Friday, March 20, 2020

Bên lề chuyện “Cô Vi”

Nguyễn Ngọc Duy Hân
  
  
Mấy tháng nay khắp nơi trên thế giới lo sợ về bệnh dịch COVID-19, tin tức thay đổi hằng giờ, chắc ai cũng theo dõi và biết các chi tiết. Bản thân tôi cũng rất quan tâm, lo lắng khi đọc hoặc nghe những tin tức liên quan, thầm cầu nguyện cho ngày “đại dịch” này chóng qua. 

Tính tới ngày 16 tháng 3, 2020 đã có biết bao sự kiện lớn trên thế giới bị hủy bỏ để tránh tụ tập đám đông, hạn chế sự lây lan của con vi trùng ghê gớm này. Từ Hollywood, Disneyland, Disney World tại California, Florida, Paris đến biết bao sinh hoạt lớn khác về nghệ thuật, thể thao phải đóng cửa. Ngọn tháp CN Tower ở Toronto cũng tạm không hoạt động. Ngay cả các Thư viện, trường Đại Học, Trung Học, Tiểu Học, Nhà Trẻ khắp nơi cũng bị đóng cửa hoặc học “online”. Ngày diễn hành mừng Thánh Patrick khắp nơi thường được tổ chức rất lớn cũng bị hủy bỏ. Phố xá Shopping Malls đóng hoặc hạn chế giờ mở cửa – vì có mở cũng khá là ế ẩm trừ một số mặt hàng nhu yếu phẩm. Các sòng bài lớn cũng đóng cửa (Cái này thì tôi ủng hộ dù chưa có chuyện “Cô Vi”!). Các buổi ca kịch tại Broadway, New York cũng tạm dừng, các viện Bảo Tàng, hồ bơi công cộng cũng đóng cửa, sinh hoạt Quốc Hội Canada cũng tạm ngưng trong 5 tuần lễ. Hệ thống Cafe Starbucks chỉ bán kiểu “drive in”, không cho vào trong tiệm ngồi uống. Công ty tôi đang làm việc có một Cafeteria khá lớn phục vụ hằng ngàn người mỗi ngày, bây giờ chỉ hạn chế bán cho nhân viên, khuyến khích nhân viên mua xong đem lên bàn làm việc riêng của mình ngồi ăn, không ngồi chung tại cafeteria nữa. Ly chén muỗng nĩa cũng không dùng loại rửa được, mà đổi thành loại xài một lần rồi bỏ, có giấy ny-lông gói từng cái riêng biệt. Nhân viên cũng được cho phép làm việc ở nhà trừ khi công việc quá cần.

Đến sinh hoạt của các Tôn Giáo mà cũng phải ngưng trệ. Tại giáo phận Toronto và nhiều nơi khác, các thánh lễ Chúa Nhật 15 tháng 3 cũng bị tạm ngưng. Từ thời xưa tới nay, có lẽ đây là lần đầu tiên mà không có lễ Chúa Nhật trong một không gian lớn. Chúng tôi hát trong ca đoàn nhà thờ nên sự việc này có ảnh hưởng rất lớn tới tinh thần. Được biết vài nơi ở Nhật Bản có sáng kiến làm Thánh Lễ cầu nguyện ngoài trời, không đông quá 250 người theo quy định của bộ Y Tế, nhưng Canada còn lạnh quá, không biết có làm theo kiểu này được không.

Các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Canada ... đều phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và chính phủ phải ra nhiều kế hoạch, biện pháp để đối phó với cơn dịch COVID-19 này. Bà vợ thủ tướng Canada – bà Trudeau đã bị lây vi trùng, tổng thống Trump cũng bị thử nghiệm may mà không vướng bệnh. Tài tử Tom Hanks, nhiều người nổi tiếng trong giới chính trị, thể thao cũng bị lây. Số người nhiễm bệnh và chết ngày một tăng. 

Thị trường chứng khoán xuống giá khủng khiếp, kéo theo giá xăng giảm được chút chút. Các công ty, nhà hàng, đặc biệt các hãng máy bay, du lịch bằng du thuyền chết đứng, tệ hơn sau lần 9-11 hoặc SARS. Các hãng xưởng cũng bị liên hệ không kém. Nhiều hãng sản xuất công xưởng nằm ngay tại Mỹ, Canada, nhưng lại lấy các phụ tùng nhỏ làm ở bên Tàu, nên bị ảnh hưởng dây chuyền phải ngưng trệ. Chẳng hạn chất nước rửa tay Sanitizer làm tại Canada, nhưng cái chai để đựng lại làm bên Tàu, nên mặt hàng này trở thành khan hiếm trong lúc người ta cần rửa tay thường xuyên nhất. Nghe nói có người đã vào các nhà Vệ sinh Công Cộng lấy cắp các chai sanitizer này, từ đó có hình vẽ hí họa phải có dây xích khóa cuộn giấy washroom lớn của nhà vệ sinh công cộng vào tường! Cũng nghe nói có các loại thuốc rửa tay “hàng độc”, cả $100 đô Canada một chai, không biết chế tạo bằng chất gì mà đắt thế.

