Saturday, September 26, 2020

Bạn Trọ

TYKH
Hình minh họa.(www.pixabay.com

*** 
Rầm, rầm, choảng, choảng, đồ đàn ông hèn, chơi mà không chịu bao.

Những tiếng động mạnh và la hét đánh thức kẻ hay mộng mị như Tài vào nửa đêm. Đang mơ ngủ, Tài tưởng rằng mình vừa trải qua một cơn ác mộng như mọi khi. Nó nghĩ mình đang ở quán bia ôm khi các cậu ma cô cùng các cô tiếp viên đánh và chửi khách không cho tiền bo. Tài đang định ngủ lại thì nghe tiếng chân chạy xuống cầu thang rồi tiếng kêu xé màn đêm: 

- Cứu với, cứu với, giết người, cứu, cứu – Tài nghe giọng đàn bà còn trẻ.

Tài nhảy nhanh ra khỏi cái giường nệm ọp ẹp trong phòng trọ nhỏ ở tầng hầm mà nó mới dọn vào cuối tuần rồi. Mấy phòng trọ khác ở tầng hầm vẫn im lìm và tối thui. Tài bật sáng đèn nơi căn bếp chung ở tầng hầm và thấy một người đàn bà còn khá trẻ với mái tóc dài rối bù che một nửa khuôn mặt thất thần ngồi phía góc bếp. Nó không biết người đàn bà này là ai, sao lại khóc và kêu cứu giữa ban đêm. Chút máu anh hùng nghĩa hiệp, Tài lên tiếng:

- Cô bị làm sao, có cần tôi giúp gì không?

- Không cần gì cả, anh tắt đèn giùm em rồi đi ngủ đi.

- Có phải cô là người kêu cứu?

- Dạ đúng, nhưng bây giờ không cần nữa - Tiếng người đàn bà nghe mềm mỏng và lễ phép.

- Tôi vô phòng nghe, cần gì cứ gọi - Tài tỏ chút quan tâm.

Tài mới đến thuê phòng ở đây có mấy hôm và không biết ai trong nhà cả. Nó có phần lo cho người đàn bà này, nhưng cũng không muốn làm phiền cô ta nên trở về phòng mình.

Tài là một sinh viên Y khoa lỡ thời. Gọi là lỡ thời, vì ở độ tuổi của nó, trong lúc bạn bè ai cũng đã công thành danh toại, nhà yên cửa ấm, thì nó lang thang đây đó để hoàn thành giấc mơ dang dở của mình. Tài đang đi thực tập tại một bệnh viện ở Philadelphia nên phải thuê phòng trọ để ở. Cũng may là ở nơi đắt đỏ này, nó thuê được căn phòng nhỏ với giá phải chăng dưới chân cầu thang của tầng hầm một gia đình ông bác sĩ người Việt. Tài đi cả ngày từ sáng sớm đến tối mới về nên chưa biết ai trong nhà ngoài ông chủ nhà tên là Sĩ mà nó đọc quảng cáo cho thuê phòng trên báo Người Việt. Ông Sĩ nói với nó ông là bác sĩ. Tài hỏi ông làm ở bệnh viện nào, ông không trả lời. Ông Sĩ trạc ngũ tuần, dáng người tầm thước, phong độ và ăn nói có vẻ tự tin, dứt khoát. 

Tuần đầu tiên, bận nhiều công việc nên Tài ăn uống bên ngoài rồi chỉ về phòng trọ ngủ. Cuối tuần đầu tiên, tranh thủ thời gian Tài ra siêu thị người Hoa mua gạo và thức ăn về nấu ăn cho hợp khẩu vị và cũng tiết kiệm được túi tiền vốn đã chật vật của mình. Lúc này, Tài có dịp làm quen và biết thêm chút ít về những ai đang sống trong cùng căn nhà mà nó đang thuê phòng.

