Sunday, May 3, 2020

Khóc Phi công Khu trục Vĩnh Anh - Ban Mê Thuột

Tuần trước, Đại úy Phi công Vĩnh Anh, phi đoàn 514 khu trục và phi đoàn 116 Quan Sát, một người con trai đất Ban Mê Thuột vừa nằm xuống…

Anh nằm xuống, sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này, đã bay cao trên vòm trời này, người nằm xuống, không bạn bè, không có ai...”

Khi nghe tin Vĩnh Anh ra đi, tôi không thể không nhớ đến những lời của bài hát này…

Tôi xin đại diện tất cả anh em phi đoàn 114, trong đó có đại úy Hưởng, là một người bạn rất thân của Vĩnh Anh, xin chia buồn với tang quyến.

Tất cả chúng ta, một ngày nào đó, ai rồi cũng nằm xuống mà thôi. Kiếp người mà, ai thoát được. Chuyện đáng nói là, lúc sinh tiền, mình đã làm gì cho gia đình, cho thân nhân bè bạn, cho tổ quốc, để khi mình nằm xuống, người ta còn nhắc đến.

Vĩnh Anh đã để lại rất nhiều cho chúng ta nhắc đến...

Anh là một phi công Skyraider khu trục đã bị SA-7 bắn rơi, nằm nhà thương và trở về đi bay lại như thường, như không hề có chuyện gì xảy ra. Con chim khi bị bắn chết hụt, mỗi lần thấy cây cung thì sợ. Người phi công cũng thế.. Mấy ai bị bắn rớt tàu thoát chết mà sau đó vẫn tỉnh bơ leo lên tàu cất cánh trờ lại như chuyện bình thường như Vĩnh Anh? Ra hải ngoại, anh đã đứng ra lèo lái hội Không Quân trong những giai đoạn khó khăn và nhiều thử thách nhất. Ngoài chuyện bay bổng ra, anh còn là một ca sĩ, một tay nhảy đầm tuyệt sắc, một ẩm sĩ uống rượu không thua ai…

Tôi với Vĩnh Anh, tuy cùng một quê hương, nhưng chưa hề quen biết nhau vì học khác truòng. Anh học Trung Học Tổng Hợp, tôi La San trường đạo, và nhỏ tuỏi hơn anh nhiều. Năm anh vào Không Quân thì tôi vẫn còn học Đệ Lục. Ngày tôi cầm được cái cần lái tàu bay thì anh đã “Áo phi công lừng lẫy bốn phương trời.” Mãi cho đên khi sang Mỹ tôi mới hân hạnh được quen biết anh khi anh bay đi khắp nơi để gặp gỡ anh em Không Quân, mưu chuyện đội đá vá trời. Tôi thấy anh rất đẹp trai, cao ráo, với hàng ria mép Clark Gable—điển hình của phi công Việt Nam. Anh lớn tuổi và lớn lon hơn tôi, nhưng anh ăn nói rất điềm đạm, từ tốn. Và nói rất hay.

Tối hôm qua, buồn quá kéo ghế ra ngoài sân ngồi nhìn trời đất, gọi điện thoại cho đại úy Hưởng. Hai anh em chỉ nói về Vĩnh Anh. Anh Hưởng kể lại kỹ niệm những ngày Vĩnh Anh biệt phái cho phi đoàn 116, lần đi thăm Vĩnh Anh ở nhà thương sau khi anh bị SA-7 bắn rơi. Ai đã từng bay thì biết, bị trúng SA-7 thì trăm người chỉ được một vài người sống sót, mà sống sót trở về thì nhiều khi hình hài cũng không còn toàn vẹn. Nhưng, Vĩnh Anh chẳng những đã sống, mà còn trở về với một thân thể toàn vẹn, và sau đó lại tiếp tục cất cánh lên cao để tiếp tục công việc diệt thù. Vì là dân Khu trục biệt phái qua lái L-19 nên anh làm được những tác diễn ngoạn mục, làm cho dân xuất thân… bà già như chúng tôi phải lé mắt. Anh làm những tác diễn mà bọn tụi tôi không ai dám làm, hoặc không biết làm, hoặc nếu làm thì có thể … không còn sống đề làm lần thứ hai.

Đến một lúc nào đó, nhìn lên bầu trời quang đãng, tôi chợt giật mình khi không nhìn thấy được một vì sao nào cả. Có lẽ một vì sao quý mới rụng nên các sao khác buồn bã rủ nhau bỏ đi hết chăng? Có thể lắm, ai biết được. Không có trăng sao, bầu trời thênh thang bát ngát bỗng trở nên hiu quạnh và cô độc lạ thường.

Tôi nhìn lên khoảng tối mẻnh mông của bầu trời vô tận và nghĩ rằng anh Vĩnh Anh nhất định phải ở đâu đó trong cõi trời kia. Một cõi vô tận nào đó…

Thôi, dù ở đâu, mong anh được nghỉ yên nhé anh Vĩnh Anh. Nghỉ yên sau khi đã dâng hiến trọn tuổi xanh của mình cho tổ quốc, đã làm một người cha hiền, một người chồng tốt, một người Không Quân đúng nghĩa suốt quảng đời còn lại của mình…

Tôi cúi đầu và cầu xin Thượng Đế, lập lại những lời trong một bài hát nổi tiếng ngày xưa, “Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang…

Chú Út phi đoàn 114
Trường Sơn Lê Xuân Nhị
4/26/2020

No comments:

Post a Comment