Friday, August 14, 2020

Đổi tiền

Nguyễn Hiến Lê

Chính sách đổi tiền của chính phủ càng thất nhân tâm hơn nữa. Vụ đổi tiền lần thứ nhất xảy ra tháng chín hay tháng mười 1975, và xảy ra rất đột ngột.

● Sáng sớm hôm đó dân chúng mới hay rằng phải đổi tiền nội trong 24 giờ và mỗi người dân già trẻ lớn bé được đổi một số tiền là bao nhiêu đó tôi quên rồi, chỉ còn nhớ số tiền này như gia đình tôi chỉ đủ tiêu trong một tháng hay tháng rưỡi là cùng. Những người làm chủ một hãng, như hãng buôn, nhà in, xưởng chế tạo... có giấy chứng nhận của phường, quận... mới được đổi thêm 1.000 đồng mới (1 đồng mới ăn 500 đồng cũ), tính ra cũng chỉ đủ chi tiêu trong một tháng. Chính quyền không cho biết số tiền còn lại, sẽ giữ tại ngân hàng và sẽ cho rút ra lần lần tùy nhu cầu; thành thử ai cũng hiểu lầm rằng số đó sẽ bị hủy bỏ. Do đó rất nhiều người phẫn uất, tuyệt vọng; có người tự tử, có người đốt hằng thúng giấy bạc, hoặc từ trên lầu vãi giấy bạc xuống đường, không ai thèm lượm; ở Mỹ tho, nhiều tiệm Trung hoa thồn giấy bạc vào cà roòng, thả trôi sông.

● Chỉ thị phải đổi nội trong 24 giờ làm cho mọi người hoảng hốt, tranh nhau đổi, sợ trễ. Nhưng chỉ thị đó, chính cán bộ không tuân theo; ở phường tôi họ cứ nhởn nha làm việc; chín giờ sáng mới tới phòng đổi tiền để xếp đặt công việc, mười một giờ mới quyết định xong, thì nghỉ ăn cơm; một giờ mới phát cho dân đơn khai số tiền có trong nhà. Dân chen chúc nhau ở cửa phòng, đưa sổ gia đình để họ xét họ xét rất lâu như sợ có sổ giả mạo, rồi mới chịu phát đơn. Các tổ trưởng đề nghị tiếp tay họ trong việc đó, họ không cho vì ngờ có thể gian lận.

Đem đơn về nhà khai xong, lại mang tới đề nộp, lại chen lấn nhau lần nữa. Hai vợ chồng tôi thay nhau làm những việc xin đơn, nộp đơn, chiều đó mới xong, mệt đừ.

Trên đơn họ tính trong nhà có bao nhiêu người, cho phép đổi bao nhiêu, tính xong thì khuya rồi, đề sáng hôm sau mới đổi. Họ làm việc rất chậm, mãi nửa đêm hôm sau mới đổi xong. Như vậy là lệnh của chính phủ không được tuân. Có phường năm ngày mà đổi vẫn chưa xong, vì họ phải xét đi xét lại một điều gì đó, tôi không hiểu. Dân chầu chực suốt 5 ngày 5 đêm ở ngoài nắng, dưới mưa, lại không có tiền tiêu (vì trong lúc chở đổi tiền, giấy bạc cũ vô dụng, giấy bạc mới chưa có), nổi lên phản kháng, biểu tình, họ bắt giam một số. Nhưng cũng có chỗ đổi rất mau, chỉ 24 giờ là xong.

Vậy là cấp trên không biết tồ chức hoặc biết tổ chức mà cấp dưới không thèm nghe, tự ý làm sao thì làm, và hạng người ngu dốt, được cơ hội, tha hồ hách dịch, làm khó dân.

● Một cái tệ nữa là không có sự kiểm soát, khiến nhiều cán bộ gian lận, làm giàu. Các cơ quan đổi bao nhiêu tiền cũng được, chỉ cần làm tờ khai. Cơ quan có trong quĩ 100 triệu đồng cũ chẳng hạn thì khai 150 triệu, 50 triệu dư đó đem mua tiền của dân. Dân có tiền không đổi được, bán rẻ cho cơ quan, lấy 50%, 30% thôi, cơ quan lời 50%, 70% chia cho nhau. Thí dụ : tôi có dư 1 triệu đồng cũ không đổi được, đưa cho cơ quan đổi, cơ quan chỉ giao cho tôi nửa triệu (50%) tức 1.000 đồng mới; cơ quan giữ lại nửa triệu, để chia nhau. Đó là chỗ thân tình lắm chứ giá thường là 30%, và gần tới giờ chót chỉ còn 10%. Nửa ngày cuối cùng, người ta tấp nập mua bán như vậy, công an phường chắc biết dư mà chẳng thấy phát giác vụ nào cả.