Ở tầng hầm có 4 phòng trọ tạo thành chữ L. Một căn bếp chung có đặt một cái bàn gỗ nhỏ và hai cái ghế nhựa nhỏ xỉn màu hướng mặt vào tường. Tối đa là hai người có thể ngồi ăn cùng một lượt. Vì vậy lúc người này nấu thì người khác ăn, chia phiên ra vậy, mỗi người một giờ khác nhau.

Phòng của Tài nằm dưới chân cầu thang, mỗi lần vào phòng tắm, Tài phải cúi cái thân hình lòng khòng của nó. Ngôi nhà này dáng vẻ bên ngoài xem còn ngon, nhưng thực tình còn lớn tuổi hơn cả ông Sĩ. Tầng hầm lạnh ngắt, mọi phòng phải dùng máy sưởi cá nhân, trong phòng thiếu dưỡng khí và ánh sáng. Không hiểu âm khí của tầng hầm tác động xấu đến tâm sinh lý của những con người ở đây hay những linh hồn dặt dẹo được dẫn dắt đến nơi xứng đáng với chúng. Chủ nhân của 3 phòng trọ kia, từ từ Tài cũng gặp ở căn bếp chung. Một chị tên Mai người Bắc Kỳ, cỡ ngoài 60, dáng người khắc khổ, khi vui khi buồn. Ngày chị hứng thì kể chuyện trên trời dưới đất, nào là chị con nhà dòng dõi, ở làng hai vua gì đó. Ngày buồn thì về tìm cớ chửi chị Lan người Huế. Khi thì gọi chị Lan là đồ mọi rợ, ăn dơ ở thối, lúc thì bảo giọng Huế nghe như người mắc đẻ.

Chị Lan thuê phòng kế chị Mai, chị làm thuê cho một chủ quán người Việt gốc Hoa. Chị đi làm 10 giờ sáng đến 10 giờ tối mới về và thỉnh thoảng mang các loại bánh bán không hết ông chủ cho đem về mời Tài. Mỗi tuần chị nghỉ một ngày thứ hai. Chị hay nấu các món Huế, như bánh bột lọc hay bún bò. Chị nói từng tuổi này rồi có tài mà lận đận nên coi Tài như em, nấu gì ngon cũng để phần. Chị Lan kể chị đã qua ba đời chồng và có ba đứa con đã trưởng thành nhưng bây giờ chị chỉ sống một mình. Chị làm thơ tình một quyển dày đưa cho Tài xem, rồi chị đọc nó nghe một vài bài, còn kể thêm xuất xứ bài này thế nào, bài kia ra sao. Chị đưa tập thơ cho Tài đọc rồi tuần sau hỏi nó đọc chưa. Nó cứ nói đại là đọc rồi, hay hay lắm, em rất thích, chị thiệt là có tâm hồn. Nó nói xạo cho chị Lan vui thôi chứ tin nhắn vợ nó gửi nó còn không đọc. Thực tình là nó có đọc một vài lần nhưng rồi thấy không có gì khác ngoài: “ba khỏe không, mẹ con nhớ ba lắm, ba nhớ giữ gìn sức khỏe”. Email mấy cô người yêu cũ ở VN thì nó còn đọc dù cũng là điệp khúc nhưng là điệp khúc nó thích. Anh Tài mà lận đận quá, em rất thương anh. Thì đằng nào cũng lận đận rồi, nhưng nghe có tài còn an ủi. Đôi khi cần chút dopping kiểu AQ cho vui đời, có ai mất gì đâu. Tài hợp với chị Lan ở chỗ ăn uống cùng kiểu Huế đậm đà. Tài nghe chị Lan kể lại bà Mai hay chửi lúc chị ăn ruốc, bảo chị ăn đồ thối tha. Tài nói để đó em trị bà đó cho. Ngày nào Tài cũng để chén ruốc trên bàn, mỗi khi gặp bà Mai ở căn bếp nó mời:

- Chị Mai ăn ruốc với em nghe, thơm lắm. Đây là món vua Minh Mạng khoái nhất đó, chị biết không.

