Monday, July 29, 2024

Ma Cũ Ma Mới

Đồng hương đồng xóm đồng làng
Đồng nào cũng chẳng to hơn đồng tiền.

Vì quê nhà đổi chủ, nên bà con mới phải lưu lạc xứ người. Ma cũ là người qua trước. Ma mới là người đến sau, “trâu chậm uống nước đục “.

Những người may mắn thoát được trước ngày tan hàng, đã ổn định đời sống từ lâu. Kế đến là những thuyền nhân vượt biên sớm. Còn người kẹt trong các trại tù cải tạo mới được qua sau này, hầu hết toàn con cháu bà Cả đọi, được chính phủ Mỹ cho qua theo diện tị nạn, đa số đều lớn tuổi, tiền bạc eo hẹp. Bởi vậy khi có người lân la hỏi thăm có nhận giữ trẻ không? Họ sẽ trả tiền mặt. Tôi như chết đuối vớ được ván.

Tôi nào có biết giữ trẻ là nghề “rất hiếm “, dễ gì kiếm ra, vì chẳng ai thèm làm. Lúc đó tiền giữ một đứa trẻ là 75 đồng/ tuần, bắt buộc phải trả nguyên tuần, tôi là “ma mới” không hề biết. Ngơ ngơ ngác ngác mới qua theo diện tị nạn, được chính phủ giúp chút đỉnh tạm thời để ổn định đời sống. Buổi tối học nghề, ban ngày giữ trẻ kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Ma cũ là những người qua trước chắc cũng qua cảnh này, nên rành sáu câu, “ép giá” chỉ trả 10 đồng/ ngày, giữ ngày nào trả ngày đó. Giống y như tiền “bố thí”.

Người nọ rỉ tai người kia: Bà này giữ tốt lắm. Thế là họ bỏ mối cũ (mắc) mang cho tôi giữ 8 đứa con nít, “ngày đực ngày cái “, không có gì bảo đảm có đủ 8 đứa mỗi ngày. Tiền “bố thí “ hay tiền cho ăn mày, cũng không khác nhau mấy. Theo như “giao ước“ cha mẹ mang thức ăn tới, nhưng chỉ được vài hôm lúc đầu. Sau đó vì “bà này tốt quá “, thế là sau khi ôm đứa trẻ vô cửa, họ quăng cái vèo một gói popcorn, hay một gói nui khô (macaroni and cheese), một lọ baby food nhỏ xíu cho một đứa trẻ 2 tuổi ăn nguyên ngày.

Dù sao cũng phải nấu ăn cho hai thằng con. Mà thức ăn ở Mỹ rẻ rề. Chẳng lẽ cho con bé xíu chưa đủ răng ăn bắp nổ trừ cơm. Ngày xưa mẹ vẫn nói “thương con người thì mới mát con mình “, thương người như thể thương thân. Thế là sau mấy tháng đứa nào đứa nấy tròn quay, ngoan ngoãn nghe lời răm rắp.

Khi mẹ hay ông ngoại tới đón, ai cũng tròn mắt ngạc nhiên khi thấy con cháu ngồi ngay ngắn chung quanh bàn ăn, trước mặt là chén cơm có canh nóng đàng hoàng. Đứa biết múc thì tự ăn, đứa chưa biết thì bà vú đút, dỗ dành cho tới khi chén nào cũng không còn một hột.

- Trời ơi! Ở nhà nó toàn ăn kẹo. Chẳng bao giờ chịu ăn cơm có canh, chẳng bao giờ chịu ăn rau.

Tại sao lại “chẳng bao giờ? “ Cái gì cũng phải tập, con nít mà. Bà già này còn dạy được cả má nó, huống gì nó. Mẹ túi bụi đi làm, để cho bà ngoại ngồi xe lăn trông chừng, hễ cháu khóc là quăng cho cục kẹo. Không có bánh kẹo bày ra trước mắt, lấy gì đòi?

Nhà khác để ông ngoại trông cầm cự cho tới khi cha mẹ cháu về. Ông chở cháu đi vòng vòng mua thuốc lá, vé số, tiện thể mua cho cháu những chai nước có màu xanh đỏ tím vàng, uống cho tiện, kèm theo một gói fastfood. Thức ăn hàng ngày của cháu là French fries, gà chiên, pizza. Ăn no rồi cháu lăn ra ngủ, mẹ làm nails tới 10 giờ đêm mới về, thế là yên chí. Ăn quen fastfood, tới khi có giỗ chạp, tiệc tùng, thức ăn nấu ở nhà, cháu không chịu ăn.

Chỉ mấy tháng bà vú giữ, mọi thói hư tật xấu biến mất. Không có bánh kẹo, chỉ có trái cây, sữa, juice, cơm canh. Vậy mà sau 2 năm bà vú giải nghệ, vì đã học xong đi làm. Trở về với cha mẹ, vẫn bổn cũ soạn lại. Bận bù đầu lại mua fast food làm món ăn hàng ngày. Cuối cùng gặp lại, cháu nào cũng ú na ú núc.

Ma mới làm thợ mà cứ “ló đuôi “ thầy. Chẳng qua đọc được tiếng Anh, nhưng nghe chưa quen, chỉ loạng quạng lúc đầu thôi. Sau một thời gian ngắn có nhiều người rỉ tai nhau, mang giấy tờ tới nhờ ma mới đọc giùm, vì hoàn toàn miễn phí.

