Người con gái Đà Nẵng
Trà Mi
“Người con gái Đà Nẵng” là tựa đề cuốn phim tài liệu dài khoảng 80 phút của hai đạo diễn Gail Dolgin and Vicente Franco. Phim nói tiếng Anh và tiếng Việt với phụ đề Anh ngữ do PBS phát hành vào đầu năm 2002.
“Daughter from Đà Nẵng” đã được đề nghị lãnh giải Oscar và đã đoạt khá nhiều giải nhất phim tài liệu tại các đại hội điện ảnh khắp Hoà Kỳ trong năm 2002 (Sundance, San Francisco International, Ojai, Durango – Colorado, Texas, New Jersey International, Nashville, Cleveland).
Cuốn phim phát hành từ 2002 những có lẽ phải sau khi PBS đưa vào YouTube (tháng 3, 2009) thì mới được sự để ý hơn của cộng đồng người Việt.
“Daughter from Đà Nẵng” xoay quanh chuyện đời của Heidi Bub và chuyến đi tìm mẹ ruột sau 22 năm không gặp.
Heidi Bub sinh năm 1968 tại Đà Nẵng con bà Mai Thị Kim và một chiến binh Mỹ. Chồng của bà Kim là Đỗ Hữu Vinh, từ năm 1964 đã, bỏ vợ và ba con ở lại Đà Nẵng, nhảy núi theo Cộng sản Việt Nam (Việt Cộng) đánh Mỹ.
Vào những ngày sau cùng trước khi đồng minh của miền Nam Việt Nam chuẩn bị tháo chạy, chính phủ Mỹ đã bỏ 2 triệu đô-la mở chiến dịch “Di tản trẻ thơ” (Operation Babylift) đưa khoảng 2 đến 3 ngàn trẻ “mồ côi” từ Việt Nam sang Mỹ, Canada, Pháp, Úc để làm con nuôi. Thật ra, môt số trong những trẻ em hai dòng máu đó có gia đình. Cuộc di tản trẻ thơ bắt đầu ngày 4 tháng Tư bằng một máy bay CA-5 Galaxy, đã rơi 12 phút sau khi cất cánh rời Tân Sơn Nhất. Chỉ còn 175 trong số 328 em bé trong chuyến bay đó sống sót.
Phim mở đầu bằng cảnh đoàn người bồng bế, gồng gánh chạy giặc ở miền Trung trong cảnh khói lửa của chiến tranh.
“Nó vô trong nó đánh ra đồn quá trời! Tôi sợ. Không đưa thì con nó chết. Mình chết (thì) thôi.”
Đó là tiếng nói đầu tiên trong cuộn phim, là lời kể của bà Kim. “Nó” ở đây là VC, là những người đang nắm độc quyền cai trị toàn cõi Việt Nam từ 36 năm qua.
Ngay sau đó Heidi kể lại hình ảnh 22 năm về trước, nhưng vẫn còn đậm nét trong ký ức,
“Tôi nhớ những hình ảnh đó mãi suốt đời tôi. Chúng tôi đứng đó ở, nắm chặt tay nhau. Người ta phải kéo chúng tôi ra để đưa tôi lên máy bay. Sao bà ấy lại có thể đối xử với tôi như thế? Làm thế nào người ta có thể bỏ một đứa con như vậy?”
Lý do phải cho Hiệp đi làm con nuôi xa xứ, bà Kim nói vì có tin đồn “họ” sẽ dồn hết trẻ con lai Mỹ lại thành đống, đổ xăng và đốt. Và lý do có Heidi, bà Kim giải thích, vì chồng bỏ đi nên bà phải đi làm sở Mỹ, rồi lấy Mỹ vì miếng cơm manh áo. Con bà, không có cha nên mang họ mẹ; Heidi Bub tên khai sinh là Mai Thị Hiệp.
Tờ báo đăng tin về việc Bà Ann Neville nhận con nuôi người Việt
Nguồn: daughterfromdanang.com
Sang tới Mỹ, Hiệp, lúc đó 7 tuổi, được bà Ann Neville ở Columbia, South Carolina, một phụ nữ độc thân nhận làm con nuôi. Nhận một đứa trẻ da màu làm con nuôi, một khái niệm rất xa lạ với người Mỹ miền nam, cũng là một các sốc lớn cho gia đình bà Neville vì tại Mỹ cũng có rất nhiều trẻ cần được chăm sóc, nuôi nấng. Nguyên nhân đơn giản là những người độc thân như bà Neville rất khó xin trẻ tại Mỹ làm con nuôi. Sau một năm ở South Carolina, hai mẹ con Heidi dọn về sinh sống tại Pulaski, Tennessee – thánh địa của Klu Klax Klan, tổ chức kỳ thị cực đoan hàng đầu ở miền Nam nước Mỹ.