Lần đó là lần đầu tiên tôi thất vọng, thấy rõ chân tướng chẳng tốt đẹp gì của các đồng chí cách mạng trong chủ nghĩa xã hội đã được Hồ chủ tịch dạy dỗ mấy chục năm. Họ bỉ ổi, bê bối còn hơn chế độ tư bản nữa. Tôi không vơ đũa cả nắm. Cũng có một số liêm khiết, xã hội nào cũng vậy.

Đêm đó 11 giờ khuya tôi mới đổi tiền xong, trả phần của một đứa cháu trong nhà, và trả cho nhà tôi số tiền tiêu riêng của nhà tôi rồi, chỉ còn đâu có 6-7 chục đồng, mà mỗi tháng chúng tôi tiêu ít nhất 50 đồng mới đủ. Tôi chìa cho nhà tôi xem, bảo: "Bao nhiêu tiền tiết kiệm của mình chỉ còn có mấy tấm giấy này thôi!" Nhà tôi làm thinh. Tôi cất tiền rồi, mệt quá, đi ngủ liền.

Sáng hôm sau dậy sớm mới thấy buồn thấm thía. Còn trà tàu Đài Loan của một độc giả cho, tôi pha một bình nhỏ, rót một chén đem xuống cho nhà tôi đương quét sân. Rồi tôi đi dạo trong xóm xem dân tình: ai cũng lặng lẽ, đăm chiêu. Nửa giờ sau về nhà. Nhà tôi cho hay đã bán được một lon sữa đặc đủ đi chợ một ngày. Tôi bảo: "Cần gì phải như vậy. Mình còn nhiều đồ khác để bán mà." Nói vậy, nhưng nước mắt tôi cũng rưng rưng vì cảm động.

Mấy hôm sau, có lẽ chính phủ thấy chính sách đó khắc nghiệt quá, cho nên ra lệnh cho đổi thêm một số nữa bằng số lần trước. Lại khai báo, lại chầu chực, nhưng lần này mau hơn. Ngân hàng trả lại tôi một số tiền nữa, còn bao nhiêu ghi vào sổ tiết kiệm của tôi. Vậy là chưa mất hết. Từ đó mỗi tháng vợ chồng tôi được rút ra 60 đồng cho hai người, lại bán thêm được một ít sách nữa, cho nên đủ tiêu. Được đâu một năm như vậy rồi chẳng hề có thông cáo, thông báo gì cả, ngân hàng cứ lẳng lặng không phát thêm nữa. Hiện nay trong sổ tiết kiệm của tôi còn mấy ngàn đồng, tôi không nhớ. Sổ đó đã vô dụng rồi, tôi giữ làm kỹ niệm của một thời.

Tóm lại chính sách của nhà nước là muốn quản lý tiền bạc của dân: chỉ cho mỗi gia đình giữ một số đủ mua gạo, rau... trong một hai tháng, còn bao nhiêu gởi ngân hàng hết, phải có lý do chính đáng như đau ốm, cưới hỏi, ma chay... mới được rút ra. Tiến bộ hơn Nga nhiều. Nhưng hậu quả là không ai muốn gởi tiền ngân hàng nữa, và chính sách đó phải bỏ.

Gần đây đọc một cuốn sách tôi được biết chính phủ Sô viết ở Nga sau cách mạng 1917 cũng có một lần đổi tiền cho dân: cứ dưới 3000 rúp (rouble) (tôi không biết một rúp thời đó bằng bao nhiêu quan Pháp) thì một rúp cũ đổi lấy một rúp mới, còn trên số đó thì hai rúp ca đổi một rúp mới. Chính sách đó nhân đạo hơn, không gây bất mãn trong dân chúng. Chính phủ mình đã theo chính sách đổi tiền của họ Mao chăng?

Ba năm sau, năm 1978 lại đổi tiền một lần nữa, mà lần này ở khắp nước. Cũng đột ngột, cũng hạn chế số tiền được đổi, nhưng có tổ chức hơn, đỡ khổ cho dân.

