Friday, June 28, 2024

Cuộc Tranh Luận Tổng Thống Sẽ Có Ảnh Hưởng Quyết Định Tới Cuộc Bầu Cử 2024

Tác Giả: Kim Nguyễn Nguồn: Nhân Định Thời Cuộc 

Tối Thứ Năm này sẽ có cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng Thống Joe Biden và Donald Trump. Cuộc tranh luận được tổ chức tại trụ sở trung ương của CNN nằm trong thành phố Alanta, tiểu bang Georgia vào ngày 27/6/2024. Đây là cuộc tranh luận Tổng Thống lần thứ nhất.

Cuộc tranh luận Tổng Thống năm nay xảy ra trong bối cảnh đất nước có nhiều vấn nạn, từ thảm họa di dân tới lạm phát, tội ác, chiến tranh trên thế giới, . . . Thêm vào đó Joe Biden còn có vấn đề tinh thần, thể chất và năng lực yếu kém. Người dân thực sự bị sốc khi nhìn hình ảnh Biden đứng chết sững trên sân khấu, và mới đây Biden đã lủi thủi bước đi xa, quay lưng lại các nhà lãnh đạo G7 đang đứng xem biểu diễn nhảy dù.

Đảng Dân Chủ đang hoảng sợ vì điểm tín nhiệm của Biden vẫn ở mức báo động, rất có thể Biden sẽ bị áp lực phải rút lui nếu ông ta thất bại trong cuộc tranh luận này. Ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là cựu TT Trump thì bị gán cho là “tội phạm” sau khi bị bồi thẩm đoàn của tòa án New York biểu quyết trong vụ kiện chi tiền bịt miệng, và ông còn phải đối mặt với nhiều vụ kiện khác nữa. Nhưng đa số người dân vẫn tiếp tục ủng hộ cựu TT Trump vì họ hiểu rõ sự việc này nằm trong toan tính của đảng Dân Chủ nhằm loại bỏ ứng cử viên đối lập.

Điểm tín nhiệm của cựu TT Trump vẫn tiếp tục gia tăng trong nhiều cuộc thăm dò mới đây. Phạm vi ảnh hưởng không những gia tăng trong khối cử tri Cộng Hòa mà ngay cả trong những thành phần trung kiên, tích cực của đảng Dân Chủ nữa. Họ bắt đầu nhìn thấy chính sách tệ hại của đảng Dân Chủ đã gây ra nhiều thảm họa cho đất nước, và họ quyết định bỏ đảng. Nhiều nhà tỷ phú vùng Silicon Valley thường đóng góp cho đảng Dân Chủ, thời gian gần đây đã chuyển qua ủng hộ cựu TT Trump. New York Post mới đây nói về trường hợp Allison Huỳnh, một nhà khoa học về điện toán, một doanh nhân người Mỹ gốc Việt thành công tại vùng Silicon Valley. Allison sanh tại Sài Gòn, tới Mỹ tỵ nạn vào năm 1982. Allison là người trẻ cấp tiến theo đảng Dân Chủ. Năm 2008 Allison đã mua một tác phẩm nghệ thuật vẽ chân dung Obama trị giá 1 triệu Dollars và cô đã từng tổ chức gây quỹ cho Obama. Giờ đây Allison không còn theo Dân Chủ nữa, lập trường chính trị của cô đã thay đổi, cô đã hoàn toàn tin tưởng cựu TT Trump và đã tới dự tiệc gây quỹ của cựu TT Trump tại Mar-A-Lago.
Allison Huynh, Former Obama fundraiser backs Trump for 2024

Trước nguy cơ có thể thất bại trong cuộc bầu cử cuối năm, Joe Biden đã thách thức tranh luận với cựu TT Trump, một hành động mà nhiều người cho rằng đây là canh bạc cuối cùng của Biden. Đảng Dân Chủ và Joe Biden đã chọn CNN, một công cụ truyền thông của đảng Dân Chủ đứng ra điều hành cuộc tranh luận. Jake Tapper, người hướng dẫn chương trình chính của CNN. Jake Tapper thường xuyên tấn công cựu TT Trump từ 8 năm qua và thường so sánh cựu TT Trump với Hitler. Chính Jake Tapper là người đã đẩy mạnh vụ xuyên tạc cựu TT Trump được Nga giúp trong cuộc bầu cử năm 2016.

Vào cuối tháng Mười trước cuộc bầu cử năm 2020, New York Post đưa tin về những vụ làm ăn bất chính, tham nhũng của cha con Joe Biden được tìm thấy trong laptop của Hunter bị bỏ quên tại tiệm sửa computer. Ngay lập tức, trên CNN Jake Tapper đã quyết liệt bác bỏ tin này. Thực ra laptop đó là của Hunter, mới đây một nhân viên FBI đã xác nhận tại tòa án rằng vụ laptop của Hunter là có thật. Bất cứ một tin bất lợi nào cho Biden thì Jake Tapper luôn là người tiên phong đứng ra dập tắt nguồn tin đó. Một vài trường hợp cụ thể như vụ cocaine được tìm thấy trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc vào tháng 7 năm vừa qua, và mới đây hình ảnh Joe Biden lẩn thẩn bước đi, rời xa các nhà lãnh đạo G7 đang đứng trước nhiều ống kính của phóng viên, Thủ Tướng Ý phải đi tới vỗ vai, Biden quay lại, ngơ ngác như người mất hồn. Tất cả những hình ảnh này, những tin tức này đều bị CNN gán cho là fake news, fake video.

Những cuộc tranh luận Tổng Thống thường có sự tham dự của khán giả nhưng cuộc tranh luận sắp tới đây Biden đã yêu cầu không cho khán giả tham dự vì ông ta sợ những tiếng vỗ tay ủng hộ cựu TT Trump. CNN đã nhận lời yêu cầu của Biden và họ còn dành cho Biden nhiều ưu tiên khác như micro sẽ bị tắt, đối phương không được phản biện khi Biden đang phát biểu. Hai ký giả của CNN là Jake Tapper và Dana Bash sẽ điều khiển chương trình. Nhiều người e ngại Biden sẽ bị lúng túng, không thể đối đáp lại cựu TT Trump, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng CNN sẽ chống đỡ cho Biden, hai phóng viên CNN luôn sẵn sàng tấn công cựu TT Trump.

Thứ Năm vừa qua Tòa Bạch Ốc cho hay Biden sẽ tới Camp David để tập dượt trong 7 ngày liên tiếp cho cuộc tranh luận. Tuy nhiên lại có nhiều nguồn tin cho rằng Biden đang được bác sĩ chăm sóc tại nhà ở Delaware, ông ta cần nghỉ ngơi, bồi dưỡng để có thể đứng vững trong cuộc tranh luận dài 90 phút. Và điều quan trọng nhất là Biden có thể nói rõ ràng, không lảm nhảm, không hoảng loạn hoặc ngơ ngác như người mất hồn trước sự theo dõi của hàng triệu khán thính giả. Trong khi đó thì cựu TT Trump lại bận rộn đi vận động tranh cử vì thời gian trước đây ông đã bị trói chân tại tòa án.

Phóng viên Byron York của Washington Examiner đã phỏng vấn cựu TT Trump về việc chuẩn bị cho cuộc tranh luận sắp tới. Cựu TT Trump và Byron York đồng ý nên rút tỉa kinh nghiệm từ cuộc tranh luận với Biden vào năm 2020. 

Byron nhấn mạnh: “Tôi nghĩ trong lần tranh luận thứ nhất với Biden, ông đã ngắt lời Biden nhiều quá.” 

Cựu TT Trump đồng ý nói: “Đúng vậy, tôi đã ngắt lời ông ta nhiều lần. Ông ta đã nói hoàn toàn sai sự thật, tất cả những điều ông ta nói đều là dối trá, vì vậy tôi đã ngắt lời nhiều lần. Trong cuộc tranh luận lần thứ nhất tôi đã quá mạnh mẽ và không đạt được điểm tốt. Cuộc tranh luận thứ hai thì tôi đã thay đổi, đã kềm chế hơn và tôi đạt được điểm cao, nhưng tiếc rằng lúc đó hàng triệu cử tri đã bỏ phiếu rồi.” 

Byron nhắc tới cuộc tranh luận kỳ này sẽ thực hiện tại một đài truyền hình, không có khán giả, hoàn toàn khác với các cuộc tranh luận trước đây. Cựu TT Trump nói: “Đối với tôi, có khán giả trực tiếp sẽ thuận lợi hơn vì họ cho tôi biết phản ứng bằng những tiếng vỗ tay hoặc không vỗ tay. Không có khán giả tham dự, tôi sẽ không biết chuyện gì xảy ra, không rõ khán giả phản ứng ra sao. Một căn phòng không có khán giả thì u ám và không có sự sống, nhưng CNN quyết định như vậy thì tôi phải đồng ý.”

Byron York kết luận “Bốn năm trước đây một số đảng viên Cộng Hòa cho rằng Biden đã già, hầu như không biết mình đang tranh luận gì. Trên thực tế, đảng Cộng Hòa đã đánh giá sai. Biden tuy không phải là một nhà tranh luận giỏi nhưng ông ta đã vượt qua 11 cuộc tranh luận trong mùa bầu cử sơ bộ năm 2020. Biden đã tranh luận hai lần với cựu TT Trump và cuối cùng đã giành được chiến thắng. Giờ đây, sau 4 năm, Biden đã bị suy giảm rõ rệt về thể chất và tinh thần so với năm 2020. Trong cuộc tranh luận Tổng Thống sắp tới, liệu Biden có thể đạt được thắng lợi không?”

Nhà bình luận Scott Jennings cũng cho rằng cựu TT Trump đã thất bại trong cuộc tranh luận Tổng Thống lần thứ nhất vào tháng 9 năm 2020. Trong cuộc tranh luận lần thứ hai vào cuối tháng 10 năm 2020, cựu TT Trump đã thay đổi, đã có phản biện chừng mực và đưa ra những lời biện hộ mạnh mẽ bảo vệ chính sách của mình nhưng lúc đó cựu TT Trump đã không còn cơ hội nữa vì cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu và hàng triệu cử tri đã bỏ phiếu. 

