Thursday, August 27, 2020

Na Uy: Biến sa mạc thành đồng ruộng chỉ trong 7 giờ

Một công ty khởi nghiệp ở Na Uy đã nghiên cứu ra kỹ thuật mới giúp biến sa mạc khô cằn ở Dubai trở thành đồng ruộng trồng đầy rau quả tươi ngon chỉ trong 5 tháng, thậm chí còn làm nên kỳ tích khi biến sa mạc thành đất trồng nông nghiệp chỉ trong vòng 7 giờ đồng hồ.

Theo CNN đưa tin, đội “Desert Control” của công ty công nghệ Desert Control Na Uy đã đến Dubai vào đầu tháng 3 năm nay để sử dụng công nghệ “Liquid Nanoclay” do chính công ty này tự nghiên cứu ra để trồng dưa hấu, bí xanh và kê trân châu trên một mảnh đất sa mạc. Năm tháng sau, vùng đất khô cằn này đã trở thành một cánh đồng tốt tươi đầy hoa trái. 

Phát minh mới “Liquid Nanoclay” đã được cấp bằng sáng chế, chỉ dùng nước và đất sét để chế tạo ra. Chỉ cần rải hỗn hợp đặc biệt này trên cát hoặc đất chứa cát, nó sẽ thẩm thấu và bám vào các hạt cát giúp cải thiện khả năng giữ nước của cát, đồng thời cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng sinh trưởng và phát triển. 

Công ty Desert Control cho biết kỹ thuật này có thể cải thiện đất vốn chứa cát nghèo dinh dưỡng, tăng đáng kể độ phì nhiêu cũng như có thể giảm lượng nước tiêu thụ hơn một nửa. Quan trọng hơn là kỹ thuật này có thể biến đất khô cằn trở thành đất trồng trọt chỉ trong 7 giờ đồng hồ. 

Người điều hành công ty, ông Ole Kristian Sivertsen giải thích rằng kỹ thuật này được nhà khoa học người Na Uy có tên là Kristian Olesen phát minh vào giữa năm 2000, giúp biến đất sét nặng thành một chất lỏng “mỏng nhẹ như nước”. 

Ông Sivertsen cho biết: “Có thể dùng bất cứ kỹ thuật tưới nào trước đây để áp dụng ‘Liquid Nanoclay’, thậm chí còn có thể dùng máy tưới nước.” 


Hiện nay, 90% thực phẩm của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đều là nhập khẩu, vì vậy việc trồng trọt trên sa mạc để tăng sản lượng lương thực đã trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của quốc gia này.

Trong khi quá trình ‘sa mạc hóa’ trên toàn cầu ngày càng gia tăng thì những cải tiến cho phép cây trồng phát triển mạnh ở các vùng khô hạn có thể giúp hỗ trợ nguồn cung cấp lương thực ở nhiều quốc gia.

Theo Epoch Times

No comments:

Post a Comment