Nhớ thèo lèo…
TRẦN HOÀNG VY
1. Khi ngọn gió Xuân rón rén trở về, mơn man trên các cành cây ngọn cỏ, mấy luống vạn thọ sau nhà xanh um bắt đầu nhu nhú những búp hoa, như nụ cười chúm chím của những cô bé, cậu bé chúng tôi của ngày xa xưa, xưa lắm. Chúng tôi mong chờ những ngày Tết thêm tuổi mới, từng ngày, từng ngày, lấy than gạch lên trên vạch nhà đếm những ngày cận Tết, trong cái tâm trạng nôn nao, lẫn hồi hộp như ngong ngóng mẹ đi chợ mua về cho bộ đồ mới cứng, còn thơm phức mùi vải, mùi hồ…
2. Một buổi sáng, mẹ và bà ngoại, bày biện ra trước hiên nhà nào thúng, nào sàng, nào mẹt với những rổ đậu phộng, mè, gừng, đường, bánh tráng, bột mì… Mẹ bảo chuẩn bị để làm kẹo thèo lèo cúng ông Táo và để biếu cho bà con họ hàng ăn ba ngày Tết.
Kẹo thèo lèo, mà hồi ấy, chúng tôi chỉ được ăn mỗi năm một lần trong những ngày Tết, sau khi đã được bày biện lên dĩa, cúng đưa ông Táo vào trưa ngày 23 Tháng Chạp, và cũng chỉ là những viên kẹo… vụn, được vét ra sau khi mẹ đã ngào xong mẻ kẹo, còn nóng hôi hổi, và thơm phưng phức mùi đường, mùi đậu. Và chỉ là những viên kẹo, bể vụn, hay những “đầu thừa, đuôi thẹo” cắt ra từ những lát kẹo hình chữ nhật, hoặc vo viên nhỏ. Đặc biệt với cái màu sắc của loại mè đen, nên cả người lớn và tụi nhọc chúng tôi thường gọi vui sau cái tên “kẹo thèo lèo” là hai chữ… “ cứt chuột”, vừa hình tượng nhưng cũng rất dân dã và thú vị?
Ngày ấy, cứ mỗi dịp 23 Tháng Chạp, theo tục lệ truyền thống, nhà nhà đều làm “cỗ bàn” để đưa ông Táo, bà Táo về chầu trời, báo cáo những câu chuyện xảy ra ở dưới trần gian sau một năm “cai quản”. Cỗ bàn đơn sơ, nhưng phải đủ lễ với những phẩm phật không thể thiếu như ba bộ áo (cho hai ông Táo và… một bà Táo), mũ mão, hia giấy, dĩa kẹo thèo lèo, bày biện đẹp mắt, một con cá chép, trà rượu, cau, trầu, nhang đèn. Nhà giàu có còn thêm thịt heo quay, khác với ngày nay, bánh mứt cầu kỳ sang trọng, gói trong giấy bóng kiếng đẹp mắt và rất nhiều rượu thịt.
Điều mà bọn trẻ chúng tôi thắc mắc, khó hiểu là sao chỉ cúng “áo” cho ba vị Táo công, mà không thấy có… “quần”? Sau này khi lớn lên, chúng tôi mới biết truyền thuyết về ông Táo, là Thần lửa, thần bếp, gần với nước, lửa nên không mặc áo quần. Áo giấy cúng là áo dài che tới đầu gối… cho đỡ phạm thuần phong mỹ tục? Vì ở bếp nên không cần lo cái ăn, cái mặc nên ca dao có câu: “Ông Cả ngồi trên sập vàng/ Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo/ Ông Bếp ngồi trong đống tro/ Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm”. Và một nhà thơ trào lộng đã “làm tặng” ông Táo hai câu thơ khi ông không mặc quần, rất thú vị là: “Hăm ba ông Táo đi chơi xuân/ Đội mũ, mang hia, chẳng mặc quần!”.
Dĩa kẹo thèo lèo, cứt chuột, do chính tay mẹ và bà ngoại làm, luôn hấp dẫn lũ trẻ chúng tôi với các hương vị đậm đà: Giòn, ngọt, thơm mùi đường, mùi gừng. Càng nhai càng ngọt béo, thấm tận kẽ răng, mà khi lớn lên, tôi không thể tìm đâu được cái mùi vị thấm đẫm tình thương và khéo tay của bà, của ngoại, dù đã từng nếm trải đủ thứ bánh kẹo của các hãng xưởng danh tiếng ở trong nước, lẫn nước ngoài! Mà lạ cái, thèo lèo vụn… ăn lại càng hấp dẫn, cứ đọng hoài cái mùi thèm, mùi nhớ suốt những năm tháng xa nhà đi trọ học!
3. Giờ thì tuổi tác của lớp chúng tôi đã vượt qua cái ngưỡng “Lục thập nhi nhĩ thuận”, song cứ mỗi năm đến ngày cúng tiễn đưa ông Táo, có thêm chai rượu… Tây, dĩa thịt ngon cùng những bánh mứt đắt tiền, sang trọng. Chúng tôi vẫn trân trọng đặt ngay chính giữa dĩa kẹo thèo lèo mua ở ngoài tiệm. Và dĩa thèo lèo ấy khi chia cho lớp con cháu, chẳng có đứa nào… tỏ ra thích thú! Sao vậy? Tôi tự tay lột lớp giấy bao đúng tiêu chuẩn vệ sinh và mỹ thuật, đưa lên miệng nhâm nhi và ngộ ra là… chúng không còn ngon như những viên kẹo thèo lèo ngày xưa mẹ làm nữa. Bất chợt nhìn khói hương nhang bảng lảng, như nhìn thấy mẹ về, khẽ khàng chia những vụn thèo lèo, cứt chuột cho đám con cháu đang xúm xít vây quanh!
No comments:
Post a Comment