Friday, November 29, 2024

Ngày Lễ Tạ Ơn năm nay của người Mỹ”.

Bà Phó Kamala vừa đi nghỉ dưỡng sức ở Hawaii về, tưởng là bà đã nguôi ngoai nỗi buồn thất cử và vui vẻ chờ đến ngày ông Trump và ông Vance đăng quang để về nhà viết sách, nhưng không ngờ bà lại lên X kêu gọi mọi người “đừng để ai cướp đi quyền lực của mình”. Lời nói này châm thêm vào lời kêu gọi trong bài diễn văn chấp nhận thất cử của bà vào 3 tuần trước, là: “đừng bỏ cuộc và hãy tiếp tục chiến đấu”.

Đừng để ai cướp đi quyền lực? Ai này là ai vậy ta? Từ hồi ông Trump đắc cử đến nay, ngày nào cũng thấy mấy bà cô của truyền thông thiên tả léo nhéo chuyện ông Trump tăng thuế quan sẽ khiến cho vật giá đắt đỏ thêm, hay chê bai những người được ông Trump đề cử vào nội các mới là nguy hiểm, là không xứng đáng, hay không có tư cách. Điều này cho thấy chẳng ai lấy mất quyền lực của ai cả. Mà mấy bà cô này dữ như chằng, ai nói đụng tới chắc bị chửi tan nát tâm can mấy ngày trời, thì có ai dám dớt đi quyền lực của họ.

Đừng bỏ cuộc? Chẳng lẽ bà muốn mọi người tiếp tục thù ghét ông Trump và những người ủng hộ ông hay sao? Đảng Dân Chủ của bà vừa làm vua 4 năm vừa qua. Trong thời gian này cũng như thời gian những năm ông Trump làm tổng thống, đã quậy tưng bừng, tìm đủ cách để bỏ tù ông ta và đi lùng những người ủng hộ ông để hạch sách mà vẫn chưa vừa lòng sao? Game over rồi bà ơi. Đáng lẽ bà nên nhân cơ hội lễ Tạ Ơn và lễ Chúa Giáng Sinh sắp đến, kêu gọi mọi người hãy cộng tác với chính quyền mới, đặt nước Mỹ lên trên hết, để hỗ trợ nhau sống trong hạnh phúc và thịnh vượng mới đúng.

Tiếp tục chiến đấu? Người Mỹ bây giờ đã quá mệt mỏi vì phải đương đầu với vật giá leo thang mà còn phải hy sinh để nuôi di dân lậu, đã vậy còn phải nhìn con cháu họ bị đì khắp nơi để hy sinh cho những người kém may mắn được đổi đời, thì bây giờ chẳng lẽ cứ âm thầm chiến đấu để hy sinh tiếp hay sao.

Hay là bà Kamala kêu gọi mọi người đừng lấy mất quyền lực khỏi tay bà, đừng bỏ cuộc ủng hộ bà và hãy tiếp tục chiến đấu cho bà để bà được làm tổng thống năm 2028? Game này cũng over rồi bà ạ. Quỹ tranh cử của bà có hơn một tỷ nhưng đã bị bốc khói chỉ trong vài tháng thì còn ai dám tiếp tục … đừng bỏ cuộc, nộp thêm tiền vào đó lần thứ hai. 

Nhà đóng góp rất lớn vào quỹ ứng cử của bà là John Morgan, vài ngày trước đã nói với Chris Cuomo của NewsNation rằng: “Tiêu tiền theo kiểu của bà Kamala sẽ khiến bà bị loại vĩnh viễn. Nếu bà ta không điều hành được quỹ tranh cử thì làm sao có thể điều hành được nước Mỹ”. 

