Mong Ngày Qua Đi
Trần Ngọc Ánh
Đứa cháu ngoại 6 tuổi cứ mỗi lần facetime là nó hỏi “Ngoại có nghĩ rằng là sẽ lái xe qua đây thăm con không?”Và lần nào tôi cũng lắc đầu từ chối “ không được đâu, ông Ngoại làm sao lái xe từ Cali qua Texas như ba con được.” Nó lại tiếp tục thuyết phục “thì ngoại vừa đi vừa ngủ, hai đêm là tới rồi”. Tội nghiệp con bé, nó không hình dung nổi 1400 miles là bao xa với sức già của Ngoại nó, nhưng khoảng cách trái tim thì rất gần, chỉ cần vói tay bấm nút là tới.
Cả nhà nó dọn đi ngay trong thời điểm dịch bệnh và bạo loạn đang rầm rộ khắp nơi. Tụi nhỏ không ngán mấy vụ sanh tử đó mà chỉ tính toán theo kiểu sanh tồn của dân xuyên bang “Cali đắc đỏ, nhà cửa mắc quá mà làm lương không bao nhiêu nên thôi tìm chỗ khác làm ăn”, chọn lúc còn đang hưởng tiền thất nghiệp vì lockdown, tụi nó dọn nhà qua TX, ổn định chỗ ở rồi tìm việc cày lại từ đầu.
Khi chiếc Uhaul kéo đồ tụi nó đi và vợ chồng con cái nhà nó leo lên xe van dọc đường gió bụi là tôi mất ngủ mấy ngày trời vì thương hai đứa cháu ngoại, lo lắng chặng đường xa xôi phía trước của “con bướm” liều mạng. Nhớ hai câu thơ của ai đó “Dẫu rằng máu chảy về tim, cũng không ngăn nổi cánh chim giang hồ”. Tụi nhỏ bên này cứ nhởn nhơ chọn lựa cuộc sống nó thích mà không cần biết tâm trạng vui buồn của cha mẹ ra sao. Tôi biết không có cách gì giữ nó ở lại bên mình mãi mãi, dù sao nó cũng có một gia đình.
Căn nhà lại trở nên trống vắng như mấy tháng về trước, hai vợ chồng già ra vào lặng thinh, lại thèm nghe tiếng cười giỡn ồn ào của trẻ con, những món đồ chơi lăn lóc trong phòng nhìn đâu cũng thấy như tụi nó còn chạy loanh quanh trong góc nào đó chơi trò trốn kiếm. Tự dưng thấy tuổi già của mình cô đơn dễ sợ.
Trong tình thế phải bó chân mấy tháng nay riết rồi cũng quen, tôi không còn cảm giác bị tù túng khó chịu như trước nữa, mà lại thấy an toàn trong cái ổ chuột của mình, có đủ tiện nghi cho một cuộc sống không bon chen hối hả của người nghỉ hưu như chúng tôi thì như vậy là yên tâm rồi. Nhưng đó chỉ là sống mòn, sống cho qua ngày đoạn tháng, trong khi ngoài khung cửa là một mùa hè đỏ lửa đang hừng hực sự kiện mỗi ngày, phe phái chính trị đấu đá nhau, tin giả tin thật cứ làm hoang mang dư luận, đại dịch vẫn còn hoành hành với cả ngàn người chết mỗi ngày trên toàn nước Mỹ, chưa kể cái vụ BLM (Black Lives Matter) với những trận biểu tình um sùm kéo theo các cuộc bạo loạn phá hoại, cướp bóc ở những thành phố lớn trong thời gian qua đã làm thế giới phải e ngại khi nhìn vào Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, bởi vì một thể chế chính trị của Mỹ dù theo đảng phái nào cũng có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với thế giới .
