Wednesday, June 19, 2024

Tin Quốc Tế Đó Đây

Viên Chức Do Thái: Thủ Tướng Netanyahu Giải Tán Nội Các Chiến Tranh
(Hình AP, từ trái sang: Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Nội các Benny Gantz. Vào ngày 17/6/2024, các viên chức Do Thái cho biết ông Netanyahu đã giải tán Nội các Chiến tranh quyền lực, vốn được giao nhiệm vụ chỉ đạo cuộc chiến ở Gaza.)

-Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đã giải tán Nội các chiến tranh gồm 6 thành viên, một viên chức Do Thái cho biết hôm thứ Hai (17/6/2024), trong một động thái được nhiều người mong đợi xảy ra sau khi cựu tướng thuộc phe trung dung, ông Benny Gantz, rời khỏi chính phủ.

Ông Netanyahu hiện dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tham vấn về cuộc chiến ở Gaza với một nhóm nhỏ các Bộ trưởng, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Ron Dermer, người từng ở trong Nội các chiến tranh.

Thủ tướng đã phải đối mặt với những yêu cầu được vào Nội các chiến tranh từ các đối tác tôn giáo-dân tộc chủ nghĩa trong liên minh của ông là Bộ trưởng Tài chánh Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với các đối tác quốc tế, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Diễn đàn được thành lập sau khi ông Gantz tham gia cùng ông Netanyahu trong chính phủ đoàn kết dân tộc khi bắt đầu chiến tranh vào tháng 10, và còn có đối tác của ông Gantz là Gadi Eisenkot và Aryeh Deri, người đứng đầu đảng tôn giáo Shas, với tư cách là quan sát viên.

Ông Gantz và Eisenkot đều đã rời khỏi chính phủ vào tuần trước, vì lý do họ nói là sự thất bại của ông Netanyahu trong việc lập ra chiến lược cho cuộc chiến Gaza.

Hội Nghị Hòa Bình Cho Ukraine Khẳng Định Cần Đối Thoại Với Nga
(Hình AP/Laurent Cipriani: Tổng thống Ukraine (giữa) tại Hội nghị Hòa bình cho Ukraine, ở Thụy Sĩ, ngày 16/6/2024.)

-Hội nghị vì hòa bình cho Ukraine diễn ra tại Burgenstock, Thụy Sĩ, trong hai ngày 15 và 16/6/2024, đã khép lại với bản thông cáo chung khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và mục tiêu tìm kiếm "một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine", thể theo luật pháp quốc tế. Giới quan sát cũng đặc biệt chú ý đến việc để đạt được hòa bình, cần đối thoại với tất cả các bên liên quan, có nghĩa là bao gồm Nga.

Từ Burgenstock, thông tín viên Jérémie Lanche của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

"Thông cáo chung của hội nghị nhấn mạnh đến 3 điểm. Nhà máy điện nguyên tử Zaporija phải được bảo đảm an toàn. Ukraine phải được tự do xuất cảng ngũ cốc. Các tù binh và những người bị cưỡng bức sang Nga phải được trả tự do hoặc hồi hương. Nội dung của tuyên bố chung có mục tiêu là nhận được sự đồng thuận của các nước.

79 quốc gia ký tên, nhưng Ả Rập Saudi, Mễ Tây Cơ hay Nam Dương không ký vào thông cáo chung. Một bằng chứng cho thấy là còn là còn nhiều việc phải làm trước khi có thể thu hút được các nước quan trọng như Ba Tây hay Trung Quốc vào tiến trình hòa bình. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, nhấn mạnh triển vọng hòa bình còn xa vời:

"Đây chưa phải là một cuộc thương thuyết vì hòa bình bởi Putin không muốn chấm dứt chiến tranh. Tổng thống Nga muốn Ukraine phải đầu hàng, giải trừ quân bị. Đây là điều khiến cho Ukraine hoàn toàn không có phương tiện để tự vệ trước một cuộc xâm lăng mới. Không có quốc gia nào chấp nhận các điều kiện nhục nhã như vậy".

