng thực chất là các trung tâm, trường quốc tế lo hết từ A đến Z. Rồi quỹ xây dựng các trường, quỹ từ ngân sách, quỹ hỗ trợ của quốc tế, quỹ các dự án ....

Cao hơn nữa là Bộ Giáo, ở đây thì lắm tiền ghê lắm. Ngân sách dành cho Giáo dục Việt Nam là khá cao, ngốn đến 20%, ngoài ra có sự hỗ trợ quốc tế, các tổ chức giáo dục của các nước viện trợ. Các ngài lãnh đạo cứ vẽ dự án mà ra tiền. Đó là chưa kể thu lợi từ việc bán sách giáo khoa, một con số khổng lồ. Bởi thế, Bộ Giáo ta cứ cho ra đời lắm dự án, sách giáo khoa thì cứ liên tục cải tiến, hàng năm in hàng triệu bản sách, nhưng năm nào cũng báo lỗ, chương trình thi cử cũng thay đổi vào phút chót hàng năm. Thi tốt nghiệp đậu gần như 100% nhưng vẫn tổ chức thi để có dịp tiêu tiền và tư túi. 

Thân phận giáo viên đứng lớp với đồng lương eo hẹp, chưa kể đến việc muốn được làm nghề phải tốn tiền đút lót, muốn vào biên chế cũng phải dâng tiền và có lúc các cô giáo cũng còn phải dâng tình. Lợi nhuận bất chính thu được ban giám hiệu và những kẻ đầu sai cùng phe cánh chia chác với nhau. Người giáo viên nếu có được hưởng cũng chỉ là đồng tiền tượng trưng cho có. Nên đành phải dạy chui, mở lớp lậu để kiếm thêm để tiếp tục đứng lớp.

Bên Y tế thì con số thu lợi càng lúc càng khủng theo kết quả thanh tra được đăng trên báo chí. Bệnh viện nào cũng áp dụng mô hình xã hội hoá, tức là mở rộng cửa cho tư nhân vào trang bị máy móc, thiết bị để cùng ăn chia. Điển hình gần đây nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai. 

Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện lớn với nguồn thu khủng lên tới cả chục ngàn tỉ đồng một năm. Thế nhưng với con số thu khổng lồ đó, bệnh viện không đầu tư trở lại để nâng cấp mà hầu hết các thiết bị y tế sử dụng trong bệnh viện đều từ nguồn xã hội hoá. Mục đích là để lợi nhuận chia chác nhau một cách hợp lý. Cơ quan điều tra đã cho thấy doanh thu từ các hệ thống máy trong đề án liên doanh liên kết đặt tại Bệnh viện Bạch Mai đã được trích 2 - 7% chuyển về các khoa. Trong 25 đề án mà bệnh viện này đã triển khai, doanh thu chuyển về các khoa là 209 tỉ đồng. Riêng khoa chẩn đoán hình ảnh được nhận hơn 134 tỉ đồng. Số tiền này các khoa chi cho nhân viên và các lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện, trong đó có một số cá nhân là lãnh đạo khoa đã được chia số tiền hơn 5 tỉ đồng.

Từ đầu năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty BMS về việc đặt máy robot Rosa tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não. Các bên thống nhất, robot Rosa có tổng giá trị 39 tỉ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh liên kết tại Bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 - 2024). Hai bên thống nhất ăn chia 50 - 50 sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm. Tuy nhiên, theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được Công ty BMS nhập khẩu vào chỉ với giá gần 7,6 tỉ đồng. Cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, ước tính khoảng 10 tỉ đồng.

Với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Ước tính mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp bệnh nhân sử dụng thiết bị này, tính từ khi lắp đặt robot Rosa tại Bạch Mai đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân bị móc túi với số tiền không nhỏ. (Báo Thanh niên).

Hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla doanh thu 10 năm gần 375 tỉ, Bệnh viện K chỉ thu được 21 tỉ, tức mỗi năm 2,1 tỉ, trong khi thu của bệnh nhân trên 37,5 tỉ đồng một năm. Chênh đến hơn 35 tỉ một năm. Kinh chưa? Số tiền chênh lệch đó vào túi ai? Không cần nói thì ai cũng rõ.

Một dự án xã hội hóa ở Bệnh viện K cho thấy sau khi trừ các chi phí chụp CT scanner 64 dãy và 128 dãy (không bao gồm thuốc cản quang) chi phí 3,5 triệu đồng/ca, bệnh viện và công ty chỉ được lợi nhuận trên 170.000 đồng, chia 50/50, mỗi bên chỉ được nhận trên 85.000 đồng/ca bệnh.

Con số này là rất bất thường, khi nhà đầu tư nào bỏ ra tiền tỉ lại chấp nhận lợi nhuận mỗi ca chụp chỉ 85.000 đồng. Bệnh viện cũng có mặt bằng, có thương hiệu, có bệnh nhân, có bác sĩ nhưng cũng chỉ thu được 85.000 đồng/ca.

Nhưng không chỉ thiết bị này, mà hàng loạt thiết bị khác đầu tư theo diện xã hội hóa tại bệnh viện này cũng có khoản thu về cho bệnh viện ít đến đáng thương: hệ thống chụp CT 128 lát cắt doanh thu 10 năm là hơn 211 tỉ đồng, nhưng bệnh viện chỉ thu được trên 6 tỉ, tức mỗi năm bệnh viện thu được khoản lợi nhuận chỉ hơn 600 triệu đồng, trong khi bệnh nhân phải chi hơn 20 tỉ. (Tuổi trẻ).

Có nghĩa là họ thu tiền một đằng, nhưng báo cáo một nẻo để chia nhau.

Đến việc mua máy xét nghiệm COVID-19 trong tình hình dầu sôi lửa bỏng của đại dịch hoành hành, giám đốc CDC Hà Nội, và đồng phạm đã ăn dày trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm COVID-19. 

Cụ thể, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Từ các tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.

Ở BVĐK Gia Lai đã phê duyệt dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị phòng chống Covid-19. Theo đó, có 3 nhà thầu tham dự là Công ty TNHH ĐTPT Tùng Bách, Công ty cổ phần TM kỹ thuật Việt Nam và Công ty Cổ phần thiết bị y tế Medisco. Đến ngày 14.5.2020, BVĐK Gia Lai đã thực hiện mua sắm trang thiết bị chống dịch Covid-19 với tổng giá trị gần 8,6 tỉ đồng.

Song, qua tham khảo việc mua sắm từ Sở Y tế Khánh Hòa vào tháng 8.2019 đối với máy thở chức năng cao có cùng model “Carescape R860”, cùng hãng sản xuất “Healthcare (Datex Ohmeda)”, cùng xuất xứ “Mỹ”, cùng năm sản xuất 2019 thì có sự chênh lệch về giá. Sở Y tế Khánh Hòa mua máy này vào tháng 2.2019 là 789,5 triệu đồng, còn BVĐK Gia Lai mua vào tháng 4.2020 có giá 1,45 tỉ đồng. Người ta tìm đủ mọi cách để bòn rút, để ăn chặn bất cứ việc gì và bất cứ trong hoàn cảnh nào.

