Friday, May 1, 2020

VIẾT NGẮN VỀ CHUYỆN ĂN MỪNG CHIẾN THẮNG TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Inline image
Bài viết mang tính tổng hợp lịch sử một hiện tượng văn hóa. Nếu cần dẫn chứng, các bạn có thể tìm từ các tài liệu về nhân chủng học, dân tộc học và sử học.


Ăn mừng chiến thắng là một hiện tượng văn hóa được kiến tạo trong lịch sử tranh chấp sinh tồn, tranh chấp quyền lực của nhân loại. Nó vận động từ thấp đến cao, từ bóng tối hoang dã đến ánh sáng văn minh. Nhưng đôi khi lòng thù hận đã đưa con người trở về bóng tối hoang dã.



Các tài liệu nhân chủng học cho thấy, hình thức ăn mừng chiến thắng sơ khai nhất của con người có từ thời các bộ tộc ăn lông ở lỗ. Nguyên thủy kẻ chiến thắng làm thịt bên thua cuộc để khao quân. Thành ngữ "ăn gan uống máu quân thù" gốc mang nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng. Sau do tín ngưỡng thần linh, bên thắng cuộc thường dùng đầu tướng giặc tế thần, hoặc tế cờ, thậm chí bêu đầu làm nhục, còn binh lính thì bị bắt làm nô lệ. Điều này kéo dài đến hết thời kỳ chiếm hữu nô lệ.



Tuy nhiên, cũng bắt đầu từ tín ngưỡng mà các bộ tộc đã thoát dần khỏi sự man rợ. Sự cấm kỵ về ăn thịt đồng loại đã giúp cho các bộ tộc chuyển dịch sự khao quân bằng thịt động vật. Và quan trọng hơn, sau nghi thức dùng đầu tướng giặc tế cờ hay tế thần, người ta thực hiện nghi thức sám hối. Nhiều bộ tộc đưa ra quy tắc bắt buộc tướng bên thắng trận phải ăn chay nhiều tháng trời để sám hối về tội giết người. Có những bộ tộc văn minh còn thực hiện nghi lễ chôn cất tử tế, trang trọng cho tướng giặc và xem tướng giặc cũng là một anh hùng.



Các tôn giáo chân chính ra đời bắt đầu từ nhận thức về sự văn minh ấy. Tôn giáo chân chính triệt để chống chiến tranh, vì mọi cuộc chiến đều bị cho là phi nghĩa vì phạm tội giết người. Sám hối và hướng tới tình yêu thương, lấy yêu thương để hóa giải thù hận là đặc điểm chính của các tôn giáo chân chính.



Các triều đại phong kiến, vì tranh chấp đất đai, lãnh thổ, tranh chấp quyền lực mà chém giết nhau, nhưng luôn thực hiện phần lớn nghi thức có tính tôn giáo trên. Achilles dù giết Hector vẫn xem Hector là anh hùng. Lưu Bang giết Hạng Võ vẫn đề cao Hạng Võ với nghi thức tang lễ trang trọng... Nguyễn Trãi đánh xong quân Minh vẫn cho quân Minh về nước trong danh dự và hòa giải hận thù để đi đến hòa bình. Thời phong kiến, binh lính được cho là kẻ vô tội, hoặc được thu nhận để tăng cường binh lực cho bên thắng cuộc, hoặc giải giáp và cho về đoàn tụ với gia đình và cày ruộng.



Tất nhiên là tôi chỉ nói trong phạm vi văn hóa văn minh với những hoạt động ngay trong lễ nghi ăn mừng chiến thắng. Chiến thắng mà không để lại thâm thù mới là đỉnh cao văn hóa. Như người Mỹ hóa giải hận thù trong cuộc chiến tranh hai miền Nam Bắc vào thời Lincoln, người Đức hóa giải mâu thuẫn Đông Tây vào lúc bức tường Berlin sụp đổ. Đó là những dân tộc lớn, những nhân cách văn hóa cao. Các nghi lễ ăn mừng chiến thắng chỉ diễn ra một lần, thậm chí người Mỹ còn bỏ hẳn, còn về sau chỉ là những tưởng niệm các nạn nhân trong chiến tranh, tất nhiên là dành cho cả hai phía mà không phân biệt ta địch.



Còn chuyện triều đại này trả thù triều đại kia với hành động man rợ như nhổ cỏ tận gốc, ngũ mã phanh thây, bắt bỏ tù hay lao động nô lệ, khổ sai hay cải tạo cả tướng sĩ lẫn binh lính, kể cả truy cứu lý lịch để truy bức con em bên thua cuộc là chuyện khác, chuyện của những triều đại, những dân tộc còn đậm chất man di. Những triều đại, những dân tộc này bề ngoài hàng năm thường tổ chức ăn mừng chiến thắng tưng bừng để hạ nhục bên thua cuộc, nhưng bên trong thường bất an bởi lòng thù hận được nuôi giữ lâu dài và khoét sâu thêm dẫn đến nguy cơ chiến tranh, trả thù và giết chóc triền miên không dứt. Ăn mừng chiến thắng như vậy là bất hạnh chứ không phải hạnh phúc!



Chu Mộng Long

No comments:

Post a Comment