Tuy nhiên, bản thông cáo chung của hội nghị cũng nhấn mạnh đến đòi hỏi đối thoại với tất cả các bên để giải quyết xung đột, nghĩa là đối thoại với Nga. Việc này có thể diễn ra trong hội nghị thứ hai. Hội nghị này sẽ diễn ra ở đâu và khi nào thì chưa rõ, nhưng Ukraine hy vọng hội nghị sẽ được tổ chức nhanh chóng để có thể tận dụng được một số bước tiến, cho dù không nhiều nhưng rõ ràng đã có, của hội nghị đầu tiên tại Thụy Sĩ".

Theo nhật báo Temps, Thụy Sĩ, thông cáo chung hôm qua "chưa đưa ra bất cứ một bên nào cho phép chìa tay với Mạc Tư Khoa". Chiều hôm qua, Tổng thống quốc gia chủ nhà Thụy Sĩ, Vilola Amherd, thừa nhận vấn đề này hoàn toàn để ngỏ. Trong cuộc họp báo hôm 16/6, Tổng thống Viola Amherd khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đến Thụy Sĩ mà không bị bắt theo lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế CPI. Chính quyền Thụy Sĩ sẽ ra quyết định về việc này.

Hãng tin Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Thụy Sĩ, Ignazio Cassis, cho biết ngành ngoại giao nước này dự kiến thông báo với phía Nga về các kết quả hội nghị hòa bình tại Burgenstock. Ngoại trưởng Thụy Sĩ đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần "tìm cách" để đạt được đồng thuận với Ba Tây và Trung Quốc, hai quốc gia vừa ra một tuyên bố chung về hòa bình cho Ukraine hồi tháng 5/2024.

Thượng Đỉnh Không Chính Thức Liên Hiệp Âu Châu Thảo Luận Bổ Nhiệm Các Vị Trí Chủ Chốt của Khối
(Ảnh AFP/kenzo tribouillard, minh họa: Cờ Liên Hiệp Âu Châu tung bay ở lối vào trụ sở của Nghị Viện Âu Châu ở Brussels, thủ đô của Bỉ.)

-Tối 17/6/2024, lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu (EU) sẽ họp tại Brussels (Bỉ), để thảo luận về việc phân chia, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Liên Hiệp Âu Châu sau cuộc bầu cử Nghị Viện Âu Châu (EP).

Cuộc thảo luận sẽ bắt đầu tại Brussels vào 6 giờ chiều (4 giờ chiều GMT), thường sẽ kéo dài và gặp nhiều khó khăn, vì phải tính đến sự cân bằng chính trị cũng như mong muốn của các quốc gia thành viên, hay hồ sơ của các ứng cử viên.

Từ trụ sở của Liên Hiệp Âu Châu ở Bỉ, thông tín viên Laure Broulard của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

"Bà Ursula Von Der leyen có khả năng sẽ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu một lần nữa. Đảng Nhân dân Âu Châu (cánh hữu) của bà đã giành chiến thắng sau cuộc bầu cử vừa qua và có vị thế vững chắc tại Hội Đồng nơi có hơn một chục lãnh đạo Âu Châu theo xu hướng này. Mặc dù chiến dịch tranh cử gặp nhiều khó khăn, vị chính trị gia người Đức là một ứng viên thể hiện sự ổn định.

Về vị trí Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu, hiện giờ đảng Xã Hội, lực lượng lớn thứ nhì ở Nghị Viện Âu Châu, đang muốn giành lấy, và nêu tên của Antonio Costa, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, mặc dù ông Costa đang bị điều tra vì tội hối mại quyền thế và điều này có thể làm giảm đi các cơ may của ông.

Liên quan đến vị trí lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu, tên của Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, đã được đề cập đến. Bà thuộc nhóm cánh trung ở Nghị Viện Âu Châu và thu hút sự chú ý vì đã tích cực ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, hiện chưa có gì chắc chắn và các cuộc đàm phán có thể tạo ra nhiều điều bất ngờ.