Bà Mai lịch sự lắc đầu chứ không dám chê. Từ đó chị Lan nấu bún và ăn ruốc thoải mái hơn mà không sợ bị chửi nữa. Chị Lan người Huế cái gì trong nhà cũng biết như chị là quản gia vậy. Chị kể rằng người đàn bà khóc kêu cứu trong đêm nọ tên là Cẩm Nhung, vợ của ông Sĩ chủ nhà. 

Nhung vốn là diễn viên cũng khá nổi tiếng ở VN được ông Sĩ cưới và đem sang Mỹ hai năm trước. Sau khi li dị người vợ trước, ông Sĩ về VN quen Nhung, lúc này đang khá lên hương trong làng nghệ thuật. Nhung đã có một đứa con gái chừng 10 tuổi trước cuộc hôn nhân với ông Sĩ. Nhung đang làm thợ nail ở khu người Việt trong vùng. Chị Lan lại kể ông Sĩ không phải là bác sĩ như ông nổ mà chỉ là kỹ thuật viên. Tài thì không quan tâm đến ông này bà kia làm gì, mà chỉ quan tâm là đàn ông thì có tiền hay không và đàn bà có đẹp hay không mà thôi. Chị Lan kể nhiều về chuyện vợ chồng ông Sĩ chủ nhà sống ở tầng trên thường cãi nhau và đánh lộn vào nửa đêm. Việc này xảy ra như cơm bữa đến nỗi hôm Nhung chạy xuống hầm kêu cứu mà chẳng ai thèm quan tâm mở cửa ra coi.

Ông Sĩ là người thẳng thắn nhưng kỹ tính. Ông không bao giờ tiếp xúc với bọn người ở thuê dưới tầng hầm trừ việc lấy tiền mỗi tháng. Không hiểu sao ông lại thích Tài, thỉnh thoảng vợ chồng ông đi ăn buffet mời Tài đi theo. Đứa con gái của Nhung cũng rất mến Tài, cứ chú Tài suốt ngày. Cô bé còn nhỏ nhưng đã giống mẹ ở đôi mắt đẹp và buồn. Trong lúc ăn ông Sĩ hay kể ông về VN quen Nhung ra sao. Ông cũng hay kể rằng bé con Nhung lúc mới qua gầy đen như thế nào, mỗi lần đi ăn buffet con bé ăn cả ký tôm rang. Ông khoe với Tài cô bé tăng lên hơn 30 pound là nhờ ông và đất Mỹ nầy chứ ở VN làm gì có mà ăn. Những lúc ông Sĩ kể công, nét mặt Nhung tỏ ra khó chịu và Tài đọc được suy nghĩ trong đầu Nhung: “ĐM, ở VN đồ c… này tao đ… cần ăn. Lúc nói chuyện với hai vợ chồng chủ nhà, Tài nhận thấy Nhung có vẻ bất mãn vì từ cuộc sống của một diễn viên người đưa kẻ rước nay qua Mỹ trở thành thợ nail. Ông Sĩ không những không cảm thông mà còn luôn nghĩ mình là đại ân nhân của hai mẹ con Nhung, đã mang họ đến thiên đàng này. Là người sang định cư ở Mỹ lúc khá lớn tuổi và lận đận hơn cả Nhung, Tài thường an ủi Nhung rằng mới qua hai năm mà đã có công ăn việc làm ổn định, thế là tốt rồi. Sẵn đà, ông Sĩ khoe thêm:

- Tài biết không, đâu phải ai sang Mỹ này cũng sướng như Nhung. Phải có người lo cho mới được vậy. Những người khác qua mấy năm còn chưa có bằng lái xe.

Vốn thẳng tính, ông nói toẹt luôn không có ông thì làm sao mẹ con Nhung được như như thế. Đôi mắt lá liễu biết nói của Nhung quắc lên. Bằng kinh nghiệm giang hồ có được từ cuộc sống trôi nổi, Tài đọc được ý Nhung: “ĐM, sang Mỹ cực như con chó, sướng đ… gì.” Ông Sĩ dạy Tài cách tiết kiệm xăng khi đi xe. Lúc chở Tài đi cùng xe, trời nóng nhưng ông Sĩ bảo không cần bật AC mà chỉ cần mở cửa sổ là mát rồi. Rồi ông nói thêm, trời lạnh thì đóng cửa sổ lại là đủ cần gì AC. Tài nghĩ người ta nên sản xuất một dòng xe không có AC dành cho những người có nhu cầu như ông Sĩ. Không dùng th́i để làm gì cho phí.