Bà Neville che dấu nguồn gốc và làm cho Heidi “101% như Mỹ” để che chở con mình. Ann Neville là khoa trưởng ở một Đại học tại Pulaski. Về mặt vật chất, Heidi không phải là thiếu nữ thiếu thốn so với đa số dân địa phương; tuy nhiên, đời sống tinh thần của Hedi và mẹ nuôi rất khô cằn, thiếu hẳn những bộc lộ tình cảm mẹ con. Heidi cho rằng Ann đem mình về nuôi để đúc nặn thành một con người bà có thể chia sẻ sau này. Với Heidi, bà Neville là một người mẹ quá nghiêm khắc. Sau cùng Heidi bị mẹ nuôi đuổi ra khỏi nhà, không lời giải thích tại sao.
Bảy tuổi, đầu óc trẻ thơ, Heidi nghĩ rằng vì mình là con không ngoan nên bị mẹ bỏ đi. Gần hai mươi tuổi, Heidi lại bị mẹ nuôi đuổi đi và không nhận là con. Cô mang nặng mặc cảm rằng mình có lẽ là người tệ hại lắm nên mới mất mẹ đến hai lần.
Vài năm sau, lúc khoảng 21-22 tuổi, Heidi bắt đầu đi tìm mẹ ruột. Sau đó không lâu, năm 1991, ở Việt Nam bà Kim cũng đã có ý tìm lại đứa con đã cho đi thời chiến bằng một lá thư gởi cho viên chức Mỹ ở Sài Gòn. Heidi tìm được tung tích mẹ ruột cũng nhờ lá thư đó sau cùng đã vào tủ hồ sơ của tổ chức tìm trẻ cho làm con nuôi Holt, cơ quan đã đưa Heidi đi làm con của bà Ann Neville vào năm 1975.
Năm 1997, Heidi về lại Việt Nam sau 22 năm vắng mặt. Đi cùng là ký giả Trần Tương Như, người Việt Nam đầu tiên Heidi được tiếp xúc tại Hoa Kỳ.
Đoạn phim về chuyến bay trở lại, Heidi và bà Kim thay nhau kể lại kỷ niệm ngày xa cách nhau 22 năm trước đó. Với Heidi vẫn là hình ảnh chiến tranh. Bên cạnh, ký giả Tương Như, cho Heidi một vài khái niệm về người Mẹ – không cùng ngôn ngữ – mà Heidi đã 22 năm không gặp, và có thể xem là không biết. Là phim tài liệu, tất cả đều là người thật với những cảm xúc thật. Đi cùng để giúp Heidi tìm lại mẹ, ký giả Tương Như dường như cũng lây niềm cảm xúc sôi nổi, lạc quan về câu chuyện hai mẹ con sắp được những giây phút hạnh phúc của ngày đoàn tụ mà bà gọi là “một kết thúc thơ mộng” (a poetic ending).
Gặp lại mẹ, các anh chị cùng mẹ và gia đình tại sân bay Đà Nẵng ấn tượng đầu tiên của phụ nữ ngưỡi Mỹ này là gia đình của mẹ ruột có quá nhiều tình cảm, thương yêu và đoàn kết dù họ là những người không đủ về mặt vật chất. Ngoài những sinh hoạt thường thấy của bất kỳ cuộc hội ngộ nào như những buổi hãnh diện đưa khách (trường hợp này là con gái) trong những buổi đi thăm chòm xóm, đi chợ, những bữa cơm đại gia đình; chỉ vài ngày sau, Heidi đã cảm thấy những khó chịu vì sự khác biệt văn hoá, biên giới riêng tư của người con Mỹ đã bị tình cảm “mẹ con” của bà mẹ Việt Nam xâm phạm. Với bà Kim, nằm cùng giường ngủ tâm sự thâu đêm với con gái và không muốn một phút rời con (mới về thăm) là chuyện thường tình; nhưng với con bà thì đó lại là một cảm giác bị lấn át vào không gian cá nhân. Heidi không có được thời gian riêng cho mình tiêu hoá và suy nghĩ về những sự việc quá mới, quá xa lạ, lần đầu trong đời cô phải đối diện.