Thỏa thuận chính thức sẽ được đưa ra vào cuộc họp của Hội Đồng Âu Châu, dự kiến diễn ra vào ngày 27-28/6. Sau đó, Nghị Viện Âu Châu sẽ bỏ phiếu về chức Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, và bà Ursula Von der Leyen vẫn cần phải có được đa số phiếu ủng hộ".

Pháp Khai Mạc Hội Chợ Quốc Tế Về Quốc Phòng và An Ninh Euroatory 2024

 
(Hình RFI / Thanh Hà: Phái đoàn Việt Nam tại Hội chợ Quốc tế về Quốc phòng và An ninh Euroatory 2024, khu triển lãm Villepinte, ngoại ô phía Bắc thủ đô Paris của Pháp, ngày 17/6/2024.)

-Chiến tranh Ukraine và xung đột tại Gaza chi phối Hội chợ Quốc tế về Quốc phòng và An ninh Euroatory. Hội chợ mở ra từ ngày 17-21/6/2024 tại khu triển lãm Villepinte, ngoại ô phía Bắc Paris. Được tổ chức 2 năm một lần, sự kiện lần này đánh dấu sự trở lại của Trung Quốc từ sau đại dịch Covid với trên 60 gian trưng bày.

Đây cũng là lần đầu tiên các nhà sản xuất Ukraine, Ả Rập Saudi, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nNhất được mời tham dự.

Theo quyết định của tòa án Bobigny, ngoại ô phía Bắc Paris, Pháp, không một tập đoàn quốc phòng Do Thái nào, kể cả những người làm trung gian cho các doanh nghiệp này, được phép tham dự Hội Chợ vì quân đội Do Thái bị nghi ngờ phạm tội ác chiến tranh, thậm chí tội ác chống nhân loại tại Gaza.

Từ hội chợ Euroatory, khu triển lãm Villepinte, đặc phái viên Thanh Hà của Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp (RFI) tường trình:

"Hệ thống phòng thủ chống drone, camera đo nhiệt, lưới chống phát xạ để giấu thiết bị quân sự... được dự báo là những sản phẩm được khách tham quan rất quan tâm nhân hội chợ Euroatory 2024. Năm nay có 120 gian triển lãm drones, tăng 40% so với hội trợ hồi năm 2022.

Trong ngày khai mạc, từ sáng sớm tại khoảng 2.000 gian trưng bày, đại diện cho ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh của 42 quốc gia trên thế giới, khách tham quan đã rất tấp nập. 250 phái đoàn chính thức ghé thăm, trong đó có đoàn Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh hai cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine và ở Cận Đông, chi phí quốc phòng trên thế giới năm 2023 đã tăng thêm 9% so với hồi năm 2022, đạt 2.200 tỉ Mỹ kim.

Là nước chủ nhà, các hãng của Pháp chiếm 1/3 tổng số các gian trưng bày. Phía Mỹ hiện diện đông đảo với khoảng 170 doanh nghiệp, trong đủ mọi lĩnh vực, từ thiết bị liên lạc đến chế tạo vệ tinh IntelSat, hay nhà cung cấp ống nhắm sử dụng tia hồng ngoại.... Về phía các nhà sản xuất Á Châu, Nam Hàn, Ấn Độ là những khách mời thường xuyên của hội chợ Euroatory. Đáng chú ý không kém là khu vực tập hợp hơn 60 gian trưng bày của Trung Quốc.

Về những điểm nổi bật năm nay, theo ban tổ chức, "chưa bao giờ những chủ đề như là xung đột ở cường độ cao, nguy cơ khủng bố, đe dọa an ninh mạng và khủng hoảng về môi trường lại gắn kết chặt chẽ với nhau như hiện tại".

Hội chợ lần này cũng là dịp để một số nhà sản xuất giới thiệu các sản phẩm mới. Ví dụ, tập đoàn Pháp MBDA chuẩn bị trình làng một loại phi đạn liên lục địa đời mới nhắm vào các mục tiêu trên đất liền Land Cruise Missile.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất tại hội chợ lần này bàn tán khá nhiều và có vẻ lo âu về tương lai bất định chính trị tại Pháp trước bầu cử Quốc hội".

Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Thụy Điển: Chúng Ta Đang Trong "Thời Kỳ Nguy Hiểm Nhất" Lịch Sử Nhân Loại
(Ảnh AP, do cơ quan Roscosmos công bố ngày 20/4/2022: Phi đạn-đạn đạo liên lục địa Sarmat được bắn đi từ Tây-Bắc nước Nga, bổ sung vào khu vũ khí nguyên tử mà Tổng thống Vladimir Putin nói rằng sẽ làm cho những kẻ thù của Mạc Tư Khoa phải suy nghĩ.)

-Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), vũ khí nguyên tử "chưa bao giờ đóng vai trò quan trọng như vậy trong quan hệ quốc tế". Việc các cường quốc nguyên tử gia tăng phát triển loại vũ khí hủy diệt này đang đẩy nhân loại đến bờ vực hủy diệt.

Ông Dan Smith, Giám đốc SIPRI, cảnh báo "chúng ta hiện đang sống qua một trong những thời kỳ nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người". Cùng với đối đầu chính trị, bất bình đẳng kinh tế, khủng hoảng sinh thái, "chạy đua vũ trang" là đe dọa hàng đầu. Đã đến lúc các cường quốc "nên cùng nhau lùi lại và suy ngẫm", ông nhấn mạnh.

Theo viện SIPRI, 9 quốc gia có vũ khí nguyên tử - gồm Nga, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Do Thái, Vương quốc Anh, Pakistan và Bắc Hàn - đều đang hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử của mình, và một số quốc gia đang khai triển các hệ thống mới vào năm 2023. Tính đến tháng 1/2024, trong số khoảng 12.121 đầu đạn nguyên tử đang tồn tại trên toàn thế giới, có khoảng 9.585 đầu đạn đã trong tình trạng sẵn sàng sử dụng.

Khoảng 2.100 đầu đạn trong số nói trên, với phi đạn-đạn đạo, được đặt trong tình trạng "cảnh báo tác chiến ở mức độ cao". Hầu như toàn bộ số đầu đạn nguyên tử này đều thuộc hai quốc gia Nga và Mỹ, sở hữu 90% vũ khí nguyên tử của toàn thế giới. Lần đầu tiên, SIPRI ước đoán Trung Quốc cũng đã đặt "một số đầu đạn nguyên tử trong tình trạng báo động cao", có nghĩa là sẵn sàng sử dụng ngay lập tức.

Vào tháng 2 năm 2023, Nga tuyên bố đình chỉ tham gia Hiệp ước START mới, tức "Hiệp ước cuối cùng kiểm soát việc hạn chế lực lượng nguyên tử chiến lược giữa Nga và Mỹ". SIPRI cũng lưu ý rằng Mạc Tư Khoa đã tiến hành nhiều cuộc tập trận liên quan đến vũ khí nguyên tử chiến thuật ở biên giới Ukraine vào tháng 5/2024.

Thủ Tướng Trung Quốc: Quan Hệ Úc-Trung "Đang Đi Đúng Hướng", Ra Khỏi Kỷ Nguyên Thù Địch
(Hình AP - Mick Tsikas: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu tại Quốc hội, thủ đô Canberra của Úc Ðại Lợi, ngày 17/6/2024.)

-Trong chặng cuối vòng công du đến vùng Thái Bình Dương, hôm 17/6/2024, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp Thủ tướng Úc Ðại Lợi Anthony Albanese tại thủ đô Canberra. Hai bên chấp thuận giải quyết những bất đồng, để "bước ra khỏi một kỷ nguyên thù địch", từng bước dỡ bỏ những rào cản về ngoại giao và giao thương giữa Úc Ðại Lợi-Trung Quốc.

Thủ tướng Lý Cường, nhân vật quyền lực thứ hai của Trung Quốc, đã được tiếp đón nồng nhiệt trước tòa nhà Quốc hội Úc Ðại Lợi, với nghi thức bắn 19 phát đại bác, theo tường thuật của kênh truyền hình Aljazeera. An ninh ở khu vực này cũng được siết chặt, đặc biệt là do các nhóm nhân quyền đến để bày tỏ phản đối cuộc đàn áp của Bắc Kinh ở Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông.

