Saturday, April 4, 2020

CORONAVIRUS – HẬU QUẢ CHÍNH TRỊ


Trong hai tuần qua, DĐTC đã có bài về hậu quả của cuộc tấn công của vi khuẩn COVID, một cách tổng quát và trên phương diện kinh tế. Tuần này, xin bàn thêm về hậu quả chính trị.

Vấn đề cực quan trọng vì thời điểm hiện nay đúng là thời gian trước cuộc bầu cử có hơn nửa năm. Đi xa hơn nữa, các học giả đang nghiên cứu xem hậu quả lâu dài của bệnh dịch sẽ như thế nào trong cuộc chiến ý thức hệ tả-hữu nói chung, và trong các tranh cãi về vai trò của Nhà Nước, lợi hại của y tế quốc doanh, và không biết bao nhiêu vấn đề lớn nhỏ khác.

Ta thử xem qua những vấn đề chính.

Vi khuẩn COVID đã thay đổi tất cả, hay chính xác hơn, đã đảo lộn tất cả mọi chuyện, từ kinh tế đến xã hội, luôn cả tình hình chính trị.

CHUYỆN TỔ CHỨC BẦU CỬ

Năm nay là năm cực kỳ quan trọng trong chính trị Mỹ, là năm bầu cử chẳng những tổng thống mà cả toàn thể Hạ Viện liên bang và một phần ba Thượng Viện liên bang, cùng với hàng loạt thống đốc, quốc hội tiểu bang và không biết bao nhiêu viên chức địa phương, cũng như không biết bao nhiêu luật lớn nhỏ của 50 tiểu bang. COVID đã đưa đến tình trạng không ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra, có bầu hay không, nếu có bầu thì như thế nào trong khi cả nước có thể vẫn ở trong tình trạng cấm cung và cách ly; nếu không bầu được thì phải làm gì,… Các ứng cử viên cũng đang ngẩn ngơ không biết phải làm gì, có thể làm được gì, làm sao đi vận động,… Cả triệu câu hỏi mà không ai có câu trả lời.

Trong tình trạng hiện nay, những ý kiến lạc quan nhất cho rằng vi khuẩn sẽ giảm bớt nhiều nhờ lệnh cấm cung và cách ly gắt gao trên cả thế giới cũng như nhờ mùa hè khí hậu nóng hơn, không thuận tiện cho vi khuẩn phát tác. Người ta hy vọng lợi dụng ‘hưu chiến’ đó, nhiều thứ thuốc phòng và chống vi khuẩn có thể được tung ra kịp thời để diệt luôn COVID. Và cuộc bầu cử đầu tháng 11 sẽ được tổ chức bình thường. Trong trường hợp này, vấn đề lớn là hai đại hội đảng được tổ chức tháng 7 (DC) và 8 (CH) sẽ ra sao? Chưa ai có câu trả lời, tuy nhiều người hy vọng khi đó, nước Mỹ đã qua được cao điểm của mối nguy, và hai đại hội sẽ được tổ chức, tuy có thể trong khuôn khổ hạn hẹp hơn, ít người tham gia hơn. [Tin mới nhất, đại hội đảng DC đã được hoãn qua trung tuần tháng 8]

Ngược lại, cũng có suy tính bi quan hơn, nếu vi khuẩn xuất quân trở lại vào mùa thu một cách mạnh mẽ hơn, kể từ tháng 9, tháng 10 thì sao? Sẽ ảnh hưởng như thế nào lên cuộc bầu tháng 11?

Các chuyên gia hiện đang nghiên cứu một số kịch bản.

- Hoãn bầu cử.

Việc hoãn bầu tổng thống liên bang ngày 3/11 đang là chủ đề của tranh cãi lớn giữa các chuyên gia Hiến Pháp.

Đây là kịch bản khó có thể xẩy ra nhất vì tổng thống không có quyền ra sắc lệnh hoãn, mà muốn hoãn bầu cử thì phải đổi Hiến Pháp, dù một ngày cũng phải qua một quy trình cực kỳ nhiêu khê và mất cả nửa năm là ít, tức là phải bắt đầu tiến trình ngay trong tháng này hay tháng tới là muộn nhất. Một việc không dễ chút nào, nhất là đảng DC sẽ không bao giờ chấp nhận hoãn bầu cử để ông Trump tiếp tục làm tổng thống dù chỉ thêm một ngày, vì đó sẽ là ác mộng vĩ đại của phe DC.

