Thursday, July 16, 2020

Một short black về quái kiệt Roger Stone


POTUS Trump ký ân xá cho độ chục người, trong chục người đó, có hai nhân vật đáng chú ý, một là Dinesh D'Souza, hai là Roger Stone. 

Dinesh D'Souza là di dân gốc Ấn Độ, ông từng là du học sinh, học ở Dartmouth, sau đại học thì làm phim, viết sách. Ông không ngừng nghiên cứu vấn đề từ phía Democrats qua nhiều năm, và ông trở thành cái gai trong mắt chính quyền Obama. Ông phạm một lỗi trong tranh cử, đó là việc ông dùng tiền riêng của mình đóng góp cho quỹ tranh cử chính trị của người bạn thân quá hạn mức quy định (quy ra tiền Việt độ ... vài trăm triệu Hồ Tệ, không bằng một lần quan chức nào đó qua đêm với hoa hậu). Ông biết việc ông làm là sai, nên có nhờ người khác đứng tên hộ, chia nhỏ khoản tiền tranh cử, để giúp người bạn lâu năm kia. Việc này tưởng chừng như vô hại, nhưng luật pháp Hoa Kỳ có quy định về hạn mức mà một cá nhân đóng góp cho các cuộc vận động chính trị là bao nhiêu. Thời gian trôi qua thì nhanh, chi phí truyền thông cũng tăng lên rất nhanh, mà luật lệ thì thay đổi rất chậm chạp. Nên rất nhiều người tìm cách lách luật, bằng cách này khác bơm tiền vào các cuộc tranh cử của các ứng viên chính trị mà mình tin tưởng. Có nhiều người làm như vậy, và cũng không gặp vấn đề. 

Nhưng với Dinesh D'Souza, ông đã trở thành cái gai trong mắt Obama từ lâu. Obama là người phù phiếm, và rất insecure. Đơn cử như tính cách insecure của ông chính là việc ông đi nhà hàng, chọn món main course rất lâu, tới độ bà vợ phát bực mà lên Ellen Show phàn nàn – dẫu là một câu chuyện vui. Thêm chuyện Obama mất rất nhiều thời giờ chọn tie (tiếng việt là cà vạt) buổi sáng. Mà người đưa ra lời khuyên cuối cùng không phải từ bà vợ, mà là từ quân sư chính trị khét tiếng – Valerie Jarrett. 

Dinesh D'Souza bị đám công tố và quan tòa thiên tả khép đủ thứ tội, mà ông viết rất chi tiết trong sách của mình. Tới đây thì nhiều người sẽ giật mình, vì hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ vốn hết sức phức tạp, lẽ nào đám thẩm phán lại có thể luồn lách mà có những quyết định phục vụ cho các mục tiêu chính trị khác nhau? Luật pháp ở xứ tư bản, dẫu sao, vẫn là sản phẩm của con người, trong khi đời sống thiên biến vạn hóa, mà con người thì không thể không mắc lỗi lầm. Đám quan tòa này câu kết với đám công tố, truy tố Dinesh với hàng loạt các tội danh lừa đảo khác nhau, cuối cùng ông vào tù 8 tháng bởi một tội danh mà không ai trước đó phải vào tù. Đám bạn tù của ông nghe chuyện, biết là ông làm cái chính quyền Obama kia mắc cỡ.

Nhưng đó là chuyện của Dinesh D'Souza, vốn không phải là mục tiêu nhắc tới trong bài này. Ta quay lại chuyện khá phù phiếm của Barrack Obama, về chuyện cái cà vạt. Tại sao tự mình không thể quyết định được chuyện trang phục, mà lại phải nhờ tới người khác? Tại sao người vợ lại không thể cho ý kiến, mà lại là Valerie Jarrett ở West Wing của tòa Bạch Cung?
Trang phục của chính trị gia ảnh hưởng hình ảnh của họ trước công chúng. Và đừng quên, Valerie Jarrett mới thực sự là real president trong 8 năm của Barrack Obama. Donald Trump rất thường hay đeo cà vạt bản lớn, màu xanh. Chỉ có từ lúc tranh cử với tư cách ứng viên Cộng Hòa, ông thường xuất hiện với màu đỏ. Skinny tie (cà vạt mỏng) chỉ để điệu, chứ không mang tới cái thông điệp nghiêm túc như cà vạt bản lớn. 

