Monday, April 10, 2023

Giữ Cháu Ngoại


Ông và cháu (hình tác giả cung cấp).

Theo Khổng Tử thì con người khi tới một tuổi nào đó mới hiểu rõ được một số điều mà những người chưa đến tuổi đó không hiểu nổi. Thí dụ như đến sáu mươi tuổi mới có trình độ “lục thập nhi nhĩ thuận”, tức là có học vấn và kinh nghiệm trường đời chín mùi, sự hiểu biết và việc làm mới chu đáo, không thấy những gì nghe được là khó hiểu hay chướng ngại và có thể phán đoán được ngay mọi việc. Năm nay tôi sáu mươi sáu tuổi, vậy mà có những chuyện tôi không biết gì cả, hay nói đúng hơn tôi tưởng là biết nhưng biết rất hời hợt, vì tôi chưa hề sống với kinh nghiệm đó, cảm giác đó. Việc giữ cháu là một thí dụ.

Lâu lâu chúng ta nghe các bậc cha mẹ tỏ ra nóng lòng, nhắc nhở con mình sao không lấy vợ, lấy chồng đi để ông bà sớm có cháu mà bồng. Những lúc đó tôi có suy nghĩ, mà không nói ra: bồng cháu thì mỏi tay chớ có sướng ích gì mà mong dữ vậy? Tôi có người chị vợ ở Canada vừa mới có cháu ngoại đã gửi cho vợ tôi cả chục cái email báo tin và nói đủ chuyện. Theo tôi, chỉ cần gửi một hay hai cái báo tin mừng là đủ, hà cớ gì phải gửi nhiều lắm thế, chuyện gì mà nói nhiều thế? Tôi có ông bạn hàng xóm. Khi có cháu ngoại thì email cho tất cả bà con nội ngoại xa gần, kể cả Việt Nam chưa đủ, ông còn email cho bạn bè, dĩ nhiên trong đó có tôi, mặc dầu không quen thân. Ông này không viết nhiều, chỉ viết mỗi một câu ngắn mà lặp lại hai lần “Tôi có cháu ngoại rồi! Tôi có cháu ngoại rồi”. Lúc đó tôi chưa hiểu được nỗi vui mừng của bạn tôi, mà nói, dĩ nhiên là chỉ nói với vợ con tôi thôi: Có cháu ngoại chớ có phải trúng số đâu mà làm ầm ì cả xóm vậy?

Bây giờ có cháu rồi tôi mới hiểu và thông cảm được niềm hạnh phúc của những người mới được lên chức ông, bà. Không biết với mọi người thì sao, chớ đối với tôi được lên chức ông ngoại thì cảm thấy sướng còn hơn là từ chuẩn úy được thăng cấp lên thiếu úy trong quân đội nữa. Trở lại chuyện trúng số. Khi gia đình có thêm một người thì đúng là số trời cho chớ còn gì nữa! Nhưng trời cho trúng số chỉ là cho tiền bạc thì làm sao so với một linh hồn bé bỏng, biết khóc, biết cười, biết vui, buồn, giận, ghét? Trong dân gian Việt Nam có những câu rất đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa, có tính triết lý rất sâu xa. Chẳng hạn như: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay ”. Một câu nói dân gian, đơn giản mà tóm tắt được cả nội dung của trường phái tâm lý học nội quan Tây phương. Đó là khía cạnh độc đáo của văn chương bình dân Việt Nam, nếu không quan tâm, không có tấm lòng thì không nhìn thấy được.

Việc giữ cháu ngoại của tôi chỉ là tình cờ. Lúc đầu mỗi ngày ba me cháu đem cháu đi gửi cho bà nội vì bà có kinh nghiệm giữ cháu lâu năm, cháu nội cháu ngoại đều có đủ. Một hôm ngoài trời tuyết đổ thật nhiều, người lớn cũng phải rét run, thế là con gái và con rể tôi, hai vợ chồng quấn con trong nhiều lớp áo, đầu phủ khăn kín mít, khệ nệ xách con từ lầu ba xuống đất, bỏ cháu vào “car seat”, đem đi gửi bà nội rồi mới đi làm. Thấy tội nghiệp, tôi mới nói để tôi giữ cho vài bữa. Vậy mà tôi đã giữ cháu ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Bây giờ cháu ngoại tôi đã biết đi và chạy cùng nhà, còn bập bẹ kêu lên mấy tiếng ông, ông nữa. Thật là tuyệt vời, ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Từ hồi nào tới giờ tôi vẫn quan niệm việc giữ trẻ con chỉ thích hợp đối với phụ nữ vì họ vừa khéo léo, dịu dàng lại có sức chịu đựng. Đó là thiên chức trời cho, dành riêng cho mấy bà, chớ đâu phải việc của mấy ông. Người ta thường nói cô bảo mẫu chớ ít ai nghe nói cậu bảo mẫu hay ông bảo mẫu.Tôi thì già lại không có tính kiên nhẫn nên không bao giờ giữ được con nít. Mặc dầu rất thương, tôi chỉ có thể rờ rẫm hoặc ẵm bồng nó một vài phút là cùng. Đến lúc này mới rút ra được bài học kinh nghiệm: Đối với bản thân, tôi còn chưa đánh giá và hiểu được đúng thì làm sao mà hiểu và đánh giá được người khác?

