Sunday, May 24, 2020

Hạ Vàng Có Nàng Đến Hỏi


Cuộc đời tình ái của hắn rẽ sang một khúc ngoặt mới kể từ ngày nàng rước hắn về dinh ở một thành phố miền Tây Bắc, tiểu bang Washington, theo diện hôn nhân mà hắn vẫn luôn tự hào và khoe khoang với mọi người ở Việt Nam và cả ở Mỹ rằng hắn đi Mỹ theo diện “Hạ vàng có Nàng đến hỏi”. Người nghe tròn mắt hỏi- “Ủa diện gì mà kỳ cục vậy cha nội?”. Lúc đó hắn mới từ tốn, khoan thai làm ra vẻ quan trọng, hỏi người nghe- “Đã đọc cuốn tiểu thuyết Hạ đỏ có Chàng đến hỏi của nhà văn Viên Linh xuất bản năm 1973 chưa?”. Chờ cho người nghe thẩm thấu được cái kiến thức văn chương bao la như trời biển của mình, hắn cảm thấy sướng tê cả người. Bấy giờ hắn mới trả lời một cách tự hào rằng có một nàng Việt kiều từ Mỹ “dìa bển cưới tui”.

Nàng là một Việt kiều định cư ở Mỹ lúc tuổi đời tròm trèm 5 bó, một nách 2 đứa con tóc vàng mắt xanh đang trong tuổi nổi loạn, khi nước Mỹ có chương trình nhân đạo Home-coming Act dành cho trẻ em mang hai giòng máu Mỹ-Việt vào đầu thập niên 90. Sống ở vùng đất lạnh lẽo và cô đơn, hơn 10 năm cắm đầu đi cày nuôi con trong một hãng làm bánh kẹo nhỏ, nàng bây giờ già trước tuổi với bước đi nặng nề, thấp bé, phục phịch và vài mối tình chắp vá mà cũng chẳng đi đến đâu.

Một lần về thăm quê cũ cho nở mặt với bà con láng giềng, nàng gặp lại hắn, người tình cũ một đêm, trong một tiệc cưới miệt vườn. Tình cũ không rủ cũng tới. Hắn vừa chết vợ vài năm, nhưng lúc nào cũng có vài mối tình lẻ tẻ vắt vai; nàng đang cô đơn, da diết mong mỏi một bờ vai đàn ông để dựa. Hắn nhìn nàng hơi ngán ngẩm vì bây giờ nhan sắc nàng như cảnh một cuối thu ảm đạm, nhưng cái lôi cuốn nhất nơi nàng, những năm tháng ấy, là Việt kiều còn có giá lắm. Với một cặp mắt tinh đời, hắn nhận thấy đây là một dịp may không có lần thứ hai: nàng sẽ là cây cầu cho hắn bước qua bên kia bờ thiên đường Mỹ quốc, nơi mơ ước của hầu như mọi người dân Việt lúc bấy giờ.

Chuyện không cần nói cũng phải tới, cung và cầu gặp nhau, nói theo lối tượng hình: Con tàu xả hết tốc độ, xịt khói đen, lao nhanh vào con đường hầm giữa những tiếng còi tàu hú vang lên rung chuyển cả đất trời. Nàng chìm đắm và tận hưởng những ngày hạnh phúc nhất đời, quên đi những ngày tháng miệt mài trong xưởng bánh kẹo. Mãi vui tình mới, nàng không ngờ một người đàn bà xóm kế bên, đã có một đứa con trai với hắn, kéo đến đánh ghen, làm rùm beng cả xóm cũ. Hắn và nàng bèn đem nhau ra khách sạn chợ huyện để níu kéo những ngày thần tiên còn lại của chuyến về quê.

Một năm sau, nàng về rước hắn và cô con gái út của người vợ quá cố qua Mỹ đúng như kế hoạch hắn đã vạch ra. Cuộc đời hắn từ ngày còn nhỏ tới cho tới bây giờ toàn là những chuỗi ngày làm chơi ăn thiệt, lúc nhỏ sống nhờ cha mẹ, lớn lên nhờ vợ, khi sắp về chiều lại sống nhờ vợ, không phải một vợ mà nhiều bà vợ cùng một lúc.