Màu xanh Navy mang lại cảm giác authority, nghiêm túc. Nhưng màu xanh là màu của người Democrats, vốn không gây thiện cảm, và cũng lạc loài trong đám đông cử tri Cộng Hòa đỏ rực. Nên nếu phải đi ra ngoài, gặp các người đồng cấp khác, Donald Trump thường mang Tie màu xanh dương. Nhưng tranh cử, thì ông mang màu đỏ. Đó là một chi tiết thú vị. 

Hillary Clinton trong đêm cuối cùng của kỳ tranh cử 2016 mặc màu tím. Tại sao lại là màu tím? Thông điệp của bà là “United America” – một nước Mỹ đoàn kết sau một kỳ tranh cử đầy chia rẽ. Đỏ với Xanh, hợp lại ra màu tím. Bà muốn để lại một dấu ấn như vậy đối với những người Cộng Hòa rằng bà tranh cử là vì nước Mỹ, và cử tri Cộng Hòa hãy bỏ phiếu cho bà. Tiếc cho bà là cử tri Cộng Hòa năm 2016 kêu bà BULLSHIT. Vậy điều này có liên hệ gì tới Roger Stone?

Roger Stone là một quái kiệt từ thời Nixon. Nhắc tới Nixon thì nhiều người Việt hải ngoại sẽ có mấy ấn tượng không tốt. Ông là người nổ phát súng vào lưng Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, đi đêm với Mao Trạch Đông. Dẫu là ông không muốn là nguồn cơn sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng việc bắt tay với Trung Cộng báo hiệu tai ương không mấy tốt đẹp lên một nền Cộng Hòa còn non trẻ. 

Chưa kể việc dưới trướng ông, nắm hồ sơ về đối ngoại lại là một ma đầu khét tiếng, Henry Kissinger. Chuyện đó, xin nhắc ở ly cà phê khác. Nixon rất được lòng thuộc cấp. So với cậu ấm Kennedy, ông là một lãnh tụ điển hình. Sự tình Watergate, thực ra cũng không phải do ông, mà là do phe cánh của ông làm, nhưng ông đứng ra chịu trách nhiệm. Nixon rất nghiêm túc, và làm việc cũng rất nguyên tắc. Ông đặc biệt đúng giờ. Có một chuyện thế này. 

Những năm 1970s trong giới chính trị có một nhóm người, gọi là “Nixon men” – nhóm người này làm việc và vận động chính trị cùng Nixon theo năm tháng để lại một dấu ấn hết sức sâu đậm trong tâm trí người Cộng Hòa, là họ rất đúng giờ. Nhiều người thường muốn kiểm chứng cái tin đồn này, nên thường canh đồng hồ mỗi lần hẹn với nhóm người Nixon, sai biệt luôn sớm hơn ít thì vài giây, nhiều thì vài phút. Nếu có trễ, thì trễ "đúng nửa tiếng", bởi vì lúc trễ đó là hữu ý để các ứng viên tiềm năng giới thiệu mình trước công chúng. Nixon để lại cái ấn tượng nghiêm túc như vậy, nên rất nhiều người tin tưởng. 

Khác với Hillary Clinton, bà nổi tiếng "giờ dây thun", có lần để cử tri chờ tới 2 tiếng. Có lẽ bà hợp với một số cử tri gốc Việt ở điểm này. Nên mỗi lần Hillary Clinton hẹn speech, hay gặp cử tri, nhóm của bà thường lên kế hoạch trừ hao, mời một số nhân vật khác lấp vào khoảng trống lúc bà "lỡ tới trễ". 

Roger Stone, chính là người thuộc nhóm Nixon Men đó. Ông gia nhập chính trị từ khi còn rất trẻ. Và ảnh hưởng của Nixon lên nhóm người của ông rất sâu đậm. Sâu đậm tới mức vài người trong số họ có hình xăm ông trên lưng. Roger Stone xăm khuôn mặt của Nixon ngay giữa hai bả vai. Trong các sách của mình, đều giành những lời đầy tôn trọng cho Nixon.