Nhân viên trong ban tranh cử của bà bị cho nghỉ việc hết 2/3 và đang mở quỹ go-fund-me để xin giúp đỡ thì còn ai dám … chiến đấu cho bà. Thôi thì bà nên trở về California, chờ đến năm 2026 để kiếm chức thống đốc, vì những người ở tiểu bang này chắc sẽ không lấy mất quyền lực của bà, không bỏ cuộc và tiếp tục chiến đấu cùng bà.

Còn ông Biden thì đang làm gì?

Ông Biden thì chỉ chờ bà Kamala trở về để đưa hết gia đình đi nghỉ Thanksgiving… tại khu nhà trị giá 34 triệu của tỷ phú David Rubenstein ở Nantucket (như mỗi năm vẫn làm). Trước khi chấm dứt nhiệm kỳ của mình, chính quyền của ông và bà Kamala bảo đảm số tiền từ 3 đạo luật, tổng cộng là 2200 tỷ, gồm có 1200 tỷ cho “Hạ tầng cơ sở”, 783 tỷ cho “Giảm lạm phát” trong đó có 369 tỷ dành cho “Năng lượng sạch”, và 280 tỷ cho “Con chips và Khoa học”, được xài cho đến đồng bạc cuối cùng.

Vì vậy 3 ngày trước, công ty sản xuất xe điện Rivian của Trung Quốc cho biết, họ đã nhận được khoản vay lên tới 6.6 tỷ từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) để xây dựng cơ sở sản xuất xe điện của họ tại tiểu bang Georgia.

Các khoản cho vay hay tài trợ khổng lồ của Bộ Năng Lượng trao cho ai và sau đó được xài như thế nào, thì rất ít ai nhắc tới. Chỉ thỉnh thoảng đọc được một tin như tin về công ty Electric Bus and Battery Maker Proterra, được ông Biden, bà Kamala và bà bộ trưởng Năng Lượng Jennifer Granholm tài trợ 1.6 triệu vào năm 2021 để sản xuất xe bus điện. Công ty này vào năm 2023 còn nhận được thêm 10 triệu tiền cứu trợ covid, nhưng chưa sản xuất chiếc xe bus điện nào thì đã bất ngờ khai phá sản;


hay tin bà Kamala dùng 5 tỷ cho kế hoạch sản xuất gần 2,500 chiếc xe school bus điện, nhưng 3 năm sau chỉ sản xuất được 60 chiếc mà thôi.


Cho nên, nếu khoản tiền 6.6 tỷ này mà vào tay mấy ông Trung Quốc thì lại càng không biết sẽ về tay ai để trả công bội hậu cho ai và cho đến năm nào sẽ khai phá sản để xù luôn.

Rồi lại đọc được thêm tin tức về số tiền 7.5 tỷ dành cho việc xây cất các trạm sạc xe EV thì mới biết, là năm 2021 ông Biden đã ký gói cơ sở hạ tầng thành luật trong đó có 7.5 tỷ dành riêng cho trạm sạc EV, với mục tiêu là thành lập 500,000 trạm sạc ở Mỹ cho đến năm 2030. Hai năm sau, chưa xây được trạm nào. Đến năm 2024, xây được khoảng 180,000 trạm, nhưng không biết có bao nhiêu người xài. Bởi vì trạm sạc của Tesla hiện nay được coi là có tiêu chuẩn tuyệt vời nhất, khiến các nhà sản xuất xe điện khác đã sẵn sàng biến hệ thống của Tesla thành tiêu chuẩn của họ. Một số nhà sản xuất đã ký giao kèo với Tesla như Ford, General Motors (GM), Polestar, Volvo, và một số khác đang thảo luận để sử dụng hệ thống sạc của công ty này như: Nissan, Mercedes, Honda, Hyundai, Jaguar, Kia, BMW, Lexus, Lucid, Porches, Rolls-Royce, Subaru, Toyota, Volkswagen.



Vì vụ này mà ông Elon Musk và ngài Bộ trưởng Giao Thông lời qua tiếng lại um sùm trên mạng X. Thôi thì, tiền đằng nào cũng trao, cháo có múc được hay không thì sẽ có ông Trump lo dùm.