Scott Jennings nhắc nhở cựu TT Trump không thể đánh mất cơ hội trong cuộc tranh luận sắp tới, nhà bình luận này nhấn mạnh: “Sau 4 năm, người dân không còn tin tưởng Biden nữa. Cựu TT Trump chỉ cần lập lại phong cách trong cuộc tranh luận lần thứ hai vào năm 2020 là sẽ giành được chiến thắng trong cuộc tranh cử này. Hãy giữ bình tĩnh của một nhà lãnh đạo. Hãy nói tới những thành tích của mình. Hãy dành 90 phút để nói về vấn nạn di dân bất hợp pháp và kinh tế, lạm phát đang hủy hoại xã hội và đời sống của người dân ra sao. Làm được những điều này, cựu TT Trump sẽ thắng.”

Tin của Reuters cho hay đảng Dân Chủ đã thuyết phục CNN đưa ra ba đề tài “tủ” của Biden là quyền tự do phá thai, nền dân chủ và chính sách kinh tế. Biden và đảng Dân Chủ luôn cáo buộc rằng nếu trở lại Tòa Bạch Ốc, cựu TT Trump sẽ ra lệnh cấm phá thai trên toàn quốc. Điều này hoàn toàn sai sự thật vì rất nhiều lần cựu TT Trump đã khẳng định rằng luật phá thai là thuộc thẩm quyền của tiểu bang. Đảng Dân Chủ không có chính sách đem lại ích lợi cho đất nước nên họ phải ủng hộ quyền phá thai để mua chuộc phiếu của giới phụ nữ. Tháng 5 vừa qua, Washington Post cho hay đảng Dân Chủ đã chi 100 triệu Dollars quảng bá phá thai là bảo vệ sức khỏe của phụ nữ. 

Về vấn đề dân chủ, Joe Biden luôn cáo buộc cựu TT Trump là mối đe dọa cho nền dân chủ của Hoa Kỳ. Nhìn vào việc làm của Biden trong thời gian qua, người dân đã thấy rõ chính Biden là người đã xóa bỏ công lý, đã chà đạp dân chủ. Chính việc chủ trương đàn áp, bịt miệng, truy tố, đòi bỏ tù ứng cử viên Tổng Thống của đảng đối lập là phản dân chủ, là vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất. Về kinh tế, người dân đang gặp nhiều khó khăn vì lạm phát, thất nghiệp, tiền lời tín dụng cao, . . . nhưng Biden cứ tự hào khoe rằng Bidenomics đang giúp kinh tế phục hồi.

Người dân muốn biết Biden sẽ trả lời sao về những vụ di dân bất hợp pháp đã và đang gây nhiều án mạng, hiếp dâm tại Georgia, Maryland, Michigan, New York, Houston, và tại nhiều nơi khác. Còn vụ công dân Hoa Kỳ bị Hamas bắt cóc nữa. Khi nào họ được trả tự do? Tại sao khi Do Thái đang cần vũ khí tân tiến cho cuộc chiến sinh tồn của dân tộc thì Biden lại cho lệnh ngưng chuyển vũ khí. Biden luôn luôn phản bội đồng minh. Là những người tỵ nạn cộng sản, chúng ta không bao giờ tha thứ cho việc Biden đã lớn tiếng kêu gọi đồng viện chấm dứt viện trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong lúc miền Nam đang bị lâm nguy.

Cho dù Jake Tapper có chống đỡ cho Biden giành được chiến thắng trong cuộc tranh luận Tổng Thống vào Thứ Năm tuần này thì Joe Biden vẫn không thể lấy lại được niềm tin của cử tri.

Kim Nguyễn 
June 25, 2024

Giá Trị Nụ Cười

Có một câu chuyện kể rằng: Saint Exupery từng là phi công tham gia chống phát xít trong Đệ nhị Thế chiến. Chính từ những nǎm tháng này ông đã viết ra tác phẩm "Nụ cười"...

Không biết đây là một tự truyện hay một truyện hư cấu, nhưng nghĩ rằng nó có thật.

Trong truyện, Saint Exupery là một tù binh bị đối xử khắc nghiệt và ông biết nay mai có thể bị xử bắn như nhiều người khác. Ông viết:

"Tôi trở nên quẫn trí. Bàn tay tôi giật giật, cố gắng rút trong túi áo một điếu thuốc. Nhưng tôi lại không có diêm. Qua hàng chấn song nhà giam, tôi trông thấy một người cai tù. Tôi gọi:"Xin lỗi, anh có lửa không?"...

Anh ta nhún vai rồi tiến lại gần. Khi rút que diêm, tình cờ mắt anh nhìn vào mắt tôi. Tôi mỉm cười mà chẳng hiểu tại vì sao lại làm thế. Có lẽ vì khi muốn làm thân với ai đó, người ta dễ dàng nở một nụ cười. Lúc này dường như có một đốm lửa bùng cháy nhanh qua kẽ hở giữa hai tâm hồn chúng tôi, giữa hai trái tim con người. Tôi biết anh ta không muốn, nhưng do tôi đã mỉm cười nên anh ta phải mỉm cười đáp lại.

Anh ta bật que diêm, đến gần tôi hơn, nhìn thẳng vào mắt tôi và miệng vẫn cười. Giờ đây trước mặt tôi không còn là viên cai ngục phát xít mà chỉ là một con người. Anh ta hỏi tôi: "Anh có con chứ?". Tôi đáp: "Có" và lôi từ trong ví ra tấm hình nhỏ của gia đình mình. Anh ta cũng vội rút trong túi áo ra hình những đứa con và bắt đầu kể lể về những kỳ vọng của anh đối với chúng.

Đôi mắt tôi nhoà lệ. Tôi biết mình sắp chết và sẽ chẳng bao giờ gặp lại được người thân. Anh ta cũng bật khóc. Đột nhiên, không nói một lời, anh ta mở khoá và kéo tôi ra khỏi buồng giam. Anh lặng lẽ đưa tôi ra khỏi khu vực thị trấn chiếm đóng, thả tôi tự do rồi quay trở về.

Thế đó, cuộc sống của tôi đã được cứu rỗi chỉ nhờ một nụ cười ''

Từ khi đọc được câu chuyện này tôi nghiệm ra được nhiều điều.

Tôi biết rằng bên dưới mọi thứ vỏ bọc chúng ta dùng để thủ thế, để bảo vệ phẩm giá và địa vị, vẫn còn đó một điều thật quý giá mà tôi gọi là tâm hồn.

Tôi tin rằng:
- Nếu tâm hồn bạn và tâm hồn tôi nhận ra nhau thì chúng ta chẳng còn gì phải sợ hãi hay cǎm thù oán ghét nhau.

- Nếu bạn từng có một khoảnh khắc gắn bó với đồng loại qua sức mạnh của nụ cười, thì tôi tin rằng bạn cũng đồng ý với tôi, đó là một phép lạ nho nhỏ, một món quà tuyệt vời mà chúng ta có thể dành cho nhau.

Một nữ tu ở Calcutta đã cảm nhận được điều này trong cuộc sống, và bà đưa ra lời khuyên chân thành:

"Hãy mỉm cười với nhau, mỉm cười với vợ, với chồng, với con cái bạn và với mọi người dù đó là ai đi nữa, vì điều này sẽ giúp bạn lớn lên trong tình yêu của nhau..."

(Nguồn FB Tuyen Ta)
Bà lão ...học bơi.

Một bà lão 72 tuổi, đột nhiên bắt đầu học bơi thay vì hàng ngày là đi bộ. Mọi người đều tò mò và hỏi bà ấy:

- Tại sao bác lại thay đổi sở thích qua bơi lội?

Bà với vẻ mặt bất lực trả lời:
- Mỗi khi con trai và con dâu cãi nhau, cô ấy luôn hỏi con trai tôi: "Nếu mẹ anh và em ngã xuống nước thì anh sẽ cứu ai trước?"

- Và vì không muốn đặt con trai vào thế khó nên tôi phải học bơi!

Mấy hôm sau vợ chồng lại cãi nhau và người vợ lại lặp lại câu hỏi cũ.

Chồng đáp:
- Em không phải lo nữa, mẹ anh biết bơi và mẹ sẽ cứu em.

Cô vợ giận dỗi:
- Không được, anh phải nhảy xuống nước, và phải cứu một trong 2 người.

Chồng trả lời:
- Vậy thì chắc chắn em sẽ chết .... vì anh không biết bơi .... và mẹ anh nhất định sẽ cứu anh trước.

ST.

Mỹ truy tố 4 người Việt thuộc nhóm tấn công tin tặc FIN9 làm nhiều hãng thiệt hại 71 triệu USD

25/06/2024
VOA Tiếng Việt


Thông cáo hôm 20/6/2024 của Bộ Tư pháp Mỹ về truy tố 4 tay tin tặc Việt Nam thuộc nhóm FIN9.

Bộ Tư pháp Mỹ vừa loan báo rằng họ truy tố 4 người Việt bị xem là phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công trên không gian mạng làm cho nhiều hãng Mỹ bị thiệt hại tới hơn 71 triệu đô la, theo thông cáo đăng trên trang web của bộ mà VOA xem được.

Những thông tin chính trong hồ sơ truy tố được Luật sư Philip R. Sellinger thuộc Công tố viện Liên bang Mỹ công bố hôm 20/6 cho thấy 4 người đó tên là Nguyen Viet Quoc (tức Tien Nguyen), Ta Van Tai (tức Quynh Hoa và Bich Thuy), Nguyen Van Truong (tức Chung Nguyen), và Nguyen Trang Xuyen. Họ bị nhà chức trách Mỹ xác định là thành viên của FIN9, một nhóm tội phạm trên mạng.

Thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ viết rằng ít nhất kể từ tháng 5/2018 đến hết tháng 10/2021, 4 bị can kể trên đã tấn công tin tặc (hack) các mạng máy tính của nhiều nạn nhân là một loạt các công ty trên khắp nước Mỹ, truy cập, đánh cắp hoặc cố đánh cắp các thông tin không công khai, phúc lợi của nhân viên và ngân quỹ của các hãng.