Sau cuộc gặp với lãnh đạo Úc Ðại Lợi sáng 17/6, trả lời trước báo giới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định rằng "mối quan hệ song phương đang đi đúng hướng". Về phần mình, Anthony Albanese, giữ chức Thủ tướng Úc Ðại Lợi từ tháng 11/2023, nhận định rằng cuộc thảo luận giữa hai bên "mang tính xây dựng", đồng thời khẳng định hai nước cần hợp tác để thúc đẩy sự cân bằng, ổn định trong khu vực, "mà không có quốc gia nào thống trị, không quốc gia nào bị chi phối", theo như trích dẫn từ hãng thông tấn AP.

Ngoài chính sách miễn thị thực du lịch (15 ngày) mà Trung Quốc cấp cho công dân Úc Ðại Lợi, Thủ tướng hai nước đã thảo luận về các vấn đề nhằm cải thiện mối quan hệ song phương, chẳng hạn như về các rào cản thương mại, hay về mong muốn của Trung Quốc đầu tư vào các khoáng sản quan trọng. Thủ tướng Úc Ðại Lợi cũng cho biết viên chức hai bên sẽ tổ chức các cuộc đối thoại, cải thiện quan hệ quân sự hai nước, để có thể tránh các sự việc, như vụ tấn công bằng sóng âm thanh vào tàu của Hoàng gia Úc Ðại Lợi HMAS Toowoomba hồi năm 2023.

Mặc dù đều bày tỏ thiện chí, nhưng hai bên cũng thừa nhận những điểm khác biệt. Ông Albanese nhấn mạnh rằng "không phải lúc nào hai nước cũng đồng thuận, và những điểm mà hai nước bất đồng vẫn ở đó nếu như cả hai giữ im lặng". Theo thông tấn xã AFP, một trong những vấn đề cấp bách đối với Úc Ðại Lợi hiện này là số phận của nhà văn Yang Hengjun, mang quốc tịch Úc. Ông Yang đã bị một tòa án của Bắc Kinh kết án tử hình treo vì tội làm gián điệp.

Tại chặng cuối cùng trong chuyến công du này, theo trang ABC News của Úc Ðại Lợi, Thủ tướng Lý Cường, hôm 17/6, cũng gặp lãnh đạo phe đối lập của Úc Ðại Lợi, Peter Dutton, và Toàn quyền Khối thịnh vượng Chung Úc Ðại Lợi, David Hurley. Vào ngày 18/6, Thủ tướng Trung Quốc sẽ đi thăm một nhà máy sản xuất lithium ở Perth, gặp lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành khoáng sản trước khi về nước.

Biển Đông: Tàu Phi Luật Tân và Tàu Trung Quốc "Lại Đụng Nhau" Gần Bãi Cỏ Mây
(Hình AP/Philippines Coast Guard, minh họa: Tàu tiếp tế Unaizah của Phi Luật Tân (ở giữa) bị hai tàu Tuần duyên Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công, khiến nhiều thành viên thủy thủ đoàn bị thương khi đang tiến vào Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), trên biển Đông, ngày 5/3/2024.)

-Hôm 17/6/2024, Trung Quốc lên án một tàu tiếp tế của Phi Luật Tân đã tiến vào Bãi Cỏ Mây một cách bất hợp pháp và lờ đi những cảnh báo của Bắc Kinh, gây ra vụ va chạm tại vùng biển tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Phía Phi Luật Tân đã nhanh chóng khẳng định tuyên bố của Trung Quốc là "sai lệch và dối trá".

Trong một thông cáo, được hãng thông tấn AP trích dẫn, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã tố cáo một tàu tiếp tế của Phi Luật Tân "xâm nhập trái phép" vào vùng biển gần Bãi Cỏ Mây, cụm Bình Nguyên, thuộc quần đảo Trường Sa (mà Bắc Kinh gọi là đảo Nam Sa). Theo thông cáo, tàu của Phi Luật Tân "đã tiếp cận tàu của Trung Quốc một cách thiếu chuyên nghiệp", "phớt lờ các cảnh báo", "dẫn đến vụ va chạm".