Hắn vốn sinh ra dưới một ngôi sao “sướng”, nói theo tử vi đẩu số là sao đào hoa chiếu mệnh. Hắn đi đâu cũng có đàn bà đeo bám, gạt ra hổng hết. Bạn bè nói hắn có số sát gái. Hắn là con thứ sáu trong một gia đình nông dân có 10 người con, sống ven bờ con sông ở một huyện lỵ nhỏ của một tỉnh miền Tây gạo trắng nước trong, tôm cá đầy sông, lúa gạo đầy bồ. Tuổi thơ hắn lớn lên theo con nước phù sa lên xuống mỗi ngày.

Tuy đông con, nhưng cha mẹ hắn không chịu để đứa con nào không có ít chữ trong bụng. Ông bà có nhiều ruộng vườn nên cuộc sống tuy không giàu có nhưng cũng chẳng vất vả, có thể nói là thuộc giới trung nông trước năm 1975. Riêng hắn chỉ ham chơi, biếng học, tối ngày hết lông nhông, lại bơi lội dưới sông, kiếm tôm cá lên nhậu với bạn bè rồi tán dóc, bù khú, tối đi tán gái rồi về nhà lăn ra ngủ khò. Ba hắn đã từng cầm đòn dông rượt hắn chạy có cờ, đến nỗi hắn phải nhảy xuống sông, bơi qua bên kia bờ mới thoát cơn thịnh nộ của ông.

Nhỏ không học lớn làm Thượng Sĩ. Thi tú tài I nhiều lần mà lần nào cũng trượt vỏ chuối, cũng không thể nào trốn lính được mãi, hắn bỏ làng ra đi đăng lính trong binh chủng thiết giáp. Đóng quân ở Sóc Trăng, hắn làm quen và cưới được một cô gái hiền lành, chân thật, dễ coi trong một gia đình đông con mà ông bố cũng là một quân nhân. Mới 17 tuổi, chưa xong trung học, cô bị lôi cuốn bởi lối ăn nói đao to búa lớn, cộng với vóc dáng cao to 1,75 mét, hào hoa trong bộ quân phục, đầy nét phong trần của hắn.

Một đám cưới ấm cúng nho nhỏ, dễ thương, cô dâu mới về quê ra mắt nhà chồng rồi theo hắn trở lại đơn vị. Lần lượt 3 đứa con ra đời, cô lăn lộn với đời làm vợ một lính chiến. Hắn đi hành quân nay đây mai đó khắp quân đoàn 4, nay bồ cô này, mai cặp cô kia trong khi cô ở lại hậu cứ, với sự chăm chỉ, cần mẫn, chịu thương chịu khó, cô mở một câu lạc bộ ăn uống phục vụ gia đình binh sĩ. Việc làm ăn rất phát đạt. Nhiều sĩ quan phải đến ghi sổ nợ, ăn thiếu, cuối tháng lãnh lương ra trả. Nhờ vậy, hắn được nhiều cấp trên biết đến và hắn từ từ cũng bò lên cấp bậc Thượng Sĩ thường vụ trong chi đoàn trước ngày đứt phim 30 tháng 4, năm 1975.

Sau năm 1975, tất cả mọi binh lính, sĩ quan, và công chức miền Nam đều phải trải qua những tháng năm của kiếp người trong những “trại súc vật”, hắn may mắn chỉ đi học tập cải tạo 5 ngày, rồi đem vợ và 3 đứa con về quê nội. Cha mẹ chia cho hắn vài sào ruộng để nuôi đàn con tuổi đang ăn đang lớn. Vốn cần cù, siêng năng, vợ hắn tần tảo nuôi chồng nuôi con nhờ vào chiếc xuồng ba lá chất đầy cần xé, giỏ lác với đủ thứ gà vịt, tôm cá và nông sản. Cô hằng ngày xuôi ngược trên con sông quê bất kể nắng mưa dãi dầu.