Các bị can gây ra thiệt hại cho phía nạn nhân lên đến hơn 71 triệu đô la, thông cáo của bộ cho hay.

Thông cáo cũng trích dẫn hồ sơ nộp tòa án cho biết thêm rằng 4 bị can và các thành viên khác của FIN9 đã dùng chiêu trò mạo danh (phishing), tấn công chuỗi cung và các hình thức hack khác để xâm nhập qua bên thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ và giành quyền truy cập.

Sau đó, nhóm bị can và các đồng phạm truy cập vào các chương trình tặng thưởng hoặc cấp phúc lợi cho nhân viên và chuyển hướng các phúc lợi đó, chẳng hạn như các thẻ quà tặng, đến các tài khoản mà các tay tin tặc kiểm soát.

4 bị can người Việt và đồng phạm đã đánh cắp thông tin quan trọng gắn với danh tính cá nhân (PII), thông tin thẻ tín dụng, và trong một số trường hợp, họ dùng các thông tin đó để đăng ký các tài khoản trên mạng với các sàn giao dịch tiền mã hóa hoặc các công ty dịch vụ về website.

Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 4 bị can về các tội danh lừa đảo, tống tiền, các hành vi liên quan đến những tội này trong lĩnh vực máy tính, mưu đồ gian lận về chuyển tiền qua mạng, và cố ý phá hoại máy tính được bảo mật.

Ngoài ra, Tai, Xuyen, và Truong bị truy tố thêm về mưu đồ rửa tiền; Tai và Quoc bị truy tố thêm về tội đánh cắp danh tính ở mức độ nghiêm trọng.

Nếu bị tòa xác định là có tội và bị kết án, 4 bị can đối mặt với các bản án từ 5 năm tới 20 năm tù giam cho từng tội, như vậy tổng thời gian ngồi tù có thể sẽ khá dài vì mỗi tội sẽ nhận một bản án riêng rẽ và sau đó mỗi phạm nhân sẽ phải thụ án lần lượt từng bản án tiếp nối nhau.

Qua bản thông cáo, Luật sư Sellinger thuộc Công tố viện Liên bang Mỹ ghi nhận thành tích của hai đơn vị chống tội phạm mạng thuộc những phân nhánh FBI ở hai thành phố Newark và Little Rock.

Ông James E. Dennehy, Đặc vụ trưởng phòng FBI ở Newark nói trong thông cáo: “Cho dù những tay tin tặc này nghĩ rằng họ khôn khéo ra sao trong việc che giấu bản thân, song những thành viên của nhóm FIN9 này cũng không thể giấu được việc họ lấy đi dữ liệu từ các công ty là nạn nhân của họ. Lực lượng chuyên chống tội phạm mạng của FBI Newark và các đồng nghiệp của chúng tôi trong ngành cảnh sát sử dụng những kỹ thuật chính xác và sáng tạo để lật tẩy những kẻ như thế này – đơn thuần là những kẻ trộm cắp”.

Bộ Tư pháp Mỹ nói trong phần cuối của thông cáo rằng các bị can được cho là vô tội trừ khi và cho đến khi được chứng minh là có tội.

Đi Âu Châu Cần Đề Phòng "Diệu Thủ Thư Sinh" 


Âu Châu, địa bàn hoạt động của “Diệu Thủ Thư Sinh.” (Hình: ATNT Tours & Travel)

Lời Người Viết: Đề tài “Diệu Thủ Thư Sinh” được tôi viết cách đây khá lâu, nhưng không vì thế mà thời gian tính làm suy yếu đi các chiêu thức mà các cao thủ trong giới giang hồ “pickpocket” ra tay sử dụng tại địa bàn các đất nước Âu Châu. Ngược lại, võ công của các cao thủ này càng ngày càng cao cường hơn, tinh vi hơn và dĩ nhiên điêu luyện hơn. Thậm chí các tay “diệu thủ” đang dần có khuynh hướng mạnh bạo hơn, chuyển sang các chiêu “cướp giựt” công khai. Vì thế, với mục đích giúp du khách người Việt cần biết thêm ít nhiều về chiêu thức “Lăng Ba Vi Bộ,” nhằm tránh thoát các hư chiêu của các tay lão luyện diệu thủ Âu Châu được họ tung ra nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của du khách để họ ung dung móc túi lấy trộm ví tiền hoặc các món đồ quý giá của bạn. Bất cứ sự mất mát nào cũng làm bạn mất vui cho một chuyến đi chơi xa. “Diệu Thủ Thư Sinh” được cập nhật như là một món quà gởi tặng đến những ai chuẩn bị cho một chuyến du ngoạn mùa Hè Âu Châu 2024.
Ở Budapest, Hungary. (Hình: ATNT Tours & Travel)

PARIS, Pháp (NV) – Những ai đã từng thích thú đọc truyện “Anh Hùng Xạ Điêu” thì đều nhớ trong phần đầu bộ truyện, Kim Dung có viết hư cấu về một nhóm bảy người được mệnh danh là Giang Nam Thất Quái. Nổi tiếng nhất là thủ lãnh Phi Thiên Biển Bức Kha Trấn Ác chuyên ném phi tiêu và sử dụng cây quải trượng và là đại sư phụ của Quách Tĩnh. Kế đến là Diệu Thủ Thư Sinh Chu Thông, người tinh thông sách vở và nhiều mưu mô. Giang Nam Nhị Quái Chu Thông thường ăn mặc như là một người thư sinh nghèo, dùng quạt làm vũ khí và chân tay quyền biến rất nhanh, lấy đồ trong túi người khác mau lẹ đến nỗi mà người mất không hề hay biết. Vì thế, giới võ lâm gán cho Chu Thông biệt danh là “Diệu Thủ Thư Sinh.”

Không biết tuyệt chiêu của “Diệu Thủ Thư Sinh” cao cường đến đâu qua ngòi viết của Kim Dung, nhưng những độc chiêu của chiêu thức “diệu thủ” ngày nay chúng ta không thể coi thường được. Môn võ công này có nhiều môn phái khác nhau tùy theo từng châu lục (Âu, Á, Mỹ) nên các chiêu thức cũng khác nhau, nhưng chúng đều vô cùng lợi hại.

Âu Châu là một khu vực bao gồm các đất nước giàu nghèo nằm san sát nhau. Nước giàu thì có thể kể ra như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Áo, Hòa lan, Bỉ. Nghèo thì có các nước Cộng Sản Đông Âu cũ. Còn nợ nần ngập đầu thì có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý… Nhưng dù ở bất cứ đất nước nào, những nơi mà du khách đổ xô đến du ngoạn thì các nơi đó đều có rất nhiều môn đệ của Giang Nam Nhị Quái Chu Thông làm việc cật lực ngày đêm.

Du khách đến Âu Châu mà không biết sử dụng môn “Lăng Ba Vi Bộ” để tránh né thì rất dễ dàng trúng độc chiêu “diệu thủ” của họ. Các “Diệu Thủ Thư Sinh” gồm nhiều quốc tịch khác nhau và thường tụ tập thành từng nhóm, ít nhất từ 2 người đến 5-6 người. Mục đích là họ bảo vệ và tạo ra thế liên hoàn tương trợ lẫn nhau, tạo ra các “hư chiêu” để đánh lừa du khách. Khi họ tung chiêu ra, thường thường du khách không mất tiền thì cũng mất passport, máy camera, máy quay phim, đồng hồ… Sự mất mát giấy tờ tiền bạc làm du khách bực tức, nổi nóng cáu giận. Ngoài ra, bạn mất rất nhiều thì giờ để làm “police report,” tốn kém tiền bạc lo toan cho các phí tổn chung quanh sự mất mát. Để đề phòng cách thức “ra tay” của các “Diệu Thủ Thư Sinh,” tốt nhất là bạn phải hiểu và biết lo bảo vệ cho chính bạn khi rong ruổi du ngoạn Âu Châu.

Âu Châu với các không gian hình ảnh đẹp đẽ của phố, di tích lịch sử nhà thờ, viện bảo tàng, sự sầm uất của quảng trường thường thu hút hấp dẫn lôi cuốn làm ngẩn ngơ người xem. Đến đây, du khách ai cũng mải mê chụp hình, quay video, hay lo nói chuyện thưởng ngoạn và mua bán hàng kỷ niệm mà không còn chú tâm đến mọi việc chung quanh. Đây chính là lúc các “Diệu Thủ Thư Sinh” ra tay rất nhanh, mượn đỡ tiền bạc tài sản của bạn để tiêu xài.

Để tránh phiền phức mất mát, bạn luôn nên để ý xem có người lạ lân la đến đứng gần bạn hay không! Bất kể người đó ăn mặc như thế nào, họ ăn mặc thật sang trọng hay thật nghèo hèn cũng không khác gì nhau. Càng bảnh trai, càng xinh gái bao nhiêu thì bạn càng nên phải đề cao cảnh giác nhiều hơn. Sau đây là những hiểu biết góp nhặt chia sẻ đến độc giả những điều cần chú ý.

Trước khi ra độc chiêu “chôm chỉa,” các “Diệu Thủ Thư Sinh” thường thường tung ra các hư chiêu để đánh lừa du khách. Các hư chiêu này thường tỏ ra hữu hiệu khi nó được lồng vào trong các mưu kế như mỹ nhân kế, khổ nhục kế, giúp đỡ kế, công an kế vì đây là những mưu kế làm mủi lòng (như khổ nhục kế) hay áp đảo (như công an kế) tinh thần đối thủ trước khi các diệu thủ ra “thực chiêu” để lấy tiền bạc và đồ đạc của du khách.

-Khi bạn ngồi trong “lobby hotel” hay trong các tiệm ăn, nếu bạn thấy một cô xinh đẹp mà lởn vởn quanh mình, cô ta đi tay không và không đeo ví thì bạn nên cẩn thận vì cô ta có thể “muợn và đeo” ví của bạn rất nhanh mà không bị ai nghi ngờ gì cả.