Vậy ông Trump nhà mình thì đang làm gì?

Ông Trump đang … làm tổng thống và dùng Mar-a-Lago của ông làm Bach Cung

Chỉ trong vòng 20 ngày, từ Mar-a-Lago ông Trump đã lập xong nội các mới và nhóm chuyển giao của ông Trump đã ký một thỏa thuận bàn giao với nhóm của ông Biden.

Để giữ những lời đã hứa với cử tri, ông Trump và một số thành phần mới tuyển vào nội các của ông (dù chưa được thông qua bởi Thượng Viện) đã lên đài hay lên đường, để thực hành những lời hứa đó.

Lời hứa về an ninh biên giới và trục xuất di dân lậu.

Hai tuần nay, người được đề cử làm Border Czar Tom Homan, đã ồn ào lên đài và lên đường để thông báo kế hoạch đầu tiên là trục xuất di dân lậu. Bị một số thống đốc các tiểu bang Dân Chủ đe dọa muốn làm chuyện này phải bước qua xác họ trước, thì ông tới luôn “ai không muốn giúp thì hãy tránh ra cho chúng tôi làm việc”. 

Hôm qua ông cùng với thống đốc Texas Abbott đến Eagle Pass và Edinburg để cảm ơn và phục vụ bữa ăn mừng Lễ Tạ Ơn cho hàng trăm binh sĩ Vệ Binh Quốc Gia Texas, cảnh sát thuộc Sở An Toàn Công Cộng Texas (DPS) và các quân nhân khác đồn trú dọc biên giới. Nơi đây, ông thề sẽ áp đặt những hậu quả khắc nghiệt lên những nhà lãnh đạo các thành phố đang ngăn cản cơ quan di trú thực hiện kế hoạch trục xuất hàng loạt bằng câu tuyên bố: "Đừng có thách tôi."

Ông Trump cũng lên tiếng đe dọa Mexico và Canada, rằng ông sẽ tăng thuế quan của Mexico và Canada lên 25% nếu lãnh đạo của hai quốc gia này không chịu ngăn di dân lậu và ma túy, đặc biệt là Fentanyl vào Mỹ. Đồng thời ông cũng đe dọa tăng thêm 10% thuế quan lên hàng của Trung Quốc nhằm gây áp lực để Trung Quốc ngăn chận dòng Fentanyl được đưa vào Mỹ qua ngã Mexico.

Lời hứa giảm chi tiêu.

Người ồn ào không bao giờ dứt là Elon Musk và người cộng tác với ông là Vivek Ramaswamy, đã tình nguyện giúp ông Trump giảm chi tiêu cho nước Mỹ. Ông Musk đòi cắt 2000 tỷ khỏi ngân sách và giảm số lượng cơ quan liên bang từ 428 xuống còn 99. Ông Ramaswamy đòi giảm 75% số nhân viên của liên bang từ 2 triệu người xuống còn 500 ngàn. Hai ông đã soạn thảo và trình làng kế hoạch bao gồm: cắt giảm quy định hành chính, cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang.

Lời hứa giảm thuế.

Ông Scott Bessent, người được chọn vào chức vụ Bộ trưởng Tài Chính, đã nói với tờ Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn gần đây, là ông sẽ ưu tiên thực hiện các cam kết cắt giảm thuế, bao gồm thuế đối với tiền tips, tiền phúc lợi an sinh xã hội, tiền làm thêm giờ phụ trội, và làm cho những thuế cắt giảm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump thành vĩnh viễn. Ông Bessent cũng nói sẽ tập trung vào việc ban hành thuế quan, cắt giảm chi tiêu, và duy trì vị thế của đồng đô la là đồng tiền dự trữ của thế giới.

Lời hứa tát cạn đầm lầy.