Từ chiếc xuồng con ba lá bơi bằng dầm, cô dành dụm mua được chiếc ghe lớn hơn với hai mái chèo đứng, cô chèo đi trong xóm thu mua tất cả mọi thứ, đem đến chợ huyện bán. Đến trưa, cô lại mua hàng xén, mắm muối, đường thẻ, và những thứ hàng cần thiết mà người dân trong xóm vì xa chợ, không thể có được. Cô hì hục chất lên ghe thật khẳm, theo con nước lên, xuôi về nhà, dưới ánh nắng vàng chói chang, chênh chếch, mồ hôi pha lẫn nước mắt vì thỉnh thoảng cô cảm thấy một cơn đau nhói như phá tan lồng ngực, đau đến ứa nước mắt không thể ngăn lại được. Một thân một mình, đi sớm về trưa, cô đem hàng về nhà để hắn và mấy đứa con bầy bán trong một cửa hàng tạp hóa mà cô đã mở trong xóm để kiếm thêm tiền chợ. Mấy sào ruộng chỉ đủ gạo cho cả gia đình 7 miệng ăn, mà 2 đứa sau này ra đời trong những ngày gạo châu củi quế sau năm 1975.

Nhờ sự cần cù chăm chỉ của cô, trong thời kỳ “quá đọi” để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cả gia đình không một bữa nào phải ăn cơm độn khoai. Mỗi ngày khi gà chưa gáy sáng, khi vạt cỏ bên đường còn ướt đẫm sương đêm, cô đã thức giấc, nhẹ nhàng với tay lấy 2 mái chèo và giỏ xách, chuẩn bị cho chuyến đi buôn đến Sài Gòn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ngày đêm vất vả, đầu bù tóc rối, không ngại một sương hai nắng, gian khổ, khéo léo, cô né tránh công an kinh tế, nhờ vậy gia đình có thêm của ăn của để.

Kinh tế gia đình khấm khá một chút thì hắn lại sanh tật như xưa. Hễ không nhậu nhẹt bù khú, hắn lại đi mèo mỡ mất biệt cả tuần cho đến khi hết tiền thì về nhà nẹt tiền của mấy đứa con đang bán hàng tạp hóa, rồi lại ra đi. Nếu không đưa, hắn đánh đập tàn nhẫn nên con cái sợ hắn như sợ cọp. Có lần hắn đánh thằng con lớn phải đi cấp cứu tưởng chết. Ở dưới quê, không có gì dấu được lâu, chuyện vợ bé, gái gú cũng đến tai ba má và anh chị em của hắn. Ai cũng xót thương cho nỗi nhọc nhằn và hoàn cảnh của cô, riêng cô vẫn cắn răng cam chịu, nhẫn nhục vì con cái, không dám than thở cả với cha mẹ ruột mình.

Như một cỗ máy làm việc quá mức, một buổi sáng, cô không dậy nổi để đi chợ. Cô mở mắt. Trần nhà chông chênh xoay chuyển. Cô cảm giác như thân thể mình bồng bềnh tựa chiếc thuyền trôi đi trên sông nước, trong sương khói mênh mông, và dật dờ đi vào một vùng tối mịt mù. Cô cảm nhận hơi lạnh thấm vào xương tủy, một nỗi đau đớn kinh khủng vừa vỡ ra trong lồng ngực. Trong vùng mơ ảo đó, cô nghe thấy tiếng của chính mình - “Hãy ngủ đi, ngủ cho quên đi nỗi nhọc nhằn, ngủ cho thật say để thoát khỏi nợ trần gian”. Cô sụp đổ xuống trong vùng bóng tối im lặng sâu thẵm đó. 

