53 Năm Người Mỹ Và Tôi
David & Bảo Xuân,1977
53 năm, hơn nửa thế kỷ chớ có ít đâu.
Lúc tôi viết bài 32 Năm Người Mỹ Và Tôi, đã cảm thấy là “coi bộ vợ chồng mình cũng bền vững dữ há, nhứt là khi ngôn ngữ bất đồng, Đông Tây không gặp nhau”
Những tưởng sẽ còn sống với nhau cho tới khi ăn được cái ngày kỷ niệm “ lễ cưới hột xoàn” chớ, ngờ đâu, mới hơn 53 năm anh bỏ tôi, mau chóng ra đi một mình.
***
Mấy tháng nay, ngồi nhớ lại từng ngày, từ cuối tháng 9 tới cuối tháng 12, phân tích, so sánh, tôi đi tới kết luận là, nếu tôi đã suy nghĩ được như bây giờ, có lẽ chồng tôi chưa mất đâu. Với bác sĩ giỏi, nhà thương tốt, đứng nhứt nhì trên thế giới, bịnh của anh, ít nhứt cũng cầm cự được vài năm nữa. Mình ơi, em đã làm sai rồi.
Năm anh 42 tuổi, một mạch máu dẫn vô tim bị nghẹt, được bác sĩ thông tim. Anh về bỏ hút thuốc lá, tiếp tục sống vui và làm việc hăng say.
Năm anh 55 tuổi, bị tai nạn, dập đầu, gãy chân, rồi sẵn dịp hãng xưởng đóng cửa vì bị ảnh hưởng chiến dịch “toàn cầu hóa” anh phải về hưu non.
Thôi cũng được, anh ra đời rất sớm, bấy giờ nghỉ cũng vừa. Tôi vẫn còn đi làm. Đã tính sẵn, đợi cho tới ngày tôi về hưu, vợ chồng mình sẽ đi du lịch. Tôi thích du lịch xứ người, anh thì nói “nước Mỹ thiếu gì cảnh đẹp mình chưa biết, tội gì phải đi đâu xa” Nhưng khi tôi về hưu thì anh cũng chẳng muốn rời khỏi nhà, vì cái chân bị tai nạn khi xưa, hành đau đớn, đi lại khó khăn, lại tăng cân rất nhiều, thêm bịnh tiểu đường càng nặng, tới lúc phải chích thuốc hàng ngày.
David & Bảo Xuân,1977
Nhiều lần nghe anh xuýt xoa, tay chà chà lên đùi, chỗ có kẹp cái nẹp kim loại để giữ ống xương nối lại sau tai nạn, tôi hỏi:
- Bộ đau lắm hả mình?
- Ờ. Đau.
- Đau cỡ nào, cần uống thuốc giảm đau hông?
- Không cần đâu. Đau triền miên, đau nhiều hay ít tùy vô thời tiết.
Ờ đúng rồi, khi trời sắp mưa thì nghe anh rên nhiều. Muốn làm anh cảm thấy đỡ hơn, tôi thường chọc:
- Anh khỏi cần phải coi tin tức khí hậu và thời tiết nhe.
Anh cũng hơi cười cười:
- Ờ ờ, mình nói đúng. Trời sắp có mưa thì đau nhiều hơn.
Có bao giờ anh phàn nàn về trái tim đâu. Tôi ỷ y. Có ngờ đâu anh mang trong mình trái bom nổ chậm.
Kể từ năm 2005, sau tai nạn đó, hết đi làm, tánh tình anh hay quạu quọ. Vậy thì, hễ anh trong nhà thì tôi ngoài sân. Anh ngủ trên ghế tôi ngủ trên giường. Anh ăn kiểu lính Hải Quân, ba phút là xong. Tôi vừa nhai vừa đọc sách, gần tiếng đồng hồ, cho nên hai đứa ít ăn chung. Anh nóng tánh, tôi nguội, vợ chồng khỏi gây gỗ.
Vậy mà anh nói hoài:
-Khi có em ở gần hay đâu đó, trong nhà hay ngoài sân thì anh an tâm. Ngủ được.