Bây giờ thì tôi thay tã cho cháu rất rành, còn biết pha sữa, pha thức ăn cho cháu nữa.Tôi “nắm” được tâm lý, thói quen của cháu nên việc chăm sóc cháu không khó khăn lắm. Chẳng hạn khi cháu làm biếng ăn, hoặc cháu giỡn, không chịu há miệng ra thì tôi đem một món đồ chơi đến dụ cháu, lúc đó cháu mê chơi nên ăn một cách phản xạ, ngon lành. Lúc cháu hơi buồn ngủ cho cháu ăn là dễ nhất. Lúc đó cháu gần như không cử động, hai con mắt lờ đờ thì tôi đút thức ăn bao nhiêu cháu cũng nuốt hết. Ăn xong, ẵm vào giường, chưa kịp đặt xuống thì cháu đã ngủ rồi. Ban ngày cháu ngủ ba lần. Giấc ngủ ban ngày của cháu thường kéo dài chừng hai giờ, có khi là ba giờ. Trong khoảng thời gian này có thể cháu thức giấc một vài lần. Mỗi lần cháu cựa mình, thức giấc tôi lên tiếng thì cháu ngủ tiếp, cũng có khi tôi phải gãi lưng cho cháu vài cái, lúc đó thì cháu an tâm, biết có tôi bên cạnh. Có những lúc cháu thức giấc, hai con mắt không có mở ra mà quờ quạng tìm tôi, trèo lên ngực tôi ngủ ngon lành, thương quá là thương! Cháu đang chơi giỡn bỗng nhiên chạy đến cạnh bàn, đứng đó im lặng, gương mặt đỏ bừng lên là biết cháu đang mắc “ị”. Nhưng không phải lúc nào cũng có tín hiệu như vậy. Thành thử lâu lâu phải ghé mũi vào đáy quần của cháu. Khi nghe có mùi “thơm” thì biết. Lúc nhỏ cháu ít táy máy chân tay nên việc thay tã cho cháu rất dễ dàng.

Bây giờ cháu biết đùa giỡn, chân tay không lúc nào yên, con trai mà. Mỗi lần đặt cháu xuống giường thì cháu lồm cồm ngồi dậy, nếu cháu chịu nằm xuống thì hai chân lại đạp lia lịa, cho nên thay tã rất khó. Lúc đó tôi phải hướng sự chú ý của cháu sang một việc khác, chẳng hạn đưa cho cháu một món đồ chơi để cháu mân mê, lúc đó cháu sẽ quên việc đạp chân. Cháu có thói quen là mỗi khi nhặt được bất cứ thứ gì cháu đều lật đật bỏ vào miệng, từ cây viết đến bông hoa, từ mẫu vải vụn, giấy vụn đến nguyên cả một cuốn sách. Nếu như nhặt được trái ớt có lẽ cháu tôi cũng bỏ vào miệng. 

