Thursday, October 24, 2024

MIỀN NAM THAN THỞ PHẬN LỤC BÌNH!…


Hoa Lục Bình 

Trời mưa, trước cái chợ ở Tân Châu An Giang, khi máy quay chỉa vô một xe bún riêu. Máy lia từ trên xuống nồi, người bán đội cái nón lá cũ rách gãy nên méo qua một bên, cái nồi bún riêu có vài cục huyết heo, một giọng cất lên" Cái nồi.... nó hư mà không có tiền mua, vá lại xài.... cốt khỉ quờn cốt khỉ!".

Tự nhiên thấy lạnh lòng!

Miền Nam quê chúng ta còn nghèo lắm, người khổ vô số, quá trời quá đất!

Có những xóm ở Miền Tây nghèo lắm, dân không cục đất chọi chim, toàn ở đậu, con cháu tha phương tứ tán làm thuê làm mướn. Miền Tây mang tiếng trù phú, làm lúa gạo nuôi nhiều vùng nhưng dân đong gạo lon, gạo lít, được cho bao gạo 5 kg mừng húm mếu máo.

Hồi Tết bà dì họ ngoại về nước, bả có một hội chị em nội trợ, mỗi người bỏ chừng hai ba trăm đô hợp lại về Trà Vinh, Sóc Trăng vô xóm làng người Khmer thăm hỏi. Bà kể: "Bà con cô bác mình nghèo lắm con! Mình tặng có nhiêu đâu! bao gạo 5 kg, chai dầu ăn, 10 gói mì tôm... mà họ mừng, ánh mắt họ nhìn mình biết ơn, cám ơn ríu rít, họ thích lắm!".

Miền Tây có vật giá rất rẻ, nhiều khi hú hồn sao đồ ăn rẻ quá. Có tin không, gói bánh hỏi khá bự có cái chả giò chỉ có 4.000 đồng bán ngay chợ Ba Tri.

Vật giá rẻ rề vì người dân có mức sống và thâu nhập không cao.

Nghèo, nhưng trong những lễ hội ở Miền Tây bạn sẽ ăn miễn phí tất cả, từ cơm tới bánh xèo, nước uống, xôi, bánh canh, bánh lọt, bánh ít, bánh tét, sâm lạnh. Họ có gì mang tuốt ra cho mọi người ăn trên tinh thần vui vẻ.

Nghe ở đâu lũ lụt thiên tai là cứ ngoáy nhìn dù mình đang ở nhà thiếc, nhà tạm bợ, ở đậu, đang làm mướn độ nhựt qua ngày với thân phận lục bình trôi.

Người dân Miền Nam không có giàu. Toàn kiếm cơm ngày hai bữa hộc xì dầu không đó. Sau 1975 tới giờ còn địa vị gì nữa mà làm giàu.

Xin cám ơn cuộc đời khi người Miền Nam dù tả tơi vẫn còn thương nhau, vẫn còn giữ được cái tinh anh của nhau!

Thương và yêu, hiểu và sống, tất cả là an vui. An lành với cảm xúc của chính mình là người Miền Nam, cá tánh Miền Nam Lục Tỉnh.

Ai cũng có lúc sanh ra, lớn lên và chết. Thời gian ngắn lắm. Người ta hay nói cá tánh Miền Nam, là sao? là luôn nghĩ tốt. Nhưng Miền Nam có luật chơi của Miền Nam.

Qua nay truyền thông đào mộ những câu nói của ca sĩ Hà Anh Tuấn và khen quá xá khen: “Sinh ra từ đâu thì mong có cơ hội mà trả ơn từ đó”.

Không biết rốt cuộc Hà Anh Tuấn coi mình là người có quê ở đâu? Nhớ hồi dịch 2021 ở Tp HCM, Hà Anh Tuấn cho 25 tấn gạo rồi nói một câu tôi khen quá trời, câu đó là:

"Trong một bữa cơm, mọi thành viên trong gia đình tôi nói với nhau về việt cả thành phố oằn mình chống dịch, những người lao động nghèo bắt đầu kiệt sức. Anh em tôi sinh ra và lớn lên, chạy quanh chợ Bến Thành từ nhỏ. Chúng tôi đồng lòng bảo nhau phải sống đúng như cách mảnh đất Sài Gòn đã dưỡng dạy."

Không biết Hà Anh Tuấn đã được Sài Gòn dưỡng dạy như thế nào?