Nếu không thể đổi Hiến Pháp kịp, thì phải tuân theo những quy định hiện hữu.

Hiến Pháp hiện hữu tuyệt đối cấm tổng thống và phó tổng thống không được tại chức khi nhiệm kỳ chấm dứt, và trong trường hợp chưa có tân tổng thống và tân phó tổng thống, bất cứ vì lý do gì, thì chủ tịch Hạ Viện, là người đứng hàng thứ ba, sẽ tạm nhiệm chức tổng thống cho đến cuộc bầu tới. Cuộc bầu tới có thể được quốc hội ấn định sau khi tu chính Hiến Pháp, hay nếu không, sẽ là cuộc bầu theo lịch trình thường lệ.

Diễn dịch qua tiếng nôm, trong trường hợp vừa nêu, cả TT Trump và PTT Pence đều phải rời nhiệm sở cuối tháng Giêng năm 2021, và bà Nancy Pelosi sẽ lên làm tổng thống, Hạ Viện do đảng DC của bà nắm đa số sẽ không sửa Hiến Pháp để tổ chức bầu cử tổng thống đặc biệt, và bà Pelosi sẽ làm tổng thống cho đến cuộc bầu cử định kỳ vào năm 2024. Một ác mộng vĩ đại cho phe CH.

- Bầu bằng thư qua bưu điện

Nếu không hoãn, cho dân bầu bằng thư qua bưu điện thì cũng vẫn không dễ.

Sẽ có rất nhiều người không rảnh mà cũng không rành làm chuyện đó tại nhà, chưa kể chính phủ phải thảo ra, in, rồi gửi cả mấy trăm triệu ‘phiếu’ bầu đến tận nhà từng người trong khi tại các vùng thôn quê hẻo lánh, cả tuần mới có thư tới nhà hay thậm chí có nhiều vùng không có bưu điện luôn. Rồi sau đó không ai biết sẽ mất bao lâu để nhận phiếu, đếm phiếu, tổng kết, kiểm tra, chứng thực,… trong khi Hiến Pháp ghi rõ tân tổng thống phải được nhậm chức cuối tháng Giêng.

Những phiếu bầu kiểu này cũng không thể là một mẫu phiếu thuần nhất, giống nhau cho tất cả các tiểu bang, điạ phương. Vì khi đó cũng là lúc cả nước bầu cả chục ngàn viên chức, cũng như biểu quyết về cả ngàn việc hay luật khác nữa, theo từng địa phương và tiểu bang. Việc chuẩn bị cũng sẽ đòi hỏi cả mấy tháng là ít.

Nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là việc một số không ít tiểu bang không cho phép bầu bằng thư kiểu này, trong khi những tiểu bang cho phép thì lại có cả lô luật lệ khác nhau, hết sức rắc rối. Nghĩa là những tiểu bang này không được bầu hay phải đổi nhiều luật lệ, thậm chỉ phải đổi cả Hiến Pháp của tiểu bang. Lại một việc làm cực khó khăn, mất thời giờ, và tốn tiền khẩm.

Một điều quan trọng mà ít người để ý: thủ tục bầu cử do các tiểu bang ấn định, không thuộc quyền chính quyền liên bang, do đó tổng thống hay quốc hội liên bang thực tế không có tiếng nói, mà chỉ có 50 thống đốc cùng với 50 quốc hội tiểu bang có quyền. Ít ai nghĩ cái khối ô hợp đó sẽ mau chóng đồng ý bất cứ chuyện gì trước ngày bầu cử tới.

- Bầu bằng computers, điện thoại

Bầu bằng computers hay điện thoại còn quá rắc rối khi chưa có thảo chương sẵn cũng như khi rất nhiều người nghèo và lớn tuổi cũng như dân da màu còn mù tịt với computers và điện thoại thông minh. Chưa kể hầu hết các tiểu bang chưa có đủ máy điện tử để làm công việc này, từ chuyển mẫu bầu đến tay cử tri, cho đến cách bầu, đếm, kiểm phiếu. Chưa có chương trình nào đã được thảo ra sẵn.