Quân đội Phi Luật Tân đã nhanh chóng bác bỏ các cáo buộc của Trung Quốc. Phát ngôn viên của quân đội Phi Luật Tân, ông Xerxes Trinidad, khẳng định rằng "vấn đề chính" trong sự việc này "vẫn là sự hiện diện và những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc trong Vùng đặc quyền Kinh tế của Phi Luật Tân", xâm phạm chủ quyền của nước này.

Theo Manila, Bãi Cỏ Mây nằm cách bờ biển của nước này chưa đầy 200 hải lý, nằm trong Vùng đặc quyền Kinh tế được quốc tế công nhận. Phi Luật Tân viện dẫn phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016, vô hiệu hóa các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông (mà Phi Luật Tân gọi là Biển Tây).

Nhiều vụ va chạm giữa hai nước đã xảy ra gần đây tại vùng biển tranh chấp này. Quân đội Phi Luật Tân nhấn mạnh là sẽ không cung cấp thông tin chi tiết về "hoạt động tiếp tế hợp pháp tại bãi cạn", mà Hải quân Phi Luật Tân thường vận chuyển thực phẩm, thuốc men và các vật tư khác đến chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre, đã neo đậu ở đó từ năm 1999, và đóng vai trò là tiền đồn của Manila tại khu vực này.

Phi Luật Tân Đệ Trình Liên Hiệp Quốc Bản Đăng Ký Mở Rộng Thềm Lục Địa ở Biển Đông
(Hình AFP/Ted Aljibe: Tàu Hải cảnh Trung Quốc bám theo một tàu Phi Luật Tân ở Biển Đông hôm 16/5/2024.)

-Phi Luật Tân đã đệ trình cho Ủy Ban Ranh giới Thềm Lục địa của Liên Hiệp Quốc bản đăng ký mở rộng thềm lục địa rộng ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Phi Luật Tân. Manila cho rằng đó là những khu vực mà Phi Luật Tân có độc quyền khai thác tài nguyên.

Bộ Ngoại giao Philipines cho biết như vừa nêu ngày 15/6/2024 và nói thêm việc đệ trình vừa nêu được thực hiện sau hơn một thập niên rưỡi nghiên cứu khoa học. Benar News và truyền thông quốc tế loan tin trong cùng ngày.

Hãng thông tấn AP nói Trung Quốc chưa có bình luận về hoạt động đệ trình vừa nêu của Phi Luật Tân; nhưng chắc chắc Bắc Kinh sẽ phản đối.

Phụ tá Ngoại trưởng Phi Luật Tân Marshall Louis Alferez được dẫn nguyên văn rằng "Những sự việc xảy ra trong vùng biển này (Biển Đông) có khuynh hướng che mờ tầm quan trọng của những thứ dưới mặt biển. Vùng đất dưới lòng biển mở rộng tối đa tính từ các quần đảo của chúng tôi theo Công ước về Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982 có những nguồn tài nguyên tiềm năng đáng kể mang lại lợi ích cho đất nước và người dân chúng tôi thuộc nhiều thế hệ tương lai. Hôm nay chúng tôi bảo đảm tương lai đó qua việc công bố độc quyền khai thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng thềm lục địa mở rộng hợp pháp của chúng tôi".

Vùng thềm lục địa mở rộng mà Phi Luật Tân muốn được Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc công nhận theo UNCLOS 1982 bao gồm vùng quần đảo Trường Sa nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Brunei, Đài Loan, Mã Lai Á, Trung Quốc, Phi Luật Tân, và Việt Nam.

Theo UNCLOS 1982, một quốc gia ven biển có thể có độc quyền khai thác tài nguyên trong vùng thềm lục địa của họ; đây là vùng long biển có thể rộng đến 350 dặm (648 cây số); trong đó có quyền cho phép và kiểm soát mọi hình thức khoan xuống long biển.