David & Bảo Xuân,1994
***
Sáng ngày 22 tháng 9 năm 2022, tôi hỏi:
- Anh ăn sáng bây giờ chưa đặng em nấu.
Không nghe trả lời. Dòm kỹ, anh ngồi làm thinh, mặt xanh mướt, xuất mồ hôi.
Tôi hỏi lại:
- Anh sao vậy? bị cảm hả?
Anh nói, giọng mệt nhọc:
- Ờ. Mệt. Không ăn đâu.
Cả ngày anh chỉ uống nước.
Như vậy đó, hai ngày liền, anh nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế “làm biếng” (Lazy Boy).
Sáng ngày thứ ba, anh nói “đưa anh đi bác sĩ” rồi khập khiễng lần bước vô thay đồ.
Tôi nghĩ, chắc là bịnh nặng lắm mới tự động muốn đi bác sĩ như vậy.
Tới phòng mạch, sau khi đo huyết áp, cô y tá cho biết không đo được nhịp tim. Bác sĩ đo rồi nói phải vô nhà thương liền.
Vậy mà anh còn cự nự “Không. Không muốn đi nhà thương!”
Tôi đã cương quyết, yêu cầu bác sĩ gọi 911 dùm.
Bác sĩ hỏi muốn vô nhà thương nào, tôi nói vô nhà thương gần nhà để tôi tiện việc thăm viếng.
Trời ơi, đáng lẽ tôi phải hỏi là nhà thương nào tốt nhứt chuyên trị về tim để trị bịnh chồng tôi?
Tại sao khi đó, thay vì nghĩ tới bịnh tình của chồng, tôi lại nghĩ tới chuyện “tiện cho tôi tới lui”.
Đó là sai lầm thứ nhứt.
Vô phòng cấp cứu. Sau khi khám xong, bác sĩ nói anh cần phải nằm lại nhà thương.
Lúc đó anh đã đau đớn cả người, rên rỉ nhiều.
Hôm sau, y tá cho biết anh bị nhiều chứng bịnh, rất nặng và cần chữa gấp là trái tim. Nếu bị nghẹt họ sẽ thông tim ngay.
Hôm sau, vô phòng để có thể làm thông tim nhưng chỉ một thời gian ngắn họ trả anh về phòng, nói là bấy giờ chưa thể làm gì được, cần chuyển anh tới một trung tâm phục hồi khả năng Health Care Center/Nursing Home (HCC/NH). Khi cơ thể khá hơn, mới có đủ sức để chịu đựng những phương pháp chữa trị. Anh từ chối, nói muốn về nhà. Nhưng khi khám lại, họ cho hay anh không thể tự đứng lên được nên bắt buộc phải vô HCC/NH.
Họ cho anh bận cái áo cấp cứu gọi là life vest. Đó là một loại áo có gắn pin, có hệ thống liên lạc trực tiếp với công ty, khi trái tim gần ngưng hay ngừng đập, áo có khả năng phát ra dòng điện, đủ sức kích động cho trái tim đập lại, rồi gọi 911 chở vô nhà thương.
Y tá giải thích về bịnh của anh, tôi hiểu đại khái:
- Hai tĩnh mạch đem máu vô tim của anh, một đã nghẹt 100%, một gần nghẹt hoàn toàn, hiện tại chỉ những mạch máu nhỏ xung quanh hoạt động mà thôi, rất yếu.
- Trong trái tim có một lỗ nhỏ do tật bẩm sinh.
- Có 3 chỗ bị đông máu mà chưa biết rõ chỗ nào.
- Trái tim chỉ hoạt động từ 10 tới 15% mà thôi.
- Thận yếu. Gan suy. Tiểu đường rất nặng.
Rồi căn dặn:
1/ Phải bận life vest này 24/24 trừ khi tắm.
2/ Tránh không được té. Nếu té trúng đầu thì phải đem trở vô nhà thương liền.
3/ Phải uống thuốc đều đặn.
4/ Tránh giận dữ, buồn phiền, căng thẳng.
5/ Trở lại tái khám theo ngày đã dặn.