Cũng vẫn là một việc làm cực khó khăn, mất thời gì và tốn tiền khẩm.

CHUYỆN BẦU TỔNG THỐNG

Cô Vi đã thay đổi hoàn toàn tình trạng cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.
Bên phía DC, đáng lẽ giờ này, cụ xã nghĩa Sanders đã bị loại rồi và cụ Biden đang ung dung chuẩn bị làm lễ đăng quang trong nội bộ đảng DC. Nhưng với việc cả chục tiểu bang hoãn bầu sơ bộ, cuộc chiến trong nội bộ đảng DC vẫn còn lơ lửng, chưa có kết quả. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, đây chỉ là việc tạm hoãn, chậm trễ thêm ít tháng thôi, chứ cụ Biden chắc chắn sẽ là ứng cử viên của đảng DC rồi.

Nhiều thăm dò cho thấy cụ Sanders đã là một nạn nhân lớn của COVID khi hậu thuẫn của cụ đã rớt mạnh khi COVID tấn công Mỹ. TTDC giải thích đó là từ việc dân Mỹ hoang mang trước vi khuẩn nên tìm sự ổn định với cụ Biden. Không sai, nhưng thiếu sót.

Điểm mà TTDC không dám nói là dân Mỹ cũng nhìn thấy sự tàn phá, tỷ lệ tử vong cực cao của Tây Âu để lượng giá lại chính sách y tế quốc doanh của Tây Âu đã không đủ khả năng đối phó với đại dịch, và ý kiến quốc doanh hoá toàn bộ hệ thống y tế của cụ Sanders mất ngay sức thu hút.

Đi qua cuộc chạy đua giữa cụ Biden và TT Trump.

Nhìn dưới một khiá cạnh đặc biệt, vi khuẩn COVID thật ra đã giúp cụ Biden rất nhiều:

- Giúp hoãn bầu sơ bộ tại cả chục tiểu bang, chặn đứng không cho cụ Sanders có dịp ngoi lên chạy đua lại với cụ Biden;

- Giúp cụ Biden trốn trong nhà khỏi phải đi vận động, chỉ đọc diễn văn thảo sẵn, tránh nói lộn nói bậy;

- Giúp cụ thêm một đề tài đánh Trump: cứ túm đầu ông Trump la hoang là thủ phạm để COVID phát tác mạnh là xong, rồi ngồi chờ TTDC làm loa đầu phố phóng thanh lại.

Công bằng mà nói, COVID cũng báo hại cụ Biden phần nào :

- Vai trò của cụ Biden dù muốn hay không cũng đã bị lu mờ, rất ít người để ý, trong khi ông thần Trump xuất hiện mỗi ngày trên TV và trên mặt báo; tiếp tục được TTDC quảng cáo miễn phí y chang như hồi năm 2016. Phe DC phát điên lên, huy động cử tri ký tên vào kiến nghị yêu cầu các đài TV không trực tiếp truyền hình các cuộc họp báo của TT Trump vì cái tội ông ta “toàn là nói láo”. Chuyên cấm cản nghe tiếu lâm hết sức. TV sẽ không bao giờ ngừng truyền hình các cuộc họp báo của TT Trump vì theo các thống kê của các đài, đây là chương trình được coi nhiều nhất, ngang hàng với các chương trình ‘football tối Thứ Hai -Monday Night Football- được dân Mỹ mê như điếu đổ trong mùa football, nghĩa là đây cũng là nguồn tiền quảng cáo lớn cho các đài TV.

- Cụ Biden cũng bị giới hạn trong các tấn công chống TT Trump, không thể đánh quá mạnh trong lúc này, sẽ bị phản ứng ngược của người dân.

Tin mới nhất, cụ Biden đã điện thoại cho TT Trump, đề nghị cùng thảo ra sách lược chung chống vi khuẩn. Đây hiển nhiên là một cố gắng đưa tên mình ra khỏi bóng tối. TT Trump đang hợp tác với cả trăm, cả ngàn chuyên gia, và cả chục lãnh đạo thế giới nhất là Tây Âu, không hiểu sao lại cần sự tiếp tay của cụ Biden. Cụ sẽ đóng góp được gì? Mà nghĩ cho cùng, xin lỗi cụ Biden, cụ là cái gì mà muốn ‘hợp tác’ đứng ngang hàng với đương kim tổng thống? Hiện giờ, cụ cũng chỉ là một thứ dân không hơn gì thứ dân Vũ Linh cụ ơi, chẳng có chức vị, quyền hành gì ráo.

