Saturday, November 23, 2024

SƠN MÀI THÀNH LỄ, QUÁ KHỨ VÀNG SON


Tác phẩm “Deer”, sáng tác 1950, sơn mài 4 tấm, xưởng Thành Lễ, đã đấu giá tại sàn Sotheby’s Hong Kong với giá 279.400 HKD.

Trong một dịp tình cờ, chúng tôi xem được một trang trong bộ lịch in màu năm 1962 mang tên “Công nghệ Việt Nam” do một cơ quan nước ngoài bỏ vốn ra in. Tờ tháng Hai in hình nữ ca sĩ Kim Chi bên cạnh một chiếc chén, dĩa và ly chân cao bằng sơn mài cẩn trứng do nhà Thành Lễ sản xuất. Lòng tô và đĩa màu vàng nhũ. Họa tiết cành trúc đơn giản nhưng sang trọng trên nền trứng cẩn trắng ngà rất hài hòa. Những sản phẩm mỹ nghệ cách nay hơn nửa thế kỷ thật tinh tế và không thua kém bất cứ sản phẩm mỹ nghệ cao cấp hiện nay.

Đó là một sản phẩm nhỏ tiêu biểu của hãng Thành Lễ, một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ cao cấp khét tiếng của miền Nam trong suốt hơn 30 năm trước 1975. Đây chính là công ty thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ trang trí nội thất, được bày bán ở hai con đường sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc đó là Tự Do (nay là Đồng Khởi) và Hàn Thuyên. Tên tuổi của công ty vượt ra khỏi biên giới nước Việt thời chia cắt.

Theo Nguyệt san Quản trị xí nghiệp số tháng 10 năm 1972 xuất bản tại Sài Gòn, đến thời điểm đó, hãng Thành Lễ đã có những thành tích như sau: Huy chương vàng Hội chợ Quốc tế Munich 1964 – Huy chương Bạc do Bộ Kinh tế (Nam Việt Nam) trao năm 1968 – Bằng cấp danh dự Hội chợ Paris 1969 – Huy chương và Bằng cấp Danh dự Hội chợ Paris 1970 – Huy chương vàng Hội chợ Kỹ nông công thương Sài Gòn 1970.

Bản vẽ mẫu sơn mài của họa sĩ Thái Văn Ngôn.

Quảng cáo trên báo cho hãng Thanh và Lễ của hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ khi chưa tách ra thành hai hãng

Chân dung ông Nguyễn Thành Lễ

Họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền. Ảnh: Đức Trí

Một mẫu phổ biến của sơn mài Thành Lễ

Ngoài ra, sản phẩm của Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippines (1956) và Hoa Kỳ (1959).

Đến nay, Việt kiều các nước, nhất là từ Pháp và những người thích nghệ thuật trong nước vẫn tìm mua các sản phẩm của Thành Lễ. Họ trưng bày trong nhà như để tìm lại một không khí êm đềm và thịnh vượng của đô thị Sài Gòn trước đây. Dân trung lưu trở lên của Sài Gòn và các tỉnh lỵ mua được bức tranh sơn mài Thành Lễ, đôn voi, bình gốm Thành Lễ hay thảm len Thành Lễ đã cảm thấy đủ để tạo nên vẻ sang trọng của ngôi biệt thự hay căn phố của mình.

Tuy nhiên, nói riêng về tranh sơn mài mỹ nghệ là sản phẩm chủ lực của Thành Lễ, cần phân biệt có hai loại. Một loại bán rộng rãi trong showroom với logo có chữ Thành Lễ và loại kia là tranh cao cấp, làm theo Hợp đồng đặt hàng của khách trong và ngoài nước. Theo họa sĩ Phạm Cung (có thời gian phụ giúp họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ chính tạo mẫu tranh cho hãng Thành Lễ) loại tranh cao cấp được xác định bằng một logo vẽ phía sau tranh có hình con rồng, phía dưới là chữ Thành Lễ nằm vắt ngang và dát bằng vàng 4 carat. Các giải thưởng nói trên thuộc về loại tranh cao cấp này.