-Ngắm cảnh đẹp, bạn mải mê rảo bước chân đi tìm chỗ đứng chụp hình quay phim, bạn thấy có ai đụng chạm nhẹ bạn phía sau. Quay lại bạn gặp một anh chàng bảnh bao, ăn mặc tử tế chải chuốt, trông rất thư sinh và nói câu xin lỗi. Bạn đừng vội nói: “It’s OK” hay “No problem!” Mà ngay lập tức bạn nên kiểm soát lại bóp ví, tiền bạc trong túi quần sau, tôi tin chắc 90% khuy nút túi sau của bạn đã bị mở hoặc bóp ví bạn đã ra đi.

-Bạn đang nắm tay đi dung dăng dung dẻ nói chuyện với vợ trên con đường rộng rãi, đọc thơ “Tình Già” của Phan Khôi mùi mẫn nói chuyện ngày xưa. Bỗng ngược chiều, một nhóm 3-4 người, con trai có con gái có, cười nói đùa nghịch và làm như muốn đâm sầm vào bạn. Bạn nên lùi tránh ra xa và sẵn sàng hét lên vì chính là chúng rồi. Thường khi bạn lùi tránh ra là chúng biết bạn đã biết đề phòng nên chúng có thể bỏ đi. Còn bạn không biết lùi tránh và cũng không biết hét thì bạn sẽ ngậm ngùi hát bài “Tình cầm nhầm: nếu ông còn trẻ như năm cũ, quyết đánh cả làng của chúng bây.”

-Bạn đang ngồi chờ bạn bè ở “lobby hotel” 5 sao đẹp và sang trọng. Bỗng có người trông rất chỉnh tề lân la đến làm quen. Nói đủ thứ chuyện và khen bạn, khen nước Mỹ bạn đang ở, khen ông tổng thống nước bạn đang ở rất giỏi. Cuối cùng anh/cô ta muốn bạn cho anh/cô ta mượn xem $1 mà anh/cô ta chưa bao giờ được thấy. Bạn cũng tỏ ra lịch sự (vì đã được khen quá rồi) nên tôi chắc bạn sẽ không ngần ngại móc tiền trong bóp ví đưa cho anh/cô ta xem ngay. Sau khi từ giã người bạn mới, bạn đi lên phòng thì mới biết tiền và nữ trang trong ví bóp không cánh mà bay hết. Đây là một tuyệt chiêu trong “diệu thủ pháp.” Bạn không nên quá thân thiện với người lạ và luôn luôn có một khoảng cách. Bạn không làm sao hiểu được bằng cách nào tay “diệu thủ” đã lấy được tiền của bạn.

-Bạn thường rất kỹ nên lúc nào cũng cất tiền trong cặp táp với hai ba lần túi ngăn, khi cần tiền mua quà hay ăn trưa bạn mới lấy tiền từ trong cặp ra. Đến chiều khi ngồi nghỉ, lấy tiền để mua nước uống thì mới biết là tiền trong ngăn cặp táp không còn nữa. Đây là một tuyệt chiêu khác! Tuyệt đối bạn không nên hớ hênh để lộ tiền bạc cho người khác nhìn thấy trong lúc du ngoạn.

-Nếu bạn đi xe metro, thường thì đi trong đường hầm metro các “diệu thủ” chưa làm việc vội. Họ sẽ đứng cạnh bạn đợi xe điện, xe vừa ngừng lại mở cửa là họ tung chiêu ngay. Họ làm bộ cúi xuống để cột lại dây giày, đồng thời ôm cả hai chân bạn. Bạn sẽ ngã chúi về phía trước và đã có người đứng sẵn đó đỡ bạn. Lúc bạn đứng thẳng người lên được thì mọi sự đã xong xuôi. Chiêu thức này thường thì chỉ áp dụng cho phái mày râu. Còn phái đẹp thì các “diệu thủ” lịch sự hơn nên làm bộ chen lấn vào xe và họ dùng chiêu thức đôi tay rất nhanh mở ví bóp các bà các cô, ít ai thấy kịp. Khi họ “làm bộ cúi xuống,” “làm bộ chen lấn” hay “ngả nghiêng vào người bạn,” đây chỉ là các hư chiêu đánh lạc hướng chú tâm của bạn. Chỉ có thế thôi và bạn sẽ ngâm thơ “ngậm ngùi” của Huy Cận suốt trên con đường hành trình còn lại.

-Bạn hay đeo packback sau lưng và mỗi khi nghỉ chân ăn uống thì thường hay bỏ xuống cạnh mình, tưởng thế là an toàn. Nhưng nếu có một hai cặp tình nhân đi gần vào chỗ bạn ngồi thì bạn phải chú ý ngay bàn tay của họ. Họ dùng một ngón tay móc vào quai packback và đi tỉnh bơ. Nếu bạn thấy kịp và phản ứng thì cô tình nhân sẽ làm như người vô tình “chận đường” bạn, anh tình nhân sẽ buông ngón tay ra bỏ lại packbag và họ vẫn “âu yếm” dìu nhau đi trên phố vắng như đã không có chuyện gì xảy ra!

-Bạn đang dạo chơi thưởng ngoạn một thắng cảnh nào đó, bất chợt có những cô bé/phụ nữ chạy đến tìm cách nói chuyện, xin chữ ký thì bạn hãy nên cẩn thận vì lòng thương người của bạn là nằm đúng trong thế “hư chiêu” của họ. Trong lúc bạn “ký tên” là họ ra tuyệt chiêu ngay. Trong trường hợp này bạn chính là người hại bạn.

-Bạn check-in khách sạn và nhớ tuyệt đối không cất tiền bạc nữ trang trong “safety box” (tủ an toàn) trong phòng bạn. Khách sạn lúc nào cũng có ghi chú điều này. “Safety box” chỉ dùng để cất giữ giấy tờ chứ không phải là tủ cất giữ tiền bạc nữ trang. Bạn có mất thì đành ngậm đắng nuốt cay thôi vì không có khách sạn nào đền cho bạn. Dĩ nhiên là phải có bàn tay của “Diệu Thủ Thư Sinh” nhưng tuyệt chiêu như thế nào thì ngay cả khách sạn họ cũng không biết.

-Đang đi dạo cùng với vợ/người yêu ở một chỗ hơi vắng vẻ, bỗng dưng có một người nhờ bạn chụp hình cho họ. Bạn vừa cầm camera của người đó, chưa kịp chụp hình giúp, thì… ngay lúc đó xuất hiện ra một hay hai gã “công an/ cảnh sát” chận người kia lại, tay rút ra một tấm thẻ như là “ID của công an/ cảnh sát” dí vào mặt và yêu cầu người kia cho xem passport và tiền mặt vì khu vực đó có nhiều tay buôn bán ma túy. Sau đó thì các gã công an/cảnh sát này quay sang hỏi giấy tờ và tiền bạc của bạn. Đây là một hư chiêu được trình diễn thành một màn kịch tinh vi, chúng dùng hư chiêu “công an kế” để dọa nạt tinh thần bạn ngay lúc đó. Nếu bạn đưa giấy tờ và tiền bạn cho chúng xem! Thế là xong. Tiền bạc của bạn chia tay với bạn ngay lúc đó! Những tên đó là “công an/ cảnh sát giả” và là một bọn với tên nhờ bạn chụp hình. Tốt nhất trong mọi trường hợp, bạn nên từ chối hay lơ đi khi có người lạ nhờ giúp đỡ, nếu bạn sốt sắng giúp ngay thì bạn có thể rơi vào hư chiêu “giúp đỡ kế” và “công an kế” của họ. Lòng giúp đỡ của bạn hết sức tai hại và nguy hiểm cho chính bạn mà không lường trước được.

-Bạn không nên đưa máy hình camera của mình cho người khác chụp hình cho bạn. Nếu bạn làm như thế, tôi tin là bạn có một cái tâm thật tốt, thích giúp đỡ “người nghèo!” Vì thế, nếu bạn có mất máy camera hay tiền bạc thì cũng không nên tự trách mình.

-Bạn cùng bạn bè đang dạo phố, bỗng thấy một “xe gắn máy” cứ loanh quanh gần bạn làm như “xe gắn máy của họ đang có vấn đề.” Đó là nghi kế cho chiêu thức “cướp giựt” sắp sửa được tung ra. Ngay lập tức bạn phải lùi tránh xa ngay, đi sát vào trong vỉa hè và tung chiêu “thôi miên” nhìn thẳng vào mặt đối thủ và chuẩn bị “tiếng hét” cho thật lớn.

-Nếu là phái nữ, khi đi dạo phố bạn nên luôn luôn đi vào phía bên trong vỉa hè. Bạn chớ quá tự tin, ung dung dạo bước giữa đường phố Âu Châu, nhất là ở Ý tình trạng cướp giựt càng ngày càng nhiều hơn.
Ở Venice, Ý. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Nếu phải kể ra hết những chiêu thức của các tay “Diệu Thủ Thư Sinh” thì tôi chịu thua vì các chiêu thức này biến hóa khôn lường. Các môn đệ của Giang Nam Nhị Quái giỏi hơn sư phụ của họ nhiều. Họ không xấu hổ, không sợ bị bắt và cũng không sợ bị đánh. Họ làm vì nhu cầu để sống, họ không học hành, họ không có việc làm! Có những “diệu thủ” lấy hết tiền của đối phương và họ gửi trả lại giấy tờ cho người bị mất. Thế mới biết cũng có những tay “diệu thủ” làm việc vẫn có “lương tâm diệu thủ!”

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, có biết bao nhiêu người quyền cao chức trọng nhưng bản chất “diệu thủ” về trộm cắp của công cũng không khác lắm, nhưng họ dùng các chiêu thức khác. Hư chiêu của họ là bề ngoài giàu có, quyền thế, giả vờ đóng vai đạo đức lo cho dân và vì dân! Một xã hội nào có quá nhiều trộm cắp hối lộ tham nhũng thì tôi nghĩ lỗi của họ một phần mà tội lỗi của cả một tập thể lãnh đạo ở xã hội đó mới là điều chính yếu vì tập thể lãnh đạo đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

Khổng Tử, Mạnh Tử trong một chiều hướng nào đó đã cố tạo ra một cái “Lễ” để buộc con người vào cái thiện, vào cái trật tự có trên có dưới của gia đình nhằm để giảm bớt đi nạn trộm cắp trong xã hội. Tóm lại, sự thiên vị đẳng cấp, giai cấp và những nghèo khó bất công trong xã hội đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành ra một đội ngũ môn đệ của Giang Nam Nhị Quái Chu Thông vô cùng rộng lớn trên khắp địa cầu này. Võ công của sư tổ Chu Thông “Phân Cân Thác Cốt Thủ” dù ông đã luyện thành rất cao nhưng ngày nay chỉ là một hạt cát trong kho tàng võ công của các đệ tử ông.