Roger Stone là một chiến lược gia bên phía Cộng Hòa. Nhưng khác với cách tiếp cận của Steve Bannon là nhắm vào dân Mỹ ruộng, Roger Stone có phương pháp tiếp cận bất nguyên tắc. Miễn là chiến thuật của ông có hiệu quả là được – “Tùy Cơ Ứng Biến”. Đối với Roger Stone, chính trị là một Show Business, gọi tắt là một dạng ShowBiz! Và vì vậy, chính trị gia cũng là nghệ sĩ trên sân khấu. 

Sai lầm lớn nhất trong chính trị đối với Roger Stone chính là sự nhàm chán. Dẫu chính trị gia có tệ bại tới đâu, nhưng miễn là không nhàm chán, thì còn thu hút được cử tri. Bill Clinton chính là một chính khách như vậy. Hàng loạt các vụ bê bối tình dục ngay từ nhiệm kỳ đầu, nhưng giai đoạn đó TV là phương tiện truyền thông chủ yếu, và Bill Clinton gần như làm chủ tất cả các talkshow mời ông tới. Ông không cần nhìn script, gần như có thể trả lời bất kỳ vấn đề nào với hiểu biết rất rộng. Nói chuyện với ông “One thing leads to others”, liên tục mà không nhàm chán. Là bởi vì ông “dò đài” người đối diện rất hay.

Trong đời, bạn hiếm khi gặp người như thế này. Kiến thức uyên bác, giao thiệp trôi chảy, người như vậy ngoài sở học uyên thâm, đầu óc nhạy bén, còn phải là người có biệt tài đọc vị người đối diện. Bill Clinton gặp các cô đào ở Hollywood thì các cô mê mẩn, gặp các host như David Letterman hay Larry King thì làm mấy ông già này cười tít mắt. Bill Clinton là người không hề nhàm chán. Nên như cái cô Monica Lewinski kia rơi vào lưới tình cũng không phải là chuyện lạ, lúc thực tập ở nhà trắng cô còn rất trẻ.
Bạn có thể truy lại các chính khách thành công, Obama là một “smooth talker”, ông nói chuyện rất mềm mại. Ronald Reagan không học hành gì, nhưng ông có cái charisma đầy uy quyền. Donald Trump, dĩ nhiên, càng không phải là một người nhàm chán. Ông làm mấy ông “bợm” rất thích – “chụp con mèo của mấy ẻm”.

Roger Stone nhìn ra rằng Trump là ứng viên tiềm năng cho vị trí POTUS từ năm 1988, nhưng thời cuộc đó tình huống chưa rõ ràng và thuận lợi cho Donald Trump. Sau này, cùng với Steve Bannon, ông hỗ trợ Trump tranh cử hết sức hiệu quả. Nhưng nếu như Steve Bannon là ở góc độ nghị sự - agenda, thì Roger Stone lại ở góc độ khác. Steve Bannon nhìn hơi… luộm thuộm, dù ông từng trải qua năm tháng phục vụ Hải Quân Lục Chiến, rồi học Georgetown, Harvard, làm việc trong lĩnh vực tư vấn tài chính cho Goldman Sach. Roger Stone luôn là một chính trị gia xuất hiện với style rất phong phú.

Ông có một vài kinh nghiệm rất sinh động, kể lại qua các sách của mình. Điều đầu tiên là phải có cơ thể khỏe mạnh, nên ông rất để ý chuyện dinh dưỡng. Kỳ tài chiến tranh như Napoleon Bonaparte lúc lâm bệnh cũng ra những quyết định rất khó hiểu, đặc biệt là lúc ông bị trĩ, lại phải ngồi yên ngựa nhiều ngày, trận Waterloo thất bại rất khó hiểu. Nên Roger Stone cho rằng, ngay cả cơ thể mà không chăm sóc tốt, đừng nghĩ tới chuyện tiến xa. Chính trị là một cuộc marathon hàng triệu km. Tuy vậy, ông vẫn hút thuốc, nhưng là hút xì gà. Thực ra không phải ông thích hút, mà bởi vì xì gà ở Hoa Kỳ, là biểu tượng một thời của lớp doanh gia từng trải, có tiền. Châm lửa cho một điếu xì gà thì mất thời giờ, hơn là điếu thuốc. Rít điếu xì gà, cũng không phải như điếu thuốc lá. Nên muốn thể hiện authority, uy quyền một chút, châm lửa hút xì gà chính là một cách “khoe cơ bắp” khá tinh tế. Bạn để ý Bill Clinton châm xì gà rất điệu nghệ. Donald Trump thì khác, ông thích ăn… cà rem. Hình ảnh một ông già mút kem xem chừng không xài được, nên rất hiếm khi thấy POTUS ăn kem lọt vào ống kính.
Hai nữa là tính “bất cần” – detachment. Tại sao lãnh đao nữ thường không hiệu quả. Bởi người nữ nghiêm túc và cẩn trọng trong công việc. Họ rất khó bỏ qua tiểu tiết, và vì vậy nên trong công việc nếu không được đào tạo về quản trị rất dễ lâm vào tình trạng micromanagement. Chú ý tới tiểu tiết không phải là xấu, nhưng để tâm tới tiểu tiết lại không phải là tố chất của lãnh đạo, bởi giành tâm lực cho nó thì dễ quên đi bức tranh lớn – grand strategy. 