Một chiều cuối năm 2008, chúng tôi may mắn gặp lại lão họa sĩ Nguyễn Văn Tuyền, thường gọi là bác Ba Tuyền tại Bình Dương, quê hương của công ty Thành Lễ. Sinh năm 1924, có lẽ bác là họa sĩ hiếm hoi làm việc lâu nhất cho Thành Lễ (từ 1943 đến năm 1975) còn sống. Những họa sĩ cùng làm việc cho công ty là ông Hai Sù, Châu Văn Trí, Ba Ai, Bảy Dậy, Năm Châu (điêu khắc), Nguyễn Tấn Tam, Nguyễn Văn Tám, Thái Văn Ngôn, Duy Liêm, Trần Văn Nam, Trần Văn Sáu (sáng tác mẫu sơn mài), Ngô Từ Sâm (vẽ lụa), Văn Thọat, Lương Định Tánh (vẽ bàn ghế), các nghệ nhân Bảy Giáp, Sáu Miền, Hai Long (cẩn ốc), Sáu Sa (vẽ men gốm)… hầu hết đã quy tiên.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Vật dụng sơn mài Thành Lễ trong bộ lịch “Công nghệ Việt Nam” năm 1962.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Sản phẩm mỹ nghệ Thành Lễ.

Theo bác Ba Tuyền, tiền thân của Thành Lễ là xưởng “Thanh & Lễ” do hai ông Trương Văn Thanh và Nguyễn Thành Lễ hợp tác sáng lập năm 1940. Đến đầu những năm 60, ông Nguyễn Thành Lễ tách ra riêng, lập nên xưởng Thành Lễ. Từ đó, bắt đầu một quá trình sản xuất và kinh doanh đủ tạo dựng một tên tuổi không phai mờ.

Bác Tuyền nhớ họa sĩ Thành Lễ sinh năm 1919 tại Long Xuyên, học chuyên về sơn mài và chạm trổ, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Thủ Dầu Một khoảng năm 1940 (có tài liệu cho là năm 1938), trước bác Tuyền hai khóa. Khi tách ra, xưởng sơn mài Thành Lễ đặt tại Bình Dương có 12 họa sĩ, 2 nghệ nhân vẽ kiểu, 20 người mộc, 60 người chuyên về sơn, 4 thợ chạm, 1 thợ cẩn xà cừ. Xưởng sản xuất Thành Lễ được xây dựng khá quy mô ở Bình Dương.

Bên cạnh xưởng chế tác là phòng trưng bày được trang trí rất đẹp. Ở đây trưng bày đa dạng sản phẩm từ các bức bình phong lớn, đề tài phong phú từ đề tài lịch sử như Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán, trận Đống Đa, Bạch Đằng Giang, các tích Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, cảnh đẹp Việt Nam như sông Hương núi Ngự, chùa Thiên Mụ, Tháp Chàm, cảnh sinh hoạt nông thôn và hình ảnh người nông dân, hình ảnh hoa lá chim muông… Ngoài ra, còn có các sản phẩm khác như vật dụng gia đình phủ sơn mài mang tính mỹ thuật cao như bình hoa, bàn ghế, tủ và các món đồ trang trí khác.

Các sản phẩm Thành Lễ và nhân viên ở cửa hàng.

Bức bình phong sơn mài của hãng Thành Lễ in trong cuốn sách Vietnam, where East & West meet.

Tác giả: Do Van Minh-Edizione Quattro Venti, Rome xuất bản 1962

Trong xưởng sơn mài của hãng Thành Lễ. Người dưới mũi tên là họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ tạo mẫu nổi tiếng của hãng.

Ảnh: Gia đình họa sĩ Duy Liêm.

Thái tử Sihanouk, vương quốc Cambodia thăm Công ty Thành Lễ vào đầu thập niên 1960 và xem họa sĩ Ba Tuyền vẽ tranh sơn mài. Góc trái là họa sĩ Lưu Đình Khải, hiệu trưởng trường Mỹ thuật Gia Định.

Logo công ty.