Trong vòng hai năm nay, xã hội Âu Châu đang có nhiều vấn đề phải đối phó với nền kinh tế suy thoái và di dân chiến tranh khiến sư tổ Chu Thông thâu nhận thêm rất nhiều đệ tử. Tuy nhiên, nếu bạn biết cảnh giác và tránh được những hư chiêu quỷ kế của họ thì chuyến du ngoạn Âu Châu vẫn là một vùng đất tuyệt vời thưởng ngoạn.

Sau 20 năm làm việc trong ngành du lịch, tôi tự luyện tập môn “thoái nhất bộ” (lùi một bước) để khống chế “diệu thủ pháp” của các cao thủ môn đệ Chu Thông. Chiêu thức này cần nhất sự bình tĩnh. Khi đã nghi ngờ thì luôn luôn lùi xa ra một chút và sẵn sàng sử dụng tiếp chiêu “Sư Tử Hống” một tuyệt chiêu của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn để đối thủ e dè lùi xa ra.

Tôi tránh không để ai chen lấn đến gần, nhìn thẳng vào mặt và quan sát hành động đối phương. Tôi không bao giờ đưa trình giấy tờ và tiền bạc cho bất cứ ai, công an, cảnh sát nào ngoài đường, ngoại trừ ở khách sạn hay bót cảnh sát. Thường thì tôi thành công đến 95% nhưng 5% còn lại, khi gặp tay đại cao thủ thì mình phải ngả nón bái phục và vô cùng ngưỡng mộ phép hư chiêu và võ công diệu thủ pháp tuyệt đỉnh của họ.

“Thoái Nhất Bộ” hay “Lăng Ba Vi Bộ” hay “Sư Tử Hống” của bạn dù có giỏi đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu bạn vẫn “còn lòng thương người đặt không đúng chỗ” thì độc chiêu của “Diệu Thủ Thư Sinh” vẫn đánh gục bạn ngay trên bước đường du ngoạn Âu Châu! Tôi cũng là người đã hai lần từng “bị đánh gục” ở trời Âu. Nhưng mấy năm nay, khôn thêm ra nên chưa bị gục thêm lần nào!

Trần Nguyên Thắng/ ATNT Tours & Travel

Xạ Thủ Phi Hành

Cứ mỗi lần nghe nói hồi trước tôi ở quân chủng Không Quân là thiên hạ (nhất là mấy bà mấy cô) hỏi liền rằng hồi trước anh lái máy bay gì?

Cũng không trách họ được, bởi vì trông tôi cao ráo đẹp trai quá xá, hiện đang là một kỹ sư, chủ một hãng khá lớn, lái xe Lexus mới toanh, tiêu tiền như nước, v.v. thì đâu có ai ngờ rằng ngày xưa tôi chỉ là một thằng lính quèn!

Đọc tới đây chắc có người bỉu môi ra mà nói:
-Thằng cha này “nổ” quá xá!
Hề hề, cũng phải cho tôi nổ tí chứ!

Bởi vì ngày còn đi lính tôi chuyên trị đại liên M60 rồi khi chuyển qua Trực Thăng Gunship tôi lại ôm cây minigun 6 nòng, bắn kêu ò ò như bò rống, khiến địch quân kinh hồn bạt vía, nên bây giờ phải nổ một chút xíu cho vui đời, yêu người vậy mà.

Quái đản một điều là sao thiên hạ lại có quá nhiều người cứ tưởng ai đi Không Quân cũng đều là Pilot hết, trong khi thực tế để đem một ông Pilot “lên giời” thì cả hơn chục thằng “vô danh tiểu tốt” khác phải ngày đêm làm việc hùng hục như trâu, trắng đờ con mắt.

Nguyên do là các đấng Pilot thường cao lớn, mặc đồ bay vô coi oai hùng, các em nhìn thấy là nuốt nước miếng ừng ực rồi. Các bố ấy và các văn sĩ nửa mùa lại thường viết bài, viết truyện ca tụng cuộc đời mấy ổng quá chời quá đất, nào là hào hoa phong nhĩ (Phi công ra đi... gái theo ngập đường!); nào là anh dũng lệch người (Đi không ai tìm xác rơi), còn các ngành khác chẳng mấy khi có ai nói đến.

Nhớ từ ngày tôi đọc báo Lý Tưởng đến nay, chỉ thấy có Pilot Ke Phương Toàn lái máy bay trực thăng thấy muốn té đái trong quần; anh Bé viết về ngành Kỹ Thuật sửa chữa phi cơ nắng nôi vất vả; ông Thượng sĩ Thông viết chuyện Cơ Phi rớt ở Hạ Lào gần chết, còn cái ngành Xạ Thủ của tôi thì chỉ nghe đến cái tên là người ta đã ớn xương sống, nói gì viết ra nghề mình để người ta đọc.

Cũng chính vì cái vụ này mà hồi đó tôi có quen một em mà rồi sau không thành, khi ông già em biết cái chỉ số Xạ Thủ của tôi.

Khi bị bắt buộc chia tay em rồi, tôi chửi đổng:
-Me, đi lính mà không làm xạ thủ bắn ngay địch quân thì còn ra cái thể thống gì, bộ thằng Pilot nó bỏ bom không chảy máu hay sao. Me, ổng làm như tui là Xạ thủ đại liên thì chưa kịp bắn, chỉ cần đến gần là con gái ổng có bầu liền hay sao.

Thôi chuyện lâu rồi bây giờ tôi cũng không tức mà làm gì cho nó nhẹ thể và lên tăng xông, vì cũng may là con gái ổng không lấy tôi, chứ nếu mà... thì cuộc đời cổ cũng không khá, tôi sẽ bóp... như bóp cò mini gun 4000 viên/1 phút thì cổ sẽ đẻ sòn sòn năm một.

Tôi gia nhập Không Quân sau hơn một năm đi lính Bộ Binh.

Một năm ca bài “Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm, sương trắng rơi đôi vai ướt lạnh mềm...” thì tôi lên Binh Nhất. Lúc Không Quân qua tuyển mộ những thằng vác súng đại liên M60 là tôi xung phong đi liền. Vác cây súng kềnh càng nặng nề, với băng đạn dài quấn quanh người, ba lô, cơm sấy, băng rừng lội ruộng còn không ngán, mà bây giờ được ngồi trên máy bay bắn xuống thì nhàn nhã biết chừng nào, phải nạp đơn gấp gấp.

Tôi về Tân Sơn Nhất vô khám ở khối Y Khoa Phi Hành.

Nhiều kẻ ứng thí rớt lộp độp nhưng tôi cái gì cũng tốt: Tim đập rất tốt, tăng xông vừa phải cho dù mới làm 20 cái nhảy xổm xong, tai thính như tai chó, mắt sáng hơn sao chỉ nhìn sơ con ruồi là biết con đực con cái, chỉ liếc thoáng qua là biết đứa con gái nào vú nở đít cong.

Nhưng khi bị chuổng cời ra cho ông bác sĩ Dụ khám tổng quát thì có vấn đề.
Anh TSI Hiếu bỏ cái thước đo chiều cao lên đầu tôi rồi anh phán:
-Thiếu thước tấc!

Tôi đành tôn anh ta lên:
-Thưa Thượng sĩ! Lái máy bay kìa thì lùn chút đỉnh không được vì không đạp tới pê-đan, chứ cái thứ Xạ thủ đại liên trên máy bay trực thăng, nếu ngồi bắn không được, thì tui lom khom hay đứng cũng với tới cò súng được chớ có sao đâu.

Nhờ câu nói nịnh tăng anh ta lên một cấp, mà anh đã tăng lên cho tôi thêm vài xăng-ti-mét, để khỏi mang tiếng là Thằng Lùn Mã Tử, thế là tôi vào lính Không Quân.

(Lúc nãy tôi nổ là cao lớn đẹp trai chơi mà thôi, chứ người tôi tròn vo, mặc áo bay vào trông rất giống củ khoai!)

Tuy vậy cũng không phải là dễ ngon ăn đâu nghen, khám đằng trước coi hai hòn có cân nhau không, rồi họ cũng bắt chổng đít ra mà khám, tụi nó kháo nhau rằng khám coi có lông đít hay không, nhưng tôi nghĩ là họ khám bịnh trĩ.

Mấy tờ báo lớn ở Sài Gòn thường có câu quảng cáo “Ai đau khổ vì bịnh trĩ” ai mà không biết, người nào bị bịnh này thì đi ỉa cũng còn khó chứ nói gì đến việc trọng đại là đi lính Không Quân.

Tôi được xếp theo học khóa II Vũ Khí Phi Hành ở mãi tận Nha Trang.

Mới từ chiếc C119 thủng đít bước xuống là cả chục ông cán bộ của TTHLKQ ùa ra hò hét, họ cứ tưởng tụi tôi là lính mới nên hù dọa đủ điều. Nhưng thực sự mấy anh chàng này là khóa sinh của Khóa II HSQ Truyền Tin, tính ra khi chúng tôi vào lính thì mấy thằng này còn học đệ tứ hay đệ tam là cùng. Họ cũng áp dụng hình phạt chúng tôi như mấy khóa Cơ Phi, nhưng khi nghe thằng trưởng khóa xưng danh là HSI Nguyễn Nén là dần dần họ lảng ra (Thực ra khi vô quân trường phải báo cáo là Khóa Sinh, nhưng thằng Nén chơi nổi, cứ xưng cấp bực cho bọn kia nể vậy mà, đi lính tác chiến lên đến Hạ Sĩ Nhứt mà còn sống thì đừng đụng tới nó mà có ngày mang khốn).