Ở một cảnh khác, anh lớn của Heidi, Tình, ngồi tâm sự về tình cảm của gia đình của những đứa trẻ không cha trong thời loạn lạc. Và ngay cả đến khi cha anh, ông Vinh, trở lại với gia đình thì tình cảm giữa cha con dường như vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu sự nồng ấm. 30 tháng 4, chồng của bà Kim, ông Vinh đưa cô con gái lai Mỹ đi xem diễn binh chào mừng ngày chiến thắng; ông nói,
“…hai mươi mốt năm kháng chiến chống Mỹ đến ngày hôm nay, thành phố Quảng Nam Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. Hôm nay là ngày kết thúc cuộc chiến tranh dân tộc Việt Nam chống Mỹ giành độc lập.”
Với Heidi, ngày chào mừng chiến thắng đó có lẽ mang nhiều ý nghĩa với cha cô, người trực tiếp tham dự cuộc chiến; nhưng với cô hôm đó chỉ đơn thuần là một cuộc diễn hành. Cảm tưởng của Heidi hôm đó không có chút màu sắc chính trị; ông Vinh cũng nói, nếu Heidi còn ở Việt Nam thì ông “cũng để lại nuôi thôi, để lại tôi nuôi; đánh nhau với người lớn thôi chứ nó là con nít.”
Ông Vinh, bà Kim, Hedi-Hiệp, chị Liên, chị Hiền, anh Tình
Nguồn: daughterfromdanang.com
Đi thăm nhà của Hiền, buồng tắm chỉ là xô nước để xối lên đầu và cái nhà tiêu có lẽ cả đời chưa thấy, Heidi nghĩ là mình sẽ không sống nổi tại đây khi đã quen thuộc vời đời sống tiện nghi ở Mỹ. Heidi thấy mình may mắn hơn anh chị nhiều vì được đi học đại học trong khi Hiền chưa qua lớp 6. Hiền nói, “Tôi là đứa con nghèo nhất trong gia đình; tôi không có của nhưng tôi có công.”
Và bà Kim cũng buồn khổ, than vãn về đời sống chật vật của cô con gái tại Việt Nam và bà nhờ người ký giả chuyển lời xin Heidi giúp cho Hiền. Tóm lại cùng mẹ đi thăm người chị nghèo là cơ hội để Heidi được nghe kể khổ. Thấy cảnh chật vật ở nhà của Hiền, Heidi đã giúp chị mình một số tiền nhỏ. Heidi nhận xét,
“Không chớp mắt đến hai lần, chị ấy xin tôi thêm nữa; em tiếp tục giúp chị nữa nhen, cho các cháu được đi học, để chị có thể có việc làm; tôi cảm thấy bị sỉ nhục vì những lời lẽ đó. Tôi cho đó là ứng xử khiếm nhã.”
Tới đây thì ký giả Tương Như làm người thông ngôn “văn hoá” giải thích cho những ứng xử mà Heidi vừa gặp phải, cô nói,
“người ở nước ngoài là người phải cứu giúp gia đình. Những gia đình nào may mắn có nguồn sống như vậy sẽ trở nên sung túc. Đây là hiểu biết thông thường tại Việt Nam.”
Ký giả Tương Như cho rằng vì đã trải qua cuộc chiến, và nhiều gian khổ hiện tại, người Việt Nam đã trở thành rất rạch ròi, không quanh co, nhất là về vấn đề (xin) tiền bạc.
Xung đột văn hoá. Heidi nói rõ là cô không muốn mọi người đặt lên bệ thờ và không muốn là người cứu độ ai cả. Cô về thăm Việt Nam là để được đoàn tụ gia đình. Cô về tìm hình ảnh người người mẹ yêu thương dịu dàng; phần nào đó Heidi tìm thấy bà mẹ giống như mình đã tưởng nhưng mẹ Heidi cũng hung hăng không ít. Heidi mong tìm được lại tình mẹ, được mẹ nhận lại như đứa con đã bị cho đi 22 năm trước. Heidi sốc khi thấy vai trò mẹ con bị đảo ngược, cô trở thành bậc cha mẹ vì mẹ cô muốn ở bên cô 24/24 và luôn tay ôm ấp, hôn hít không rời.
Bà Kim, mẹ Heidi, trong khi đó lại nghĩ rằng con mình còn nhỏ, còn dại khờ, chưa hiểu biết – lúc này Heidi đã 29 tuổi, có gia đình với hai con gái. Bà Kim nói, “Bây giờ con nó còn dại, còn khờ, còn trẻ, chưa biết gì hết. Thành ra tôi muốn gần con tôi để tâm sự.”