Cái con Covid quả là kẻ thù số một của nhân loại, nó như ma quỷ tàng hình, không chân dung rõ ràng để thấy nó ba đầu sáu tay ra sao mà né nhưng sự xuất hiện của nó đã làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống của mọi người, chỉ trừ vài nơi xa xôi hẻo lánh, rừng rậm biển khơi là nó chưa mò tới thôi, còn lại chốn phồn hoa đô hội là nó khai tử tất tần tật, một tay sát thủ không có vũ khí nhưng đã giết người hàng loạt rất đáng kinh sợ, lúc đầu nó chỉ nhắm vào người già có cơ thể yếu đuối triền miên sẵn dễ bị lây nhiễm nhưng rồi sau đó trẻ con, người trung niên cũng bị dính luôn, California đã hai lần Lockdown và vài thành phố lớn bị phong tỏa vì dịch bệnh nghiêm trọng, cả thế giới chết hơn 840.000 người, những con số thật khủng khiếp, gấp mười mấy lần chiến tranh thế giới thứ hai cách đây gần một thế kỷ.
Chưa bao giờ nước Mỹ lâm vào tình trạng thù trong giặc ngoài tơi tả đến như vậy, đó chỉ là nhận định của tôi thôi, có lẽ từ lâu rồi tôi luôn có cảm giác an toàn khi dung thân ở đất nước “Number One”này, tôi đọc trên mạng thấy người ta nhận xét về nước Mỹ như vầy:
“Cái đất nước mà số điện thoại quốc tế bắt đầu bằng số 1, cái tên AMERICA bắt đầu bằng chữ A và kết thúc cũng chữ A, một quốc gia luôn bị gọi là Kỳ Thị Chủng Tộc nhưng Tôn Trọng Nhân Quyền lại được minh định rõ ràng trong Hiến Pháp, là xứ sở mà ai cũng muốn đến tá túc khi cùng đường, muốn định cư lâu dài dù đã từng miệt thị khi gọi họ là Đế Quốc Mỹ. Một đất nước chưa từng bị xâm lăng nhưng có khả năng vực dậy mọi quốc gia khác từ đống tro tàn..
Từ lâu rồi nước Mỹ giống như con Đại Bàng cô độc trên bầu trời của Thế giới Tự Do, một quốc gia khi lâm nạn không ai cứu trợ vì nghĩ nó giàu nhất, nhưng nó lại là người đầu tiên giúp đỡ khi các quốc gia khác gặp khó khăn.
Không biết sự đề cao có quá đáng không, nhưng tôi từng tâm đắc về các điều rất chí lý này, dĩ nhiên nước Mỹ không hoàn thiện lộng lẫy như pho tượng thạch cao hay bức tranh đáng giá trong Viện Bảo Tàng, nhưng cốt lõi cái giá trị bên trong của nó thì vĩnh viễn.Ai nói tôi cuồng Mỹ. Tôi chịu.
Mấy tháng cấm túc vừa qua khiến tầm nhìn của tôi như bị một rào cản vô hình nào đó che mờ đi, khi mỗi ngày tin tức nước Mỹ về Covid đã làm hàng ngàn người chết, hàng mấy chục ngàn người bị nhiễm bệnh, rồi hai đảng phái đình đám nhất Hoa Kỳ sắp tới ngày bầu cử thì tung tin nói xấu nhau không biết thiệt giả đâu mà rờ, khiến những cử tri thầm lặng như tôi hoang mang hết sức, làm thinh thì người Việt thông minh sáng suốt sẽ chê mình u mê tăm tối, mà lên tiếng ủng hộ bên này hay bên kia thì coi như mất tình bè bạn anh em. Thiệt tình.
Có bà cô già gần 90 gọi điện thoại thăm, nói vòng vo rồi bà hỏi thẳng “con bầu ai?” thấy tôi ấm ớ bà nói vói trước khi gát máy “nhớ không bầu bằng thư nhe, tụi nó ăn gian lắm đó” nghe mà thương tấm lòng của bà với đất nước đã cưu mang bà hơn nữa đời người, ở cái xứ dân chủ này được đi bầu là một quyền lợi, nhưng bầu cho ai là sự tự do lựa chọn của mình, là nghĩa vụ mà mình phải có trách nhiệm thực hiện, dĩ nhiên bầu cho ông A ông B nào đó chỉ là nhân vật tượng trưng trong thời gian ngắn thôi, nhưng bầu cho tương lai của nước Mỹ mới là điều quan trọng, chắc chắn nó khác xa với chế độ Cộng Sản độc tài, đảng cử và đảng bầu luôn, người dân cả đời không được cầm trên tay lá phiếu nào gọi là tự do, độc lập.