Tóm lại bịnh chồng bà rất nặng.
Ở HCC/NH hai ngày, chưa hẳn là té, mà anh bị sụm đầu gối xuống sàn nhà khi anh cố đi vô phòng vệ sinh. Họ đưa anh trở vô nhà thương.
Khám xong, biết đầu óc không sao nhưng anh bị nhiễm trùng đường tiểu, phải giữ lại điều trị trong hai ngày.
Được bác sĩ cho về, anh đòi về nhà. Tôi đồng ý.
Lúc đó anh còn quá nhiều đau đớn, cơ thể nặng nề, chưa thể xoay trở để tôi có thể thay tã, mà nhờ y tá và chuyên viên làm physical therapy tới, cùng giường ghế đặc biệt xe lăn này nọ thì bị chậm trễ và có chút khó khăn. Rồi thức ăn cữ kiêng, cho uống thuốc theo dõi huyết áp tim mạch, sợ anh quên cố đứng dậy té như trong nhà thương, sợ mình làm không xong.
Tôi sợ đủ thứ, thần kinh căng thẳng.
Sau hai ngày, đành phải đem anh trở lại HCC/NH.
Tuy không muốn nhưng anh cũng phải chịu vì thương vợ con.
Trở lại HCC/NH, anh nằm đó, hằng ngày có người thay tã, thử máu, thuốc men, ăn uống, tập ngồi, đứng, đi và có y tá túc trực.
Thấy tạm ổn.
Mỗi ngày, con gái đưa tôi đem đồ ăn nhẹ vô cho anh ăn dặm thêm vì anh chê đồ ăn nhà thương sao lạt lẽo quá, khó nuốt.
Một hôm, nhà thương cho hay lượng potassium thấp quá, sẽ phải đưa anh qua nhà thương để vô thuốc vì ở HCC/NH không được làm IV.
Anh nằm ba ngày, thấy anh còn đau đớn, huyết áp vẫn bất bình thường.
Ngày nào gặp tôi anh cũng nói muốn về nhà.
Anh nói nhẹ nhàng quá. Nghĩ là anh nhõng nhẽo nên tôi bỏ qua.
Phải chi anh đòi hỏi một cách mạnh mẽ hơn để tôi nghe cho thấm cái tâm buồn bã của anh, để hiểu anh sâu hơn.
Đó là sai lầm lần thứ nhì.
Tôi thấy an tâm nên chỉ vô thăm anh ngày một lần mà thôi vì muốn có thì giờ trở lại phòng gym tập thể dục, tin tưởng đã có nhân viên lo cho anh rồi.
Lần này nhứt định anh phải để cho người ta trị hết bịnh mới được. Tôi phải giải thích cho anh biết bịnh của anh nặng như thế nào.
Một buổi sáng, vừa vô phòng thấy anh nằm ngó lên trần, có vẻ như suy nghĩ gì đó, buồn buồn. Hỏi anh bị gì vậy. Anh nhìn tôi, nói:
- Tối qua anh gặp ác mộng, Anh thấy sao nhìn quanh tối đen, chỉ có một mình. Sáng nay rất sợ và buồn quá.
Tôi cười, cố trấn tĩnh anh:
- Thì ác mộng mới thấy như vậy chớ em và con vô thăm anh hằng ngày mà. Anh đâu có một mình đâu nà. Nè, bữa nay có soup nè, ngồi dậy ăn liền cho nóng.
Vậy mà anh chưa chịu ngồi dậy, cứ ngó tôi. Ánh mắt anh lúc đó sao mà tối, đen thăm thẳm, buồn thiệt là buồn. Mỗi lần vô nhà thương thì mình phải mang cái mask vô. Tôi vội vàng kéo cái mask xuống để anh nhìn cho rõ mặt. Tôi cười cười cho anh an tâm:
- Nè, vợ anh nè, ngó cho rõ đi. Anh đâu có một mình đâu.
Nhưng sao anh cứ ngó tôi, với ánh mắt quá đổi là buồn.
Tôi sai lần thứ ba.
Tội nghiệp chồng tôi quá.