Năm 1962, Thành Lễ mở xưởng dệt thảm len và sáp nhập các cơ sở thành xưởng sơn mài – lò gốm – thảm len Thành Lễ. Từ vài chục công nhân ban đầu, sau xưởng có đến 500 công nhân làm việc. Bác Tuyền cho biết từ thời đó, Thành Lễ đã tổ chức kinh doanh và tiếp thị rất có bài bản. Ông Thành Lễ giỏi tổ chức, có tài năng chuyên môn và biết thu hút nhiều người giỏi từ các nôi như trường Mỹ thuật Gia Định, Mỹ nghệ Biên Hòa và Mỹ nghệ Bình Dương. Các họa sĩ dưới trướng ông có nhiều người giỏi, từng đoạt các giải thưởng hội họa uy tín. Xưởng Thành Lễ đã sáng tạo nhiều mẫu đẹp, giàu giá trị nghệ thuật. Nhiều mẫu mã chỉ dùng một lần cho một tác phẩm nên giá trị nghệ thuật cao và là sản phẩm độc bản.

Theo các tài liệu, ông Thành Lễ rất ghét các mẫu mã làm theo kiểu rập khuôn, luôn yêu cầu các họa sĩ không bắt chước mẫu có sẵn mà phải liên tục sáng tạo cho tới khi đạt tới giá trị nghệ thuật mới đưa vào sản xuất. Bù lại, ông có chế độ lương và thưởng cao nên các họa sĩ làm cho ông sống thoải mái bằng đồng lương. Riêng một mình họa sĩ Ba Tuyền trong suốt hơn ba mươi năm đi làm có thể ung dung nuôi bảy người thân gồm cha mẹ, vợ và bốn người con đang ăn học.

Ông Thành Lễ thường đi nước ngoài nghiên cứu sưu tầm mẫu mã đáp ứng thị hiếu khách hàng, nhất là khách hàng châu Âu. Trong quá trình định hướng phát triển, ông tập trung sản xuất tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phối hợp các nghệ thuật nắn tượng, trang trí, hội họa, điêu khắc. Màu sắc sản phẩm chú trọng giá trị thẩm mỹ, trang nhã và đẹp, nhiều sản phẩm mỹ nghệ đạt đến giá trị nghệ thuật cao.

THÀNH LỄ – Suối tóc. Sơn mài. 95x56cm.
Sưu tập Phạm Hoàng Việt

Thành Lễ – Bên dòng Cửu Long. Khoảng 1950. Sơn mài. 61x126cm.
Sưu tập Ngô Kim Khôi

TRƯƠNG VĂN THANH – Chùa Thầy. Khoảng 1950. Sơn mài. 50x80cm. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

Nhờ tham gia nhiều hội chợ quốc tế và liên tục đọat giải, sản phẩm của ông tạo tiếng vang tốt. Dù vậy, ông không chạy theo lợi nhuận mà luôn đề cao chất lượng. Ở mặt hàng sơn mài chủ lực, ông dùng nguyên liệu tốt nhất như ván ép En Kounmé nhập ngoại, ván gỗ Teak (Giá tị) hoặc Gõ đỏ, Bời lời. Trong sơn mài, nguyên liệu chính là sơn Nam Vang có độ bóng và màu sắc có vẻ đẹp riêng.

Sản phẩm trưng bày tại hội chợ quốc tế nếu được đặt mua, ông không vội giao hàng mà đợi đến sáu tháng sau khi xuất xưởng mới giao, sau khi theo dõi chất lượng tranh hay món đồ có bị biến dạng bởi thời tiết của xứ người không. Nói chung, ông không coi trọng sản lượng mà chỉ quan tâm đến chất lượng, không hề khoán sản phẩm để đạt năng suất cao mà chỉ coi trọng sản phẩm đủ đẹp hay chưa. Có lẽ do vậy, sản phẩm ở đây luôn cao giá hơn cơ sở khác nhưng vẫn đắt khách.

