Sunday, October 13, 2024

Người Bạn Cài Nơ Đỏ



LTG: Khắp nơi, trong nước lẫn ngoài nước, mọi người đang tích cực lạc quyên cứu trợ hậu quả trầm trọng của cơn bão YAGI mới tàn phá Việt Nam vừa qua, nhắc lại kỷ niệm của hai buổi lạc quyên cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung khác từ thế kỷ trước.
Năm đó, 1999, miền Trung Việt Nam nhất là ở Huế đang chịu trận thiên tai bão lụt lịch sử lớn nhât từ trước cho đến thời điểm bấy giò. Trong hội chợ tết, người Việt ở đây San Jose vui Xuân nhưng không quên đồng bào ở quê nhà. Từng đoàn Hướng Đạo Sinh Việt Nam được phân phối nhiệm vụ cầm những thùng lạc quyên để quyên tiền cứu trợ.

Đang lang thang trong hội chợ, hai em bé trong đồng phục Hướng Đạo chận tôi lại. Một trai một gái. Bé gái cao hơn bé trai non nữa cái đầu, chửng chạc nói “Chú ơi, ủng hộ đồng bào bảo lụt đi chú”. Trọn một câu tiếng Việt, tuy phát âm không trọn vẹn, nhưng khá rõ ràng. Tôi nhìn hai em, nhất là bé gái đang thắt cái nơ trên đầu cái nơ mầu đỏ!

Tôi bỗng thấy lòng bâng khuâng man mác.

Hồn tôi như bay lạc về lại cái chợ TÂN ĐỊNH của mấy mươi mấy năm về trước, khoảng năm 1970 hay 71.

Khi đó tôi mới chập chững năm đầu tiên trung học, cũng vào năm miền Trung bị bão lụt tàn phá nặng nề nên nhà trường huy động học sinh tổ chức một buổi lạc quyên để hưởng ứng chiến dịch cứu trợ đồng bào ruột thịt.

Đúng 10 giờ sáng, tất cả học sinh được phân công cứ hai người thành một nhóm chuẩn bị lên đường. Tôi lớ ngớ thế nào bị xếp chung toán với một bạn khác thuộc lớp… con gái. Tôi nào muốn như vậy! Nhưng lúc bắt cặp xếp toán, tôi chậm chân chậm tay thế nào để bị lọt sổ cuối cùng lẻ loi một mình, và bạn đó chắc cũng rứa. Hai cái lẻ loi này bèn ghép lại thành một cặp vậy.

Tôi ngượng lắm, bởi vì bạn là con gái trổ mã sớm nên cao hơn tôi đến nửa cái đầu. Tôi thấy tôi lùn quá, hơi quê, nhưng biết làm gì hơn? Lúc đó thì dĩ nhiên tôi biết tên bạn, nhưng khi ngồi viết những dòng chữ này, thì đã quên rồi. Bạn đừng trách. Tôi chỉ còn nhớ bạn kẹp một cái nơ màu đỏ trên đầu. Vậy tôi tạm gọi bạn là NƠ ĐỎ nghe.

Bắt đầu công tác. Tôi lãnh phần đeo thùng tiền cứu trợ, còn bạn Nơ Đỏ thì được giao cọc giấy huy hiệu cứu trợ cùng hôp kim gút dùng để gắn lên tay áo khách bộ hành. Chúng tôi không được phép đi xa, chủ yếu là chung quanh hai chợ Tân Định và Đa Kao, cùng những con lộ chính như Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải… mà thôi.

Buổi sáng hôm đó, cả trường vui vẻ nhộn nhịp như ngày tất niên. Vừa ra khỏi cổng trường, Nơ Đỏ dắt tôi chạy ù lại chợ Tân Định. Bạn khôn lắm, nói là phải tới… xí trước. Quả nhiên hai đứa tôi tới chợ sớm nhất, gặp giờ thiên hạ đang đi chợ đông đảo nên tha hồ múa gậy vườn hoang. Chúng tôi phải tranh thủ thời gian, vì trong chốc lát các toán khác sẽ tới chia phần. Khi gặp một nhóm đông người, một mình bạn gắn huy hiệu không xuể, tôi phải phụ một tay, dĩ nhiên là chỉ ở những… người lùn, tôi có thể với tới. Thông thường chúng tôi không phải nói gì cả, chỉ cần nhìn thùng lạc quyên có in câu “CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO LỤT” là ai cũng vui vẻ móc túi lấy tiền. Lâu lâu có người hỏi han thì Nơ Đỏ lễ phép giải thích “Dạ, tụi cháu lạc quyên cho nạn nhân miền trung bị bão lụt”. Hầu như không ai nỡ lòng nào từ chối cả. Thỉnh thoảng gặp vài anh thanh niên có vẻ lơ là né tránh, là đến phiên tôi ra tay. Tôi chạy lại nắm áo “Cứu trợ đồng bào bị bão lụt đi anh”, và cương quyết đứng chờ cho tới khi chàng móc ví mới chịu. Một lần tôi thấy anh lính lơ láo mua thuốc lá gần đó, bèn nhanh nhẹn chạy lại. Anh lính trừng mắt nhìn tôi “Lính nghèo thấy mẹ, lấy tiền đâu cho, mầy!” Nói vậy mà anh cũng cầm mớ tiền lẻ thối lại nhét vào thùng.