Cái này còn phải chờ để coi, coi cách sống, cách thể hiện chứ không nghe nói, cái miệng hoa hoè hoa sói, ăn cây sung rào cây lựu, chỗ này đem rào chỗ khác, lời nói gió bay, nói như vẹm thì cũng chẳng ai tin.

Nhớ hồi 2021 viết vài câu động viên, khích lệ tinh thần bạn bè, người thân, người tình đang còn ở Sài Gòn cũng bị "nhắc nhở", "sửa lưng" này nọ.

Rằng mấy ông Sài Gòn, dân Miền Nam gần đây thấy sống ích kỷ quá, ca ngợi bản thân nhiều quá. Rồi nào là mỗi năm dân Sài Gòn đều lạc quyên cứu trợ vì lòng nhân ái, thương đồng bào, người Sài Gòn Miền Nam không so đo cưu mang dân tứ xứ, đất lành chim đậu, việc nghĩa dân Miền Nam tự làm, không tự nổ tự khoe, kể cộng là hay mới là tốt là giỏi (??).

Trời đánh!

Người Miền Nam tánh tốt, luôn nghĩ cho người nên có nhiều khi bị lợi dụng, bị áp cái ý nghĩ phải có "trách nhiệm" trong khi quyền lợi thì bị đá ra rìa từ lâu.

Nói rồi đó, nhà lá đi lo chuyện cho người nhà lầu, biệt phủ mà lại ảo tưởng vậy là tình thương.

Người Miền Nam có tật hay chờ, nhứt là cứ đổ lỗi cho Trời Phật mà không dứt điểm, thói này kêu là quân tử Tàu.

Thói này trong chánh trị làm chậm quá trình phát triển, trong chiêu chước làm đối thủ sẽ nhanh tay hơn. Và dần dần làm con người hèn. Từ hèn tới ngu chỉ có vài chữ.

Các bạn thấy đó, nhiều người sống mặc định, cái quyền than thở, kêu mệt, kêu khó, kêu nghèo, kêu đói là họ giành độc quyền rồi, kể cả khi họ ngồi trên đầu thiên hạ .Và trong lòng họ, dân Sài Gòn hay dân Miền Nam không có quyền kêu khổ, không có quyền than này than nọ.

Thấy chưa? Tốt quá làm kẻ khác tập thành thói quen xấu xí. Đời ngẫm rất buồn, hình như có sự bất công với bấy lâu nay.

Nhớ hồi dịch 2021 dân Sài Gòn khổ còn trên khổ, khổ tận cam lai.

Còn nhớ hồi tháng 4/2021, một thảm cảnh xảy ra ở một phòng trọ tại Bình Dương, đó là một gia đình người quê An Giang.

Khi phá cửa căn phòng trọ, người ta chứng kiến người cha 55 tuổi nằm chết trên giường với vết cứa trên cổ. Còn ở dưới nền nhà, người con trai 30 tuổi cũng nằm thoi thóp, khắp người là máu. Ông cha bị bịnh phải nằm liệt giường nhiều năm và sống cùng phòng trọ với vợ chồng con trai. Gia đình có hoàn cảnh rất khó, vô cùng khó khăn.

"Nghi án" con trai đâm chết cha bị bịnh nằm liệt giường nhiều năm rồi tự sát.

Những giọt lệ chưa bao giờ được khóc. Cùng đường rồi, sao mà thê thảm như vậy?

"Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi
Bằng sức người vô hạn
Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi
Bằng sức người đã kiệt
Bằng sức người đã tả tơi ước mơ"

Sao mà ngày càng khổ, ngày càng khó, lâm vô toàn cửa tử không vậy?

Rồi dân Miền Nam vãn thương yêu nhau, vẫn đùm bọc nhau cho hết dịch nhờ thương yêu nhau. Chữ trắc ẩn là niềm thương xót không dằn được trong lòng khi đứng trước cảnh buồn khổ của người khác. Bó rau, mớ cá sáng sớm của ai đó quăng vội vàng trước cửa, nghe tiếng kêu chạy ra thì người đã mất hút, bó rau muống tả tơi quí hơn vàng.

Ta gọi là sự rung động, cảm thương, động nhân tâm từ chính lòng dạ con người với nhau trong xã hội.

"Thấy người hoạn nạn thì thương
Thấy người tàn tật lại càng trông nom
Thấy người già yếu ốm mòn
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần
Trời nào phụ kẻ có nhân
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa"

Chúng ta vẫn hằng mơ ước, ai cũng ấm no, ai cũng được trị bịnh, đi học, ai cũng có việc làm đủ sống, có chỗ che nắng che mưa và người già có một chổ an thân không phải cơ cầu trên vỉa hè hàng đêm.