Cũng theo bài báo trên tờ Nguyệt san Quản trị xí nghiệp, không tính đến doanh thu trong nước, đến năm 1972 Thành Lễ xuất cảng mỗi năm với doanh số 100.000 Mỹ kim, là con số đáng kể thời bấy giờ (giá một lượng vàng lúc đó là 200 USD), sản phẩm chủ yếu xuất qua Pháp và Tây Đức. Lúc đó, sản phẩm của Công ty giá vẫn cao hơn hàng cùng loại của Nhật hay Đài Loan vì chất lượng cao, hoàn toàn làm thủ công và dùng nguyên liệu tốt nhất từ nước ngoài. Tiềm năng xuất cảng rất tốt nhưng ông Thành Lễ phải từ chối nhiều đơn hàng vì vấn đề quan trọng nhất là thiếu nhân công do tình trạng bắt lính thời gian đó. Tuy vậy, ông đã hướng tới việc mở thị trường sang Hoa Kỳ, xây dựng xưởng tại khu công nghiệp Biên Hòa với 2000 nhân viên. Kế hoạch này bị đình trệ từ Tết Mậu Thân và đã không thành vì Thành Lễ ngừng hoạt động từ năm 1975.

Những công trình sang trọng nhất của Sài Gòn trước 1975 đều đặt tác phẩm Thành Lễ như phòng ăn dinh Gia Long với tranh sơn mài, khách sạn Caravelle cũng có tranh Thành Lễ. Theo trí nhớ của bác Ba Tuyền, năm 1966, dinh Độc Lập được khánh thành ngoài sự hiện diện của hai bức tranh của họa sĩ Thái Văn Ngôn là người của Thành Lễ, còn có một tấm Thảm len của xưởng Thành Lễ dài 40 mét phải hơn 40 người khiêng, khi đưa đến phải dùng xe rờ moọc dài mới tải nổi. Khách sạn nổi tiếng Majestic cũng đặt một bức cửa lùa chạm thủng mang tên “Đám cưới xưa”. Ngoài ra, nhiều khách quốc tế khi đến Sài Gòn đã được giới thiệu đến tham quan xưởng Thành Lễ. Bác Ba Tuyền còn giữ tấm ảnh thái tử Xihanúc (Campuchia) thăm xưởng và đặt hàng vào những năm 60, như một kỷ niệm quãng đời làm việc.

Theo họa sĩ Phạm Cung, làm việc tạo mẫu tại công ty Thành Lễ trước kia, có lần khoảng đầu thập niên 1960 bên Nhật đặt tới ba ngàn bức tranh sơn mài các kích cỡ về Phan Bội Châu, người phát động phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20. Làm xong một số lượng tranh rồi, họa sĩ Phạm Cung tìm được bức ảnh cụ Phan đang chống gậy trong thời kỳ “Ông già Bến Ngự” cuối đời ở Huế. Bức tranh được làm thử một tấm và khi phía Nhật thấy được, họ quyết định thay đổi mẫu mã cũ, làm tiếp số tranh còn lại từ mẫu này. Ông Cung nhớ lại, tranh làm hoàn hoàn bằng gỗ dầu chứ không bằng ván ép như thông thường, khổ lớn nhất là 80x120cm. Qua đó, chúng ta hình dung được vai trò của cụ Phan trong tâm thức của người Nhật.

Brochure công ty bằng tiếng Pháp.

Bình hoa gốm và tượng sơn mài Thành Lễ trang trí trong nhà ông Trần Công Vàng ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ảnh: Đức Trí

Catalogue

Sau 1975, ông Thành Lễ cùng gia đình sang sống ở Pháp, đất nước đã kết nạp ông vào Hội Mỹ thuật quốc gia. Trong một bài viết trên trang mạng Hồn quê, tác giả Bích Xuân cho biết “Tác phẩm sơn mài Thành Lễ được treo tại những dinh thự như Tư dinh Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tư dinh vua Hassan II tại thành phố Ifrane (Maroc), lâu đài Tổng Thống Pháp Charles de Gaulle tại Colombey les II Eglises (La Boissery), OMS (Organisation Mondiale de la Santé) tại Thụy Sỹ…”