Hai tuần sau cái đêm Nhung kêu cứu. Lúc mới mơ mơ ngủ, Tài bị đánh thức bởi những âm thanh tương tự như đêm trước. Khác là lần này cường độ mạnh hơn, tiếng la nghe cấp bách hơn khiến mọi người ở tầng hầm đều mở cửa bật đèn và bước ra gian bếp. Nhung người đầy máu chạy xuống cầu thang. Mái tóc dài và khuôn mặt bê bết máu. Tài bảo Nhung ngồi xuống cái ghế nhựa ở bàn ăn trong góc bếp. Giữ giọng bình tĩnh, Tài hỏi:

- Bị té hay bị đánh vào đầu hả Nhung?

- Không phải đâu anh Tài, em cắt tay đó - Nhung tỉnh bơ đáp, không còn vẻ hốt hoảng như lúc đầu nữa.

Tài không còn bình tĩnh được nữa, cầm luôn bàn tay trái của Nhung mà xem. Bàn tay đầy máu và cổ tay bị cắt một đường khá sâu ở giữa nhưng rất may không làm đứt các động mạnh lớn. Tài vào phòng xé cái áo cũ để băng tạm cầm máu cho Nhung. Lúc nầy mọi người mới bình tĩnh trở lại để hỏi han và an ủi Nhung. Ánh mắt người đàn bà đẹp lúc này vô hồn, không vui không buồn, trơ như tượng đá. Bà Mai nhanh nhẩu: 

- Ngu thiệt là ngu, tại sao phải cắt tay mình, tức thì cắt phăng của nó đi chứ. Phải chi gặp bà thì biết tay.

- Không chồng khổ kiểu không chồng, có chồng có khi còn khổ hơn - Chị Lan than thở kiểu người Huế.

Hai vợ chồng anh Minh và Thắm cũng tham gia:

- Đàn bà nên nhịn đàn ông chút ít, có lợi hơn em ạ - Giọng anh Minh nhỏ nhẹ.

- Ơi trời, nhà mình còn lo chưa xong, ở đó mà đi dạy người khác - Thắm vợ anh Minh ngoa ngạnh xen vào.

Quá nhiều âm thanh trong đêm vắng làm mọi người quên tiếng tụng kinh từ CD mà tối nào ông Sĩ cũng bật ở tầng trên. Lúc này tiếng kinh không còn nghe an lạc nữa mà thê lương làm sao. Tiếng kinh không đủ để cứu rỗi linh hồn của những hình người với tâm hồn dẹo dặt trong căn nhà này. Trên nền tiếng tụng kinh, thi thoảng nghe tiếng chửi của ông Sĩ át cả tiếng kinh. Sau tập một chửi lộn với vợ là đến tập hai chỉ còn mình ông Sĩ “độc chửi” vì Nhung chắc đã hết sức rồi. Những người đi ở trọ như Tài không có tội tình gì phải xem show truyền hình thực tế vào nửa đêm như thế này. Show diễn trực tiếp hàng tuần trở nên nhàm chán với người đã ở đây vài tháng trở lên. Họ không buồn ra xem khi mà show diễn chưa đạt đến cao trào như khuya hôm nay.