Nhưng đường quốc lộ SG - Miền Tây vẫn kẹt cứng một chiều khi Tết, Lễ và dòng di cư cứ đem những người dân xa quê, tha hương từ từ.

Thất nghiệp quá nhiều, công việc bị giành giựt, những cái ngon bị giành hết, bàn tay bề trên che cả tộc, dân quê mình chỉ còn giành xương và bụi ở ngoài đường. Như bà bán bún riêu ở Tân Châu, bán riết cái nồi lủng không có tiền mua.

Chúng ta hỏi rằng trong tương lai cuộc sống sẽ ra làm sao, ra thế nào khi mà đêm về dưới ánh đèn đường giữa Sài Gòn hoa lệ, mang danh giàu nghĩa tình vẫn có những người già chánh gốc Sài Gòn ngồi ngủ gục quên mình là ai.

Thương thay, buồn thay! Dù có tràn đầy lòng trắc ẩn với đồng loại cùng chung một tiếng nói với mình thì cũng đành ngậm ngùi mà thôi!

"Thẹn hoài cho người nước này, đau xót như có gai đâm trong da thịt, bình sanh đọc năm ngàn cuốn sách, nhưng không có chữ nào cứu đói được cho dân"(Tô Đông Pha).

Trong lịch sử, Sài Gòn là đất dân chủ, Miền Nam là đất tự do, biết vị nhơn tâm, hễ ai theo luật chơi thì cứ ở lại.

"Nước sông trong sao cứ chảy hoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây
Tới đây thì ở lại đây
Khi nào bén rễ xanh cây thì về".

Chúng ta có câu: Bán họ hàng xa mua láng giếng gần.

Nhưng Miền Nam cũng có luật bất thành văn, là “Ăn cây nào rào cây đó”. Sơ lắm câu này: ”Mả cha không khóc đi khóc gò mối” ,”Chó láng giềng chết thì khóc, cha chết không buồn”.

Tiếc thay trong lịch sử phát triển của Nam Kỳ lục tỉnh ta từ xưa tới nay lúc nào cũng có những loại này, nó luôn đeo theo những người Nam Kỳ chơn chánh để làm những trò khóc đó.

Loại này ăn tàn phá hại từ bên trong, rước sói vô nhà, đàn con nay lớn khôn rước gươm dao về xóm làng.

Dân An Giang vẫn thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành, dân Rạch Giá thờ Đức Quản Lịch Nguyễn Trung Trực, người Vĩnh Long vẫn thờ Quan Phan Thanh Giản dù lịch sử sau này hành ông không còn một cái gì. Đó là trọng nghĩa cha ông.

Vong hồn tiền nhơn Sài Gòn linh thiêng nhứt là Tả Quân Lê Văn Duyệt. Nếu ông không linh thiêng thì tại sao người dân Sài Gòn xây lăng mộ ông lớn nhứt, tôn thờ ông như một vị thần và hằng năm cúng lễ ông đông nhứt để khấn nguyện xin ông phò hộ?

Trên thế giới, trong lịch sử có nơi nào có được một vị Phước Thần xất thân là Tổng Trấn như Sài Gòn này?

Hình như chỉ có Tả Quân Lê Văn Duyệt!

Nếu bạn tự hào là dân Sài Gòn thứ thiệt thì ít nhứt một lần bạn phải đến viếng thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vào một ngày đầu năm để chiêm bái, bước vào Lăng Ông, để bị khói nhang xông cay chảy nước mắt và làm một quẻ xin xăm, rồi coi hát bội.

Lăng Ông, Ông Thượng, không cần phải kể tên, người ta cũng biết ông là ai.

Cái oai, cái vía của ông vẫn còn tồn tại mãi mãi trong lòng người dân Sài Gòn, người Miền Nam và đã trở thành bất tử, mặc dầu ông mất từ lâu lắm, ôg mất năm 1832 lận!

Tả Quân Lê Văn Duyệt đâu phải người Sài Gòn gốc, ông là người quê ở Vàm Trà Lọt tỉnh Định Tường.

Nhưng ông đã có hai lần làm Tổng Trấn Gia Định Thành và thành công vang dội khi kinh tế nơi ông trấn nhậm nhảy lên ào ào.