Chưa đến hai tiếng đồng hồ, hình như khắp chợ ai cũng có huy hiệu cứu trợ gắn trên tay áo. Chúng tôi bắt đầu ế. Phải chú ý kỹ hơn tìm kiếm khách hàng mới. Đứng ngơ ngác hồi lâu, tôi và Nơ Đỏ cùng để ý thấy một bà xách giỏ đi chợ, mà sao tay áo… trống trơn! Chúng tôi mừng húm nhào tới. Giữa lúc Bạn đang sắp sửa gắn huy hiệu cứu trợ lên, bà xua tay nói “Bác cho rồi mà cháu”, và móc túi áo lấy ra tấm giấy lạc quyên đưa ra trước mặt “Thấy chưa?” Hai đứa tôi quê quá tiu nghỉu quay đi. Mới được mấy bước, nghe bà gọi giật lại “Nè, mà khoan đã cháu”. Bà tiến lại cầm tờ năm chục nhét vào thùng. Hai đứa tôi mừng rỡ chưa kịp nói tiếng cám ơn, bà đã ôm cả hai vào lòng thốt “Con cái nhà ai mà giỏi vậy nè trời”. Tôi hơi mắc cỡ, nhưng cảm thấy thật sung sướng. Ước chi có mạ tôi cạnh bên, bà sẽ hãnh diện về thằng con. Quay sang Nơ Đỏ, thì bạn đang chớp chớp mắt có vẻ cũng cảm động lắm… như tôi.

Xế trưa, khu chợ đã vắng, và thùng tiền khá nặng, chúng tôi thong thả trở về trường. Bây giờ mới cảm thấy cơn mệt. Mồ hôi tôi ướt đẫm lưng áo. Phần bạn cũng tơi tả không kém. Những giọt mồ hôi lấm tấm chảy dài trên đôi má đỏ bừng bừng dưới cơn nắng ban trưa. Lòng tôi thấy vui quá. Hình như đây là lần đầu tiên trong đời trực tiếp làm việc nghĩa. Tôi khoái chí cầm thùng tiền lắc lia liạ, lắng nghe tiếng lẻng kẻng kim khí chạm nhau bên trong, xen lẫn tiếng lụp bụp của những tờ tiền giấy. Nơ Đỏ cũng hả hê quên hết cơn mệt. Bạn thắt hai tà áo dài lại gọn gàng với nhau, nhặt một miếng gạch vụn bên đường, ném về phía trước, lò cò nhảy tới khom lưng luợm lên, rồi lại ném, cứ thế…Thỉnh thoảng bạn ngưng chơi, giành thùng tiền tôi đang đeo, lắc qua lắc lại nghe leng leng… leng keng… và cười sung sướng.

Sau này, trong sinh hoạt Hướng Đạo, tôi cũng nhiều lần có dịp làm công tác xã hội tương tự, nhưng niềm vui không tràn đầy như lần đầu tiên này. Bạn Nơ Đỏ sau buổi lạc quyên đó, thỉnh thoảng gặp lại trong trường, chúng tôi chỉ vẫy tay chào chút xíu, đại khái muốn nói “A, tụi mình cũng quen nhau chứ bộ!” Qua năm sau, tôi không còn gặp lại bạn nữa. Có phải qua ba tháng hè con gái thay đổi mau lẹ tôi nhận không ra? Hay bạn đổi sang trường khác? Hay có khi vẫn còn đó, nhưng đã đổi màu nơ kẹp tóc mà tôi lại cứ ngây thơ đi kiếm cái nơ đỏ không còn trên đầu của bạn nữa… đến nỗi vụng về đánh mất người bạn có chung một kỷ niệm của thời ấu thơ.

Câu chuyện lạc quyên năm nào đã chìm sâu vào tâm tưởng. Bạn cài nơ đỏ của tôi bây giờ không biết ở đâu. Tôi lỡ đánh mất tên của bạn đâu đó trong vùng trời ký ức. Không biết bạn có may mắn đến được bến bờ tự do? Và tình cờ đọc được những dòng chữ này.

Nhìn hai em bé trước mặt, tôi cảm động quá, chỉ muốn như bà hàng chợ năm nào ôm cả hai em vào lòng và nói "Con cái nhà ai mà giỏi vậy nè trời!”

Nghĩ trong đầu thôi. Luật lệ Mỹ đâu cho người lớn ôm ghì con nít như ở Việt Nam đâu! Tôi chỉ có thể xoa đầu hai bé để khen ngợi. Nhưng khi vỗ tay lên đầu bé gái, tự nhiên buột miệng “Té ra bạn vẫn còn cài cái nơ đỏ đó à?”

Cháu nhìn tôi ngạc nhiên không hiểu ông chú này nói cái chi lạ quá!

ThaiNC

No comments:

Post a Comment