Những ngày sau cùng của tuần lễ về thăm mẹ là ngày Heidi bị thực tế đánh cú knock out và muốn quay trở lại Mỹ sớm hơn đã dự tính. Trước khi để Heidi một mình ở lại với gia đình, ký giả Tương Như đã an ủi, trấn an là những ngày sắp tới sẽ quen đi và cảm thấy ít bị áp lực hơn.
Thực thế không được như thế. Sau vài lời xã giao của anh rể xin Heidi thông cảm vì bất đồng ngôn ngữ nên anh em chưa thể tâm tình cùng nhau sâu đậm hơn thì anh Tình, người anh lớn nhất trong nhà, nói,
“…trong thời gian 22 năm, không biết em, không biết tin tức của em, anh và các chị của em đã lo cho mẹ như vậy, cuộc sống như vầy. Bây giờ thì biết em rồi thì anh mong em có trách nhiệm của người con đối với mẹ. Nếu có thể thì em đưa mẹ qua ở gần em để tình cảm giữa mẹ con.”
Heidi nói với người thông dịch, “nói với mẹ tôi rằng không thể nào lấy lại thời gian đã mất; và tôi cũng không muốn như thế. Tôi muốn sống cho hiện tại và tương lai, không phải cho quá khứ.”
Anh Tình, “nếu nói như vậy thì trong khi chờ đợi Hiệp bảo lãnh mẹ đi thì Hiệp có thể nói với gia đình có thể trợ cấp cho mẹ hàng tháng được không? Nếu không được thì cứ nói thẳng thắn.”
Đến đây, khi đã hiểu ý anh Tình qua lời thông dịch và trong lúc anh đang đề nghị chuẩn bị “đưa quà cho hắn để quay phim luôn” thì Heidi rơi nước mắt và nghẹn ngào, “I can’t… I can’t do this…” và có lẽ không ai nhìn thấy hay hiểu được tâm trạng Heidi giây phút kinh hoàng đó.
Tuy mọi người đều cảm thấy không khí lúc đó đã “căng quá”, nhưng lại cho rằng vì “khó xử nên nó nói không cũng không được,” như lời người thông dịch…
Không chịu đựng nổi, Heiddi đã đứng dậy bỏ ra ngoài sân. Cả nhà bà Kim hoang mang không hiểu chuyện gì xảy ra và nghĩ rằng Heidi tình cảm quá, dễ khóc quá. Hai người anh lớn và anh rể ra sân gọi Heidi trở lại. Cô không vào và úp mặt vào tay đứng khóc cạnh cột nhà.
Sau cùng bà Kim ra kéo con gái trở lại. “No, get away from me!” (Không, đi xa con ra!) Heidi gạt đi và bỏ đi ra hẳn ngoài sân. Trong khi cả nhà vẫn đang bàn tán thì Heidi trở lại nói với người thông dịch, “Tôi không thể làm điều mà bà ấy muốn.” Cả nhà bà Kim cho rằng vì bất đồng ngôn ngữ, không hiểu nhau và vì lối sống khác nên Heidi bị sốc khi nghe gia đình rặt ròi yêu cầu cô nhận trách nhiệm “báo hiếu” cho mẹ. Heidi ôm mặt khóc,
“I do not know what to do. I don’t know, just don’t know, NO!” “Tôi ước chuyện này đã đừng xảy ra! Tôi chỉ muốn giữ lại những ký ức đã có. Những ký ức hạnh phúc… Trời ơi, tôi sẽ rời khỏi đây với những kỷ niệm đau buồn và những tình cảm sứt mẻ. Đây không phải là kết quả tôi muốn.”
…
Giờ chia tay Heidi nói,
“Con rất đau buồn trước hoàn cảnh của gia đình. Con không giúp được gia đình như con muốn. Sự mong đợi của gia đình đối với con lớn hơn sức con có thể cáng đáng. Và con không được chuẩn bị để cáng đáng những việc này. Con ước con có thể đáp ứng tất cả những mơ ước của gia đình, nhưng con sẽ làm những gì con có thể làm và con mong rằng như vậy cũng là đủ.”
Xếp va-li về Mỹ, Heidi tự nhủ cô không thấy còn thúc đẩy đi tìm cha cô nữa; một phần cô vẫn muốn biết cha mình, phần khác cô sợ lại phải đối diện với hoàn cảnh trái ngang thêm một lần nữa.