Jimmy Carter, Hillary Clinton là những người như vậy, rất để tâm tới tiểu tiết từ phía người khác. Jimmy Carter giành rất nhiều thời giờ lên kế hoạch cho việc đánh tennis ở nhà trắng lúc mấy giờ, trong khi mấy việc này, Ronald Reagan chẳng quan tâm, có thời gian thì chơi, không thì thôi. Jimmy Carter rất thông minh, nhưng ông là type người perfectionist, kiên trì hoàn thiện những tiểu tiết nhỏ, mà quên đi mục tiêu dài hạn. Ông thất cử nhiệm kỳ thứ hai về tay một người không học hành gì, nói chuyện kinh tế thì ù ù cạc cạc, nhưng rất quyết tâm mang lại chiến thắng cho nước Mỹ trong cuộc chiến tranh Lạnh là Reagan. Al Gore, cấp phó của Bill Clinton cũng là một người nhàm chán như vậy, tới độ Gerald Ford từng nhắc tới người này trong “Write it when I’m gone”, còn riêng Bill Clinton - Gerald Ford biết chắc là sẽ tiến xa, nhưng phải lo trị chứng "nghiện sex". 

Đừng là người nhàm chán. Hiểu biết, viễn kiến, lòng quảng đại, là thứ nên tôi luyện mỗi ngày. 

Trong sách của Roger Stone, tay quái kiệt này cũng viết rất nhiều về cách phục trang, kiểu tóc. Ví như Vest đen nên mặc thế nào, vào dịp nào. Đi thương thuyết thì nên mặc vest màu gì, mặc vest theo phong cách Sprezzatura ra sao. 

Sprezzatura là như thế này: vest mà cài cúc từ trên xuống dưới, nghiêm chỉnh từ trong ra ngoài gây cảm giác rất gò bó, chỉ có phục vụ phòng hay bảo vệ mới mặc vest như vậy. Phong cách Sprezzatura chính là có hơi casual một chút, mở nút ở cổ, không mang cà vạt, giày thể thao…. Nói chung. Sprezzatura là một phong cách phù hợp riêng với mỗi người, khiến người đó mặc dù mặc trang phục formal, nhưng rất tự nhiên. Và vì rất tự nhiên, nên mỗi khi nói chuyện, người ta dễ có cảm giác tin tưởng. 
Roger Stone, chính là một làn gió như vậy cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Bạn có thể tìm “Get me Roger Stone” trên Netflix để xem về nhân vật này.

Từ lúc ông xuất hiện, phong cách của Donald Trump thay đổi đáng kể, không còn xộc xệch như trước nữa. 

Thực ra, đây là kinh nghiệm, vẻ bề ngoài đặc biệt quan trọng. 

Nếu như Steve Bannon mang Donald Trump tới dân Mỹ ruộng, thì Roger Stone mang Trump tới với nhóm doanh gia Cộng Hòa thành công trong chuyện làm ăn. 

Ông không hề nhàm chán. Người Democrats biết sự nguy hiểm của ông, nhốt ông cho bằng được.

(Note: có một series phim truyền hình rất nổi tiếng, có tên là Suits, bộ phim này tổng hợp đầy đủ tất cả những kiểu tóc, phong thái, cách mặc suits, lên hai nhân vật chính là Harvey và Mike. Không chỉ có người có cơ thể chuẩn như Harvey, mà người thấp lùn như Litt, Zane, hay người nữ nên mặc suits và dress thế nào, bạn xem series này thì có thể học được nhiều.)

FB Andrew Nguyen

No comments:

Post a Comment