Thursday, March 19, 2020

HỮU LOAN – GƯƠNG MẶT ĐẼO TỪ ĐÁ

Trần Mạnh Hảo

Năm 2005 tôi về quê, ghé qua thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh ( nay là xã Nga Phượng) huyện Nga Sơn, Thanh Hóa thăm nhà thơ Hữu Loan.

Râu tóc ông bạc phơ, cười nói hết ga, nói không hề biết kiêng nể ai, không hề sợ hãi dù tôi cười bảo : bác à, cháu là công an ngầm đấy, không sợ bị bắt à ?

Ông cười phá lên. Mày là công an à, ông càng chửi tợn, cho mày ghi âm đấy, bí thư huyện ủy về tao còn chửi cha thằng nào mang chủ nghĩa chó chết về làm hại quê hương và dân tộc tao …

Bác có tin cháu thuộc thơ bác không ? Không, Trần Mạnh Hảo là công an làm sao thuộc thơ ? Cái mặt mày không thể làm chó săn được con ạ !

Tôi đọc thuộc lòng cho ông Hữu Loan (có bà Hữu Loan ngồi cạnh), đọc hết “Màu tím hoa soan”, “Đèo Cả”, đọc đến bài “Hoa Lúa”…thì ông can, thôi thôi, tao nhớ mày rồi !

Nhớ sao ? Mày viết bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” phải không ? Thưa phải ! Thế mày đọc bài này cho tao nghe lại nhá !

Tôi đọc bài thơ “Cho một nhà văn nằm xuống” ( tức bài thơ “Khóc Nguyên Hồng)…

Đọc xong, Hữu Loan im lặng, không nói gì, mắt ông hình như rơm rớm. Ngồi một lúc ông nói rất khẽ. Ở đây ăn cơm uống tí rượu với bác nha. Này, bà nó bảo thằng con sang bắt gà làm thịt đãi khách quý…

Sợ làm phiền ông bà, tôi thác cháu phải sang bên Hà Trung có anh bạn hẹn trưa nay rồi…

Ông khen Nguyên Hồng tài năng nhân cách số một. Hồng kém tao 2 tuổi, nhưng chưa đầy 17 tuổi đã thành thiên tài với tiểu thuyết “ Bỉ Vỏ”. Tuổi đời Hồng là em tao, nhưng tuổi văn, tuổi nghề nó là hạng đàn anh. Nó đã bỏ nhà Hà Nội, bỏ lương lậu, chức vụ về thẳng rừng Yên Thế sống như một nông dân. Trước khi bỏ đi, nghe nó chỉ vào cơ quan Hội nhà văn nói, ông đếch chơi với chúng mày nữa, chúng mày đểu lắm…Tao thương thằng Hồng mất sớm, đi lúc mới 64 tuổi.

Mắt Hữu Loan ngấn vài giọt sương. Ông không thương mình mà lại đi thương bạn !

Lần đầu tiên tôi gặp ông Tú Loan trong buổi tờ mờ sáng khoảng năm 1961 khi theo mẹ sang chợ Hói Đào Nga Sơn.

Hữu Loan mang cái vó đã cụp gọng, lưng đeo chiếc giỏ đựng cá, áo cộc tay, quần đùi đều rách vá. Hình như ông đi cất vó đêm về…

Chào bác Tú. Sao cháu biết ta là Tú Loan. Bác Tú thì ai trong cái tỉnh Thanh Hóa này chả biết. Tôi bèn đọc thuộc bài “Màu tím hoa sim” do mình chép trộm trong sổ tay ông anh con bác học cấp 3. Ông Tú ngạc nhiên, bỏ vó xuống, ngồi bên gốc cây bàng bên đường nói chuyện với tôi - một thằng nhóc 13 tuổi…

Sao bác về sớm thế, cất vó suốt đêm à ? Không, từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng là về. Sao không cất vó dạo ban ngày ? À, bị quản thúc tại gia, nên sông của đảng, cá của đảng, mình cất vó kiếm con cá sông cá ngòi là mình ăn trộm của đảng, công an biết thì toi …Thôi cháu đi đi, công an thấy thì rầy rà cho cháu đấy !