Dù vậy, TT Trump cũng đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng nói chuyện với cụ Biden. Hai bên đang điều đình.

Nói chung, như đã bàn sơ qua trong bài viết về hệ quả lâu dài (Bài 117), dịch coronavirus có vẻ đã giúp củng cố những sách lược lớn của TT Trump như việc chặn bớt sách lược bành trướng của TC, cản bớt di dân, chống toàn cầu hóa, hay ngay cả vạch rõ những tai hại của một guồng máy hành chánh quá nặng nề với quá nhiều luật lệ và thủ tục rườm rà cản việc chính quyền có thể phản ứng mau lẹ với khủng hoảng, mang ra ánh sáng điểm yếu của chế độ y tế quốc doanh xã nghĩa qua kinh nghiệm tử vong quá cao của Âu Châu, …

Ngược lại, những con số quá lớn, quá kinh khiếp về số người bị nhiễm và số tử vong cũng giúp cho đảng DC khai thác như đó là hậu quả của sự bất tài của TT Trump.

Hiện nay đã có hàng loạt thăm dò dư luận mới. Hầu hết vẫn thiên về phiá cụ Biden, cho thấy cụ vẫn dẫn trước ông Trump. Tuy nhiên những thăm dò cho thấy những kết quả chỉ khiến thiên hạ rối mù hơn thôi. Như thăm dò của Fox cho thấy cụ Biden dẫn trước ông Trump tới 25 điểm, trong khi thăm dò của Washington Post cho thấy hai người ngang ngửa nhau.

Thật ra, tất cả những thăm dò trên đều… bá láp, tuyệt đối vô giá trị. Chỉ vì thăm dò đó quên mất yếu tố quan trọng nhất, là vi khuẩn COVID. Tất cả những yêu tố khác như thành quả kinh tế của TT Trump, hay chương trình quốc doanh hóa y tế của DC,... tất cả đều đã thành những yếu tố phụ chẳng ai để ý đến nhiều. 

Tất cả mọi chuyện đều sẽ do COVID quyết định. Bệnh dịch bị chặn đứng và diệt sớm thì TT Trump sẽ đương nhiên đắc cử mà không có cụ DC nào cản được nữa, bất kể chiêng trống cổ võ của TTDC. Ngược lại, COVID tiếp tục tấn công ngày càng mạnh, số tử vong ngày càng cao thì đa số dân Mỹ có thể sẽ muốn đi tìm bác sĩ khác.

CHUYỆN BẦU QUỐC HỘI

Toàn thể Hạ Viện và một phần ba Thượng Viện sẽ được bầu lại. Trước đây, đã có rất nhiều bàn luận về việc không biết đảng nào sẽ chiếm được đa số tại viện nào.

Theo lý luận bình thường thì nếu TT Trump tái đắc cử, có thể sẽ kéo theo ‘cái đuôi’ nghĩa là đảng CH có thể níu đuôi theo, chiếm đa số lại tại Hạ Viện và giữ thế đa số tạ Thượng Viện. Ngược lại nếu TT Trump thất cử thì DC sẽ chiếm thế đa số tại cả hai viện.

Lý luận kiểu này có thể sẽ vẫn còn giá trị, tức là vẫn tùy thuộc vào việc cụ Biden hay ông Trump, ai sẽ chiến thắng. Và như trên vừa trình bày, đây là câu hỏi lớn mà chưa ai có câu trả lời.

Cũng có một kịch bản mới là trong tình trạng tất cả các ứng cử viên bị nhốt trong nhà, chẳng ai đi vận được gì nữa, nhất là những ứng cử viên mới ra tranh cử chống các vị đương nhiệm, thì các vị đương nhiệm có nhiều lợi điểm hơn. Thiên hạ biết họ là ai, bầu lại cho khỏi rắc rối. Tức là tình trạng quốc hội sẽ ... vũ như cẩn, vẫn như cũ.