Chỉ mới mấy vụ phanh phui gần đây, người ta thấy các bệnh viện có số tiền thu rất lớn, tất cả mối lợi này đều từ bóp hầu bao của người bệnh mà có. Ở xứ ta, người bệnh đa số là người nghèo và rất nghèo. Những người có của và cán bộ khi bị bệnh đều đi chữa ở nước ngoài. Thế nên, người bệnh ở các bệnh viện trong nước đều là những người khó khăn, đồng tiền của họ thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa. Trung lưu mắc bệnh hoá nghèo, người nghèo mang bệnh hoá mạt. Họ bán ruộng, bán vườn, bán nhà, bán trâu bò, ao cá để chữa bệnh. Có người bán máu để chữa, vợ bệnh chồng theo nuôi nhưng ngày chạy xe ôm, làm khuân vác, lượm ve chai, chỉ ăn cơm từ thiện để kiếm tiền nuôi bệnh. Biết bao hoàn cảnh đau thương và nghiệt ngã. Thế mà, các bác sĩ, các bệnh viện, các lãnh đạo lại nâng giá xét nghiệm, toa rập với các doanh nghiệp để trấn lột cho hết những đồng tiền ít ỏi của người bệnh. 

Hãy vào các bệnh viện ở Việt Nam để nhìn thấy bao nhiêu số phận bi đát và đau thương. Để thấy những giọt nước mắt của nhiều người vét những tờ bạc cuối cùng để mong cứu sống người bệnh. Để thấy nỗi hớt hãi và tuyệt vọng của những con người chạy không đủ tiền để xét nghiệm cho người nhà vì số tiền quá lớn. 

Hỡi các Bác sĩ đang nhúng chàm, khi các người làm lễ tốt nghiệp, các người phải đọc lời thề Hippocrates và nguyện sẽ làm theo lời thề đó. Thế mà bây giờ các người lại vì đồng tiền mà táng tận lương tâm đến thế ư? Người mang bệnh đã là nỗi đau, lại thiếu tiền vì bị vắt kiệt thì thêm nỗi khổ. Vì kiếm lợi từ những thiết bị xét nghiệm, cho nên bệnh nhân nào vào đến viện cũng phải chịu hàng tá xét nghiệm, trong đó có nhiều xét nghiệm không cần thiết đối với căn bệnh. Xét nghiệm càng nhiều thì thu nhập càng lớn để mà chia nhau. Những đồng tiền tanh máu của bệnh nhân nghèo. Quá tàn nhẫn, vô nhân đạo. Thầy thuốc như thế có còn xứng đáng mặc chiếc áo blouse trắng nữa không? Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai hay Bệnh viện K ở Hà Nội mà bây giờ từ Bắc chí Nam, bệnh viện nào cũng thế. Cứ thanh tra đi, sẽ thấy ngay thôi mà. Bệnh viện càng lớn, số tiền thu vào và ăn chia càng nhiều. Bệnh viện lớn ăn lớn, bệnh viện nhỏ ăn nhỏ, chỗ nào cũng kiếm cách để ăn, không từ bất cứ cách nào.

Chọn nghề Y là để cống hiến và phục vụ cho cuộc đời, giờ với việc làm vô nhân ấy, các người biến thành kẻ bóc lột xương máu của đồng bào mình. Sự việc đã phanh phui, với luật pháp những kẻ đó trở thành kẻ phạm tội, nhưng đối với bệnh nhân nghèo họ trở thành bóng ma, là quỷ dữ lột hết những tờ bạc cuối cùng của dân nghèo, đẩy họ vào sự tuyệt vọng không lối thoát.

Với tư cách và lòng tham như thế, một số người thầy giáo và người thầy thuốc đã tự mình đánh mất lòng tôn kính của xã hội, bị mọi người khinh bỉ và nguyền rủa. Ở đây tôi chỉ lên án những kẻ mang áo Thầy mà bất lương. Đội ngũ Thầy Cô giáo và các Bác sĩ, cán bộ Y tế còn hàng vạn người tốt, đang ngày đêm hết mình vì người bệnh, làm việc với lương tâm nghề nghiệp mình đã chọn. Trong mùa dịch Covid, họ là những anh hùng. Trên bục giảng vẫn còn nhiều người Thầy để ta tôn trọng.

Thế nhưng nỗi đau tận cùng này của người bệnh phải chịu đến bao giờ?

29.9.3020
DODUYNGOC

No comments:

Post a Comment