NHỮNG NGƯỜI Ở LẠI
Tặng các bạn đã gặp gỡ ở Trảng Lớn Tây Ninh 75
Trường La San Taberd Saigon 27-7-1975
Chia tay vội vã với người vợ trẻ trước cổng trường, vác ba-lô, chạy vội vào trong, không ngoảnh lại. Thôi thì cũng liều nhắm mắt đưa chân. Bạn bè cũ mới, mừng rỡ gọi nhau ơi ới.
Thiếu úy Nhảy Dù, Trung úy Biệt Động Quân, Đại úy Thiết Giáp, ôi thôi đủ mọi binh chủng. Rồi Cha Tuyên úy Công Giáo, Đại đức Tuyên úy Phật Giáo, Bác sĩ, Kỹ sư biệt phái, mọi người đều khăn gói gió đưa tình nguyện đi ở tù.
Có người mặt mày ủ ê buồn thảm vì viễn tượng ngày mai u ám nhưng cũng có một đôi khuôn mặt rạng rỡ, tràn đầy hy vọng, tin tưởng sẽ được đoàn tụ gia đình sau 10 ngày xa cách ngắn ngủi. Mình mừng gặp được hai thằng bạn Huế ngày xưa: Lâm bác sĩ, Thúy kiến trúc sư. Gom hành trang một góc tường, gối đầu lên chiếc ba lô rách bươm thuở đi hành quân trên Cao Nguyên, nói chuyện thời học trò, thời lính tráng và rồi san sẻ những âu lo về những ngày trước mặt.
Nhìn lên bảng đen, có cái thằng cò mồi mô đó bắt bài hát “Tự nguyện” của một tên sinh viên nằm vùng ở miền Nam:
“Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa tôi sẽ là một đóa hướng dương
Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương.”
Hay thực, đúng thực, thằng chó nào không ưa hòa bình, có thằng nào không muốn chết cho quê hương, nhưng quê hương mô mới được chứ! Quê hương Xã Hội Chủ Nghĩa ư?
Chữ nghĩa các ông không giống với chữ nghĩa chúng tôi. “Dân chủ” của các ông là do Đảng lãnh đạo và “Tự do” của các ông phải có Tổ Chức lo.
12 giờ đêm được lệnh tập họp lên đường, vào rừng U Minh, Hố Bò, Bố Lá hay đi vào cõi U Minh đây? 30 đứa lên một xe GMC, ngồi chồm hổm, bạt phủ kín mít. Bốn ông bộ đội cầm súng AK 47, lựu đạn đeo tòn ten, đứng bốn góc. Chẳng thấy đường xá mô tê chi cả. Tiếng xe thiết giáp ầm ĩ dẫn đầu, đoàn xe dài dằng dặc e cũng vài trăm chiếc, chạy mãi chạy hoài trong đêm. Cả bọn ngủ gà ngủ gật. Tiếng bánh xe lăn trên mặt đường hòa với tiếng ngáy tập thể thành một hợp âm buồn thảm lạ lùng.
Căn cứ Trảng Lớn – Tây Ninh 28-7-1975
Xe ngừng đột ngột, cả bọn dồn cục, thức giấc, thầm thì trời sáng rồi, đây là đâu?
Có lệnh xuống xe, mặt nhìn mặt ngơ ngác. Bỗng có tiếng la lớn: “A! Trảng Lớn, Tây Ninh bây ơi! Căn cứ của đơn vị tau đây mà. Chà, mới có hai tháng mà tan tành như sau một trận động đất.”
Động đất thiệt còn chi nữa, hơn cả động đất mà trời sập lận.
Rồi cũng không biết có lệnh của ai mà mọi người đều túa ra tứ phía, vô các giao thông hào tìm chỗ ở. Người cầm một miếng các-tông, kẻ phủi phủi cái bao ni-lông, anh nọ tâng tiu cái thùng đạn. Cũng có người giành nhau la chí chóe như con nít. Nghĩ cũng tức cười, cũng ông này ông nọ, bỏ nhà cao cửa rộng, xe cộ sang trọng, vợ đẹp con khôn, vào đây giành giựt từng miếng ni-lông, từng miếng gỗ, từng cái thùng đạn rỉ sét. Đúng là óc tư hữu, thói ích kỷ của chúng ta nặng nề quá, càng ở trong hoàn cảnh khó khăn càng bộc lộ dữ đội.
