Sunday, July 12, 2020

VỀ QUÊ

Bs Phuoc Pham

Mùa hè năm 1972, Việt Cọng mở những trận công kích dữ dội khắp cả miền Trung. Quê hương xứ dân nghèo chìm ngập trong biển lửa. Dân chúng ùn ùn tìm mọi cách lánh xa những vùng VC tạm chiếm, nheo nhóc kéo về nơi có chính quyền Quốc gia. Lạ một điều, trong suốt cả cuộc chiến không ai bỏ vùng Quốc gia để trở về với VC. Thê thảm nhất là trên quảng đường 9 km từ Quảng trị về Huế, VC nhẩn tâm pháo kích thẳng vào đoàn người di tản, đàn bà trẻ em trở thành mục tiêu tác xạ cho các pháo thủ Bắc Việt. Dân chúng chết thê thảm, chết la liệt, chết không toàn thây, chết không có mảnh chiếu che thân…. Địa ngục trần gian có thật , “ killing field” có thật. Con đường ngắn ngủi nầy, từ đây được mọi người gọi là " Đại lộ kinh hoàng ".

Quê hương êm đềm, thân yêu Bồng Sơn của tôi cũng chịu chung số phận hẩm hiu.

Gia đình tôi tan nát vì chiến tranh, Ba tôi mất, Má và các em phải lánh nạn vào Qui Nhơn.

Lúc đó, đang là sinh viên năm thứ 5 Y khoa, tôi như người mất hồn, thẩn thờ không còn lòng dạ nào để học. Nhưng cuộc đời có những thay đổi rất kỳ lạ, trong lúc cùng cực, tôi lại may mắn gặp những ân nhân giúp đỡ, an ủi để tôi tiếp tục tiến bước.

Năm 1973, sau ngày ra trường, tôi trở về Qui Nhơn để thăm Má. Luôn tiện tôi ra Bồng Sơn thăm lại làng xưa.

Nhà tôi từ bao nhiêu đời vẫn ở ngay bên tòa hành chánh Quận Hoài Nhơn. Tòa hành chánh là điểm pháo kích của VC, nên nhà tôi đã trở thành đống gạch vụn. Ngay cả nền nhà cũng không còn nhận ra, chỉ có gạch đá, cỏ mọc xanh rì và giây thép gai chằn chịt. Tôi đứng đó, đau xót tận cùng, nước mắt ràn rụa. Rồi tôi lại ra đi.

Những năm kế tiếp tôi bị quăng tới tấp vào những vòng xoáy của đời mình...Mãi đến khi cuộc sống đã ổn định ở Úc, năm 2006, tức 33 năm sau, tôi mới có dịp trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

Về lại làng xưa, tôi như Từ Thức về trần.

Bạn bè ngày xưa, nay chỉ còn được gặp mỗi một người. Chiếc cầu sắt bắt qua sông Lại giang bi VC dùng mìn phá sập trong chiến tranh nay đứng im lìm, mặc thời gian tàn phá dần dần, chỉ còn là bộ xương khô. Sông Lại giang ngày xưa nước ngập đôi bờ, nay trơ những cồn cát. Những con đường đất mát rợi ngợp bóng dừa và lũy tre xanh nay đã mất dấu, những con đường tôi đã quen đi lại lắm lần khi mới lớn tôi “ theo tà áo trắng, cô em học cùng trường “. Ngôi trường cũ Tăng Bạt Hổ, nơi tôi theo học hết quảng đời niên thiếu, nay đã dời đi nơi khác.

Ra đường không ai quen. Tôi tần ngần nhớ đến bài Đường Thi của Hạ Tri Chương :

--HỒI HƯƠNG

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai ?

( Từ bé rời nhà, già mới về
Giọng nói quê cũ chẳng đổi, nhưng tóc mai đã rụng thưa
Trẻ con gặp mặt, không biết là ai
Cười hỏi : “ ông khách từ đâu đến vậy ? “

Chỉ mong được về quê một lần nữa. Đã 14 năm rồi, tôi chưa về quê lần thứ hai.

No comments:

Post a Comment