Đến sáng, mấy đứa con nhìn xuống bờ sông, thấy chiếc ghe của má tụi nó vẫn còn cột hờ hững ở đó. Chúng vội chạy vào buồng, má tụi nó nằm như chết, mặt trắng bệch, trên gối vết máu còn tươi nguyên. Chúng khóc la và sợ hãi kêu cứu, nhưng ba tụi nó không có ở nhà. Một đứa bơi xuồng qua bên ông bà nội. Chú Út lấy chiếc vỏ lải máy đuôi tôm chở má tụi nó lên bệnh viện huyện. Họ cho biết cô bị lao lực và chuyển sang ung thư phổi giai đoạn chót, không còn sống bao lâu, nên đem về nhà lo hậu sự.

Vậy mà cô vẫn sống lây lất hơn 5 tháng nữa, với thuốc men khi có khi không. Nhìn đàn con dơ bẩn, nhếch nhác, quá đau lòng, cô gắng gượng dậy lo cơm nước cho chúng bữa đực bữa cái trong khi chồng còn mãi chạy theo những hình bóng khác. Ba má ruột cô cũng cố hết sức giúp đỡ tiền bạc lẫn công sức, đem mấy đứa con về bên ngoại nuôi. Ngày trước, tình yêu chồng con đã giúp cô có sức mạnh vượt qua những cơn đau âm ỉ ngày một ngày hai; bây giờ nỗi buồn đau người chồng bội bạc gặm nhấm dần thân thể bệnh hoạn khiến cô liệt giường và không bao giờ còn ngồi dậy nữa. Mấy đứa con không biết săn sóc mẹ nên lưng cô bị lở loét vì nằm một chỗ quá lâu không có người lau sạch và xoay trở thân mình. Cô biết mình sẽ không còn sống bao lâu nữa chỉ lo các con rồi đây ai nuôi chúng mà hai hàng nước mắt âm thầm chảy ướt cả gối.

Bốn câu thơ của thi sĩ Tế Xương như một lời tiên tri vận vào cuộc đời cô đúng đến từng chi tiết nhỏ:

Quanh năm buôn bán ở ven sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng,
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một hôm, hắn trở về nhà với một người đàn bà mà hắn giới thiệu là một y sĩ cách mạng của bệnh viện xã. Cả hai ngủ với nhau ngay trong căn nhà mà cô đã đổ mồ hôi lẫn xương máu xây dựng lên. Hắn hỏi cô còn vàng bạc thì đưa hắn làm vốn để đi buôn thuốc Tây với người ta. Cô thừa hiểu hắn có biết một chữ tiếng Tây tiếng U gì đâu mà đi bán thuốc Tây. Hắn lôi cô ngồi dậy và tra hỏi, cô nói không có. Hắn đạp cô một cái thật mạnh vào bụng, rồi cả hai rời căn nhà trong tiếng khóc thất thanh của mấy đứa con. “Năm đó con mới khoảng 10 tuổi”, đứa con gái út 16 tuổi vừa khóc vừa kể khi qua đến Mỹ.

Nửa tháng sau, vào một ngày gần cuối năm 1996, cô vĩnh viễn rời xa cõi đời khốn khổ lúc vừa tròn 44 tuổi, mang theo nỗi buồn u uất như từ tiền kiếp nào. Cô bỏ lại 5 đứa con bơ vơ, chúng lớn lên hoang dã như cỏ dại. Ông nội mấy đứa nhỏ, ba hắn, qua nhà nhìn thân xác cô con dâu nằm héo hắt trong quan tài, chỉ biết lắc đầu khóc và than thở- “Con ơi, ba xin lỗi con”. Mẹ ruột cô, từ xa đến khóc con, chỉ nấc lên nghẹn ngào- “Mẹ chưa đi, sao con lại ra đi trước mẹ”. Và một ngôi mộ đất nằm buồn bã cô đơn bên hàng cau xơ xác ven sông ở quê chồng.