Nước Mỹ từ đầu năm đến nay đã xảy ra biết bao chuyện không vui, trời hại cũng có mà người hại cũng có, dĩ nhiên lao đao lận đận là không tránh khỏi nhưng vẫn giữ vững được lòng tự hào của một cường quốc trong cái nhìn của thế giới, hy vọng từ giờ đến cuối năm mọi việc sẽ dần ổn định, dù biết rằng sau một cơn bão lốc nhà cửa tang hoang, mọi thứ đều sụp đổ nhưng còn sức mạnh của niềm kiêu hãnh, bản năng sinh tồn sẽ giúp dân Mỹ đứng dậy được, có thể không còn giống như trước đây, mọi chi tiêu hoang phí hay hàng hóa xa xỉ tốn kém sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp hơn, những nhu cầu cần thiết sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để cuộc sống được dễ dàng hơn “Thiết lập lại các giá trị để xây dựng một thế giới mới khác biệt hơn, như người ta sẽ học cách hạnh phúc với một chiếc áo đơn giản thay vì phải đứng trước tủ áo đầy ắp và bận rộn để lựa chọn nó.”
Có chuyên gia nào đó đã nhận định tương lai của thế giới sau khi thoát khỏi cơn đại dịch Covid toàn cầu qua cách ví von trên, mọi người sẽ sống chậm lại để chiêm nghiệm với chính mình và yêu thương nhau hết lòng. Tôi nghĩ điều này đúng, giống như sau khi thấy mình thoát chết trong một tai nạn kinh hoàng, người ta dễ sống từ bi độ lượng hơn, khoan dung và chia sẻ hơn.
Mùa hè đỏ lửa Covid trên nước Mỹ rồi sẽ qua, cơn bão Laura dữ dội cũng đã qua.Chúng ta sẽ cùng nhau hàn gắn lại trật tự xã hội, dựa trên chuẩn mực đạo đức vốn được xây dựng hơn hai trăm năm trên Hiến Pháp mà thế giới luôn nhìn vào để ngưỡng mộ sức mạnh một cường quốc như Hoa Kỳ. Có thể nước Mỹ không vĩ đại trở lại trong một sớm một chiều sau cơn bệnh nặng này, nhưng chắc chắn sẽ nhanh chóng khôi phục lại nền kinh tế đã bị trì trệ trong thời gian qua, sẽ không bao giờ ngã gục trước mọi khó khăn, mọi kẻ thù.. Nếu mỗi ngày bạn còn thấy trên TiVi hình ảnh ai đó đang phát biểu và bên cạnh có một người múa tay diễn tả ngôn ngữ cho người khiếm thính hiểu, thì hãy tin rằng đây là đất nước bình đẳng và quyền con người luôn được tôn trọng như nhau, bất kể bạn là ai.
Mùa Thu sắp về, những hẹn hò cho một chuyến đi xa như hàng năm bị cái vụ Covid này trì hoản lại, tôi buồn như con chó ốm khi quanh quẩn trong nhà, thôi thì tự an ủi mình như vậy là yên thân lắm rồi, trong khi ngoài khung cửa là cả thế giới đang bồn chồn lo âu vì sự mất ổn định của nền kinh tế toàn cầu khi mọi giao dịch đều bị ngưng đọng lại suốt mấy tháng qua. Nhiều tiểu bang rụt rè mở cửa cho những dịch vụ cần thiết và chính quyền liên bang thì bận tranh cãi nên làm cái gì tốt nhất cho người dân trong giai đoạn khó khăn này.
Tôi thấy mình bé nhỏ trên nước Mỹ mênh mông, vói tay bấm cái nút phone để nói với đứa cháu một câu thôi “Ngoại hứa chắc chắn sẽ qua thăm con sau khi hết dịch, nhưng đi bằng máy bay.”
Trần Ngọc Ánh
No comments:
Post a Comment