Có tiếng còi tập họp chia đội, chia tổ và chi khu vực. Cứ 10 người là một tổ, 60 người thành một đội và 200 người là một khối. Tổ mình được chia cho một cái lô-cốt gần ụ đạn, ngổn ngang sắt thép và súng đạn đủ loại: súng cối 81 ly, M 79, M 16 v.v.. Dọn dẹp súng đạn qua một bên, kê mấy tấm ván, trải tấm ni lông nằm đỡ hơi đất và rắn rít. Đêm nay lại nằm trên súng đạn và ngủ với giun dế như những ngày hành quân năm xưa. Không ai ngủ được vì lạ chỗ, nhớ nhà nhớ vợ, nhớ con, ngổn ngang trăm mối bên lòng. Thỉnh thoảng có tiếng thở dài và hình như có tiếng khóc.
30-7-1975
Anh đội trưởng lên họp Tiểu đoàn về thông báo kế hoạch “của trên”:
– Tuần thứ nhất: ổn định nơi ăn chốn ở .
– Tuần thứ hai: làm bản tự khai .
– Tuần thứ ba: “lên lớp” học tập chính sách của Cách Mạng..
Có tiếng xì xầm trong hàng và một người hỏi:
– Ủa, CM nói chỉ đi học 10 ngày thôi, nay đã 3 ngày rồi, chỉ còn một tuần nữa mà sao có chương trình những 3 tuần?
Anh đội trưởng cười cười, cái miệng méo xệch:
– Tôi chỉ có nhiệm vụ truyền đạt lại những gì mà anh Trạm, chính trị viên Tiểu đoàn nói buổi giao ban sáng nay mà thôi. Tôi cũng lên thắc mắc đó của anh em thì được trả lời là CM ra lệnh cho anh em “chuẩn bị” 10 ngày và sau đó CM sẽ lo cho anh em sau mười ngày là về đâu. Từ nay chúng ta được gọi là Học Viên. Ngay hôm nay anh em ra phi trường trước mặt, nạy các tấm vỉ sắt lót đường bay về kê mà nằm cho cao ráo, sửa soạn nơi ăn chốn ở vệ sinh sạch sẽ, để chúng ta có điều kiện “học tập tốt, lao động tốt”.
Mặt tên nào tên nấy dài thòng, xìu như cái lốp, nghe như chuyện buồn trăm năm. Cả bọn lục tục kéo nhau ra phi trường, mình chui vô xác chiếc máy bay rớt ngồi chơi. Một thằng miệng ăn mắm ăn muối hát nghêu ngao mấy câu trong bài “Em tôi” của Lê Trạch Lựu. Mình chỉ nghe được một câu: “Ngày về xa lắm… người ơi”.
Cậu Thạnh, dược sĩ, 26 tuổi, Bắc Kỳ di cư 54, lầu bầu chửi thề: “Có mà về với Chúa. ĐM, ngu như chó cả lũ, ngơ ngáo đưa tay cho chúng nó còng, đưa đầu cho chúng nó chặt, chết cả nút cũng đáng đời.”
Nằm bên Thạnh đêm nay nghe tâm sự đời chàng, cả nhà di tản, vì thương người yêu, những tưởng ở lại để được kết tóc xe tơ, ai ngờ cũng phải chia lìa.
Ngoài sân, hai con chó rượt đuổi nhau rần rật.
– Ê, Nixon, Johnson lại đây, lại đây!
À thằng chính trị viên Trạm này bần tiện và ghê gớm thật. Nó đặt tên hai con chó là tên hai ông Tổng Thống Mỹ đã ra lệnh dội bom vào đầu chúng. Có lẽ thằng này đã từng suýt chết đâu đó vì B.52 trên rừng Trường Sơn hay ngoài núi rừng Bắc Việt nên thâm thù “Mỹ – Ngụy” ghê lắm. Mấy ngày ni hễ cứ nhắc đến miền Nam là hắn chửi thằng Kỳ, thằng Thiệu, thằng Hương v.v… lạ tai và khó nghe quá, nhưng thôi, ngủ đi, mai kể tiếp kẻo phạm “nội quy qui định của trại” thì khốn.
16-8-1975
Cả bọn cởi trần trùng trục, quần xà lỏn, mồ hôi dầm dề, mải mê đánh vật với cái bản tự khai chết bầm. Khai từ khi cha sanh mẹ đẻ cho đến khi trời sập, mất hết 3, 4 ngày suy nghĩ nát óc, mà khi nộp lến trại cũng bị trả về, bắt buộc phải viết lại vì chưa thành thật khai báo. Cách Mạng biết hết rồi nhưng chính bản thân phải “thấy rõ tội lỗi”, phải “thành thật khai báo” với CM mới được CM cứu xét khoan hồng mà sớm về với vợ con, cha mẹ. Chức vụ chưa đúng, tội lỗi chưa khai hết. Phải khai như gợi ý của CM là đã đốt bao nhiêu cái nhà, giết bao nhiêu đứa trẻ, hiếp dâm bao nhiêu phụ nữ, tra khảo bạo nhiêu cán bộ CM v.v… Cụ thể ngày giờ, địa điểm v.v. ..
