Thursday, July 23, 2020

NGƯỜI TỪ TRĂM NĂM

Toại Khanh (trích: Chuyện Phiếm Thầy Tu)

Manual Of Zen Buddhism 2- Gathas and Prayers | Meditation Alchemy
Cái tuổi 40 thiệt khó nói là già hay trẻ. So với tuổi 80, thì là nửa đường, nhưng với 70 thì đã quá nửa. Vậy rồi, se mình một tí là nghĩ ngợi lung tung. Thời nay ngoài mấy kiểu chết bất trắc, còn chuyện dư đường, dư mỡ. Không kể bệnh nan y, chỉ cần vài năm không thử máu là chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Tôi tay trắng, vô sản còn ngại chết đến vậy, thử hỏi mấy người thứ gì cũng có thì thảm đến mức nào. Vua Tàu, vua Ai Cập, vị nào cũng muốn trường sinh. Không được trường sinh ở cõi này, thì mong bất tử ở cõi khác. Dùng đủ cách, từ linh đơn thần dược lúc sống, cho đến xây lăng mộ ướp xác với nhựa thông và thắp mấy ngọn đèn trường minh bằng dầu cá. Nhiều nhà giàu thời nay vẫn đêm ngày bòn của thành núi, rồi hi vọng các nhà khoa học dùng cách nào đó giúp mình sống thêm. Với mấy bà thì sống dai chưa đủ, phải trẻ đẹp thiệt lâu mới chịu, dù phải nhờ dao kéo tùng xẻo liên miên để giằng co với con tạo.

Mấy hôm nay, ngẫu nhiên đọc bài báo thiệt lạ. Các tỹ phú Việt Nam trong nước đã biết học theo Tàu, dùng các loại thần dược, từ thai nhi ngâm rượu cho đến những động vật khó ngờ nhất; hoặc mua gỗ đàn hương, ngọc am về làm giường nằm, ghế ngồi để ngày đêm ngửi lấy mùi hương như một kiểu linh khí giúp sống lâu.

Đã hết đâu, họ còn kín đáo chuẩn bị hậu sự bằng cách xây lăng mộ với cả kỹ thuật cổ truyền lẫn hiện đại, để xác họ mai sau được trường tại tề thiên. Hồn đi xa mà xác vẫn còn đó thiên thu, như một cách nấn ná với đời cho đỡ tủi.

Người da trắng thì văn minh hơn. Ngoài chuyện tới lui bác sĩ theo định kỳ, ăn uống theo công thức, còn trù bị cho kiểu hậu sự rất hiện đại: Cho đông lạnh thi hài để mong mai kia hồi sinh, hoặc cao siêu hơn một chút, là dặn thân nhân lấy tro hỏa táng gửi vào vũ trụ.

Một công ty Mỹ ở Houston cho biết giá cả mỗi vụ gửi tro tốn đến hàng chục ngàn Mỹ kim. Đại khái, tùy theo trình độ văn hóa, sở thích, khả năng tiền bạc mà mỗi người có cách sợ-chết và ham-sống khác nhau.

Tôi cứ ngờ rằng, mấy nhà cầm quyền độc tài trên thế giới thường có các tham muốn quái gở chỉ vì sau khi có quyền lực và tiền bạc trong tay, thì họ bắt đầu sợ chết hơn. Có điều là vốn tâm linh nghèo quá, họ chỉ có một hai cách sợ chết vừa trẻ con, vừa lố bịch. Trước cái chết lù lù đến gần, họ điên cuồng với ước mơ trường thọ hoặc dốc hết mọi thứ cho con cháu như một cách đầu tư cho cái TÔI gián tiếp. Có ra đi thì một phần máu me của mình vẫn còn gửi lại trần gian này. Thế là con họ bằng trời, dân tha hồ khổ.

Nếu nói làm quấy vì thương con, rõ ràng họ đã quên hay không biết câu nói này của Thiệu Khang Tiết (người Tàu, đời Tống):

Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc,
mạc dữ nhi tôn tác mã ngưu”, 

"Con cháu có phúc họa riêng của nó, đừng vì chúng mà làm thân trâu ngựa, bất kể thiên hạ".

Tôi để ý rằng, nếu không có được lòng lành bẩm sinh, thì người ta phải nhờ đến cái văn hóa hấp thụ để sống đàng hoàng, ước mơ đàng hoàng và sợ chết cũng đàng hoàng. Văn hóa Tây phương bao gồm cả tâm thức tôn giáo, lẫn chính trị, có vẻ bất lực trong việc xây dựng nhân sinh quan lành mạnh. Xin gẫm lại xem, thường chỉ có kẻ quái gở, nông nổi mới khoái chuyện tẩm ướp cái xác thối của mình để được làm ma xó trong lăng mộ mà thôi.