"Gia Định này thật có phước mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan. Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác

Ở dọc sông thì trên bến, dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang.Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt.
Cảnh dân theo đạo Thiên Chúa trốn chui, trốn nhủi như ở ngoài Bắc Thành, Kinh Thành, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố.

Tôi thật mừng. Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách. "(Tiến sĩ Phan Thanh Giản viết).

Làm quan thấy dân vui là mình vui. Cái sự an vui đó người Sài Gòn nhớ mãi công đức của Tả Quân.

Khi qua đời Tả Quân nằm lại đất Sài Gòn, khi bị vua hạ nhục thì Tả Quân cũng chịu nhục với Sài Gòn.

Chắc các bạn còn nhớ, năm 1998 có một bộ phim nói về người Hoa Chợ Lớn tên là "Đất khách" trên truyền hình.

Bộ phim Đất khách lý giải định nghĩa nào là "đất khách" và cái nào là "đất ở" của người Hoa?

"Đời người qua mau
mảnh đất kia nay thành nấm mồ
Chôn dấu những người mà ta yêu thương
Yêu thương mái nhà mẹ ta đang ngồi.”

Đất khách thành đất ở, thành quê hương vì nó cưu mang, cho hột cơm hột gạo. Đất đó chôn người thân, có cái nhà đang sanh sống.

Quyền lợi đồng hành cùng trách nhiệm. Đất đó nuôi anh thì anh phải thể hiện trách nhiệm là thành viên của nó. Mối quan hệ quyền lợi thiết thực, quan hệ cộng sanh sống còn. Anh làm giàu từ đất này mà anh đem đắp đất khác thì có ngày anh sẽ trả giá.

Nói về gắn bó, sống cống hiến, tưới tẩm cho Sài Gòn, chết cũng gắn bó,trở thành Phước Thần Sài Gòn thì còn người nhiều lắm.

Vốn dĩ bản chất Sài Gòn là thành phố hợp chúng xứ ,cứ tới và ở lại, tuân luật chơi vun bồi, tưới tẩm cho gia đình và thành phố phát triển, sanh con đẻ cháu, hít thở và chết đi, cùng nằm lại đất Sài Gòn.

Cha Cả Bá Đa Lộc từ Pháp quốc xa xôi cũng nằm lại Sài Gòn, học giả Trương Vĩnh Ký gốc Chợ Lách cũng nằm lại Sài Gòn nghe vui buồn quện chặt cái xứ này hàng trăm năm nay.

Anh em cố TT Ngô Đình Diệm rốt cuộc chôn mình giữa ba tấc đất Sài Gòn coi như trả nợ ân tình cho cuộc đời làm người của mình, góp phần vun bồi màu mỡ cho mảnh đất của tự do đó.

"Tụ tán nhờ có duyên
Ly hợp vốn do tình
Trả món nợ non sông trước mắt
Mặc đời sau thiên hạ luận bình".

Sài Gòn ơi! thương Sài Gòn lắm! Thương Sài Gòn mưa nắng thất thường, cứ mưa rồi nắng. Thương Sài Gòn vì cứ bị những thứ phản phé đá hậu từ bên trong đá ra hoài!

Miền Nam ơi thương lắm! Thương những đoàn người dài dài tha hương trên quốc lộ giữa nắng gió mười phương! Làm ra lúa gạo bảo đảm lương thực cho muôn người nhưng nhà lại không có hột lúa nhổ râu, làm ruộng chưa bao giờ sống đặng!

Thương những người nghèo khổ nhưng không được quyền than rằng mình khổ cực!

Sài Gòn giàu, Miền Nam giàu, mặc định là giàu, thì xáp vào cạp cho nó sụm bà chè hen!

Viết về Sài Gòn nhiều quá rồi, viết về Miền Nam nhiều quá xá! vui buồn từng đã đi qua, lịch sử rồi cũng trôi đi,

Sài Gòn niềm thương nỗi nhớ, dạt dào ở khắp muôn nơi.

Sài Gòn thanh xuân, Sài Gòn đỏng đảnh làm duyên, Sài Gòn đẹp lắm, đẹp nhứt vẫn là người Sài Gòn.

Những anh linh,những vong hồn người Sài Gòn, người Lục Tỉnh xưa còn phảng phất đâu đây chứng tri.

Thương Sài Gòn,thương luôn mưa nắng của xứ này! Sài Gòn chén cơm phải chan nước mắt mới vừa lòng nhau.