Thế rồi tuần sau nữa, y tá ở đó cho hay sẽ đưa anh qua nhà thương vì anh thiếu chất magnesium trầm trọng. Không thiếu sao được, anh đã ngưng, không ăn gì hết, chỉ uống nước.
Tôi đã không nhận thấy sức khỏe anh càng ngày càng suy sụp nhanh bên trong.
Một sáng, anh kể là tối hôm qua anh chiêm bao thấy ba anh. Ông mất năm anh mới 9 tuổi, mấy chục năm rồi, vậy mà anh thấy cha rất rõ, y như chuyện mới xảy ra, là hôm theo cha vô rừng ở Coos Bay, Oregon săn bắn.
Hai cha con ngồi rình lâu quá, thấy anh cứ ngọ ngoạy, cha anh mới nói:
- Hay là con chạy xuống đó kiếm con nai đuổi lên đây cho cha.
Thì anh cười trả lời:
- Vậy sao cha không chạy xuống đó kiếm con nai đuổi lên đây cho con.
Rồi anh cười hà hà hà, đôi mắt sáng tươi hẳn lên. Như anh nhìn thấy cha anh vậy.
Tôi giựt mình. Nhớ Má tôi hay nói “Người gần chết thường thấy những người thân đã mất”.
Hỡi ôi!
Tôi cũng không đem anh về nhà.
***
Tháng cuối cùng đời anh, mấy món lặt vặt tôi đem vô hàng ngày, anh chỉ ăn vài miếng thôi.
Có khi, hỏi anh muốn ăn gì, anh nói: “Phở”.
Nấu không ngon nhưng tôi cũng ráng nấu. Thịt bò nạc hầm lâu cho có chất bổ dưỡng, xắt vài miếng thịt tái, đổ nước lèo vô bình thủy, chạy cho lẹ vô nhà thương, mở nắp bỏ vô một gắp bánh phở, anh ăn liền cho nóng.
Anh ráng ăn được cỡ nửa chén nhỏ.
Tôi mừng.
Rồi anh nói muốn ăn dưa chuột ngâm dấm, thịt nguội “pastrami”với “sauce mustard”
Tôi mua cho anh ăn. Mỗi ngày chỉ 1, 2 miếng.
Mỗi ngày tôi cho anh một miếng chocolate đen có hột macadamia, anh ăn ngon lành. Vừa ăn vừa nhìn tôi và cười cười, kiểu giống như ăn lén lút vì bịnh tiểu đường cữ ngọt. Nhưng, lúc đó lượng đường của anh đã xuống rất nhiều, từ trên 300 xuống còn dưới 100 mà. Huyết áp, nhịp tim cũng đều hơn trước.
Tôi mừng.
Mỗi lần anh đòi về nhà, tôi nói anh chưa đi đứng gì được nhiều, chừng nào anh chống cái walker (Cái khung bằng kim loại hình chữ U có gắn bánh xe giúp bịnh nhân vừa đẩy vừa bước) đi tới phòng vệ sinh được thì đem anh về. Anh làm thinh.
Từ khi bịnh nặng, chỉ trong vòng ba tháng, anh sụt mấy chục pounds.
Có phải vì muốn sụt cân mà anh đã nhịn ăn, để được về?
Tuần sau.
Một buổi sáng, thấy anh có vẻ hơi giận. Tôi nói vậy tôi giúp anh, nếu ngồi được thì xin về liền. Anh đưa tay tôi kéo, nhưng không tài nào kéo anh ngồi lên được. Ủa, sao kỳ vậy? Ở đây hơn hai tháng rồi, sao không khá hơn?
Anh buồn lắm, nói xin lỗi tôi.
Tội nghiệp quá. Lúc nào cũng lịch sự!
7 giờ sáng hôm sau, người của công ty cái live west gọi cho hay anh đã bị cái áo kích động để cứu cấp trái tim. Hai mẹ con chạy vô HCC/NH, hối thúc gọi 911 để đem anh vô nhà thương lớn khác, chuyên trị tim.