Dù dùng mọi cách đề bình sản (tức quân bình tài sản, san phẳng tài sản), dù dùng mọi cách để trừng trị sự làm giàu thì bất ky thời nào, trong xã hội nào, cũng chỉ được ít tháng lại có sự bất bình đẳng, có kẻ giàu người nghèo. Một người đã nói: phát cho hai người, mỗi người một ổ bánh mì, chỉ một ngày sau đã có sự bất bình đẳng rồi: kẻ ăn hết ổ bánh đã hóa nghèo hơn kẻ chỉ ăn ba phần tư ổ thôi, để dành một phần tư. Như vậy là có sự tích lũy tài sản rồi. Cho nên tại các nước cộng sản lâu lâu phải đổi tiền một lần, hạn chế số tiền được đổi, tịch thu một số tiền quá lớn nữa. Nghe nói ở Nga từ 1917 đến nay đã đồi tiền non 20 lần, không biết lời đó đúng không.

Vụ đổi tiền năm 1978 làm Bắc Việt xôn xao cũng bằng ở trong Nam và cũng có đủ các tệ như ở Nam.

Lần này người ta biết tin trước vài ngày: ai có nhiều tiền (ở Bắc cũng như ở Nam) cũng tung tiền ra mua vàng, xe đạp, vải, tủ lạnh, chén đĩa, bất ky thứ gì với bất cứ giá nào. Có thứ tăng giá lên gấp 10 như vàng, thứ nào tăng ít nhất cũng gấp năm. Có người không biết mua gì, năn nỉ hàng xóm để lại cho con gà, con vịt. Người nghèo có từ nải chuối trở đi cũng đem bán. Ở Bắc có kẻ nhiều tiền quá thồn cả vào một cái bao, chở trên xe đạp, đến một chỗ vắng, làm bộ đánh rớt xuống đường rồi phóng đi như bay. Hạn chế, kiểm soát rất gắt, vậy mà ở Hà nội ngay tối đêm mới đổi tiền, công an lại xét một nhà thấy một số tiền gấp trăm số gia đình đó được phép đổi. Và chính phủ cũng phải làm ngơ.

Sau một phần tư thế kỹ được giáo hóa mà như vậy thì chúng ta phải kết luận ra sao? Có chế độ nào thay đổi được bản tính con người trong một hai thế kỹ không? Bao giờ mới đào tạo được con người xã hội chủ nghĩa để họ xây dựng xã hội chủ nghĩa đây, như Hồ chủ tịch nói?

Mỗi lần đổi tiền là một lần lạm phát. Cứ xét giá sinh hoạt từ 1975 đến nay ở miền Nam thì ít nhất cũng đã có sự lạm phát gấp 10 lần rồi: giá vàng 1975 là 400$ mới, bây giờ (tháng 5-1980) trên 6000$; gạo bán ở chợ thời đó vào khoảng 20 xu mỗi một lít, bây giờ từ 2$ tới 6$, 8$ tùy nơi. Vật giá cũng tăng lên ít nhất là 10 lần.

Giá chính thức thì trái lại, tăng lên rất ít, nhiều lắm là gấp hai; nhưng chỉ công nhân viên được mua gạo với giá đó thôi, còn những nhu yếu phẩm khác thì không có để phân phối; rốt cuộc họ phải mua rất nhiều món ở chợ với giá gấp 10 lần, mà lương không tăng. Tình cảnh của họ thật bi đát. Nạn tà tà, vô kỹ luật, tham nhũng, ăn cắp, buôn lậu phát ra từ đó.

Còn thêm một hậu quả nữa. Dân sợ sự đổi tiền quá, không còn làm ăn gì được; mà dân càng sợ thì càng có nhiều kẻ tung tin vịt ra; mới đổi năm 1978, qua năm 1979 lại có tin đổi tiền nữa, kinh tế hóa khó khăn trong vài tháng, một số kẻ làm giàu thêm, một số nghèo thêm, rồi đầu năm 1980 lại có tin đổi tiền nữa, lần này cũng vịt nữa. Đời sống không được ổn định, dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, chẳng trách bệnh bao tử phát dữ dội, gấp mấy thời trước. Không ai muốn tiết kiệm nữa, kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó; những quán ăn, tiệm cà phê nhiều hơn và đông khách hơn trước ngày 30-4-1975.
...

Trích "Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê"

No comments:

Post a Comment