Wednesday, October 5, 2022

Văn hóa tự nhiên, chơi cha thiên hạ.

Khiet Nguyen

Một chiến hữu của tôi đang sống tại Việt Nam có một đứa cháu nội đang theo học tại Melbourne từ hơn 4 năm nay. Khi cô bé mới sang Úc, chiến hữu này có nhờ tôi rằng nếu cháu có cần điều gì thì xin cố gắng giúp. Tôi đáp lại rằng tôi rất sẵn lòng giúp, hướng dẫn những gì mà tôi có thể. Sau đó, cô bé có gọi điện thoại đến chào tôi, cám ơn và tỏ ý mong được tôi giúp đỡ, hướng dẫn khi cần. Tôi cũng đáp lại giống như những gì mà tôi đã nói với ông nội của cô bé.

Suốt từ đầu năm 2018 cho đến đầu năm nay, cô bé vẫn đều đặn nhắn tin hỏi thăm tôi và trong các dịp lễ thì đều gửi lời chúc tốt đẹp. Thế nhưng tuyệt đối cô bé không hề nhờ vả tôi một điều gì, và cũng không hề thấy than thở về cuộc sống khó khăn nơi đất khách quê người. Hiếm lắm, cô bé mới hỏi một vài câu liên quan đến bài làm trong trường.

Mãi đến tháng Tư năm nay, cô bé mới nhờ đến tôi trong một trường hợp bất đắc dĩ. Một bạn học của cô bé từ thuở nhỏ ở Việt Nam, đang du học ở Sydney, xuống thăm cô nhân nghỉ lễ Phục Sinh. Chẳng may, cô này đi lạc, đứng ngơ ngác ở một nhà ga xe lửa cách thành phố Melbourne hơn 60 cây số. Cô bé nhờ tôi chở cô ấy đi đón bạn. Tôi rất vui lòng.

Khi tôi chạy xe đến nhà đón cô bé thì thấy có đến hai cô đứng đợi trước cổng, nên không biết cô nào là cháu nội của bạn mình. May sao, một cô tươi cười bước đến tự giới thiệu. Tôi đáp lại, "Chào hai cô. Mời hai cô lên xe ạ." Cô gái đi cùng, tuổi khoảng 23 hay là 24, nghe tôi chào và mời như vậy thì nhìn tôi tỏ vẻ khó chịu. Có thể cô ấy nghĩ rằng một người đàn ông xa lạ như tôi thì phải chào cô một cách lễ độ hơn, đồng thời phải bước xuống mở cửa cúi đầu mời cô ấy nhấc gót sen vàng bước lên xe.

Sau khi bước lên xe rồi, cô này nhăn mặt hỏi tôi rằng, "Ghế xe có sạch không đây?" Hỏi xong, không cần đợi tôi trả lời, cô ấy nhìn qua nhìn lại rồi cầm lấy một bao thơ lớn khổ A3 mà trong đó có bài làm của 21 học sinh của tôi. Cô lấy bao thơ đó lót đít ngồi lên, mặt vênh vênh. Từ đó ra đến nhà ga xe lửa đón cô gái từ Sydney xuống và đi lạc ra đó, cô gái đi chơi ké kia còn lải nhải nhiều lần nhưng tôi phải chú tâm vào việc lái xe nên không đáp lại.

Trên đường từ nhà ga xe lửa trở về, tôi chạy ngang qua một toà nhà khá lớn, có treo quốc kỳ Hy Lạp. Cô gái đó chỉ tay vào lá cờ, nói bâng quơ, "Cờ Úc trông chán nhỉ!" Cô cháu thằng bạn nghe vậy, đính chính rằng đó là quốc kỳ Hy Lạp, chứ không phải Úc. Cô kia đáp lại, "Tôi chẳng thèm biết đến lá cờ Úc nó ra sao."

Vài phút sau, cô cháu của thằng bạn nhờ tôi chở đến một tiệm nào đó để ăn trưa. Tôi ghé Sunshine vì nơi đây có rất nhiều tiệm ăn, đủ các món Bắc - Trung - Nam, ai khó tính cách mấy cũng tìm được tiệm, được món ăn vừa ý mình. Cô gái đi xe ké vênh mặt nói với tôi rằng "Phải ra Melbourne mà ăn thì mới có nhà hàng xịn, thức ăn ngon. Đã đi ăn thì phải ăn cho đáng ăn". Tôi thưa rằng tôi không biết nhiều về Melbourne, lái xe ra đó lạc mấy lần rồi nên sợ đến già, không dám ra đó nữa.

Bữa ăn tái ngộ giữa bạn bè rất vui, mà cái cô đi ké, ăn ké lại vui hơn cả vì được ăn mà không phải tốn tiền. Cô ấy gọi đến những mấy món, ăn không hết. Thấy mấy cô mải nói chuyện, mải ăn, tôi xin phép ra ngoài hút thuốc. Lúc trở vô, tôi theo cửa sau, kín đáo đến quầy trả tiền. Tính tổng cộng mọi thứ, chưa bằng hai giờ đi làm của tôi. Rẻ chán.

Hai ngày sau, cô gái cháu nội của thằng bạn gọi đến, mời tôi đi ăn tối để đáp lễ. Tôi từ chối vì không đi được. Tôi nói thêm rằng nếu muốn mời tôi ăn để khỏi mắc nợ thì khi nào cô bạn trở về Sydney, sẽ đi ăn trước khi tôi chở cô ấy ra phi trường, hoặc nhà ga xe lửa. Cô bé rất đồng ý. Tôi dặn thêm rằng làm ơn đừng cho cô gái khiếm nhã thiếu nết na kia đi cùng, vì tôi rất khó chịu. Cô bé vâng lời.