Chàng Dân, kiến trúc sư, hiền như bụt, làm ở Khu Quân Sản Tạo Tác, chỉ biết có công việc xây nhà cho lính ở, không một ngày cầm súng tác chiến, đến nỗi mang khẩu súng Colt 45 ứng chiến cấm trại mà chẳng biết cái gắp đạn có mấy viên. Thế mà cứ bị chính trị viên kêu lên, kêu xuống hạch sách đủ điều, khai năm lần bảy lượt, lần nào anh cũng viết là chẳng có tội tình chi với ai cả. Lần thứ 8 chàng ta nổi điên, thành thật khai báo là đã đi hành quân hơn trăm trận, đốt hơn 3,000 ngôi nhà và nhất là vô cùng hối hận vì đã hiếp dâm hàng trăm phụ nữ nhớ không hết; sau khi thỏa mãn thú tính, chàng ta còn xẻo vú xẻo tai ngâm dấm đem về nhậu rượu nữa chứ.
Thế là chàng ta bị tội ngoan cố cùng cực, chống đối CM đến cùng, khi dễ, diễu cợt cán bộ, bị gọi lên Văn Phòng, bị trói vào cọc sắt bỏ đói sau ụ đạn. Anh em bị cấm liên lạc, chỉ biết nhìn nhau ái ngại, nước mắt lưng tròng.
Hai giờ sáng, một tiếng nổ dữ đội, anh em hốt hoảng chạy về ụ đạn mới hay Dân đã khều được một quả lựu đạn, rút chốt an toàn ôm vào lòng để được sớm đi vào cõi bình yên.
Chia nhau đi lượm từng phần thân xác anh, gom lại trong một chiếc poncho, đặt vào chiếc hòm gỗ đóng vội bằng thùng đạn pháo binh. Bốn đứa bốn góc đưa lên vai khiêng anh ra phi trường, vùi nông một nấm cuối đường bay ngày xưa. Ngủ đi anh giấc ngủ bình yên.
Xin gửi cho anh những dòng nước mắt này thay nén hương thành kính tưởng niệm một người bạn tù anh dũng, một chiến hữu can trường.
Còn chúng tôi, biết ra sao ngày mai, sẽ đến phần ai đây?
Trảng Lớn tháng 9-1975
Cuộc sống tù túng, thiếu thốn trăm bề, tương lai mù mịt, thương nhớ gia đình vợ con quay quắt. Con người ta trở nên điên khùng nóng nảy, khắc nghiệt, ích kỷ hơn bình thường. Thế nên, rất dễ bùng nổ dù chỉ là những chuyện cỏn con giữa những người anh em, giữa bạn tù với nhau.
Phần lớn anh em chúng mình đều có học thức, có tư cách, tự chế được, nhưng cũng có một vài anh em tinh thần sa sút hoặc tâm địa không tốt, dễ “chao đảo”, cam tâm làm mật báo viên (trong trại chúng tôi gọi là Antenna) báo cáo hại bạn đồng đội để mong lập công chuộc tội, hy vọng sớm trở về với vợ con.
Một vài người thì không chịu nổi đói thiếu thốn nên sinh tật ăn cắp, ăn trộm từ cá khô, từng cục đường hoặc giành ăn cơm cháy trong khi anh em đi lao động. Thỉnh thoảng xẩy ra những cuộc ẩu đả vì miếng ăn, thực đau lòng không kể xiết.
Thế mà mình cũng dính vào trong một vụ xung đột không phải vì miếng ăn mà chỉ là lời nói. Cậu Như, bác sĩ nhà ta có tật ăn tục nói phét của Bắc Kỳ quốc, mình lại có tật nói móc lò, móc họng của Trung Kỳ quốc. Thế mới ra nông nổi.
Đang nằm mơ mơ màng màng gửi hồn về căn gác nhỏ góc Bàn Cờ – Nguyễn Thiện Thuật, nơi có vợ hiền con dại đang mỏi mắt chờ chồng, chờ cha trở lại thì bị tiếng oang oang của cậu BS Như cắt đứt giấc mộng đẹp:
“Mẹ kiếp, tớ khi chọn vợ đã dựa trên 4 tiêu chuẩn sau đây: thứ nhất là con gái đẹp, trinh trắng; thứ hai phải là con nhà giàu; thứ ba là học giỏi; thứ tư là phải biết đàn piano. Không đủ 4 yếu tố đó tớ đếch thèm lấy.”
Nói xong cậu ta cười hô hố tự đắc, tự mãn.