Một hôm khoảng 10 giờ tối, chị Lan gõ cửa phòng Tài nói ông Sĩ nhờ chị Lan và Tài giúp đón đưa và lo cho một sư ông từ Texas sang ở nhà ông Sĩ hai ngày trước khi bay qua Đức dự một khóa tu bên đó. Thường ông Sĩ hay đón tiếp mấy bậc tu hành, nhưng lần này ông đi VN có việc và biết chị Lan cũng mộ đạo nên nhờ chị tiếp đón sư ông. Hai hôm có sự hiện diện của sư ông, tầng hầm vốn nhiều âm khí trở nên ấm cúng hẳn ra. Tài có nhiệm vụ đưa đón sư ông. Bà Mai Bắc kỳ trở nên hiền dịu bất ngờ, một mô phật hai mô phật, cũng tranh thủ làm bánh xèo chay đãi sư ông và mọi người. Thắm vợ anh Minh thường ngày không thấy nấu ăn gì nay cũng bày đặt làm bún mắm chay cúng Phật. Chị Lan thì mang về bao nhiêu đồ ăn chay, rồi chị xin nghỉ hai ngày để lo cơm nước cho sư ông ngày ba bữa. Mọi người đi đứng nhẹ nhàng hơn, ăn nói với nhau mềm mỏng lịch sự hơn. Tầng hầm trở thành một gian chùa nhỏ. Dù sư ông ăn nói có phần giản dị và hơi quê mùa, Tài chứng kiến năng lượng bình an tỏa ra từ sư ông ảnh hưởng tích cực đến mọi người. Tài chợt nghĩ nếu mọi người trong căn nhà này cũng đi tu thì được phước biết bao. Rất tiếc là người tu hành đâu thể ở cùng với chúng sanh để độ họ hàng ngày được. Nếu sư ông ở lại lâu hơn, e rằng năng lượng bình an từ ngài không còn đủ mạnh để chế ngự những con ma trong tầng hầm đầy âm khí này. Sư ông đến như một cô gái đẹp mà các gã đàn ông cố gắng phô bày hết những tinh hoa giả tạo của mình trong một thời gian ngắn rồi mèo vẫn hoàn mèo thôi.

Tài ở đó thêm 4 tháng nữa thì Nhung đâm đơn li dị ông Sĩ sau khi đã có thẻ xanh hay quốc tịch gì đó. Nhung là người thích bề ngoài hào nhoáng, phù phiếm dù biết là giả tạo. Cô sẽ còn bám víu điều đó và sẵn sàng đánh đổi nếu còn chịu đựng được. Ông Sĩ không chịu ký đơn nhưng Nhung lẳng lặng đem con gái ra đi. Ông Sĩ buồn hơn một tháng, thường hay xuống tầng hầm nói chuyện với mọi người hơn. Ông Sĩ chửi Nhung ăn cháo đá bát, nào là Nhung có kế hoạch xong giấy tờ định cư sẽ ra đi. 

Sau khoảng một tháng, ông Sĩ lại ăn diện chải chuốt hơn, làm thơ và hát nhạc đưa lên Facebook. Thấy ông Sĩ trên mạng ảo, con gái nào mà không cởi quần liền. Chỉ tội khi về đời thực có khi chạy mà không kịp mặc … quần. Ngày xưa rình người yêu phải núp ở hàng rào hay bụi chuối kiến cắn sưng… chân. Thời nay rình ai thì chỉ việc lên Facebook để biết họ ăn ngủ thế nào, yêu đương, giận hờn làm sao. Chị Lan làm bạn với ông Sĩ trên Facebook, hay rình chuyện ông Sĩ và kể cho Tài nghe.

Con cá trong lờ mới vừa cong đuôi đào thoát, thì nhiều con cá khác còn to hơn hớn hở muốn đâm vào. Chị Lan cho Tài xem ông Sĩ và bạn bè tán qua tán lại trên Facebook. Tài coi mà xót xa cho thân phận mình. Nó không buồn chơi Facebook và cũng không có gì để câu like cả. Nhiều em trẻ xinh như mộng với những cái tên mỹ miều đưa ông Sĩ lên tận mây xanh. Nào là anh Sĩ đẹp trai phong độ hơn cả Brad Pitt, ai làm thơ mà mình nghe rụng tim luôn. Hát thế mới là hát, Tuấn Ngọc còn phải ghen tị. Tài giỡn với chị Lan:

- Đừng mơ mộng nghe con, từ từ sẽ biết lễ độ là thế nào.

- Ồ, em tưởng tụi nó ngây thơ hả, chưa biết ai lừa ai đâu - Chị Lan cười nửa miệng đầy kinh nghiệm.