Chính phủ đang chuẩn bị xuất quỹ để giảm thuế, trả lương, giúp đỡ người dân, xoa dịu kinh tế và đời sống. Thiệt hại, hao tốn chưa biết sẽ như thế nào. Bên Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa thì luôn dối trá, bưng bít, có những kẻ lợi dụng làm giả các khẩu trang không theo tiêu chuẩn vệ sinh, có công an “cướp thời cơ” bắt bớ các chợ bán chim, làm khó người dân không theo quy tắc nào, cũng kiếm được mớ tiền bỏ túi.

Riêng bản thân chúng tôi thì phải họp gấp để hủy bỏ, không tiến hành các sinh hoạt của nhóm đã dự định từ lâu. Một là tiệc mừng 20 năm thành lập Hội Thân Hữu Quảng Ngãi Ontario vào 14 tháng 3, 2020. Hội nhỏ thôi, nhưng cũng đã mướn hội trường, làm thiệp mời, đăng poster phổ biến rộng rãi. Chúng tôi xung phong nấu cháo gà cho ngày tiệc nên đã đặt mua tổng cộng 20 con gà đi bộ có thịt dai ngon từ nông trại, sắp tới sẽ ăn gà cho đến khi biết ... gáy! Kế tới là ngày mừng Cộng Đoàn Công Giáo Thánh Giuse ở Scarborough được 10 năm, dự trù vào Chúa Nhật 22 tháng 3 với thánh lễ Đồng Tế và tiệc mừng, nhóm cũng làm cuốn báo “Kỷ Yếu 10 Năm”, bây giờ cũng dời lại chưa biết đến bao giờ. Các ngày lễ Tưởng Niệm Hai bà Trưng, Quốc Tổ Hùng Vương, tiệc gây quỹ, ca nhạc văn hóa cũng không được tiến hành như hằng năm. Sắp tới là ngày tưởng niệm 45 năm Quốc Hận cũng chưa chắc có được, thật là buồn. Tổ chức lớn dự trù ở Washington DC cho ngày 30 tháng Tư cũng đã bị hủy bỏ.

Bạn tôi tổ chức đám cưới con vào thời điểm này, đám cưới vẫn phải tiến hành nhưng số người dự ít hẳn, nhất là không có các bà con từ xa tới, dù họ đã mua vé máy bay. Tranh vui cười cũng đã vẽ hình cô dâu chú rể, họ hàng 2 bên phải đeo khẩu trang, kể cả chú chó cưng trong nhà. Người cháu từ Toronto đi du lịch Philipines, tới nơi bị “cấm cửa” không cho ra phố chơi, ngày ngày có y tá tới tận nhà đo nhiệt độ. Cả nước Phi cũng cấm không có các chuyến bay nội địa. Các nước bị ảnh hưởng COVID-19 nhiều nhất là Tàu, Nam Hàn, Iran, Ý...

Người ta sợ bệnh dịch là phải, trận “dịch hạch Đen” xảy ra ở thế kỷ 13 đã giết chết một phần ba dân số châu Âu. Ở Hungary thế kỷ 16 cũng có dịch sốt do rận mà ra. Tại Tây Ban Nha năm 1918 dịch cúm làm chết cả 100 triệu người. Châu Á năm 1957 và Hồng Kông năm 1968 cũng bị hoành hành rất lớn do vi trùng bệnh cúm tên là “A”. Dịch tả, bệnh sởi, đậu mùa cũng giết hằng bao triệu người cho tới khi tổ chức y tế WHO khám phá ra thuốc chích ngừa. Gần đây là SARS hay hội chứng hô hấp cấp tính nặng xảy ra năm 2002 – 2003, cũng may nó đã chấm dứt. Được biết bắt đầu 16 tháng 3 này, sẽ có thử nghiệm tiêm chủng để chống lại bệnh do vi trùng Corona này gây ra. Nếu thành công thì cơn sốt “COVID-19” sẽ được đóng lại. Mong khoa học kỹ thuật tiến bộ sẽ làm được việc này.

Tại Việt Nam có ghi lại năm 1820 (vua Minh Mạng năm đầu), là trận dịch tả khởi phát ở Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường rồi lan ra toàn quốc, đến tháng 12 mới ngưng. Số tử vong hơn 200 ngàn người (dân số Việt Nam lúc đó khoảng 7 triệu), triều đình phải phát chẩn tiền để giúp dân. Thi hào Nguyễn Du đã chết trong trận dịch này.

Trở lại tai hại do “Cô Vi” gây ra, từ vật chất tới tinh thần thật là không kể hết. Hình ảnh các lò thiêu xác chết, đàn áp bắt bớ người bệnh tại Vũ Hán bên Tàu thật là kinh sợ. Có một đoạn phim trên Youtube ghi lại hình ảnh nhân viên công lực của Tàu dùng vợt bắt người ngay trên đường phố như bắt chó, bắt rồi đem đi đâu, làm gì ai mà biết. Mà biết thì sẽ vào tù nên không dám nói. Nhân quyền, mạng người ở xứ Cộng Sản thì nói làm gì! Quả vậy, mới đây tin của Reuters cho biết ông Ren Zhiqiang, năm nay 69 tuổi, cựu chủ tịch tập đoàn bất động sản Trung Quốc, vì dám chỉ trích ông Tập Cận Bình trong việc xử lý virus Corona đã bị mất tích. Chuyện công an bắt bớ, người dân phải “tự tử” trong đồn nghe thật uất hận. Cũng có người với óc khôi hài rất cao, vẽ bích chương ”Hãy bầu cho tôi, khi đắc cử sẽ tặng không giấy toilet”!