Nghe đã chói lỗ tai, thấy bộ tịch gai con mắt nên mình mới buột miệng:
“Ê, cậu không biết chỗ mà tìm vợ đó, chứ 4 điều kiện đưa ra dễ ợt à, cậu tới nhà thờ mà kiếm mấy bà xơ là có ngay. Bà xơ nhiều bà đẹp lắm, trinh trắng hơn tờ giấy trắng, quỹ của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo thì giàu lắm, chắc chắn không nhà giàu nào sánh nổi, mà khi vào lớp 1, lớp 2 là đã học piano rồi và đi tu thì lo học chứ đâu còn nghĩ chuyện chi khác đâu nên bà xơ học giỏi lắm. Ít ra cũng có Tiến sĩ Thần học ngang hàng với Tiến sĩ Y khoa của cậu đó.”
Thế là cậu ta nổi xung lên, tuôn một tràng tiếng Đan Mạch rồi chụp cây dao hùng hổ chạy đến kiếm mình xin tí huyết: “Cái thằng Huế, cái miệng ăn mắm ăn muối độc địa”. May mà có chàng Nông đẹp trai ra tay nghĩa hiệp bênh vực kẻ nhỏ con không thì cũng lãnh đủ vì vạ miệng. Thôi từ nay xin chừa.
Trảng Lớn tháng 10-1975
Rứa là đã gần 100 ngày trôi qua, mòn mỏi đợi chờ. Tin đồn tràn ngập. Người nào cũng lý luận theo cảm quan của mình. Chẳng có ai đúng cả. Một ít đồ ăn mang theo đã hết từ lâu. Mỗi ngày hậu cần phát gạo, thịt hộp Trung Cộng, thịt hộp của QLVNCH, tự nấu lấy mà ăn. Thèm đủ thứ, một hơi thuốc lá, một ngụm cà phê, nhất là thèm ngọt chi lạ.
Tối hôm qua có chú bộ đội tới gạ bán thứ đường kho cá ở nhà, đen thủi đen thui, 1 kí-lô 42 cục. Thèm quá ăn luôn một hơi 1 kí-lô, sáng mai cái miệng sưng vù vì nhiệt…
Không biết bây giờ em ở mô? Sàigòn hay đã về Huế? Con cái ra răng? Tội nghiệp con bé út Móm đã đầy năm, nhớ quá đi mất, nhớ muốn đứt ruột mà cái anh chàng Phong mặt rỗ hoa mè, đẹp trai, hát hay đàn giỏi lại rên rỉ “Xuân này con không về chắc mẹ buồn lắm…”. Tự nhiên nước mắt cứ ứa ra. Bỗng, có tiếng báo động:
– Ê! Stop, please. Suỵt, suỵt… xì tốp.
À, ông Trạm, Thượng úy chính trị viên Tiểu đoàn đến. Ông này cái miệng cá ngão, răng hô như cái mái hiên, đội thêm cái nón cối thì giống y chang cái bia Việt Cộng bằng giấy ngoài sân bắn của các quân trường.
– Anh Phong hát bài nhạc vàng gì đấy nhẩy?
– Dạ tôi không nhớ tên chỉ nghêu ngao vài câu cho đỡ buồn.
– Thế các anh buồn lắm à, tại sao lại buồn? Nước nhà Hòa Bình, Độc Lập rồi mấy anh buồn cái gì? À mà này, anh Phong ở trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị giữ chức vụ gì nhẩy?
– Dạ thưa anh, tôi làm phụ khảo ạ.
– À, ghê nhẩy, “phụ tá tra khảo” những người yêu nước! Thế mà trong bản tự khai anh vẫn chưa thấy rõ tội lỗi của mình.
– Dạ thưa anh, không phải ạ. Công việc của tôi là phụ giúp ông giáo sư chính, giảng lại bài cho sinh viên và giải đáp thêm những điều sinh viên chưa hiểu rõ mà thôi.
– Ừ, các anh tưởng CM không biết gì hết hay sao? CM biết rõ tất cả các anh, từng người, từng chân tơ kẽ tóc và còn biết trong đầu các anh đang nghĩ gì, đang định làm gì nữa kia. Anh Phong, lên Tiểu đoàn gặp tôi, nhớ mang theo giấy bút.
Anh em nhìn Phong ái ngại nhưng Phong cười cười tỉnh bơ, khoác vội cái áo trận bạc màu, vừa đi vừa diễu:
“Trạm ơi thương lấy Phong cùng
Tuy khác Chiến Tuyến nhưng chung một Ngành.”
Hồ Đăng Định
(Trích trong Nhật Ký 2,000 Ngày Thử Lửa)
No comments:
Post a Comment