Một trong những lý do khiến cho tôi yêu tất cả trẻ con trên hành tinh này là vì chúng hồn nhiên, ngây thơ, trong trắng quá, chớ không biết suy nghĩ, tính toán, loc lừa, độc ác và phản bội như người lớn. Cháu ngoại tôi có điều hay là chỉ gậm nhấm chớ không bao giờ nuốt. Cháu cũng biết há miệng, thè lưỡi để cho tôi lấy mọi thứ từ trong miệng ra. Vậy là cháu cũng khôn đó chứ! Từ lúc mới sanh đỏ hỏn cho đến lúc biết lật, biết trườn, biết bò, biết ngồi, biết đi, rồi biết chạy là cả một khoảng đường dài khó nhọc, coi vậy mà trôi qua rất nhanh. Tất cả đều được tôi ghi vào máy ảnh. Tôi đã chụp cho cháu cả trăm bức ảnh, trong đó tôi thích nhất là những bức ảnh cháu ở trần ở truồng, khi cháu chập chửng mới tập đi, tôi chụp ở mọi tư thế, góc cạnh. Những tấm ảnh này bây giờ xem rất bình thường nhưng vài chục năm sau nó sẽ rất quý. Tôi nói với ba mẹ cháu vào ngày đám cưới cháu sẽ làm slide show, chiếu lên cho mọi người xem. Lúc đó chắc là tôi không còn trên thế gian này nữa, nhưng có sao đâu?

Giữ cháu ngoại đối với tôi bây giờ không còn khó khăn như lúc ban đầu nữa, nhưng phải nói là rất mệt, mệt còn hơn đi làm việc ở sở nữa. Cả ngày phải chạy theo cháu, tôi muốn vẹo xương sống luôn. Tôi bị đau cột sống từ lâu mới là khổ. Lúc mới giữ cháu tôi cân nặng một trăm bốn mươi lăm pound, bây giờ còn chưa tới một trăm bốn chục pound. Có lẽ vì phải chạy bộ nhiều và vì ăn uống thất thường nên tôi bị sụt cân. Bù lại, cái bụng tôi nhỏ bớt cũng là điều tốt. Bình thường cháu chạy chơi thì tôi rất khỏe. Có những lúc cháu không chịu để xuống, cứ bắt ẵm hoài là biết cháu bị bệnh hoặc có điều gì bất thường. Nhiều lúc tôi để cháu ngủ trên tay tôi cả mấy tiếng đồng hồ. 

Điều tôi lo nhất bây giờ là vào một ngày nào đó chứng đau cột sống của tôi tái phát nặng và tôi không giữ cháu tôi được nữa! Không có giây phút nào mà tôi không để mắt tới cháu. Có những lúc cháu ngủ tôi cũng nằm bên cạnh để cho cháu ngủ được yên giấc. Có một chuyện rất lạ: Mới ngoài mười hai tháng tuổi mà cháu rất thích nghe hát ru. Mỗi lần tôi ru thì cháu lắng nghe, tỏ ra rất thích thú. Tôi rất ngượng ngùng khi viết ra điều này. Ai đời ở xứ Mỹ hôm nay lại có ông già ru cháu ngoại bằng ca dao:

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời

Rõ ràng là việc ru cháu là việc của mẹ nó chớ không phải việc của ông ngoại. Sẽ có người thắc mắc: Ở Mỹ này làm gì có cầu ván với lại cầu tre? Thôi thì trước một tâm trạng, mỗi người có thể có cái nhìn khác nhau. Có người cho là hài kịch, có người cho là bi kịch, là ý nghĩa, là chua chát, đắng cay…

Mỗi ngày tôi phải dậy lúc sáu giờ, chuẩn bị ăn uống xong là lái xe sang nhà con gái tôi để trông cháu cho vợ chồng nó đi làm đến bảy giờ chiều mới về, những hôm chúng về sớm thì cũng phải sau sáu giờ. Vậy là mỗi ngày tôi phải “làm việc”, nói đúng hơn là lao động, không hiểu là lao động loại gì. Không phải là lao động trí óc, cũng không phải là lao động chân tay, gọi là lao động giữ trẻ có lẽ chính xác nhất, tiếng Anh, tiếng Mỹ gọi là baby-sitting, trên mười hai tiếng đồng hồ. 

Khi về tới nhà chỉ muốn đi nằm chớ không thể ngồi bên “computer” để viết lách hay đọc báo gì được. Đọc và viết là nỗi đam mê, là niềm hạnh phúc của tôi trong tuổi già, hay thỉnh thoảng xách máy ảnh đi chụp bất cứ thứ gì, hoặc vác cần câu đi câu cá cũng là niềm vui, rất thú vị, nay phải chia sẻ cho việc giữ cháu để có thêm niềm hạnh phúc mới. Tôi không biết những người nghiện xì ke, ma túy như thế nào, chớ tôi ghiền cháu tôi có lẽ cũng không kém. Tôi giữ cháu từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. Thứ Bảy và Chúa Nhật giao lại cho ba mẹ cháu thì tôi thấy thiếu và nhớ cháu thật nhiều, lại muốn chạy qua thăm để bồng, ẵm cháu.

