Tuesday, July 14, 2020

Tỷ phú Warren Buffett và nhà kinh tế học đoạt giải Nobel đều tin vào sự ‘phục hồi’ mạnh mẽ của Mỹ


Bình luận Tâm An • 15:15, 04/07/20

Warren Buffett cho biết ông vẫn tin rằng không có gì có thể ngăn cản “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, và nước Mỹ sẽ phục hồi sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán - giống như nó đã xảy ra sau các cuộc khủng hoảng khác trong các thế kỷ qua. Đây cũng là quan điểm được chia sẻ mạnh mẽ từ Paul Krugman - nhà kinh tế học đoạt giải Nobel - với Bloomberg trong tuần trước.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán là nguyên nhân gây ra việc mất 20 triệu việc làm ở Mỹ, và việc chứng khoán toàn cầu mất hàng nghìn tỷ USD đã dẫn đến sự sụt giảm thị trường hơn 35%, thật khó để các nhà đầu tư duy trì trạng thái tích cực.

Tỷ phú Buffett cho rằng mọi cuộc suy thoái đều diễn ra theo chu kỳ, và khi mọi thứ trở nên khó khăn với những hy vọng dường như rất ít, phương châm của ông luôn là: giữ bình tĩnh và tìm giá trị từ đống đổ nát.
Luôn sẵn sàng cho ‘một trận đại dịch’

Theo Forbes, ông Buffett và việc kinh doanh của ông đã “sống sót” sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, sự kiện khủng bố 9/11 “ám ảnh” nước Mỹ, sau những cuộc khủng hoảng vào những năm 1970, 1980 và 1990, bong bóng dot-com, khủng hoảng kinh tế tồi tệ năm 2008, và giờ đây, ông vẫn đang bình tĩnh đối mặt với khủng hoảng Covid-19. 

"Tôi luôn luôn cảm thấy có một trận đại dịch sẽ xảy ra", ông nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3/2020. Trong thư gửi cổ đông năm ngoái, vị chủ tịch tập đoàn Berkshire này cũng cảnh báo rằng sẽ có một cuộc đại suy thoái "hoàn toàn bất ngờ" với sức tàn phá còn khủng khiếp hơn cả cơn bão Katrina và Michael đổ bộ vào nước Mỹ.

Không phải ngẫu nhiên mà giới đầu tư gọi Buffett là một "huyền thoại", đối với các cuộc khủng hoảng kinh tế, ông nhấn mạnh rằng tập đoàn Berkshire của ông có thể phải hứng chịu những tổn thất lớn. "Nhưng chắc chắn chúng tôi vẫn sẽ sẵn sàng để đứng dậy và tiếp tục kinh doanh vào ngày hôm sau", ông nói.

Và mặc dù đã ở vào độ tuổi 90 “thập cổ lai hy”, tâm trí của nhà đầu tư vĩ đại nhất lịch sử này vẫn nhạy bén hơn bao giờ hết.

Tại sao không dùng biện pháp ‘lặp lại’ của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dành cho khủng hoảng Covid-19?

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, tỷ phú Buffett đã cho Goldman Sachs vay 5 tỷ USD thông qua các cổ phiếu ưu đãi với lãi suất 10%; và đã thực hiện các khoản vay khác với các điều khoản sinh lợi tương tự như General Electric, Harley Davidson, Dow Chemical, Swiss Re và Bank of America. 

Năm 2008, hầu như không ai muốn cho vay. Mặc dù các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Canada đã cắt giảm lãi suất, nhưng các doanh nghiệp không thể ngay lập tức tiếp cận nguồn vốn. Chiến lược của ông là cung cấp những điều khoản mà không ai khác sẵn sàng cung cấp tại thời điểm đó, vì thị trường đang trong tình trạng hoảng loạn.

Tuy nhiên, chiến thuật của Buffett cho cuộc khủng hoảng mới đã thay đổi. Vào cuối tháng 6/2020, trong cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway, các cổ đông muốn biết lý do tại sao ông Buffett không đóng vai trò là “người cho vay cuối cùng” đối với các công ty thiếu hụt vốn như vào năm 2008, tại sao chiến lược đầu tư vốn mang về hàng tỷ USD tài chính cho công ty trong khủng hoảng 2008 lại không có trong kế hoạch của ông ngày hôm nay? 