Thế là chúng tôi tương đối thoải mái, không bị hành hạ nữa, hằng ngày cắp sách đến Trường Kỹ Thuật học về Vũ Khí.

Tôi cũng không biết tại sao lại bắt chúng tôi học về cây súng M60 làm gì nữa, vì đã từng ôm ấp em cả năm, tháo ra chùi rửa hàng mấy trăm lần, thì học về nó làm chi, trong bóng đêm hay nhắm mắt tôi cũng có thể tháo em ra từng mảnh rồi ráp lại trong vòng ít phút.

Cuối khóa thì có chương trình học về nhận dạng phi cơ ta và địch. Phi cơ phe ta và Mỹ thì dễ rồi, hồi còn ở chiến trường tôi cũng thường nhìn thấy nó: H34, UH1, CH47, CH54, OH6. Về máy bay có cánh thì O1, O2, C47, C119, C7, C123, C130, AH1, A37, F5, A6, F4C, v.v. Chúng tôi còn phải phân biệt những máy bay dân sự và vài loại đặc biệt của Air America nữa.

Còn về máy bay của bên kia thì có Mig 17, 19, 21 với cái máy bay “lên thẳng” MI6 trông hơi giống chiếc CH53 của Mỹ.

Mãn khóa thì tôi được gởi về KĐ74 ở Cần Thơ. Năm đó phi trường Trà Nóc chỉ có 2 phi đoàn Trực Thăng là 211 và 217. Chúng tôi ở trong dãy barrack của Phòng Huấn Luyện. Không biết ông Trưởng Phòng là ai, chỉ biết mình nằm dưới sự điều động của thằng cha TSI Viễn hắc ám, nó có cô vợ coi được lắm, nhưng bánh mì thịt cô ta bán cho tụi tôi thì mặn hơn thịt kho. Cứ mỗi sáng lúc 5g thì mỗi thằng được PHL cho mượn 1 cái nón bay, trong đó có 1 bịch gạo sấy, 1 hộp trái cây và một hộp thịt ba lát xách tòn teng lên phi đoàn.

Hồi đó Xạ Thủ còn thiếu nên gọi là về đây để Phi Huấn 3 tháng, nhưng trên thực tế họ cắt đi hành quân liền.

Tôi leo lên tàu bay có ông Trưởng phi cơ râu rậm coi phát gớm, lòng tự hỏi sao con bồ ổng chịu được, râu chìa tua tủa ra như rứa hôn nhau nhột chết cha luôn.

QLVNCH đang tấn công qua Miên, nên máy bay nào cất cánh cũng nhắm hướng Châu Đốc mà bay. Chừng 20 phút bay ven theo sông Hậu là đáp ở núi Sập núi Sam chi đó. Gần bãi đáp (chỉ to hơn cái sân bóng chuyền) là cái ao nuôi cá tra. Ông Pilot của tôi thấy có đứa con gái ngồi trong cầu nên hover gần một chút, ôi thôi mấy tấm lá dừa nước che cầu gió đánh tung lên bay qua phía bên kia, cô gái sợ gió cuốn bay theo, hoặc có thể rớt xuống đìa nên hai tay bấu chặt cứng vô mấy cây cọc tràm, quần sa teng không kịp kéo lên nên phơi cặp mông trắng hếu, dòm thấy thương hết sức.

Một hồi sau liên lạc sao đó mà ông Đại úy nói mở dây cánh quạt, quay máy để đi tải thương bên Tà Keo.

Đồng ruộng Cam-Pu-Chia mùa này nước trắng xóa như biển, nhưng đó đây thỉnh thoảng thò lên những đám cây thốt nốt và những căn nhà cao cẳng.

Đến một vùng kia khá cao ráo, đất đỏ như đất Miền Đông thì tôi thấy khói màu tím bay lên từ khu vườn của một ngôi chùa Miên mái nhọn. Xung quanh chùa có những cây gỗ sao cổ thụ và cây thốt nốt khá cao.

Ông Mévo bấm máy:
-Có khói tím ở hướng 3 giờ.

Ông Trưởng phi cơ vòng lại và... máy bay hạ thấp, có tiếng nói trong intercom:
-Clear cây.

Mẻ, ổng nói cái gì rẹc rẹc... âm vang trong nón bay thế này. Tôi nghe thằng cha Cơ Phi hô “OK” nên cũng bấm máy hô theo “OK”.

Máy bay hạ xuống... nổ cái đùng, thân tàu lắc lư, sàng qua bên phải rồi đáp, lính bộ binh tràn ra đứng coi, máy bay hạ ga rồi tắt máy. Ông Đại úy chờ cánh quạt ngừng quay rồi leo lên nóc, nhắm nhé coi nó móp thế nào sau khi quất một cú vô ngọn cây thốt nốt.

Méo có chút đỉnh thôi mà mặt ông ta nhăn như khỉ ăn mắm tôm, quay qua nhìn tôi rồi xổ một câu:
-Clear như cặc!

Tuy nhiên ông cũng chở mấy cái cáng thương binh bay về tới Quân Y Viện Cần Thơ, rồi đáp Trà Nóc luôn để Kỹ Thuật coi lại cái Rotor.

Tôi buồn bã xách lỏn tỏn cái nón bay về Phòng Huấn Luyện. Tới ngang khu Nữ Quân Nhân thì thấy một bọn hơn chục thằng đang kiệu nhau trên vai mà nhòm vô dãy phòng tắm. Nhìn tôi đang đi thất thểu coi thảm thương quá, tụi nó tội nghiệp vời vào, rồi lại còn tận tình kiệu tôi lên vai để tôi nhìn cho sướng cuộc đời.

Tôi để nón helmet xuống rồi nhảy phóc lên vai hai thằng, vừa kê sát mặt vô hàng gạch có lỗ phía trên cao để nhòm gái tắm... Chưa phân biệt chỗ trắng cùng đen, lá tre khác lá ổi thế nào thì nguyên một thau nước nóng tạt ngay vô mặt, tôi tối tăm mặt mũi vội tụt xuống, hai thằng phía dưới cũng ướt mem. Phía trong mấy đứa con gái lính “Không Cu” cười ré lên chế diễu.

Mấy dãy barrack này Mỹ mới giao, thành thử hệ thống nước nóng rất nóng như nước sôi, nóng đến nỗi tụi tôi thường lấy trực tiếp đổ vô làm cơm sấy được cơ mà. Mặt tôi đỏ rần lên, không phải vì mắc cở mà vì da rát như bị phỏng.

Tôi lủi thủi ra lấy nón bay mà về chỗ ngủ của mình. Mẹ kiếp, thằng cà chớn nào nhân lúc lộn xộn, chĩa luôn mấy món đồ hộp và bọc gạo sấy của tôi, chỉ còn để lại cái nón helmet trống rỗng. Thôi, thế là chiều nay lại đành phải ăn bánh mì kẹp thịt kho mặn chát của con mẹ Viễn rồi!

Hồi trước tôi thông minh sáng láng lắm, nhưng kể từ khi bị tạt thau nước nóng ấy (không biết tụi nó có giặt đồ gì trong đó chưa) mà tôi bỗng ngu đi trông thấy.

Cái ngu còn hiển hiện trên mặt tôi mãi cho đến bây giờ, hễ đàn bà con gái dỗ ngọt là lại: “Lần này mình ngu kiểu này, lần khác mình lại ngu kiểu khác”.

Ra trường là tôi “được” đi Đà Nẵng ngay, tới PĐ-213 có ông Trương Văn Vinh làm sếp vì ông Đặng Văn Phước mới lên 51CT rồi, sau đó chuyển qua 233 dưới quyền ông Bùi Quang Chính.

Trong có mấy năm mà tôi có quá nhiều Sếp: Ông Nguyễn Văn Thanh 233, ông Nguyễn Anh Toàn 239, ông Luân (hình như ông họ Phạm Đăng thì phải) Sau cùng là ông Huỳnh Văn Phố ở 253.

Thôi, ngứa tay thì viết chơi về đời lính một chút vậy, nếu các bạn cho là tôi viết “có diên”, thì tôi sẽ viết thêm nữa để kể về chuyện tôi đi tán mấy em bán thuốc lá lẻ (để mua thiếu) và mấy em ở CLB (để dễ bề ghi sổ).

Tôi chẳng bao giờ đi tán mấy em nữ sinh nữa đâu, vừa tốn tiền dẫn em đi ăn chè hoặc xi-nê, mà đôi khi còn vỡ mặt, hận đời khi bố em biết tôi chính danh là Xạ Thủ Phi Hành.

Henry Hoang

Wednesday, June 26, 2024

NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT


- Trong bài kỳ trước, khi viết về bản mambo/chachacha phổ biến nhất thế giới, Cherry Pink and Apple Blossom White, chúng tôi đã giới thiệu ca khúc nguyên bản lời Pháp Cerisier rose et pommier blanc qua tiếng hát của Tino Rossi – đệ nhất thần tượng ca nhạc Pháp vào các thập niên 1940, 1950. Tuy nhiên, Cerisier rose et pommier blanc chỉ trở nên “phổ biến nhất thế giới” sau khi được đặt tựa tiếng Anh và được các ban nhạc trình bày bằng nhạc khí (instrumental), còn nếui nói về ca khúc lời Pháp nguyên bản nổi tiếng nhất của Tino Rossi, phải là bản Les Feuilles Mortes, một trong những tình khúc bất hủ của nhân loại.

- Trong số các ca khúc hiện đại (modern songs, sau thời kỳ cổ điển), tính cả theo thứ tự thời gian sáng tác lẫn mức độ phổ biến, chúng ta đã lần lượt có La Paloma và Besame Mucho đứng nhất và nhì. Điều này không ai có thể bác bỏ. Còn hạng ba? Theo chúng tôi chính là bản Les Feuilles Mortes. Dĩ nhiên, tùy cảm quan nghệ thuật, trình độ và khuynh hướng thưởng thức của từng cá nhân, từng thế hệ, không phải ai cũng cho Les Feuilles Mortes đứng hạng ba, nhưng người nào vừa học sinh ngữ Pháp vừa có đầu óc lãng mạn, chắc chắn sẽ chấm Les Feuilles Mortes, và phải là Les Feuilles Mortes do Tino Rossi hát!