Nắng Sài Gòn sẽ tồn tại, vươn dậy hùng dũng, cũng như người Sài Gòn khôn lanh biết thời cơ mà vươn dậy thẳng băng trước bao thứ cường bạo hắc ám khó lường.

Dẹp quá khứ, đạp thực tại, hướng tới tương lai.

Trong xã hội có những cá nhơn khác biệt, nhưng không thể đánh giá con người qua sự khác biệt đó để kỳ thị giàu nghèo, giới tính, tôn giáo, địa phương, chủng tộc…

Người Sài Gòn vô cùng hiện đại, người Miền Nam biết vi6 nhơn sanh, là người có nhơn cách, đầy niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng, tràn trề yêu thương, có tình yêu quê hương đất nước.

Một dân tộc biết thương nhau là dân tộc đó không bị diệt vong.

Thể chế chánh trị có thể vong, thay đổi như thay áo thay quần chứ dân tộc đó và những con người đó sẽ còn mãi.

Người Nam Kỳ, người Sài Gòn lúc nào cũng biết nghĩ cho người khác dù có lúc chèm bẹp thì dễ dầu gì khuất phục trước những khó khăn.

Chúng ta yêu Sài Gòn vì Sài Gòn gần gũi với tất cả chúng ta ,nơi mà chúng ta có thể tìm thấy những thứ cần tìm, nơi có những cơn mê êm đềm của đời ngươi, nơi lưu giữ túi khôn của Lục Tỉnh.

Sài Gòn cũng là nơi giữ lại tất cả phần hồn của Nam Kỳ, phần hồn của tất cả chúng ta, Sài Gòn máu thịt!

Thương quá! Quê hương mình chan nước mắt, khổ sở nhiều lắm.

"Em bỏ đất bởi bị dồn tuyệt lộ
Lời ca dao, câu Vọng Cổ ngân buồn"

Sau lưng là một khoảng hư vô, trước mặt là con đường vô định:

"Nước xuôi lạnh một dòng sầu
Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian?".

Chúng ta buồn, chúng ta đau,chúng ta tủi. Người đi trước con cháu đã rất thương yêu,kẻ còn sống càng phải yêu thương nhiều hơn.

Trước bao âm mưu, trước bao thủ đoạn dằn xé, xốc xỉa mà người trong một xứ không thương nhau thì còn mau chết nữa.

Đạo là con đường và nhiều con đường gộp lại mà thành. Như tất cả dòng sông đều dồn lại một con sông lớn nhứt để trôi ra dồn nước biển lớn.

Trong các Miền của đất nước thì người ta hay nói người Miền Nam, người Lục Tỉnh chịu đựng hoàn cảnh khắc nghiệt kém nhứt.

Nhưng tôi lại nói người Lục Tỉnh chịu đựng là giỏi nhứt. Lịch sử đã chứng minh ,qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố, cái đất chỉ hơn 300 năm mà bầm dập vì đủ thứ sự kiện, toàn chết người, từ nhân họa tới tai họa thiên nhiên, chánh trị, có những lúc khó khăn vô cùng, dầu khó mà thấy ai cũng cười khanh khách, vẫn ánh lên trong mắt niềm tin về sự sống, về tương lai. Cái khổ nào mình cũng đi qua, từng trải thì cái khổ đó sẽ là phước cho đời mình.

Muốn biết một dân tộc có tồn tại hay không bạn hãy nhìn vào đôi mắt trẻ thơ của dân tộc đó. Muốn biết xứ sở đó còn tồn tại hay không thì nhìn vô đôi mắt của người dân xứ đó.

Chưa có dân tộc nào mà đôi mắt sáng rực, nụ cười tươi rói dù trong những hoàn cảnh tăm tối như dân tộc Việt Nam chúng ta. Chưa có dân xứ nào hồn nhiên nhiều, nhiều tới dư thừa kỳ cục như dân Miền Nam chúng ta. Niềm hy vọng chưa bao giờ tắt lịm.

Một dân tộc thân thiện, hãnh tiến thì dân tộc đó phải có một kết cuộc đẹp và sáng lạn.

Chúng ta ai cũng yêu quê hương mình tha thiết, lòng dạ rối bời, tâm tình xao động.

Người có lòng sẽ ôm riết lấy cái quê hương mình, dang tay ra hết thảy với những người đồng chủng đồng văn của mình, càng khổ càng thương nhau.

Người Miền Nam cũng ôm riết cái Lục Tỉnh này vô lòng!

NGUYỄN GIA VIỆT


No comments:

Post a Comment