Và có lẽ gia đình bà Kim cũng không hề biết Heidi và chồng cô, John, cũng có những trách nhiệm tài chính với chính gia đình của họ và cả hai đã phải tằn tiện, dành dụm nhiều tháng dài để cho cô có phương tiện lên đường tìm gặp lại mẹ. Bà Kim còn nói với ký giả Tương Như là bà rất mong Heidi về lo cho mồ mả của bà. Đoạn cuối cuốn phim là hình ảnh bà Kim thắp hương khấn vái mẹ của bà phù hộ cho Heidi và gia đình cô để Heidi về xây mả, xây mồ… vì theo quan niệm của bà, con cháu có bổn phận xây dựng mồ mả tổ tiên; bà mong Heidi – hay người con nào đó ở nước ngoài – có thể đóng góp thực hiện trách nhiệm với tổ tiên, như bà nói với ký giả Tương Như.
Hai năm sau chuyến về thăm, Heidi nói, “không còn gì tình yêu thương gì cả; lá thơ nào cũng chỉ để xin tiền.” Rồi cũng thưa dần những lá thư từ Việt Nam sang Mỹ và Heidi cũng chẳng khi nào viết thư cho mẹ. Phong bì ghi sẵn địa chỉ bà Kim đưa vẫn còn nằm xếp trên bàn trong bếp, vì “I don’t know what to say!”
“Tôi không biết họ là ai; họ là những người xa lạ với tôi; tôi nghĩ, tôi đã đóng cửa lại rồi. Tôi đã đóng cửa lại với những người này. Cửa đã đóng nhưng không khoá.”
Đây không phải là một kết thúc thơ mộng như ký giả Tương Như đã hình dung ở đoạn đầu phim.
Cuốn phim thành công lớn ở Mỹ, đã đoạt nhiều giải thưởng ở nhiều tiểu bang cũng như đã được đề nghị lãnh giải ở Oscars. Thông điệp của cuốn phim với người xem là gì?
Sau khi xem phim, người viết, có nhiều câu hỏi với chính mình hơn là câu trả lời hay hiểu rõ thông điệp của “Daughter from Đà Nẵng”.
Bao nhiêu gia đình người Việt Nam đã tan nát trong chiến tranh? Và còn bao gia đình nữa đã đổ vỡ như Heidi và mẹ sau ngày hoà bình?
Ai bảo chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt ngày 30 tháng 4, năm 1975? Dĩ nhiên, có ông Đỗ Hữu Vinh, chồng bà Kim. Ông chỉ là một trong hàng triệu người cộng sản khác; họ đều nói như thế. Người ta còn bảo chiến tranh đã kết thúc, dân Việt Nam không phải tắm máu như người Cam Bốt? Có thật thế hay không?
Nỗi vui mừng ngày đoàn tụ
Nguồn: daughterfromdanang.com
Cuốn phim, “Người con gái Đà Nẵng” đã cho người xem thấy rõ ràng những con tim còn đang rỉ máu – máu vẫn rướm từ những quả tim người Việt Nam như bà Kim đến những con tim của người Mỹ gốc Việt như Heidi Bub aka Mai Thị Hiệp. Nước mắt vẫn rơi, máu vẫn ướt, vết thương vẫn chưa lành… những hình ảnh chiến tranh đó vẫn còn dầy đặc ở các diễn đàn ở hải ngoại, ở những bài báo viết trong nước và cả ở cách đối xử giữa người Việt với người Việt.
Đạo đức Việt Nam nào lại đặt trách nhiệm lên vai người con gái đã bị cho đi từ năm bảy tuổi? Luân lý Việt Nam nào bắt người ta phải lo báo hiếu cho mẹ, lo mồ mả ông bà chỉ vì họ là người đang ở nước ngoài và được xem là có tiền? Đạo đức, luân lý hay logic cũng không giúp người viết, dù cảm thông, nhưng không hiểu được ứng xử của anh Tình, của chị Hiền, của mẹ Kim, và cả bố Vinh – những con người thật trong cuốn phim tài liệu này.
Đây là một thành công rõ rệt của nhà sản xuất và đạo diễn. Cảm xúc, phát biểu của nhân vật trong phim rất tự nhiên không bị đạo diễn theo một quan điểm đã định.
Ông Vinh, và những người như ông thường tưng bừng chào mừng ngày 30 tháng 4 không khi nào tự hỏi sau 22 năm độc lập, hoà bình, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh như thế sao lại có thể có những cuốn phim bóc trần sự thật phũ phàng như cuốn “Người con gái Đà Nẵng”.
Tại sao không có những cuốn phim “Người anh Đà Nẵng” đi tìm em ở Pháp, hay “Người mẹ Đà Nẵng” đi tìm con ở Úc? Những người đang ăn trên ngồi trốc ở Hà Nội nên động não và can đảm trả lời thay vì cứ nói lấy được và chỉ hô khẩu hiệu suông.
Đã hơn 36 năm rồi.
No comments:
Post a Comment