Từ đó, tôi không còn gặp ông Tú Loan đi cất vó trộm về nữa. Nghe đồn ông làm nghề thồ đá kiếm tiền mua gạo nuôi vợ con suốt 30 năm…

Sau năm 1986 đổi mới cởi trói cho văn học, đảng nhà nước đã phục hồi hội tịch cho các nhà văn thơ từng bị quy “nhân văn giai phẩm” trong đó có Hữu Loan…

Tôi đã gặp ông Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán…hai lần đại hội…

Các ông ngồi góc cuối, bên ngoài, chào bắt tay thì cười cho qua chuyện, như thể các ông vẫn bị ai đó cầm tù linh hồn, còn sợ hãi dù ngay khi gặp mấy gái xinh hội viên đến bắt chuyện…

Tôi chào bác Tú. Ông cười nói : “ hàng thần lơ láo…”. Hữu Loan không nhận ra thằng bé ngày nào tờ mờ sáng gặp ông ở Nga Sơn đi cất vó về, đọc thơ ông cho ông nghe…

Hôm nay được ngồi trò chuyện với ông hai tiếng đồng hồ. Người ông như đẽo ra từ đá. Suốt 30 năm ông bị quản thúc tại thôn làng về tội “nhân văn giai phẩm”, đi thồ đá cũng là đi thồ trộm, đi cất vó sông ngòi cũng là đi cất vó trộm. Sống cũng trộm, nghĩ cũng trộm, buồn vui trộm…

Chế độ mà ông tham gia xây dựng, đổ xương máu 9 năm đánh Pháp, để cuối cùng ông không hề có độc lập và tự do… Chế độ đã biến ngôi nhà ông thành nhà tù tại gia, giam một con người gần suốt cả cuộc đời trong đói nghèo, rách rưới, chỉ vì ông dám viết ra một phần ý nghĩ thật của mình…

Bây giờ già lắm rồi, ông đếch sợ nữa, ông chửi từ cụ tiên chỉ nhà chúng nó xuống, mà không thằng nào đến bắt ông. Tao thèm ở tù thật lắm. 30 năm nay tao đã ở tù tại gia, sống mà bị quản thúc từ con buồi đến tư tưởng, thì sống làm đếch gì, bắt và bắn tao đi…

Tôi hỏi ông về bài thơ “Màu tím hoa sim” thì ông bảo. Chúng nó thù bài thơ này, thù nhất là từ khi Phạm Duy phổ nhạc. Nó bảo bài thơ kích động bi kịch cá nhân trong kháng chiến. Vợ người lính chết đuối ở hậu phương lãng nhách, có gì mà làm thơ khóc. Tưởng là đi du kích bị địch giết hóa ra sảy chân chết đuối…Bao cô du kích anh hùng xông vào đồn giặc hi sinh sao không viết, lại đi khoe vợ mình bị chết đuối là sao? Tiểu tư sản, vớ vẩn, thi ca gì tủn mủm hạ đẳng thế, làm mất nhuệ khí anh bộ đội Cụ Hồ…

Vâng, cái tội mà đảng vu cho “Màu tím hoa sim” lại chính là cái công lớn của thi pháp Hữu Loan đi vào cái bi kịch cuộc đời. Bi kịch, ô là la, cái mà bút pháp văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa kị nhất, ghét nhất…

Ngày 18-3-2010 Hữu Loan đã đi vào bất tử với hai bài thơ hay nhất đời ông : “Đèo Cả” và “Màu tím hoa sim”… Và cái dáng người gan lì, dũng mãnh, hiên ngang của ông thợ thồ đá, thợ cất vó trộm, thợ sống trộm và nghĩ trộm…như tạc ra từ đá núi Ngỗng ( Nga Sơn) quê hương…

Sài Gòn 18-3-2020
T.M.H.

No comments:

Post a Comment