Sau khi người được ông Trump đề cử vào chức Bộ trưởng Tư Pháp lúc đầu là Matt Gaetz tự ý rút lui, thì ông Trump đã chọn một chị tóc vàng, người đã làm luật sư bào chữa cho ông trong lần ông bị đàn hặc thứ nhất vào năm 2020, và sau đó tiếp tục lên tiếng để bênh vực ông. Cô này đã từng làm tổng chưởng lý của tiểu bang Florida từ 2011 đến 2019.

Trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái với đài FOX, sau khi ông Trump bị truy tố tại Georgia với cáo buộc cố gắng lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, cô Bondi tuyên bố: 

“Khi đảng Cộng hòa lấy lại Nhà Trắng, và chúng ta sẽ trở lại đó trong vòng 18 tháng hoặc ngắn hơn, quý vị có biết điều gì sẽ xảy ra không? Những kẻ xấu xa, Bộ Tư Pháp, các công tố viên, sẽ bị truy tố và các điều tra viên sẽ bị điều tra"… 

“Bởi vì nhà nước ngầm trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump, họ đã ẩn náu trong bóng tối, nhưng bây giờ, họ đã bị chú ý và tất cả bọn họ đều có thể bị điều tra ... Chúng ta có thể dọn dẹp nhà cửa vào nhiệm kỳ tới và đó là điều phải xảy ra".

Những câu nói này của cô lập lại lời hứa của ông Trump trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ truy đuổi những kẻ thù chính trị, các nhân viên tình báo, các công tố viên, v.v.

Lời hứa chấm dứt chiến tranh giữa Ukraine và Nga Sô.

Ông Trump đã hứa sẽ chấm dứt chiến tranh giữa Ukraine và Nga Sô vào ngày đầu tiên nhậm chức trở lại. Tuy ông không cho biết ông làm cách nào để thực hiện điều đó, nhưng ông để cử ông Keith Kellogg, cựu cố vấn an ninh quốc gia và trung tướng đã nghỉ hưu của quân đội Hoa Kỳ, vào vai trò đặc phái viên tại Ukraine và Nga.

Ông Kellogg có thể sẽ là trung tâm của các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nếu Nga và Ukraine đồng ý tham gia. Trong một tài liệu được công bố vào tháng 4, do America First Policy Institution (một tổ chức tư vấn ủng hộ Trump), ông Kellogg đề xuất rằng Ukraine sẽ chỉ nhận được thêm viện trợ từ Hoa Kỳ nếu Kyiv tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow, nhưng cũng gợi ý rằng nếu Moscow từ chối tham gia, Washington sẽ cung cấp thêm viện trợ cho Kyiv. Ông Kellogg cho biết phản ứng của ông Trump khi nghe đề xuất này như sau: "Tôi không khẳng định ông ấy đồng ý với đề xuất đó hoặc đồng ý với từng chữ trong đó, nhưng chúng tôi rất hài lòng với cuộc trao đổi ý kiến đã diễn ra giữa chúng tôi ".

Không ai đoán được ông Trump sẽ làm gì để chấm dứt cuộc chiến của hai quốc gia này trong 24 giờ, nhưng các cuộc đi đêm của ông Kellogg giữa Ukraine và Nga Sô có lẽ đã được bắt đầu ngay sau khi ông được đề cử.

Như thế, ông Trump nhà mình chưa lên ngôi mà đã lo chuyện trị quốc và bình thiên hạ rồi. Điều này khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới và giám đốc điều hành doanh nghiệp đã cho biết rằng họ đang chuẩn bị cho sự hỗn loạn sắp tới và sự bùng nổ của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump. Còn tôi thì tôi chúc mọi sự sẽ xẩy ra tốt đẹp như ông Trump mong muốn, và tôi cũng chúc tất cả những người đọc bài này một Lễ Tạ Ơn vui vẻ và bình an với gia đình.

Nhung Lam

--

No comments:

Post a Comment