Vùng thềm lục địa của Phi Luật Tân có thể chồng lấn với những nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Manila từng nói sẵn sàng đàm phán để giải quyết thực tế này theo UNCLOS 1982.

Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Nhật Bản và Phi Luật Tân Tập Trận ở Biển Đông
(Hình US DoD: Hoạt động hợp tác hàng hải của Hoa Kỳ, Úc Ðại Lợi, Nhật Bản và Phi Luật Tân vào ngày 7/4/2024 nhằm thể hiện một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.)

-Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Nhật Bản và Phi Luật Tân đã tiến hành một cuộc tập trận hàng hải chung kéo dài hai ngày ở Vùng đặc quyền Kinh tế của Manila ở Biển Đông, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết trên trang web của mình hôm thứ Hai (17/6/2024).

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết hoạt động hợp tác hàng hải này nhằm mục đích "ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không, tái khẳng định cam kết của bốn quốc gia trong việc tăng cường an ninh và ổn định khu vực".

Tuyên bố cho biết thêm rằng cuộc tập trận có sự tham gia của 4 chiến hạm và một loạt các cuộc diễn tập trên biển nhằm kiểm tra và xác nhận khả năng tương tác giữa các học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của các lực lượng vũ trang.

Vào tháng 4, Phi Luật Tân đã tiến hành hoạt động hàng hải chung với Nhật Bản, Úc Ðại Lợi và Mỹ.

Phi Luật Tân đã quay sang các nước ủng hộ tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông để chống lại điều mà Manila gọi là sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược.

Brunei, Mã Lai Á, Đài Loan và Việt Nam đều có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau ở các khu vực trên Biển Đông, tuyến đường vận chuyển hàng hóa trị giá 3 ngàn tỉ Mỹ kim mỗi năm.

Trong 5 Tháng, Gần 1,4 Triệu Người Đi Qua Mễ Tây Cơ Để Tới Mỹ Bất Hợp Pháp
(Hình REUTERS/Go Nakamura: Những người di cư xin tị nạn được đưa tới nơi tập trung, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố một nỗ lực thực thi an ninh biên giới sâu rộng, tại Jacumba Hot Springs, California, Hoa Kỳ ngày 10/6/2024.)

-Hôm 16/6/2024, chính phủ Mễ Tây Cơ loan báo khoảng 1,39 triệu người từ 177 quốc gia đã đi qua Mễ Tây Cơ trong năm nay, để tìm cách đến Hoa Kỳ theo con đường vượt biên giới bất hợp pháp.

Viện Di cư Quốc gia cho biết phần lớn là đàn ông hoặc phụ nữ đi một mình.

Có gần 3.000 trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng, theo số liệu từ tháng 1 đến cuối tháng 5 năm nay.

Con số 177 quốc gia xuất xứ của các di dân bất hợp pháp này cho thấy gần như là từ khắp nơi trên thế giới. Liên Hiệp Quốc có 193 quốc gia thành viên.

Tính theo quốc gia, số lượng di dân lớn nhất, gần 380.000 người, đến từ Venezuela, nước bị khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Tiếp theo danh sách là Guatemala, Honduras, Ecuador và Haiti, tất cả đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi bạo lực băng đảng và buôn bán ma túy.

Vẫn theo Viện Di cư Quốc gia, danh sách quốc gia xuất xứ của các di dân bất hợp pháp thực hiện chuyến hành trình nguy hiểm xuyên qua Mễ Tây Cơ để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Hoa Kỳ còn đến từ những nơi xa xôi như Trung Quốc, Ấn Độ, Mauritania và Angola.

Theo số liệu của Hoa Kỳ, trong năm 2023 có hơn 2,4 triệu người đã vượt biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ bất hợp pháp.

Dòng người này tăng cao kỷ lục lên tới 10.000 người mỗi ngày vào tháng 12, dù hiện có giảm đôi chút do cả hai nước Mỹ và Mễ Tây Cơ đang gia tăng trấn áp nạn vượt biên bất hợp pháp.


No comments:

Post a Comment