“Cơ hội chỉ đơn giản là không có ở đó”, ông giải thích. 

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã hành động để ngăn thị trường tín dụng đóng băng, nới lỏng định lượng và áp dụng các can thiệp khác để đảm bảo rằng nguồn vốn lãi suất thấp đến được với phần còn lại của thị trường. Buffett cho biết ông nhận thấy rằng các chính phủ và ngân hàng trung ương đã thành công trong việc bảo vệ hệ thống tài chính chống lại tác động của suy thoái COVID-19 và ngăn chặn sự lặp lại những gì đã xảy ra vào cuối năm 2008, ít nhất là cho đến nay.

Ông Buffett cũng dành nhiều lời khen ngợi cho chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vì những hành động mà ngân hàng trung ương đã thực hiện kể từ tháng 3/2020, như là cắt giảm lãi suất xuống 0, đưa ra một số chương trình cho vay đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và thành phố, để giúp hỗ trợ nền kinh tế.

“Đây là thời điểm rất tốt để vay tiền, có nghĩa là đây không phải là thời điểm tốt để cho vay”, ông hài hước nói. 

Niềm tin vào một nước Mỹ ‘phục hồi’ 

Theo Bloomberg, từ năm 1965 cho đến cuối năm 2019, tỷ suất sinh lời trung bình của cổ phiếu Berkshire Hathaway là 20,3%; cao hơn hẳn tỷ suất sinh lời 10% của chỉ số S&P 500. Vốn hóa thị trường của Berkshire Hathaway là 441 tỷ USD và là tập đoàn duy nhất trong 6 doanh nghiệp lớn nhất thuộc S&P 500 không phải là một hãng công nghệ.

Vào năm 2017, tỷ phú Buffett đã mua 10 tỷ USD cổ phiếu của bốn hãng hàng không lớn nhất của Mỹ là Delta, American, United và Southwest. Berkshire Hathaway đã có sự tăng trưởng tới 5,9 tỷ USD vào năm 2019. Tuy nhiên, những tác động kinh tế tàn khốc của đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng loạt khoản đầu tư của Berkshire Hathaway, kết quả quý đầu tiên của tập đoàn này là khoản lỗ gần 50 tỷ USD, tồi tệ nhất trong lịch sử công ty. Gần đây, tập đoàn này đã bán toàn bộ cổ phần của mình trong bốn hãng hàng không mà nó sở hữu. 

Ngày 5/6, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định: "Đáng ra nên giữ lại cổ phiếu lĩnh vực này khi chúng đã tăng mạnh trở lại hôm nay". 

Nhận xét của ông Trump được đưa ra sau khi Mỹ ghi nhận số liệu việc làm mới trong tháng 5/2020 tăng mạnh nhất kể từ năm 1939; với 2,5 triệu việc làm tăng thêm. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống còn 13,3%. Theo các nhà phân tích, kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu bật tăng trở lại sau Covid-19.

Theo CNBC, hàng loạt chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ lập tức phản ứng trước thông tin tích cực này, chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt 3,1% và 2,6%; đặc biệt là cổ phiếu các hãng hàng không trước đây Warren Buffett từng thoái vốn là Delta Airlines, American Airlines và United Airlines bật tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày 5/6; lần lượt là 10,4%; 21% và 16,8%; cùng với kỳ vọng của các nhà đầu tư vào khả năng sớm phục hồi của hoạt động du lịch. 

Tỷ phú Buffett cho biết ông hy vọng rằng “mình đã sai”, và mỗi cuộc khủng hoảng dường như là khoảng thời gian rất ảm đạm, nhưng nước Mỹ cuối cùng đã hồi phục, và ”những điều kỳ diệu của người Mỹ sẽ luôn chiếm ưu thế”.

"Đất nước này, trong 231 năm qua, đã vượt quá giấc mơ của bất kỳ ai", ông Buffett nói.

