CẢM NGHĨ VỀ NGÀY 30 THÁNG TƯ: NGƯỜI VIỆT KỲ THỊ NGƯỜI VIỆT
Tấm hình này được chụp năm 1988 tại ga Hoà Hưng, Sài Gòn.
Người đàn ông mặc bộ đồ tù màu xám, râu tóc bạc phơ trong ảnh là Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh sống sót trở về từ ngục tù cải tạo của Cộng Sản. Người con trai tóc ngã hoa râm đang ôm cánh tay ba và khóc như một đứa trẻ. Nhiều người nhìn tấm hình này cũng đã khóc theo như để chia sẻ chút ít cho nỗi đau ngút ngàn mà anh đã trải qua sau nhiều năm dài đầy ác mộng.
Người vợ sau 13 năm trường gian khổ nhục nhằn, mỏi mòn chờ trông ngày về của chồng với nụ cười trong nước mắt.
Người con trai trông già trước tuổi, cằn cỗi với năm tháng sống đời lây lất tăm tối trong một xã hội phân biệt đối xử với lý lịch “con ngụy”, vì ba anh là “sĩ quan ngụy đi học tập cải tạo”. Những giọt nước mắt của họ phải chăng để mừng đời được “giải phóng” hay ứa ra từ nỗi đớn đau vì bị kỳ thị từ “bên thắng cuộc”. Người Việt kỳ thị Người Việt, những người cùng chung nòi giống, cùng máu đỏ da vàng và cũng là người Việt Nam với nhau.
Đã 46 năm bạn có thể quên vì bạn không bị chế độ Cộng Sản trả thù, kỳ thị, phân biệt đối xử. Bạn quên vì bạn may mắn được di tản ra nước ngoài trước khi Cộng Sản ập đến. Có thể bạn không quan tâm vì không liên quan đến bạn, hay vì bạn sinh ra hoặc lớn lên sau năm 1975.
Nhưng rất nhiều người trong đó có tôi không quên được, mặc dù tôi cũng muốn quên đi những điều xấu xa, dơ bẩn, tệ hại đó đã diễn ra tại quê hương của chúng ta mặc dù không còn tiếng súng.
Tấm hình này làm tôi ứa nước mắt mỗi khi nhìn lại vì tôi là người trong cuộc. Từ đó tôi thấy thân phận những người đã từng có hoàn cảnh giống tôi, anh chị em và các bạn tôi... Vì ba của tôi cũng là người sống sót trở về sau 13 năm bị giam giữ từ trong ngục tù cộng sản!
ST
No comments:
Post a Comment