Nhân loại ai chẳng ham sống sợ chết, ham sướng sợ khổ, nhưng không có được vốn liếng tâm linh căn bản, người ta rất dễ trỡ thành quái vật với những suy nghĩ ích kỷ và tàn bạo khó ngờ.

--LÀM SAO ĐỂ BẤT TỬ ?-có thể hay không?

Xin thưa, có 1001 cách để trường sinh bất tử, thọ ngang nhật nguyệt. Có điều là tùy theo căn cơ mà mỗi người bất tử hay không và bất tử theo kiểu nào.

-Theo kinh Phật, sống với phiền não cũng là một cách sống hoài trong ba cõi. Trở thành thánh nhân, chấm dứt luân hồi, cũng là con đường bất tử. Lưu phương thiên cổ như hiền thánh xưa nay cũng là một kiểu bất tử, hay để tiếng xấu muôn đời như bạo chúa cũng là kiểu bất tử khác. Ướp xác, xây đền, dựng bia cũng là kiểu nấn ná nhân gian, để lại con đàn cháu đống nối dõi tông đường cũng là một kiểu nấn ná, để lại cho đời những công trình hữu ích cũng là kiễu bất tử khác…

-Mấy chuyện đó cao siêu quá, mới đây có một bản tin làm tôi suy nghĩ hoài. Nữ diễn viên Natasha Richardson người Anh vừa qua đời trong lúc trượt tuyết tại Canada, ngày 17/3 vừa qua. Đã mấy hôm rồi, thiên hạ vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô chết trẻ, mới 45 tuổi, và ra đi giữa lúc có trong tay tất cả những thứ tốt đẹp nhất: Nhan sắc, tiếng tăm, tiền bạc, tình yêu, con cái. Xuất thân từ một gia đình xuất sắc (mẹ cô từng đoạt giải Oscar, chồng cô hiện là một đạo diễn tiếng tăm và hai cậu con trai đẹp như thiên thần).

Là thầy tu. tôi quan tâm đến một thứ khác. Cô đã để lại di nguyện hiến nội tạng cho bất cứ ai cần. Và lập tức, tâm nguyện đó đã được thực hiện: Một cô bé 7 tuổi tên Morgan McCracken, đang thập tử nhất sinh, đã được cứu sống bằng phần cơ thể hiến tặng của Natasha Richardson. Đã vĩnh viễn ra đi, nhưng cô vẫn tồn tại qua hình hài khác: trong cô bé 7 tuổi kia và trong tim mọi người!

-Descartes từng bảo: "tôi tư duy tức là tôi tồn tại". Tôi muốn nói câu khác: "được nhớ đến cũng là đang tồn tại". Lão Trang đã là người hai ngàn năm trước, nay vẫn sừng sững trong từng trang Nam Hoa hay Đạo Đức Kinh. Ai đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh mà không thấy thầy Khổng đang ngồi trước mặt, dù ông cứ một mực cho rằng mình chỉ "thuật nhi bất tác". Chùa Từ Ân, tháp Đại Nhạn bên Tàu có thể sụp đổ, hư hao nhưng đến muôn sau, ai là người nghiên cứu kinh Phật chữ Hán, lại quên ngài Huyền Trang.

-Thay vì cảm thấy an lòng hay thích thú kiểu chuẩn bị hậu sự thuần vật chất, sao ta lại không thử làm quen với kiểu hạnh phúc lâu bền và hữu ích hơn. Chẳng hạn, để lại cho đời sau một đóng góp nào đó và thời gian bất tử của mình sẽ tùy thuộc vào giá trị của thứ mình để lại. Trộm nghĩ, người mù trên thế giới hôm nay, khó có thần tượng nào vĩ đại hơn Louis Braille và Charles Barbier, những người đã tạo chữ Braille có thể đọc bằng tay.

**Hãy học cách hạnh phúc qua niềm vui trao cho kẻ khác. Nó càng được nhân rộng, sự hiện hữu của ta trên đời này càng rõ ràng hơn. Từ đó, trăm năm không phải là giới hạn sau cùng cho sự hiện hữu của một con người. Chuyện đời nhiều khi cũng huyền nhiệm lắm thay.

No comments:

Post a Comment