Saturday, July 2, 2022

DUYÊN VỚI PHẬT

Bs Đỗ Hồng Ngọc-

Tôi có chút “duyên” nhưng đến với Phật rất trễ. Lại đến một mình.

Nhà Ngoại ở Phan Thiết, làng Phong Điền, Hiệp Nghĩa, dưới chân núi Tà Cú, nơi có Linh Sơn Trường Thọ Tự. Nhỏ xíu, tôi đã được theo cha mẹ, các cậu, dì, lên chơi Chùa núi. Khi là sinh viên ở Saigon, tôi cũng đọc Bát Nhã, đọc Suzuki, Krishnamurti… nhưng đọc chỉ để đọc.

Đến năm tuổi gần 60, sau cơn bệnh thập tử nhất sinh, tôi thấy mọi sự khác hẳn đi và đọc Tâm Kinh thấy không khó nữa. Như vỡ ra. Với Tâm Kinh, tôi thấy chỉ cần học một chữ thôi. Chữ Không. Từ đó mà vô trụ, vô trí, vô đắc… Từ đó mà gaté, gaté, paragaté…

Nó như giúp trả lời câu hỏi cho chính mình, Why? Tôi vẫn thường tự đặt ra những câu hỏi “tại sao” như vậy. Rồi lại hỏi bằng cách nào đây (How?) để mà “Hành Thâm Bát nhã”?

Câu trả lời nằm ở Kim Cang. Ở đó, tôi học Vô ngã (nhân vô ngã, pháp vô ngã), và Thiền định. Dĩ nhiên không thể không học những bước cơ bản: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… Không có chánh định thì làm sao có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ… Con đường từ thể nghiệm, thực nghiệm đến ứng dụng trong đời sống hàng ngày.

Ở Pháp Hoa, học vô tướng, thực tướng, gặp Như Lai Đa Bảo của mình như luôn tủm tỉm cười chọc quê mình! Cái học y khoa, tâm lý học, xã hội học cũng đã giúp tôi thấy rõ hơn vai trò thầy thuốc, tham vấn viên của bậc Y vương qua hình tượng các vị Bồ tát Thường Bất Khinh, Dược Vương, Quán Thế Âm… với tôn trọng (respect), chân thành (genuine), thấu cảm (empathy) để không chỉ học hiểu lời kinh mà còn vận dụng vào nghề nghiệp…

Ở Duy-ma-cật, học Bất nhị. Kinh mở ra một cách tiếp cận mới, sinh động, cho dòng chảy mênh mang rộng khắp. Chắc chắn Phật không muốn chỉ có các đệ tử ngồi thiền định dưới gốc cây, tới giờ đi khất thực và đợi ngày nhập Niết bàn. Phật cần có những vị Bồ-tát đem đạo vào đời, 'tự giác giác tha'. Thế nhưng, các vị Bồ-tát đầu tròn áo vuông cũng khó mà “thõng tay vào chợ” giữa thời đại bát nháo này. Vì thế mà cần Duy-ma-cật. Một thế hệ cư sĩ tại gia, nhằm thực hiện lý tưởng của Phổ Hiền Bồ-tát…!

Khi được hỏi “kinh nghiệm”học Phật, tôi nghĩ trước hết, cần nắm được các thuật ngữ, sau đó là hiểu được các ẩn dụ, ẩn nghĩa, hàm chứa trong lời Kinh và quan trọng nhất là Thực hành, ứng dụng vào đời sống- ở đây và bây giờ…

Những năm sau này, tôi có dịp cùng học với nhóm bạn về Lăng Nghiêm, Viên Giác, Lăng Già. Con đường học Phật thênh thang như cánh rừng, tôi mới tiếp cận vài hạt bụi rơi từ nắm lá Simsapa dạo nọ.

No comments:

Post a Comment