- Tino Rossi là người đảo Corse, tức Corsica, ngày xưa thuộc Ý, sau này thuộc Pháp. Có lẽ đa số độc giả cũng biết Napoléon Bonaparte – sau trở thành Hoàng đế Nã-phá-luân đệ Nhất của Pháp, cũng là người đảo Corse. Nhiều người đã xưng tụng Tino Rossi là người con yêu nổi tiếng thứ nhì xuất thân từ hòn đảo này, sau vị Hoàng đế lừng danh.

- Tino Rossi tên đầy đủ là Constantino Rossi, ra chào đời năm 1907 tại thị trấn Ajaccio, thủ phủ đảo Corse. Có năng khiếu đàn ghi-ta và một giọng tenor thiên phú, Tino Rossi khởi nghiệp đàn hát tại các quán rượu địa phương, rồi tới hải cảng Marseilles, và sau đó là khu nghỉ mát French Riviera nổi tiếng bên bờ Địa Trung Hải.

[French Riviera là tên người Anh gọi vùng bờ biển Côte d’Azur thơ mộng ở đông nam nước Pháp, gồm có Tiểu vương quốc Monaco, các thành phố Nice, và Cannes – nơi tổ chức Đại hội Điện ảnh Quốc tế hàng năm]

- Đầu thập niên 1930, Tino Rossi, khi ấy 25 tuổi, rời Côte d’Azur để lên kinh thành ánh sáng Paris thử thời vận, và đã nổi tiếng một cách mau chóng, được hãng đĩa hát Columbia ký hợp đồng. Tino Rossi không chỉ có tài đàn hát mà còn có một khuôn mặt điển trai như thần tượng điện ảnh Rudolph Valentino của điện ảnh Mỹ thời phim câm, cho nên song song với việc ca hát, ông còn được mời đóng trên 25 cuốn phim, và được hàng triệu phụ nữ trên thế giới ái mộ.

- Riêng về ca hát, tại Việt Nam ngày ấy (thập niên 1940-1950), Tino Rossi cùng với nữ danh ca Pháp Lucienne Boyer là hai giọng ca được ái mộ nhất. Có điều thú vị là nếu chỉ tính về số lượng đĩa hát bán ra, thành công lớn nhất trong sự nghiệp ca hát của Tino Rossi lại không phải là một bản nhạc tình, mà là một ca khúc Giáng Sinh, bản Petit Papa Noel.

- Petit Papa Noel là một sáng tác của Raymond Vincy và Henri Martinet, viết để Tino Rossi trình bày trong cuốn phim Destins (1946) do ông thủ một vai chính. Đĩa hát Petit Papa Noel được phát hành cùng năm, và cho tới nay vẫn giữ kỷ lục trong lịch sử ca nhạc Pháp với 6 triệu đĩa, còn nếu tính trên toàn thế giới, con số ấy là 30 triệu

- Có thể nói, cùng với ca khúc truyền thống Minuit Chrétien, Petit Papa Noel phải được xem là một trong hai ca khúc về Giáng Sinh của Pháp được ưa chuộng nhất. Petit Papa Noel không bao giờ xưa cũ, và đã đem lại đĩa vàng cho nhiều ca sĩ, ban nhạc, ban hợp ca hiện đại, như Celine Dion, Josh Groban, Paul Mauriat, Boney M… Riêng Tino Rossi, vào tuổi 72, theo yêu cầu của người ái mộ, đã hát lại ca khúc này để thu video vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1979"

- Tuy là thần tượng của hàng triệu bông hoa biết nói, Tino Rossi đã “dừng bước giang hồ” vào tuổi 40 để trao trọn trái tim (và cả cuộc đời của mình) cho Lilia Vetti, một nữ vũ công mà ông gặp gỡ khi cùng đóng chung trong một cuốn phim; hai người thành hôn vào năm 1947.

- Năm 1982, sau khi được Tổng thống Pháp Francois Mitterand trao gắn Danh Dự Bội Tinh, huân chương cao quý nhất của Pháp, Tino Rossi, khi ấy đã 75 tuổi, quyết định trình diễn lần cuối cùng trước công chúng tại Casino de Paris. Trước sự đòi hỏi của người ái mộ, “buổi trình diễn cuối cùng” ấy đã được diễn đi diễn lại suốt 3 tháng trời. Qua năm sau, 1983, Tino Rossi qua đời vì ung thư tuyến giáp trạng.

- Tới đây, nói về bản Les Feuilles Mortes, được đặt tựa tiếng Anh là Autumn Leaves. Bản này nguyên là một bài thơ có cùng tựa của thi sĩ Jacques Prévert, sáng tác năm 1945.

- Tại Pháp cũng như các quốc gia nói tiếng Pháp, hoặc chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, trong đó có Việt Nam, Jacques Prévert (1900–1977) được xem là một tên tuổi lớn. Ông không chỉ là một thi sĩ thuộc trường phái siêu thực với trên 500 bài thơ nổi tiếng, trong đó có hàng chục bản được phổ nhạc, mà còn là một nhà viết truyện phim (scriptwriter) lừng danh, mà tác phẩm điển hình nhất là cuốn phim Les Enfants du Paradis (Children of Paradise) thực hiện năm 1945.

- Những độc giả mê phim Pháp của Sài Gòn năm xưa hẳn chưa quên Les Enfants du Paradis, cuốn phim dài 3 tiếng đồng hồ, nói về quan hệ tình cảm giữa một nữ vũ công tuyệt sắc (showgirl) và 4 người đàn ông thuộc 4 thành phần khác nhau trong xã hội. Les Enfants du Paradis đã được nhiều người so sánh với Gone With The Wind – tức Cuốn theo chiều gió của Mỹ. Năm 1995, hơn 600 nhà bình phim và nhân vật uy tín trong làng điện ảnh Pháp đã bình bầu Les Enfants du Paradis là cuốn phim Pháp hay nhất từ xưa tới nay.

- Trở lại với bài thơ Les Feuilles Mortes của Jacques Prévert, qua năm 1946 đã được nhạc sĩ Joseph Kosma phổ nhạc để nam nhân vật chính hát trong cuốn phim Les Portes de la Nuit, cũng do Jacques Prévert viết kịch bản. Vai này được trao cho Yves Montand, nhân tình trẻ của nữ danh ca Pháp Édith Piaf, và đã tạo được tên tuổi cho chàng diễn viên kiêm ca sĩ Pháp gốc Ý 25 tuổi.

[Yves Montand (1921-1991) xuất thân là một phu bến tàu, rồi theo một gánh hát dạo. Được Édith Piaf khám phá năm 23 tuổi, về sau Yves Montand trở thành một tên tuổi nổi tiếng quốc tế, về cả sự nghiệp điện ảnh, ca hát lẫn ái tình. Ông kết hôn với đệ nhất nữ diễn viên Pháp Simone Signoret nhưng vẫn có những mối tình lẻ, mà gây tai tiếng nhất là vụ cặp với thần tượng nhục thể Mỹ Marilyn Monroe sau khi sang Hồ-ly-vọng đóng chung với nàng trong cuốn phim Let’s Make Love năm 1960]

- Riêng tại Việt Nam, vì khi ấy Tino Rossi đang là tiếng hát được ái mộ nhất, còn Yves Montand thì chưa mấy ai biết tới, cho nên bản Les Feuilles Mortes do Tino Rossi thu đĩa cũng là bản được yêu chuộng nhất. Theo hồi tưởng của những người thuộc thế hệ đàn anh đàn chị ở Sài Gòn, nơi có nhiều trường dạy theo chương trình Pháp, những người mà vào cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, trái tim đã biết rung động, thì bản Les Feuilles Mortes của Tino Rossi đã trở thành một hiện tượng, đến nỗi hầu như cô gái nào có đôi chút lãng mạn trong tâm hồn, cũng thuộc lòng lời hát, tức bài thơ tình buồn của Jacques Prévert. Về phần các chàng trai ở Hòn Ngọc Viễn Đông, phải biết huýt gió phần “intro” của đĩa hát này thì mới được xem là người sành điệu…

- Lời hát của Les Feuilles Mortes nói về tâm sự của một người con trai, nhìn lá vàng rơi mà chạnh lòng nhớ tới người yêu đã xa, và nhớ lại khúc hát năm xưa nàng thường hát cho mình nghe…

- Ca khúc Les Feuilles Mortes qua sự trình bày của Tino Rossi gồm hai phần, phần đầu diễn tả theo thể tự do, được xem là phiên khúc 1, phần hai hát theo nhịp điệu 4/4, được xem là điệp khúc. Lời hát trong nguyên tác còn có phiên khúc 2, và theo suy nghĩ của chúng tôi, phải hát (hoặc đọc) cả phiên khúc 2 thì mới thấy trọn vẹn cái hay trong bài thơ của Jacques Prévert:

Oh! je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle,
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois, je n’ai pas oublié…
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Et le vent du nord les emporte
Dans la nuit froide de l’oubli.
Tu vois, je n’ai pas oublié
La chanson que tu me chantais.

Điệp khúc:
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi, tu m’aimais et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
Toi qui m’aimais, moi qui t’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement, sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis.

(2)
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
Les souvenirs et les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
Sourit toujours et remercie la vie
Je t’aimais tant, tu étais si jolie,
Comment veux-tu que je t’oublie?
En ce temps-là, la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Tu étais ma plus douce amie
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
Toujours, toujours je l’entendrai!

- Nói về mùa thu, thực ra không chỉ ở Pháp nói riêng, hay các quốc gia Âu Mỹ nói chung, mà ở bất cứ phần đất nào trên thế giới có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa thu lá vàng cũng luôn là đề tài được ưa chuộng nhất, đẹp nhất, trữ tình nhất trong thi ca.

- Trong nền tân nhạc Việt Nam, những ca khúc lấy thu làm đề tài như Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn, Thu vàng của Cung Tiến, Em ra đi mùa thu của Phạm Trọng Cầu, Nhìn những mùa thu đi của Trịnh Công Sơn, Mùa thu cho em của Ngô Thụy Miên, Mùa thu mây ngàn của Từ Công Phụng… đều là những ca khúc được yêu thích, bởi nó vừa đẹp và buồn.