Tại Âu Mỹ hay Canada một số người quá lo sợ nên mua thức ăn, giấy vệ sinh dự trữ nhiều tới độ thành náo động, thậm chí có người đầu cơ tích trữ để bán giá mắc trên mạng, khiến một số trang web phải cấm buôn bán các mặt hàng này. Bạn tôi viết trên Facebook: Không cần giành giật mua giấy vệ sinh làm chi, cùng lắm thì xài phương pháp hồi xưa khi chưa có giấy! Các món trang sức như đôi bông tai, mặt vòng đeo cổ bây giờ có người sáng kiến làm thành hình cuộn giấy vệ sinh, nhìn cũng xinh đáo để. Cũng có người rất “ngạc nhiên” khi khui quà sinh nhật, vì được tặng một bao giấy toilet thật to! Các bài hát, điệu nhảy về “Cô Vi” của giới trẻ Việt đã kịp thời sáng tác và được truyền hình Mỹ, Pháp, Đại Hàn chiếu với lời khen ngợi, có hàng triệu người xem và “like”. Các bài kinh, lời cầu nguyện cho bệnh dịch cũng được lan truyền nhanh chóng. Một vài chuyện cười cũng được đăng tải có tính cách mỉa mai, nói là người Việt đâu cần sợ lây Corona, vì họ đâu đối diện nói chuyện thẳng với nhau mà lo bị văng nước bọt, An Nam ta chỉ hay nói lén sau lưng! Tại Thái Lan, mới đây do ngành du lịch bị ngưng trệ, số du khách giảm không có người mua vui bằng cách cho khỉ ăn, tại Bangkok đàn khỉ cả ngàn con đã chạy ra đường giành giật nhau một hũ sửa chua, gây náo loạn.

Nhiều bài thuốc “ta” cũng được lan truyền, như tỏi, gừng, chanh có thể giúp chống COVID-19, thôi thì cứ thử, ít nhất cũng không hại gì và không hao tốn bao nhiêu.

Riêng chúng tôi mấy ngày nay nằm nhà không đi ra ngoài, công ty cũng cho phép mang laptop về làm việc tại nhà, đi ra đi vào buồn nên cứ bày ra nấu cái gì ăn, nếu kéo dài dù may mắn không bị “cô Vi” hành thì cũng sẽ thành “cô Bi” vì sẽ tròn vo như viên bi do ăn nhiều! 

Thế nhưng trong cái buồn lo cũng có mặt tích cực, ngoài một số rất ít người tranh giành khi mua hàng ngoài chợ, hầu như mọi người đều lo cho nhau hơn, mau mắn chia sẻ tin tức, quý trọng các phương tiện vật chất, biết tiện tặn hơn, biết nhắc nhở nhau... Chúng tôi được rủ mua gạo chung, được chia sẻ thức ăn, đồ xài, quan tâm tới nhau hơn. Thật may mắn được ở xứ Tự Do, No Ấm, mấy mươi năm rồi chúng tôi mới sống lại cảm giác lo lắng phải tích trữ gạo, mắm muối... Thương cho những người hằng ngày phải đói khát, phải lo từng miếng ăn, manh áo. 

Nhất là khi không có Thánh Lễ Chúa Nhật, chúng tôi mới thấy trân trọng và hạnh phúc thay khi được tham dự Thánh Lễ hàng tuần – mà có khi vì lười biếng, bận rộn chỉ hối hả đi cho có vì bổn phận. Một linh mục cũng đã chia sẻ, vào mùa Chay trước khi chịu chết trên cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã tự “cách ly” vào sa mạc một mình để suy niệm cầu nguyện, lo buồn vì tội lỗi của nhân loại với đấng Tối Cao. Biết đâu đây cũng là lúc để mỗi người bớt xôn xao đời thường, lùi lại một bước để thinh lặng kiểm nghiệm lại những suy tư, hành xử của mình, và tìm cách để sống tốt, để biểu lộ tình cảm với tha nhân tích cực, ý nghĩa hơn. Vấn đề vệ sinh cá nhân, công cộng cũng cần được thực hành nghiêm chỉnh hơn, Cuộc sống mong manh quá, ai biết ra sao ngày sau?! Hãy làm những gì hôm nay có thể làm....
  
Nguyện xin ơn Trên cho cơn dịch này qua mau, cho tình người luôn triển nở và con người ngày một văn minh, yêu thương nhau hơn, có đời sống tốt hơn từ tinh thần tới vật chất.
  
Nguyễn Ngọc Duy Hân

No comments:

Post a Comment