Lúc đó người Việt cũng bắt đầu đông, không phải như trước kia chỉ có vài chục người. Mất nước gần 5 thập niên, ma cũ nhất là những người thoát được vào giờ thứ 25. Tới giai đoạn thuyền nhân rất nhiều người trong số đó sống ở ven biển ít học, may mắn đi được. Tới khi định cư nơi không có người Việt, họ gặp nhiều trở ngại. Tôi tới năm 94, họ nói 15 năm trước, ở đây chỉ có 5 gia đình người Việt. Lúc đó ma cũ là những người giỏi tiếng Anh, bắt nạt ma mới, chỉ nhờ điền một trang giấy khi xin thẻ xanh, nhưng “chặt đẹp” mỗi người phải trả 50$ tiền mặt, gia đình bao nhiêu người cứ việc nhân lên.

Có trường hợp giúp mua nhà còn “rùng rợn” hơn. Người mua không biết chữ, vì cùng là đồng hương nên nói sao nghe vậy. Có được căn nhà mừng rối rít, trả ơn trả huệ. Nhà chưa trả xong nên ngân hàng thu luôn cả tiền thuế nhà (property tax) và nợ ngân hàng. Người mua chỉ biết mỗi tháng trả đúng số tiền qui định, không hề biết chi tiết. Bí mật chỉ lộ ra khi nhờ tôi làm giấy tờ cho con đi học mẫu giáo. Sau khi đưa bằng khoán căn nhà (Deed), họ còn đưa cho tôi xem toàn bộ hồ sơ mua bán nhà. Khi tôi đọc cho họ nghe tiền down chỉ có 5%, người vợ ôm mặt khóc mếu máo nói đưa đủ 20%. Dĩ nhiên họ không hề biết phải trả thêm PMI (pre mortgage insurance) cho tới khi trả đủ 20% mới xoá.

Nghĩ mình may mắn vì được chính phủ giúp đỡ ban đầu, nên tôi cũng không hề phiền hà bị ép giá khi giữ trẻ, miễn có thêm chút đỉnh để cầm cự lúc ban đầu. Giữ trẻ chỉ tạm thời “chữa cháy“, nên tôi không ganh ghét với họ, mà còn tội nghiệp cảnh “vặt đầu cá vá đầu tôm“ quay cuồng trong sinh kế.

Cha mẹ của những đứa trẻ tôi giữ đều kiếm sống bằng những nghề lao động. Dần dần cũng có người trở thành chủ tiệm ăn, tiệm nails, tiệm giặt. Hầu như các tiệm có chủ người Việt mở cửa suốt tuần, vì tiền thuê tiệm trả đủ 30 ngày/ tháng. Phải ráng cày để bù đắp mọi chi phí. Luật qui định 13 tuổi trẻ em mới được ở nhà không có người lớn giám sát. Nhưng rất nhiều trẻ em chỉ chừng 7 hay 8 tuổi mỗi sáng đã tự lên xe bus tới trường, khi về cũng tự về nhà. Cha mẹ còn bận trông nom cửa tiệm, về nhà rất khuya, lúc đó con đã đi ngủ.

Con học hành ra sao cũng chẳng biết. Cứ mỗi năm lên lớp, hết trung học cũng có tờ chứng nhận học xong. Tuổi thiếu niên (teen) là tuổi “nguy hiểm” nhất, rất cần sự quan tâm của cha mẹ. Nhưng họ lại thở phào coi như nhẹ gánh. Con gái dính bầu, con trai vướng ma túy. Tôi sửng sốt khi nghe tin con bé ngày xưa tôi giữ, khóc nhèo nhẹo cả ngày, sắp sửa sanh mà bà mẹ không hề hay biết.

Cuộc sống nơi xứ người chỉ khó khăn lúc ban đầu. Nếu cha mẹ làm ít lương, ngoài tiền học miễn phí từ mẫu giáo tới hết lớp 12, chính phủ còn cho thêm tiền ăn trưa, đi học thì có xe bus đưa đón.

Mọi người thường nhìn “nghề“ ở xứ tạm dung làm “ tiêu chuẩn” đánh giá. Nha sĩ thứ thiệt, khi em bảo lãnh qua theo diện chị em (12 năm) đã khá lớn tuổi, nên đành đi làm nails. Cô giáo từng là giám khảo chấm giáo viên dạy giỏi, qua Mỹ một nách hai con nhỏ và ông chồng già tù tội, đành ở nhà giữ trẻ, tối đi học tóc. Ông cựu tù đi học sửa xe, chấp nhận đổi “một lấy hai (Master)“ bị người ta khi dễ, coi thường. Không thể đi học lại đại học, thì làm thợ, nhưng hai con sẽ ăn học nên người, đó là đổi “một lấy hai“.

“Don't judge the man by his looks.” Ma mới là người không có lực mà cũng chẳng có thế, nên bà nha sĩ và bà cô giáo ráng “nín thở qua sông“ cho hết cơn bỉ cực. Ép giá cũng chẳng khác chi lường gạt. Bớt xén những đồng tiền nhỏ nhoi của người đang gặp khó khăn, tức là đang tự hạ giá trị của mình đó. Đừng quên chẳng có gì giấu mãi dưới ánh sáng mặt trời.

Lại thị Mơ


No comments:

Post a Comment