Tại sao nhân viên ở HCC/NH đã hay anh bị như vậy mà không đưa anh vô nhà thương liền mà phải đợi tới lúc chúng tôi vô hối thúc?
Lần này, sau khi khám xong bác sĩ cho hay trái tim anh đã hoạt động được gần 30%, nghĩa là tới 30% thì anh không cần phải bận life vest nữa. Mẹ con tôi đã mừng quá mừng.
Nhưng, đêm đó cỡ 9 giờ hơn, anh gọi điện thoại cho tôi. Anh nói, giọng rất mệt, gần như thì thào:
- Anh nhớ mình quá. Anh thương mình lắm. Anh muốn về nhà ở gần mình.
Trời ơi, tự dưng tôi bực. Nghĩ là chắc anh cũng giống như mấy lần nằm nhà thương trước kia, cứ “anh nhớ em anh muốn về nhà” Tôi rầy anh, hơi xẵng giọng:
- Mình đang mệt hả? Nhà thương này giỏi số một về bịnh tim. Khuya rồi, ráng ngủ để sáng mai bác sĩ chữa trị cho anh.
Rồi muốn gợi lòng thương vợ để anh nghe lời mà ráng ngủ cho lại sức, tôi nói, giọng mạnh hơn:
- Anh ngủ đi để cho em ngủ vì em cũng mệt lắm rồi. Muốn về nhà thì ngày mai tính. Cho em nói chuyện với y tá đi.
Vậy là anh giao điện thoại cho y tá. Tôi hỏi bịnh tình anh ra sao, cổ nói thấy cũng như hồi chiều. Y hỏi có muốn nói chuyện thêm với chồng nữa không, an tâm, tôi nói không, khỏi.
Trời ơi. Đâu biết đó là lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau.
Vì, sáng sớm hôm sau nhà thương gọi cho hay anh mới vừa bị Sepsis shock (Bị vi trùng tấn công vô nội tạng nhứt là những nơi đang yếu).
Chúng tôi chạy vô nhà thương thì thấy cả nhóm bác sĩ y tá vẫn còn đang cứu cấp cho anh. Họ còn biểu chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần vì khó ai qua khỏi khi bị sepsis shock như vầy.
Trời ơi!
Trong phòng ICU, họ cho hay anh đã bị nhiễm trùng rất nặng, nhứt là vi trùng Ecoli và không hiểu tại sao lại bị vi trùng này xâm nhập.
Chiều đó bác sĩ cho biết phải gắn máy trợ thở cho anh.
Anh vật vã với cơn sốt cả đêm ngày.
Từ đó anh không còn mở mắt nữa, nhưng, khi tôi gọi tên, anh còn có thể xoay đầu qua. Tôi nắm bàn tay anh, anh cố kéo lên đẩy cái ống thở.
Trong họng anh khò khè cố nói mà nói gì được vì đã bị cái ống thở chận lại rồi. Tôi hiểu anh muốn kêu tôi cho rút ống ra. Trước kia hai vợ chồng thường nói không bao giờ muốn sống bằng máy trợ thở hay phải sống như người thực vật.
Bác sĩ đang cố cứu anh, làm sao mà tôi kêu rút ống ra cho được?
Ngày hôm sau anh bị stroke, cánh tay bên mặt không cử động được và không còn phản ứng khi tôi kêu tên anh nữa.
Hai hôm sau bác sĩ nói gia đình hãy quyết định mấy giờ để rút ống thở ra vì nội tạng của anh đã từ từ mất hết khả năng hoạt động, nếu sống qua cơn này thì cũng là người thực vật.
Chỉ có một phép lạ xảy ra mới cứu được anh thôi.
Nhưng sao bàn tay trái vẫn còn cố đưa lên đẩy cái ống trợ thở ra? Đó là bản năng tự nhiên hay anh còn có chút nào biết suy nghĩ? Bàn tay trái vẫn cố đẩy như vậy cho tới giờ phút sau cùng, có mặt vợ, chị, em vợ, con, cháu, y tá rút ống trợ thở, rồi sau đó rút ống trợ thức ăn ra.