Hơn ba mươi năm trôi qua, dù được khẳng định giá trị trong suốt hơn nửa thế kỷ, tên tuổi Thành Lễ dường như vẫn chưa vượt qua được cái nhìn coi nhẹ hàng mỹ nghệ dù cho nó đạt tới mức nghệ thuật nào. Năm 1960, Sài Gòn tổ chức Cuộc triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần thứ nhất, bên cạnh tác phẩm của các tên tuổi nổi tiếng thì tác phẩm sơn mài của Công ty Thành Lễ cũng được mời trưng bày và sau đó, có ngay bài phê bình trên tạp chí Bách Khoa số 141 ra ngày 15 tháng 1 năm 1962. Tác giả cho rằng tác phẩm sơn mài Thành Lễ lạc lõng, “có lẽ nên dành cho những cuộc triển lãm riêng về đồ tiểu công nghệ”. Không thấy nêu lý do.

Năm 2009, trong cuốn Nghệ thuật Tạo hình Việt Nam Hiện đại tổng kết quá trình mấy chục năm theo dõi mỹ thuật miền Nam trước và sau 1975, khi nói về nghệ thuật sơn mài Việt Nam, sau khi nêu thành tựu của các họa sĩ trẻ của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đưa sơn ta vào hội họa, nâng cao vai trò một chất liệu quý trước đây chỉ dừng ngang mức mỹ nghệ lên vị trí đáng nể trong đời sống mỹ thuật trong và ngoài nước ở giai đoạn 1930-1932, tác giả Huỳnh Hữu Ủy viết: “Vài người gốc miền Nam tốt nghiệp từ trường Mỹ thuật Hà Nội như họa sĩ Nguyễn Văn Long đã mang về phổ biến những kết quả mới này ở trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một…

… Ngành sơn mài phát triển rộng, nhân dân thị xã Thủ Dầu Một và các vùng lân cận hầu hết chuyên sống bằng nghề sơn mài. Từ những hàng mỹ nghệ gia dụng nhỏ đã phát triển ngày càng lớn hơn, sản xuất được nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao như tủ, bàn, bình phong các loại tranh trang trí gây được sự hấp dẫn ở nhiều nơi, xuất khẩu qua các nước Tây Âu, Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ… chiếm được nhiều Huy chương vàng tại hội chợ quốc tế.

Thành công khá lớn của xưởng Mỹ nghệ Thành Lễ trước đây là một chứng cứ điển hình, tuy nằm ngay tại trung tâm Sài Gòn nhưng thực chất là đăt căn cứ trên vùng Thủ Dầu Một, các mặt hàng hầu hết đều do nghệ sĩ sơn mài của trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một đảm trách, hoặc nếu không thì cũng là những người thợ có ít nhiều có liên hệ hay nằm trong ảnh hưởng của trường này.

Với đà phát triển đó, thế hệ những nghệ sĩ sơn mài mới, tài hoa, đam mê, năng nổ, đã đưa nghệ thuật sơn mài đến những vinh quang cao nhất của một phong cách nghệ thuật riêng, rất bí ẩn, kỳ diệu, sâu thẳm, tưởng là phi hiện thực nhưng lại hoàn toàn gần gũi với đời sống con người, phản ánh hiện thực với quy luật chắt lọc tinh túy riêng của nó”.

Đó là sự khẳng định giá trị của sơn mài mỹ nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật mà Thành Lễ là cánh chim đầu đàn. Tuy vậy, hầu như đến bây giờ có rất ít tài liệu, bộ phim, triển lãm trong nước chính thức ghi nhận về giá trị mỹ thuật hay tài năng kinh doanh của Thành Lễ, một thương hiệu có tầm vóc vượt ra khỏi biên giới một đất nước đang trong thời chiến tranh.

Dù sao, trong lòng những người yêu nghệ thuật miền Nam, tên tuổi Thành Lễ vẫn còn vang vọng như một hoài niệm, một quá khứ vàng son. Và chắc chắn, một tình cảm trân trọng giữ gìn dành cho dòng đồ của một xưởng mỹ thuật danh tiếng đã quá vãng này vẫn âm thầm tồn tại.

Phạm Công Luận
(trích trong cuốn Sài Gòn – chuyện đời của phố tập I.)

No comments:

Post a Comment