Sau tháng đầu tiên tôi giữ cháu thì con gái tôi đưa cho tôi một số tiền. Ý chừng là để trả công cực khổ của tôi trong một tháng. Điều này rất là bình thường đối với mọi người sống trên đất Mỹ này. Thay vì đem cháu đến các trung tâm day care hoặc mướn người tới nhà giữ thì nhờ bà nội, bà ngoại rỗi rảnh, giữ giùm, cũng trả bao nhiêu đó tiền, bà có thêm thu nhập, có việc làm đỡ buồn, mà cháu cũng được chăm sóc tốt hơn, cha mẹ đi làm thì an tâm hơn, tất cả mọi đàng đều có lợi. Nhưng tôi thì có quan niệm khác. Tôi không nghĩ đến việc có lợi hay không có lợi, nhất là về tiền bạc. Tiền bạc thì ai cũng cần nhưng đối với tôi bây giờ không phải là nhu cầu quan trọng lắm. Hàng tháng tôi đã có lương hưu, tôi để dành lâu lâu còn gửi về cho em cháu ở Việt Nam được kia mà. Công sức và thì giờ tôi dành cho cháu thì nhiều thật nhưng nếu tôi nhận tiền thì tôi cũng giống như những người làm công khác và vào một lúc không vui, con gái hoặc con rể tôi có thể xem tôi và cư xử với tôi như một người vú em, một người làm công thì tội lỗi quá. Tôi muốn tránh điều này nên đã từ chối, không nhận tiền. Con tôi có đưa cho tôi một đồng hay một triệu đồng tôi cũng không nhận. Vấn đề ở đây là tình thương. Tôi đến với cháu tôi chỉ vì tình thương mà tình thương thì không thể đo lường và tính bằng tiền bạc được! Thương cháu chỉ là sự thương con nối dài. Ngày trước tôi thương con đâu có ai cho tiền cho bạc, bây giờ thương cháu cũng vậy thôi. Ngày trước khi đưa con gái tôi đi mẫu giáo mà nó khóc nhiều thì tôi ẵm về, bữa đó nghỉ làm ở nhà với nó. Bây giờ khi cháu tôi khóc mà tôi dỗ không được tôi rất xót xa, khi cháu ăn ít thì lo lắng, khi cháu té ngã thì thấy đau lòng, khi cháu “ị” được thì rất mừng, khi cháu mỉm cười thì rất vui. Những xót xa, lo lắng, đau lòng và vui sướng như vừa kể làm sao cân, đo, đong, đếm được, làm sao tính ra tiền được? Trả bao nhiêu cho vừa đây? Tiền bạc rất dễ làm mất đi ý nghĩa và sự trong sáng của một nghĩa cử cao đẹp.Tôi muốn bất cứ một hành vi nào của con người cũng mang một ý nghĩa tích cực nào đó.

Ngày trước nuôi con một đôi khi còn nghĩ rằng con mình sẽ thương mình, sẽ ngoan ngoãn và có hiếu, tới lúc già sẽ nhờ con.Ý nghĩ này mặc dầu phù hợp với điều Phật dạy: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu” nhưng vẫn còn vị ngã, mang tính cá nhân nhiều quá, nghĩ về mình nhiều quá! Bây giờ giữ cháu thì hoàn toàn không nghĩ gì cả. Nếu có nghĩ thì nghĩ là khi cháu lớn khôn chưa chắc mình đã còn sống để cho nó biết mặt ông ngoại, một người đã từng giữ nó, chăm sóc nó,yêu thương nó. Mỗi ngày được giữ cháu, được ẵm cháu trong tay là niềm vui lớn. Một nụ cười hồn nhiên, trong sáng và thánh thiện, một cái nheo mắt tinh nghịch của cháu với tôi là cả trời hạnh phúc thì tôi còn mong gì nữa?

Hình như cuộc đời có một định luật là không có một niềm vui nào, một hạnh phúc nào là trọn vẹn. Cháu ngoại tôi là người Việt Nam nhưng khi lọt lòng mẹ đã là công dân Mỹ, mang một cái tên Mỹ chớ không phải Việt Nam. Tên cháu là Brandon. Phải chi ba cháu đặt cho cháu tên là Cu, là Tý hay Tèo gì đó để cho tôi âu yếm gọi, có lẽ tôi cảm thấy ấm lòng hơn, hạnh phúc của tôi sẽ trọn vẹn hơn.

Duy Nhân

No comments:

Post a Comment