Trong trường hợp này, CH vẫn giữ đa số tại Thượng Viện trong khi DC vẫn chiếm đa số tại Hạ Viện. Vẫn là tình trạng quốc hội với hai đầu đối nghịch và toàn bộ guồng máy chính trị Mỹ tiếp tục bị tê liệt bởi phân hóa phe phái.

CHUYỆN CÁC TIỂU BANG

Vi khuẩn COVID tấn công mạnh những khu vực đông dân, sống tập trung, nghĩa là trong các thành phố lớn, đông đúc, như New York, San Francisco,… Nghiã là những thành đồng cố hữu của đảng DC chính là những ổ bị nạn nặng nhất.

Nhìn vào bản đồ các tiểu bang, hiển nhiên những vùng bị nặng nhất là những tiểu bang của đảng DC: New York, Cali, Washington State, Massachusetts, Illinois, Michigan,…

Nhìn một cách hơi có ‘dã tâm’, có thể dân số những tiểu bang này trong ngày bầu cử sẽ giảm, vì số người tử vong, số người còn mang bệnh nằm nhà hay bệnh viện không đi bầu được hay không muốn đi bầu, và số người di tản, chạy qua các nơi khác để tỵ nạn tránh vi khuẩn. Như vậy sẽ có hậu quả như thế nào? Có thể là con số cử tri đoàn sẽ vẫn không thay đổi mấy vì các tiểu bang DC vẫn sẽ là DC, CH vẫn sẽ là CH, trong số bệnh nhân vẫn có đủ DC lẫn CH, chứ không phải chỉ có cử tri DC mới là nạn nhân, nhưng tổng số phiếu phổ thông của phe DC có thể sẽ giảm vì số phiếu trong những tiểu bang DC nêu trên có thể sẽ bị giảm vì ít người đi bầu hơn.

CHUYỆN QUAN HỆ HAI CHÍNH ĐẢNG

Đây có lẽ là vấn đề nghiêm trọng nhất vì sẽ định được tương lai lâu dài của chính trị Mỹ. Sẽ bớt phân hóa để cả hai đảng làm việc với nhau vì quyền lợi chung của đất nước không?

Không ai có câu trả lời. Chỉ nhìn thấy vài dấu hiệu đối nghịch.

Một mặt, hai đảng đã ‘nhất trí’ biểu quyết những gói cứu trợ và kích cầu gần như 100%, không một đối kháng nào. Khiến thiên hạ có cảm tưởng mà cũng hy vọng hai đảng sau cơn đại họa, sẽ ráng ngủ chung giường.
TT Trump và cụ Biden cũng đang thảo luận việc hai ông gặp nhau, hay đi xa hơn nữa, phối hợp sách lược chống vi khuẩn.

Đó là những triệu chứng tích cực mà nhiều người mong chờ. 

Nhưng ngược lại, cũng có thông điệp hoàn toàn trái ngược. Bà chủ tịch Hạ Viên Pelosi đã ra lênh thành lập Ủy Ban Điều Tra việc TT Trump đối phó vợi dịch COVID, để chứng minh TT Trump đã bất tài, nói láo,… Biết đâu lại tố Trump là thủ phạm giết cả trăm ngàn dân Mỹ, mang ra đàn hặc nữa?

CHUYỆN TRUYỀN THÔNG

Các thăm dò dư luận cho thấy phần lớn dân Mỹ ủng hộ cách TT Trump đối phó với dịch COVID. Như một thăm dò của Washington Post, là báo không bao giờ nương tay với TT Trump, cho thấy 60% dân Mỹ hoan nghênh cách đối phó đó. Trong khi mức hậu thuẫn chung đã tăng lên vài điểm, tới 47%-48%.

Tuy nhiên, TTDC vẫn tìm ra cách để bôi bác. Đài NBC nhìn nhận hậu thuẫn của TT Trump có tăng, nhưng lại đá ngay là “tăng rất èo uột” -dismal increase-, rồi chứng minh qua các con số tăng của hậu thuẫn của các TT Carter, Bush cha và Bush con trước đây khi đụng phải những khủng hoảng lớn như Iran bắt con tin, Iraq chiếm Kuweit, cuộc tấn công 9/11. Cũng như so sánh với sự gia tăng hậu thuẫn của thống đốc New York Andrew Cuomo, khoảng trên 70%.