Sau đó, Tài cũng khá bận rộn với công việc ở bệnh viện nên ít có thời gian nói chuyện với chị Lan để biết thông tin về ông Sĩ và những người bạn trọ của mình. Một hôm ở bệnh viện về khoảng hơn 6 giờ chiều, Tài vào bếp nấu cơm tối thì thấy anh Minh từ phòng bước ra bếp. Lịch sự Tài lên tiếng:

- Lâu ngày không gặp, khỏe không anh Minh? Bà xã đâu mà anh một mình?

- Nó bỏ em đi rồi anh ạ - Minh trả lời Tài trong nước mắt.

Rồi anh Minh kể luôn một mạch. Anh sang Mỹ 19 năm trước, từ đó đến giờ làm nhân viên ở 7-Eleven. Trước khi sang Mỹ với gia đình, anh từng là kỹ sư xây dựng ở SG. Anh Minh ăn nói điềm đạm, nghe có trình độ. Anh Minh dáng người tầm thước, có nét lam lũ trên khuôn mặt chữ điền. Điểm đặc biệt là anh mất hai cái răng phía bên răng cửa. Tài hỏi anh sao không trồng răng giả đi. Anh thẳng thắn trả lời rằng không có tiền. Anh quen Thắm trên mạng, email chat chit qua lại gần hai năm. Trong hai năm đó anh Minh về thăm Thắm hai lần. Anh là dân SG lấy vợ miền Tây thì quá đẹp còn gì. Anh phân trần với Tài lỗi tại anh hết. Mỗi lần anh về thăm Thắm ở Cà Mau anh phải ăn mắm mút dòi hơn một năm để dành tiền về mua quà cho bạn gái. Anh kể anh mua cho Thắm xe máy đít bự gì đó, giá gần đến mười ngàn đô Mỹ. Rồi lần khác mua thêm nhẫn kim cương, đi du lịch Nha Trang, Thái Lan. Vốn giỏi toán, Tài nhẩm tính với nhu nhập của anh Minh, để có đủ số tiền trang trải tình phí với Thắm, chẳng khó để hiểu sao anh đi ở trọ như mình. Chưa ở bụi là giỏi lắm rồi.

Tình phí ở đây không phải là vấn đề. Mấu chốt là một người gái quê như Thắm, ngoài vẻ đẹp phồn thực ra chẳng có hiểu biết gì xa xôi. Đơn giản là anh chịu chơi vậy thì chắc anh cũng có cơ ngơi gì đó bên này chứ. Nào ngờ anh chỉ chịu chơi để rồi chơi chịu. Thế là mộng tan! Cô Thắm ngày này không phải cô Thắm ngày xưa, không về làng mà sang tận Mỹ. Mà sang Mỹ được rồi thì phải có gì Mỹ chứ, không lẽ cứ ở tầng hầm và dũa móng tay cho người ta suốt đời. Với nhan sắc của mình, không khó để Thắm tìm cho mình một bến đậu mới. Nhưng thân gái mười hai bến nước mà chẳng có bến nào trong cả. Cả cái bến hoành tráng như ông Sĩ cũng chỉ trong trên Facebook mà thôi. Mình có trong đâu mà đòi bến không đục.

Tội nghiệp anh Minh, sau khi Thắm bỏ đi anh như người mất hồn, không thiết gì ăn uống. Mỗi tuần anh Minh chỉ nấu ăn một lần một nồi cơm lớn và một xoong canh to. Tài ngồi ăn ở góc bếp thấy anh Minh cắt hai bó cải như cắt rau heo. Sau đó, anh bắc nồi nước sôi lên rồi xổ vào một bao thịt sườn, một bao tôm còn đông đá đợi đến khi thịt chín cho cả rổ cải vào. Tài là con nhà nghèo mà thấy vậy cũng ớn. Thỉnh thoảng, Tài nấu món gì ngon hay mời anh Minh ăn, anh nhất định từ chối. Tài để riêng cho anh một phần thức ăn rồi nói anh nhớ ăn nhưng rồi hai ba ngày không thấy anh đụng đũa. Hôm Tài đi làm về sớm thấy anh Minh đang cặm cụi sửa chiếc xe truck cà tàng. Thấy cửa kính một bên không còn, thay vào là ni lông trắng được dán vào cánh cửa sắt bằng băng keo. Tài vô tư hỏi: 

- Sao không thay kính đi anh Minh, để gì ghê vậy, trời lạnh gió lùa vào sao chịu nổi.