Xóm giềng vẫn thấy hắn biền biệt ít khi về nhà, đàn con tan tác, đứa quê ngoại, đứa còn lại, đói thì chạy qua nhà nội. Người ta tự hỏi không biết hắn có bao giờ hồi tâm dù chỉ một phút giây. Thật ra hắn có động lòng và băn khoăn, nhưng chỉ một thoáng qua rất nhanh, rồi thôi. Hắn không có đủ thời giờ cho lương tâm vì còn mãi chạy theo những phù du cuộc đời. Nhu cầu của hắn là thỏa mãn cái mơ ước mà từ trước hắn chưa bao giờ có là được người khác nể phục và được sống trong cái hào quang giả tạo của chính mình.

Từ ngày còn nhỏ cho đến bây giờ, hắn luôn bị cấp trên sai bảo nên hắn cho rằng giờ là lúc hắn sai bảo lại người khác. Hắn vẽ ra một tương lai tươi sáng. Hắn sẽ “vinh quy bái tổ” về làng cho hàng xóm lác mắt, sẽ không phải đắn đo khi vung tiền ra ngồi nhậu với bạn bè. Nhìn ánh mắt ngưỡng mộ của người dân xóm cũ khi hắn đang thao thao bất tuyệt về đời sống lạ lùng bên này, lâu lâu xen vào một câu tiếng Mỹ mà hắn đã cố học thuộc lòng, hắn thấy mình là người có nhiệm vụ đem ánh sáng văn minh về cái xó nhà quê lạc hậu của hắn.

“Từ ngày có anh về, nhà mình ngập ánh trăng thề”, nàng vô cùng hạnh phúc trên vùng đất mới, giờ đây cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, nàng chăm chỉ đi dự bất cứ buổi tiệc nào được mời. Đi đâu, nàng cũng khoe ông chồng mới, đẹp trai, cao lớn, ít ra là cao hơn nàng rất nhiều. Nàng nhờ người quen dẫn hắn đi xin tiền bệnh và xin trợ cấp, nên hắn không phải đi làm ngày nào. Ăn nhậu, có nàng lo. Nhưng ngửa tay xin tiền nàng hoài cũng kỳ, hắn xin đi theo một nhóm thợ sơn nhà cửa người Việt, làm lấy tiền mặt khỏi khai thuế và không ảnh hưởng đến việc ăn welfare. Việc của hắn là cạo sơn, chùi sạch, và chà giấy nhám cho người khác sơn. Được mấy ngày, hắn đau lưng nhức mỏi, toàn thân ê ẩm, hai cánh tay mỏi nhừ. Hắn lần lượt thử qua nhiều việc khác và nhận ra không có công việc gì thích hợp với “địa vị” bây giờ của mình. Thế là hắn bỏ cuộc, trở về với cái kiếp sinh ra dưới 1 ngôi sao sướng, thân cư thê, ăn nhờ vào vợ.

Trong lúc mọi người lo học hành, tiến thân, làm việc kiếm tiền trên xứ Mỹ, hắn tìm cách tiến thân trên bàn nhậu. Trong bất cứ buổi tiệc nào, chiến thuật của hắn là bắt đầu quan sát mọi người và lắng nghe như một nhà hiền triết để biết coi “cơ” của họ ra sao rồi mới từ đó mà dệt nên câu chuyện đời riêng của mình. Khi biết chắc trong đám bợm nhậu hay khách khứa, không có ai là sĩ quan ngày xưa, hay hầu hết cỡ tuổi con cháu, hắn mới bắt đầu bằng phun ra một câu chửi thề, tỏ rõ phong độ đàn anh, một câu nằm lòng quen thuộc như “ĐM, hồi đó, mấy thằng đệ tử của tui mà lạng quạng, tui quýnh thấy mẹ…” để gợi sự tò mò nơi người nghe. Đúng như hắn dự đoán, mọi người chăm chú nhìn hắn như chờ đợi. Thế là hắn tha hồ bốc phét một tấc tới trời, bao nhiêu bài bản trong bụng tuôn ra như suối, nói láo quá nhiều thành quen, hắn dần yên trí mình ngày xưa vốn là một nhân vật quan trọng thứ thiệt.