Mãi đến bữa ăn chia tay đó, tôi mới để ý đến cô gái đến từ Sydney. Cô này khoảng 25 tuổi, hoặc trẻ hơn, cử chỉ và ngôn từ rất khiêm tốn. Cô cao ít nhất 1.70 mét, nước da trắng, nhưng hai bàn tay vẫn còn dấu vết của một thời vất vả. Cô có vẻ bối rối khi trả lời vài câu hỏi có tính cách xã giao của tôi. Vì thế nên tôi ăn cho lẹ rồi ra ngoài hút thuốc, ngắm cô đi quá, liếc bà đi lại.

Trên đường chở cô cháu nội thằng bạn về nhà, cô bé kể cho tôi nghe về cô bạn mà tôi chê là khiếm nhã thiếu nết na. Cô này ở chung nhà với cô bé. Cô nàng là dân du học, nhưng bỏ học từ lâu vì không có tiền đóng học phí. Lẽ ra thì phải về Việt Nam nhưng cô nàng trốn ở lại Úc. Cô không chịu đi làm việc chân tay, vì sợ vất vả. Cô ấy muốn tìm một thằng da trắng nào kha khá thì dụ nó cưới. Sau đó, cô sẽ tìm cách chia tay, chia gia tài, lại còn được ở lại Úc vĩnh viễn. Trong khi chờ đợi con nai tơ nào đó sập bẫy, cô nàng đi làm "tiếp viên" cho một ổ mãi dâm trá hình. Tuy phải bán thân, cô nàng vẫn nhất định không thèm tìm cách kết hôn với "Việt kiều" vì theo cô nàng, đám này cũng chẳng hơn cô bao nhiêu, của cải chẳng có nhiều như bọn Úc.

Chỉ vài tuần sau, vì bận tâm với cuộc sống, tôi quên mất cô bé cháu nội của thằng bạn, quên luôn cô gái làm đĩ lậu nhưng không thèm lấy "Việt kiều".

Bỗng dưng, cách nay mấy ngày, cô nàng mò ra tôi trên Facebook. Cô nàng nhắn tin, tỏ ý muốn hỏi tôi vài câu. Tôi đồng ý, nhưng dặn dò rằng chỉ có mấy phút để trả lời các câu hỏi chứ không có nhiều.

Câu đầu tiên, cô nàng hỏi tôi có quen biết một luật sư giỏi và chuyên về giúp đỡ những người ở lại Úc quá hạn visa hay không. Tôi thưa rằng chỉ riêng ở Melbourne và các vùng phụ cận, có hàng trăm luật sư chuyên về việc này, nhưng họ có giỏi hay không thì tôi không biết. Họ có "giúp đỡ" hay không thì tôi lại càng không biết.

Cô nàng hỏi tiếp, rằng nghe nói có nhiều luật sư sẵn sàng giúp miễn phí, tôi có quen biết ai hay không. Tôi thưa rằng chẳng có một ai tốt đến độ giúp miễn phí. Hầu hết họ chỉ tiếp kiến một lần miễn phí, gọi là để tham khảo. Sau đó, họ bắt đầu tính tiền.

Cô ấy lại hạch hỏi tôi, rằng nghe nói có nhiều luật sư giỏi, giàu có, không cần tiền. Họ chỉ muốn giúp miễn phí để lấy tiếng, tôi ở Úc mấy chục năm mà không quen biết một luật sư nào như vậy hay sao.

Tôi không ngập ngừng, block message, không cho cô ta nhắn tin nữa.

Đến tối hôm đó, có một người gửi yêu cầu kết bạn đến tôi. Tôi thấy nick này khác tên với nick của cô gái kia, nên mở trang cá nhân ra xem. Hoá ra, hai nick nhưng một người, vì toàn hình ảnh vênh váo của cô nàng "tiếp viên tình dục" trá hình kia. Tôi lại block message, nhưng không block luôn nick của cô ta, là vì muốn để cho cô đọc thấy bài này.

Câu truyện trên đây cho chúng ta thấy rằng tuy cùng sinh ra và lớn lên, con người ta vẫn khác nhau rất xa. Nó tuỳ thuộc rất nhiều vào gia phong mà cha ông còn giữ được để con cháu theo gương. Nói cách khác, có những chế độ không bao giờ đào tạo được những con người tốt, nhưng có những người sinh ra dưới chế độ đó mà vẫn tốt lành là nhờ họ thừa hưởng những đức tính tốt còn duy trì được trong gia tộc, hoặc ít ra là trong gia đình.

Sản phẩm tự nhiên, và hầu hết là đương nhiên, của xã hội là những cô gái làm đĩ lậu như nhân vật mà tôi kể ra trên đây. Bọn họ vịn vào câu "cứu cánh biện minh cho phương tiện" nên rất đểu, chỉ cần cho được việc. Khốn nạn cho bọn họ, là khôn và đểu kiểu đó không mấy khi giúp họ thành công trên con đường dài. Lý do là ở đời, chúng ta cần đến người khác nhiều lần chứ không phải một lần. Do đó, không biết sống theo lẽ phải mà chỉ biết xí gạt sao cho xong việc thì suốt đời phải xí gạt hết người này đến người khác. Kết quả là, chẳng biết bản thân có sung sướng hơn ai hay không nhưng chắc chắn là bị rất nhiều người nguyền rủa.

Tiếc thay, con người chưa được khai hoá thì chỉ biết sống theo bản năng, chứ chúng không theo lý trí. Vì thế nên chúng thích chai mặt nằm ngửa lấy tiền liền tay hơn là tìm hiểu về học cách sống theo lẽ phải, sống sao cho đúng với luân thường, sống sao cho xứng với công ơn sinh thành của cha mẹ.

FB cô Phuong Tran

No comments:

Post a Comment