Cùng với Warren Buffett, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman có quan điểm hoàn toàn tương tự từ phân tích kinh tế học vĩ mô phức tạp 

Paul Krugman là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng và thú vị nhất thế giới. Mặc dù Krugman đã đạt được dấu ấn sự nghiệp trong giới học thuật, nơi mà đóng góp về thương mại và địa lý kinh tế của ông đã mang lại cho ông giải thưởng Nobel năm 2008, nhưng chính những bài bình luận thường kỳ của ông đã mang lại sự nổi tiếng rộng rãi hơn. Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhất của Krugman với Bloomberg, ông khẳng định: 

Thứ nhất, không mô hình kinh tế nào hiện có có thể giải thích được cho khủng hoảng kinh tế lần này - chính sách cắt giảm thuế sẽ không hiệu quả. Điều này có nghĩa là dù các mô hình truyền thống không thể giải thích cho khủng hoảng lần này, nhưng ông khẳng định rằng dưới góc độ kinh tế học có thể phân tích. Krugman cho rằng chính phủ Mỹ đang đi đúng hướng về chính sách và xử lý tốt các vấn đề kinh tế. Trong giai đoạn này, các phản ứng chính sách thông thường như kích thích hoặc cắt giảm thuế là không phù hợp, và việc tập trung vào các vấn đề phúc lợi xã hội nên được ưu tiên hàng đầu. 

Thứ hai, không lo ngại lạm phát mà lo ngại giảm phát dù thâm hụt ngân sách khổng lồ và chương trình mua tài sản quá lớn của Cục Dự trữ Liên bang. Krugman cho rằng việc hỗ trợ cho người thất nghiệp có thể gây ra sức ép cho lạm phát. Nhưng các dữ liệu vĩ mô cho thấy điều này dường như không xảy ra. Ông cho rằng thặng dư của khu vực tư nhân đã tăng đủ để đáp ứng thâm hụt khu vực công, mà vẫn còn dư địa - đó là sức ép giảm phát.

Thứ ba, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel khẳng định rằng đại khủng hoảng lần này sẽ không kéo dài trong nhiều năm - nó là một cuộc khủng hoảng bình thường và không phải là sự kết thúc. So sánh trong lịch sử, dịch cúm Tây Ban Nha cũng dẫn đến nhiều sự giãn cách xã hội, dường như không để lại “vết sẹo” kinh tế lâu dài cho quốc gia. Nhưng nền kinh tế hiện đại rất khác biệt - phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng mỏng manh, vào các khoản nợ và tín dụng, tập trung vào các dịch vụ hơn là sản xuất và nông nghiệp. Do vậy, liệu khủng hoảng lần này có khiến Mỹ có một thập kỷ mất mát? Sai lầm chính sách nào có thể khiến nỗi đau "mất mát kinh tế" kéo dài hơn? 

Trả lời cho câu hỏi này, Krugman đề cập đến dữ liệu của các cuộc suy thoái kinh tế Mỹ trong 40 năm qua. Ông cho rằng các cuộc khủng hoảng có thể chia thành 2 loại: thiếu hụt thanh khoản (tiêu biểu là khủng hoảng kinh tế năm 1979-82) và do mở rộng đầu tư, tiêu dùng quá mức của khu vực tư nhân (như năm 2007-09). Loại khủng hoảng kinh tế do thiếu hụt thanh khoản sẽ phục hồi nhanh chóng theo hình chữ V, loại thứ hai sẽ phục hồi chậm chạp hơn và mất nhiều thời gian để tái tạo việc làm đầy đủ. 

Dưới góc nhìn của Krugman, sự suy giảm kinh tế do dịch viêm phổi Vũ Hán lần này ở Mỹ có tính chất giống như cuộc khủng hoảng năm 1979-1982 hơn là cuộc khủng hoảng năm 2007-2009: nguyên nhân không phải là những mất cân đối cần nhiều năm khắc phục. Vì vậy, điều đó có nghĩa là nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh một khi virus được kiểm soát, tuy nhiên, còn nhiều rủi ro và bất định. 

Tâm An


No comments:

Post a Comment