Tửu nhập thì ngôn xuất, lúc cao hứng, hắn tự cho mình là một tinh hoa của đất nước, một bậc kinh bang tế thế, một đàn anh rộng lượng, khoan dung, biết nhìn xa trông rộng, yêu hòa bình, sẵn sàng đứng ra hòa giải mọi người. Một hôm trong một tiệc sinh nhật, trong số khách mời, có hai người đàn ông vốn xích mích nhau vì một sự hiểu lầm. Thời gian tưởng đã xóa tan sự bất hòa giữa hai người. Muốn tỏ ra ta đây là bậc “chính nhân quân tử”, hắn gõ vào ly và tuyên bố mọi người nên nâng ly và chúc mừng hai người đã hòa giải với nhau. Hắn trích dẫn những câu chuyện cổ trong Tam Quốc Chí mà hắn nghe lỏm được, khoe làm thế nào hắn đã thuyết phục được hai người ngồi lại với nhau, suýt tí nữa là có thể kết nghĩa “anh em vườn Xoài”. Cả hai người đàn ông chưng hửng không hiểu tại sao và nếu không được can ngăn thì họ lại sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ.

Bình thường hắn chỉ dám tự nâng mình lên cấp bậc Thiếu Úy, hay Trung Úy, khi cao hứng lắm là Đại Úy, rồi có lúc không kiểm soát được cái “thần khẩu hại xác phàm”, hắn “tự sướng” lên tới Thiếu Tá. Xấp nhỏ ngồi nhậu, nghe mà tròn xoe con mắt, không ngờ mình được cái hân hạnh ngồi đối ẩm với một “ranh nhân”, một nhân vật quan trọng của thời trước năm 1975. Hắn thả cho cái “tôi” đáng ghét của mình chạy rông thoải mái như con ngựa không cương. Riết rồi chính hắn cũng tin rằng mình thật sự là một sĩ quan cao cấp, chỉ vì sinh bất phùng thời, nên đành phải ngồi… nhậu chờ thời trên đất nước tạm dung này, chờ một ngày trở về quang phục đất nước.

Đi đêm có ngày gặp ma, người nói láo thường không nhớ chính xác mình đã nói gì. Có thể nhiều người trẻ không rành về cấp bậc trong quân đội trước năm 1975, nhưng họ biết suy nghĩ và phân tích, tuy không tin, nhưng ngại không muốn đụng chạm nên họ ngồi yên không nói. Lại có người vốn là cựu sĩ quan cao cấp, buồn vì mất nước, họ thường không muốn khoe khoang, nhưng đương nhiên họ rất rành về cấp bậc trong quân đội. Chỉ cần hỏi đơn vị cũ và vài câu liên quan, họ có thể biết hắn là ai, đến ngày tan hàng, đã có thể lên tới cấp bậc gì. Trong bàn nhậu, vài người bắt đầu mỉa mai kêu hắn là Trung Úy, kẻ thì gọi Đại Úy với những nụ cười ẩn ý. Khổ một điều là hắn vẫn không biết người ta móc họng mình. Chuyện đời thường, nếu cứ nói dóc hoài cũng thành nghiện như nghiện rượu hay nghiện thuốc phiện, cái thói quen khó bỏ được.

Hắn lê la ăn nhậu hết chỗ này đến chỗ khác, đến nỗi người ta khinh, không muốn mời hắn nữa vì hắn chỉ xách đít đến ăn, không bao giờ đem đến một xách bia hay một dĩa mồi. Các đệ tử lưu linh dần xa lánh. Hắn đành phải ngồi uống rượu một mình và thầm rủa bọn bợm nhậu không biết quý trọng một nhân vật tầm cỡ như hắn.

Một hôm, đứa con trai riêng của vợ hắn ghé nhà chơi, thương tình mua cho vài xách bia và đồ nhậu. Hắn cảm kích quá mới kéo nó ngồi xuống cạnh, uống với hắn vài lon và tâm sự cho đỡ cô đơn. Hôm nay nó phải ở nhà, không buôn bán gì được vì cảnh sát đang mở chiến dịch ruồng bắt đường phố rất gắt gao. Nó không đi làm hãng xưởng nhưng xài toàn tiền mặt, giấy 100, mới tinh còn thơm mùi mực. Hắn đoán nó có dính líu đến chuyện làm ăn bất chính. Hắn ra sức thuyết phục nó cho hắn một chân lon ton giao hàng cũng được, hy vọng kiếm chút tiền còm. Biết tính cha dượng hay nổ, nên nó không tin mà cũng không nói cho hắn biết công việc nó đang làm.