- Nói sao dễ vậy, tiền đâu? - Cái điệp khúc đầu tiên được nhai lại.

- Ừ nhỉ - Tài tự nói với mình, mình cũng đâu dư dả gì.

- Chắc anh Minh sợ chết lắm, vì lo không có tiền để chôn? Tài nghĩ trong đầu.

Vài hôm sau gặp nhau ở bếp, thấy anh Minh hốc hác và có vẻ trầm uất, Tài gợi chuyện:

- Anh Minh, CN này mình định lên chùa ăn cơm chay một bữa, anh Minh rảnh không đi với Tài. Anh im lặng không nói gì. Tài chưa chịu đầu hàng:

- Hay là anh cho mình số điện thoại đi, hôm nào rảnh anh em đi ăn tối cho vui. 

- Gì vậy? Giọng anh Minh cụt lủn.

Đó là lần cuối Tài nói chuyện với anh Minh. Anh ra đi không kèn không trống mà cũng không buồn mang theo hành lý. Chị Lan kể trước khi ra đi, anh Minh trả tiền trọ đầy đủ.

Anh Minh ra đi được mấy ngày thì bà Mai cũng ra đi, nhưng khác với anh Minh là trống trước kèn sau như bản tính nóng lạnh của bà. Một sáng sớm tinh mơ, tiếng cửa chính phòng trọ đập mạnh làm Tài thức giấc. Thì ra bà Mai mang hành lý ra xe để đi. Mỗi lần mang một vali hành lý là bà Mai lấy hết sức bình sinh xô cửa ầm ầm. Không biết bà tức ai nữa mà cái cửa phải chịu trận. Thế cũng đỡ, ít nhất bà không đánh mình và người khác. Tài hỏi bà đi đâu sớm vậy, cần giúp gì không. Bà không trả lời trả vốn, lên xe phóng thẳng. Mấy ngày sau ông Sĩ xuống phòng kể rằng bà Mai ra đi mà không nói với ông một lời, còn thâm ông mấy ngày tiền phòng.

Rồi chị Lan cũng theo chân các bạn trọ của mình mà đi. Con gái chị ở Cali làm hòa với chị và nhờ chị trở về chăm mấy đứa cháu ngoại. Tài chở chị Lan lên sân bay rồi trở về bệnh viện. Sáng hôm đó, Tài được thông báo bệnh viện không thể nhận Tài ở lại thêm nữa. Đêm hôm đó là đêm cuối cùng Tài ở phòng trọ. Một mình trong căn tầng hầm rộng lớn, nó dường như không ngủ. Hồi nhỏ mẹ nó coi thầy tướng số gì đó, thầy bảo nó là ngôi sao cô đơn. Lúc này, Tài cảm nhận được sự cô đơn đó, nhưng là một nỗi cô đơn bình lặng. Và lần đầu tiên từ lúc ở trọ nhà ông Sĩ, Tài thấy lòng mình có chút an lạc. Không còn tiếng chửi từ tầng trên của ông Sĩ và năng lượng ma ám ở tầng hầm, Tài nghe rõ từng tiếng tụng kinh từ tầng trên, tiếng chuông nghe trong veo. Tài thấy rõ lòng mình lắng xuống, lắng xuống. Đột nhiên, tiếng kinh yếu dần, yếu dần rồi éo éo trước khi tắt hẳn. Lần đầu tiên Tài lắng nghe kinh một cách tỉnh thức thì cái CD đã trút hơi thở cuối cùng sau một hành trình dài… vô vọng.

No comments:

Post a Comment