Từ đó bàn tay nằm yên.
Bác sĩ nói anh có thể ra đi sau vài giờ, vài ngày, vài tháng hay thậm chí, vài năm.
Tôi nói muốn đem anh về nhà.
Quá trễ rồi.
Năm tiếng đồng hồ sau, anh thở ra nhẹ nhàng.
Rồi ngưng.
Anh đã buông bỏ cuộc đời này, ngay chiều tối Lễ Giáng Sinh, 24 tháng 12, một tháng trước khi bước tới tuổi 75.
***
Nếu từ mấy năm trước, dầu cho anh có cứng đầu không chịu, tôi cũng phải tìm bác sĩ chuyên trị bịnh tim, bắt buộc anh đi tái khám và theo dõi thì trái tim có bị nghẹt, nặng như bây giờ?
Nếu ngay từ cuối tháng 9 tôi đem anh vô nhà thương chuyên trị bịnh tim này, tuy xa hơn nhưng có hy vọng nhiều hơn. Họ cũng có trung tâm phục hồi ngay tại chỗ, anh được theo dõi và chữa bịnh sớm hơn.
Nay anh đi rồi, người thân bạn bè an ủi: -Ai cũng phải chết. Đi sớm cho khỏe, hết đau đớn.
Anh hết đau đớn nhưng tôi đau lòng. Con cháu, người thân, quen, đau buồn biết bao.
Nhà nuôi con chim Africa Gray biết bắt chước giọng người này người kia, mà anh thường nói “Nó có thể còn sống sau khi mình đã chết” Có khi thấy tôi đi ngang, nó kêu, “Xuânnnn…” bằng giọng nói của anh làm tôi giựt mình.
Không biết nó có hay, có biết, vĩnh viễn sẽ không bao giờ gặp lại anh nữa.
Buổi tối cuối cùng còn có thể nói được, có lẽ biết trong người bịnh quá nặng, có lẽ anh nhớ thương tôi, muốn nói chuyện với tôi nhiều hơn mà tôi đã nhẫn tâm gạt ngang, bắt anh phải ngủ đi. Chắc anh buồn giận tôi lắm. Mà nhà thương đã từng dặn là đừng làm anh căng thẳng hay giận hờn.
Bịnh tim mà.
***
Tất cả mọi vật của anh, xung quanh anh, vẫn còn. Thấy bất cứ thứ gì cũng nhìn thấy anh.
Cái cân đo lường khi nấu nướng. Những thực đơn cữ kiêng. Cái ghế mới tinh có thể giúp người đang ngồi, từ từ đứng lên. Cái bồn cầu loại cao, anh chưa từng được ngồi thử.
Bây giờ nhớ lại, tôi tức.
Phải chi tôi đã đem anh về nhà, một người lo cho một người hơn là một nhân viên phụ tá mà phải lo cho 7, 8 bịnh nhân.
Đem anh về rồi dùng lời ngọt dịu, khuyên anh, ráng ăn uống, chắc anh vẫn còn sức chống chọi, không bị nhiễm trùng như vậy.
Bây giờ, muốn rót cho anh ly nước, tách cà phê, muốn nấu cho anh tô bún bò xào với nhiều củ hành và nước mắm chính tay tôi pha, muốn nói vài lời thương yêu, cũng không được nữa rồi.
Anh đã về nhà, trên bàn thờ, đợi tôi cho tới ngày tro cốt của mình gặp lại nhau trong làn nước biển hẹn hò.
Rồi ta sẽ “Side by Side Forever” - Bên nhau mãi mãi.
Giờ đây, tôi phải cố mà sống một mình, như vầy, trong ân hận, trong tiếc thương, trong nước mắt.
Cho tới hết quãng đời còn lại.
“Tôi bây giờ đứng thu thân
Sống cam phận nhỏ chia phần an vui”.
(Thơ Nhã Ca)
Cam phận nhỏ thì có, an thì cũng an, nhưng vui thì anh đâu còn nữa để tôi có thể chia phần với anh.
Mình ơi!…./.
Trương Ngọc Bảo Xuân
No comments:
Post a Comment