- Đẹp, bởi vì mỗi độ thu về, thời gian như ngừng trôi để níu kéo tháng ngày, bâng khuâng khơi niềm nhớ, gợi lại những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua; một cơn gió heo may chợt tới, một chiếc lá vàng nhẹ rơi, đều có thể khiến hồn ta man mác buồn… Đó cũng chính là cái đẹp cái buồn trong Les Feuilles Mortes, chứ chưa đến nỗi bi lụy thảm sầu như trong Adieu (Mùa thu chết) của Apollinaire, Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn, Buồn tàn thu của Văn Cao, hay Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh…

- Năm 1947, Les Feuilles Mortes được Johnny Mercer (1909–1976) – ca sĩ kiêm nhà soạn nhạc kiêm nhà đặt lời hát nổi tiếng của Hoa Kỳ, và cũng là người đồng sáng lập hãng đĩa hát Capitol Records – đặt lời bằng tiếng Anh với tựa Autumn Leaves.

- Nhưng thay vì đặt lời tiếng Anh cho toàn bộ ca khúc (2 phiên khúc + 1 điệp khúc), Johnny Mercer đã chỉ đặt lời cho điệp khúc, tức 8 câu hát theo nhịp 4/4, như sau:

The falling leaves drift by the window
The autumn leaves of red and gold
I see your lips, the summer kisses
The sun-burned hands I used to hold
Since you went away the days grow long
And soon I’ll hear old winter’s song
But I miss you most of all my darling
When autumn leaves start to fall.

(Tương ứng với 8 câu của điệp khúc trong nguyên tác:

C’est une chanson, qui nous ressemble
Toi tu m’aimais et je t’aimais
Nous vivions tous, les deux ensemble
Toi que m’aimais moi qui t’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
Tout doucement sans faire de bruit
Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis)

- Hầu hết ca sĩ nổi tiếng của Mỹ khi hát Autumn Leaves, đã chỉ hát 8 câu trong điệp khúc nói trên, trong số ấy được ưa chuộng nhất phải là đệ nhất danh ca da đen Nat King Cole, trình bày trong cuốn phim có cùng tựa do nữ diễn viên Joan Crawford thủ vai chính (1956).

- Tuy nhiên, trên trường quốc tế nói chung, nổi tiếng nhất có lẽ là Autumn Leaves do nữ danh ca huyền thoại Édith Piaf của Pháp hát cả lời Anh lẫn lời Pháp vào đêm Vọng Giáng Sinh (Christmas Eve) năm 1950.

- Năm 1955, Autumn Leaves do Roger Williams độc tấu dương cầm đã lên tới hạng nhất trên bảng xếp hạng toàn quốc Hoa Kỳ (Billboard, tính tất cả mọi thể loại ca, nhạc) trong bốn tuần lễ liên tục; và cho tới nay vẫn được ghi nhận là bản độc tấu dương cầm duy nhất được đứng hạng nhất trên Billboard.

- Tùy ca sĩ, nhạc sĩ, hoặc ban nhạc trình bày, Les Feuilles Mortes – Autumn Leaves có khi được xem một ca phúc phổ thông (pop standard), cũng có khi được xem là một bản jazz (jazz standard).

- Theo giới chuyên nghiệp, với cấu trúc đơn giản, Les Feuilles Mortes – Autumn Leaves được xem là một bản jazz căn bản, lý tưởng nhất cho những ca nhạc sĩ khi muốn bước vào thể loại này.

- Trong giới nhạc jazz quốc tế, hầu như không có ca sĩ, nhạc sĩ nào không trình bày Les Feuilles Mortes – Autumn Leaves. Riêng với giới trẻ Âu Mỹ, hoặc những người lớn tuổi nhưng vốn chuộng cả “thanh” lẫn “sắc”, có lẽ Patricia Kass của Pháp là người được ái mộ nhất.

- Sinh năm 1966, hiện nay Patricia Kass được xem là nữ ca sĩ nhạc pop và nhạc jazz được ái mộ hàng đầu ở Âu Châu. Patricia Kass thu đĩa Les Feuilles Mortes – Autumn Leaves năm 2002, trong đó nàng trình bày một phần của phiên khúc (1) bằng tiếng Pháp, sau đó hát điệp khúc lời tiếng Anh.

- Tới đây, nói về những bản Les Feuilles Mortes lời Việt. Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù có thể chưa đầy đủ, đã có tới năm bản lời Việt khác nhau, gồm: Những chiếc lá úa, Lá mùa thu, Lá rụng, Tình như lá rụng, và Tình khúc mùa thu.

- Qua tìm hiểu trên các trang mạng, chúng tôi tin rằng bản Những chiếc lá úa của tác giả Phong Vũ, xuất bản năm 1957, là bản đầu tiên. Về sau, bản này đã được nữ danh ca Thái Thanh thu băng, nhưng rất tiếc hiện nay chúng tôi không tìm được băng nhạc này.

- Riêng hai bản Lá mùa thu và Tình như lá rụng, chúng tôi không được biết tên tác giả cũng như ca sĩ trình bày. Về phần bản Lá rụng, chúng tôi cũng không biết tên tác giả nhưng trước năm 1975 đã được nghe Sĩ Phú trình bày. Lời hát của bản này, theo cảm quan cá nhân của chúng tôi, thật tuyệt vời, và Sĩ Phú hát cũng rất đạt. Vì thế, dù chất lượng của băng nhạc cũ sang đi sang lại rất kém, chúng tôi cũng xin gửi bản này tới độc giả của T.Vấn & Bạn Hữu, như một nhắc nhớ về những ngày tháng cũ, những người năm cũ, nay đã xa thật xa.

- Cuối cùng là bản lời Việt tựa đề Tình khúc mùa thu của Nguyễn Tuấn Kiệt, viết sau năm 1975, được trình bày qua tiếng hát của Xuân Phú.

- Những thông tin hiếm hoi trên các trang mạng cho biết Nguyễn Tuấn Kiệt nguyên quán Đình Bảng, Hà Nam, nhưng ra chào đời tại Gia Định. Trước năm 1975, học guitar cổ điển tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm 16 tuổi. Tác phẩm tổng cộng khoảng 200 ca khúc.

- Xét về chất thơ cũng như tính cách văn hoa trong lời hát, bản Tình khúc mùa thu không bằng bản Lá rụng (Sĩ Phú hát), nhưng nếu xét về mức độ trung thực so với nguyên tác Les Feuilles Mortes, thì Tình khúc mùa thu của Nguyễn Tuấn Kiệt phải được xem là một bản dịch tuyệt hảo. Quý độc giả nào vẫn còn giữ được chút vốn liếng tiếng Pháp ngày xưa, nếu tai nghe bản Tình khúc mùa thu, mắt đọc Les Feuilles Mortes, chắc hẳn sẽ đồng ý với nhận xét của chúng tôi.

- Còn nam ca sĩ Xuân Phú, người hát bản Tình khúc mùa thu, tên thật là Đỗ Xuân Phú, sinh năm 1977 tại Đà Lạt. Anh có một giọng nam trung (baritone) thiên phú, thích hợp với dòng nhạc tiền chiến cũng như những bản bán cổ điển, hoặc jazz cần tới một giọng hát diễn tả và đầm ấm.

- Bên cạnh đó, cũng không thể không nói tới phần nhạc đệm trong bản Tình khúc mùa thu do Xuân Phú thu đĩa. Mặc dù trình độ của các nhạc sĩ và số lượng nhạc cụ sử dụng trong bản này chưa thể sánh với những dàn nhạc jazz quốc tế (chẳng hạn Dàn nhạc jazz thành phố Paris đệm cho nữ danh ca Gia-nã-đại Diana Krall trong album để đời “Diana Krall – live in Paris” năm 2002), nhưng cũng đủ để được xem là tương xứng với lời hát của Nguyễn Tuấn Kiệt, giọng hát của Xuân Phú, và làm hài lòng những người khó tính nhất.

- Cuối cùng, chúng tôi không quên gửi tới quý độc giả bản Les Feuilles Mortes qua tiếng đàn guitar của Vô Thường (1940-2003), người nghệ sĩ đàn tay trái đầy huyền thoại của Việt Nam.

- HOÀI NAM -


NHỮNG CHIẾC LÁ ÚA

Tác giả : J o s e p t K o s m a
Lời Việt P h o n g. V ũ

LỜI NHẠC
Mùa thu đã về khắp lối đường lá vàng bay,
tìm đâu những ngày vui với người xinh đẹp ấy?
Mùa thu đã về hơi gió lạnh chốn khuê phòng,
thầm nhắc trong lòng nơi cô quạnh sống chờ mong.
Người xưa khuất rồi tim đã lạnh giá từ bao năm,
mùa thu nhắc lại tình trong trắng.
Ngày ấy trên đồi cất tiếng cười thắm yêu đời,
chìm lắng xa vời những câu thề xưa người yêu ơi!
Chiều nay tê tái riêng trong lòng tôi,
giờ đây một bóng đón thu buồn.
Nghe gió may về đập ngoài song vắng,
tiếng rít lên cuồng loạn trong mùa thu.
Lìa cành lá úa tả tơi nhảy múa,
rụng ngập đầy sân gợi sầu thi nhân.
Nhìn tàu lá úa lòng buồn tê tái,
gợi hình ảnh xưa đã khuất lâu rồi.
Kỷ niệm cũ đành mất
người năm xưa ôi! nay về nơi đâu?
đàn khóc canh thâu.
Mùa lá úa nhắc lại bao ngày sống say sưa,
gần nhau đôi ta cùng buông nụ cười.
Nhặt tầu lá úa nhịp nhàng em múa,
để vào lòng tôi nụ cười lả lơi.
Những chiếc lá úa kỷ niệm năm cũ.
Lại ngập đầy sân người cũ đâu rồi?
Tìm đâu thấy hình bóng
người năm xưa ôi! nay về nơi đâu?
thổn thức canh thâu.
Tàu lá úa rớt đọng tràn trề xuống đôi vai,
Tìm đâu thu năm nào bên người yêu.

THUY NGUYEN