Phải nói ngay, những con số NBC đưa ra chính xác, không phải phịa. Nhưng đó chính là ‘nghệ thuật’ bôi bác của TTDC.

Nếu muốn tuyệt đối công bằng và trung thực thì so sánh các tỷ lệ hậu thuẫn, cũng như tất cả mọi so sánh khác, cần phải hiểu và viết cho rõ những yếu tố đằng sau những con số.

Lấy một ví dụ cụ thể, trong ngành thống kê, người ta thường mang một thí dụ rất cụ thể để chứng minh muốn hiểu con số thì phải hiểu bối cảnh. Theo các thống kê, không kể trong trường hợp ngoài mặt trận trong một chiến tranh, thì khoảng 80% người chết là chết trên giường, từ giường ở nhà cho tới giường bệnh viện, như vậy có thể diễn giải cái giường là nơi nguy hiểm cho tính mạng nhất, cần phải tránh không?

Trở về trường hợp TT Trump, không sai là tỷ lệ hậu thuẫn của ông tăng nhưng không nhiều. Nhưng cũng phải nói thêm là việc gia tăng này, dù không nhiều, vẫn là chuyện thật đáng ngạc nhiên và đáng nể, chỉ vì đó là một gia tăng trong cái rừng công kích và chỉ trích của phe đối lập và nhất là của TTDC. Bất cứ TT Trump làm gì, nói gì, hay không làm gì, không nói gì cũng đều bị vặn vẹo cho ra chuyện để chỉ trích. Kẻ này thách đố quý độc giả bênh TTDC tìm được một tin hay bài xã luận khen ngợi TT Trump trên WaPo, CNN hay New York Times. Theo Harvard, TTDC chống Trump tới hơn 90%. Đó là chuyện xưa của thời Trump mới nhậm chức. Bây giờ thì tỷ lệ chống không dưới 100%.

Trong khi với thống đốc Cuomo của ‘phe ta’ thì toàn là tán dương ngất trời xanh, kể cả việc ông này giấu cả ngàn máy thở không cho mang ra xài, gọi đó là viễn kiến, biết lo xa trong khi trước mắt New York đạt kỷ lục người bị nhiễm và bị chết.

Có thể nói vi khuẩn COVID tấn công Mỹ đã là một cơ hội mới để phe DC và TTDC dùng làm vũ khí chính trị đánh TT Trump. Mặt trời vẫn mọc phiá đông, không có gì mới lạ.

NẠN NHÂN

Ai sẽ là nạn nhân đầu tiên? Nếu quý vị nghĩ đó là những đại gia, nhà giàu thì quý độc giả sai lầm hoàn toàn. Theo nhiều nghiên cứu, nạn nhân đầu tiên là dân nghèo, dân đi làm công, dân lao động, dân không có tay nghề, dân bán hàng nhỏ, mà một số rất lớn là dân da đen và da nâu. Đây cũng là khối cử tri cột trụ của đảng DC.

Không cần nhìn đâu xa, con số thất nghiệp đã tăng nhanh hơn hỏa tiễn, hơn 3 triệu trong tuần lễ trung tuần tháng Ba, có thể lên tới 30-40 triệu ở cao điểm tháng Tư tháng Năm. Mà thất nghiệp thì ai sẽ thất nghiệp nếu không phải là dân lao động, dân làm thuê, dân bán hàng các tiệm, dân làm nhà hàng ăn uống, dân taxi, dân làm nail, dân giáo chức,… Tất cả bất thình lình mất lương, mất thu nhập, bây giờ trông chờ tiền thất nghiệp, tiền cấp cứu của chính phủ.

Khối dân này sẽ phản ứng ra sao trong cuộc bầu cử tới? Câu trả lời hoàn toàn tùy thuộc vào ... cô Vy. Cô Vy còn hung dữ, đánh phá tàn bạo thì như đã bàn, có thể sẽ có bác sĩ mới. TT Trump hạ được cô Vy tất nhiên sẽ hạ được cụ Biden và bà Pelosi luôn.

Vũ Linh

TT Trump Không Hoãn Bầu Cử Được - Los Angeles Times:

Bầu Cử Qua Bưu Điện - Las Vegas Sun:

Bối Cảnh Chính Trị Thay Đổi - Washington Post:

Coronavirus Hại Giới Lao động - The Guardian:

No comments:

Post a Comment