Chán đời và chán cả người, hắn lại tiếp tục ngồi nhậu và chờ thời. Cuối cùng, thời cũng đến với hắn. Đúng 5 năm dư 1 tháng, hắn nộp đơn xin vào quốc tịch. Vừa trở thành công dân Mỹ xong, hắn nộp đơn xin ly dị nàng vì tự cho rằng hắn đã trả nợ đủ khi phải sống với một “bà già” bèo nhèo, xấu xí trong 5 năm qua là một hy sinh vô cùng to lớn mà hắn đã phải nín thở qua cầu.

Từ giã vùng Tây Bắc Mỹ, tránh cái lạnh, tránh luôn người vợ 5 năm chăn gối, và tránh cả những bạn nhậu đã không nhận ra “chân tài” của mình, hắn xuống một thành phố miền Nam để sống cùng cô con gái, giờ này cũng đã có chồng và 1 con trai. Bổn cũ soạn lại, hắn tiếp tục kiểu sống mòn như xưa, đi ăn nhậu, nổ, và sống nhờ vào con gái và con rể. Lần này hắn cũng không gặp may vì anh con rể cũng thuộc loại sinh ra và lớn lên cạnh “hãng pháo Gò Vấp”, nên nổ cũng không kém bố vợ là bao nhiêu. Người ta thường nói một nước không thể có hai vua, nên cuối cùng không ai chịu ai, hắn lại phải trở về miền Tây Bắc sống nhờ tiền bệnh và tiền già.

Hắn “share” phòng cùng với mấy tên độc thân trẻ tuổi cho đỡ tiền nhà. Ai mướn gì làm nấy, lấy tiền mặt, gom đủ cái vé máy bay là vù về Việt Nam để rong chơi, để quăng tiền đô la vào những nơi chơi bời rẻ tiền, cố níu kéo một chút huy hoàng khi còn kịp. Những năm Việt Nam mới mở hé cửa, biết tâm lý nhiều bà vẫn mong 1 cái vé qua sống bên Mỹ, hắn về nước cặp kè với những bà lỡ thời, hoặc chồng chết mà có của ăn của để. Cái mác Việt kiều làm hắn trở nên đắt giá trong con mắt các bà “chỉ đi mưa” mà chưa đi Mỹ.

Hắn in sẵn một chồng mẫu đơn bảo lãnh, I-130, bằng tiếng Mỹ mà các bà ở Việt Nam, kể cả hắn, có đọc cả ngày cũng không biết nó nói cái gì. Gặp bà nào, hắn cũng cứ hào phóng điền tên họ vô tờ đơn một cách vô tội vạ. Hắn có mất gì đâu, ngược lại còn có tiền do các bà cung phụng, cơm no bò cưỡi, lại rủng rỉnh tiền trong túi tha hồ đi chơi bời, ăn nhậu, và nhất là tha hồ mà nổ tanh bành với các người ngồi cùng bàn. Cứ nhìn ánh mắt thần phục của các bợm nhậu trong nước nhìn hắn như một tín đồ nhìn vị giáo chủ là hắn đã sướng đê mê cả người khi men rượu thấm vào từng mạch máu.

Cái mánh này kéo dài được một thời gian, rồi cũng bể vì các bà cứ liên tục hỏi thăm giấy bảo lãnh đến đâu rồi mà sao chưa thấy nhúc nhích gì. Hắn luôn miệng- “Anh đã nộp rồi, phải cần thời gian chứ”. Rồi thời gian cũng phản bội hắn, các bà tẩy chay hắn, hắn mò về vùng quê năm xưa, nối lại nhịp cầu đã gãy với bà y sĩ đánh ghen dạo nọ. Có nơi ăn, chốn ở tại Việt Nam, hắn bay đi bay về mỗi năm. Hắn hứa hẹn sẽ đem bà và đứa con trai của hắn qua Mỹ. Hứa mãi cho đến khi đứa con trai giờ này đã hơn 20 tuổi, vẫn không chịu làm ăn gì vì chờ chực cha bảo lãnh. Cuối cùng bà vợ hắn, phải bán ruộng vườn để mua cho đứa con một chiếc xe vận tải nhỏ để làm sinh kế trong khi chờ đợi.

Một buổi tiệc bất ngờ và đặc biệt tại một nhà hàng trong chuyến về Việt Nam đầu năm ngoái mà vợ và đứa con trai muốn dành một ngạc nhiên cho hắn. Cả hai vừa ngồi xuống, thì đứa con trai đi cùng một cô gái và một cặp vợ chồng trung niên cũng bước vào nhà hàng. Anh ta giới thiệu họ là cha mẹ vợ tương lai và cũng là ông bà xui gia với hắn. Hắn hơi bất ngờ vì đứa con không hề nói gì trước, nhưng bản chất lúc nào cũng muốn tỏ ra ta đây quan trọng, và để tỏ rõ bản lĩnh của một ông bố Việt kiều bằng cách lên lớp đứa con trai một trận trước mặt cha mẹ vợ, làm nó mất mặt. Nó buồn rầu và giận giữ, kéo tay cô vợ sắp cưới ra khỏi nhà hàng và cả hai lên xe lái đi đâu mất tiêu. Buổi tiệc trở nên bẽ bàng cho cả hai bên, họ nhìn nhau bối rối, bên nhà gái không hiểu nổi điều gì vừa xảy ra. 

Sáng hôm sau, người thân báo tin họ tìm thấy thi thể đứa con trai của hắn nằm chết ở nhà người dì ruột, bên cạnh là chai thuốc trừ sâu. Hắn bàng hoàng và sụp đổ. Sau đám tang, hắn đổ bệnh và quyết định cắt ngắn chuyến đi để trở lại Mỹ.

Từ đó, hắn rơi vào trầm cảm, bệnh tật liên miên: hết mổ lấy túi mật, rồi xơ gan sau nhiều năm rượu chè, trác táng. Hơn 70 tuổi đời, nhìn lại mình vẫn tay trắng, không một mái nhà, không một người bạn đời chung thủy chia xẻ ngọt bùi, cùng đi với mình quãng đời còn lại; không một người bạn thân đúng nghĩa, với một cơ thể đang teo tóp dần vì bệnh hoạn, hắn mới chợt nhận ra từ trước đến giờ mình chỉ chạy theo ảo ảnh và hư danh. Cuối cùng, nhìn lại mình vẫn là một con số không to tướng, chẳng có gì, và sẽ chẳng để lại được một di sản gì cho dù là di sản tinh thần cho con cháu.

Những ngày ra vào nhà thương, sống nhờ vào những người bạn trẻ tuổi chung phòng nấu cho ăn, chở đi khám bệnh khi cần thiết, hắn nằm bất động trên tấm nệm vàng ố dơ bẩn trải trên nền nhà trong một góc phòng, nhìn cuộc đời lặng lẽ đi qua trước mắt mà ngậm ngùi. Hắn thấy tâm hồn mình sao vẫn trống vắng quá, cho dù hắn đã cố lấp đầy bằng những toan tính, những cuộc vui, những ái ân thay đổi trong cuộc đời. Hắn nhớ lại hình như cuộc đời mình bắt đầu rất trễ vào một mùa Hạ vàng nắng ấm, kết thúc vào mùa Thu ảm đạm, rồi qua một mùa Đông tê tái, và hắn thầm ước ao mùa Xuân ơi, sao hoài vẫn không đến.

Nguyễn Văn Tới. Tháng 5/2020.
Tưởng nhớ vong linh người chị yêu dấu.

No comments:

Post a Comment