Wednesday, February 3, 2021

 Gánh tàu hũ 

Don Hồ 

 

Đầu năm 1978 cả Sài gòn đói ăn.


Phường khóm bán gạo lẫn đầy sạn cùng thóc cho dân. Mỗi lần trước khi nấu nồi cơm phải xúm nhau ngồi nhặt sạn, nhặt thóc gần cả tiếng đồng hồ xong, mới bắt đầu đặt được nồi cơm lên cái lò củi. Không nhặt kỹ, cắn phải cục sạn là sẽ có cơ hội bị mẻ răng, phải đi nha sĩ còn tốn bộn tiền hơn!


Nhà có 7 miệng ăn, gạo phường khóm bán cho chỉ ăn được khoảng mươi ngày là hết. Số ngày còn lại trong tháng phải xách bao đi mua bên ngoài mà ăn từng ngày.

Ngày 23 tháng chạp năm ấy, tiễn ông Táo lên trời mà mà gia đình chả có được tí không khí Tết, miếng ăn còn phải chạy lo từng bữa thì lấy tiền đâu ra mà xa xỉ chơi Tết chứ!


Buổi trưa sau giấc ngủ tránh nóng, bước ra sân trước nó thấy mẹ ngồi trên chiếc ghế đẩu, gần mẹ là một cô đội nón lá xùm xụp cũng ngồi thụp trên chiếc ghế đẩu nhỏ, ngay bên cạnh cô ta là cái đòn gánh với 2 cái nồi bằng thiếc bự cùng mớ chén linh tinh & một xô nước nho nhỏ có lẽ dùng để rửa chén.


Mẹ thấy thằng con gãi đầu ngái ngủ, loạng choạng bước ra, ngoắc ngoắc rồi bảo:

- “Dũng ra đây. Con khoanh tay chào chị Bảy đi con!”

“Chị Bảy” quay vụt lại, tay gỡ vội cái nón lá trên đầu ra.


Trước mắt nó là một người đàn bà tướng tá khoẻ mạnh, nhan sắc xoàng xoàng, nước da bánh mật khoảng 30 ngoài. Chị có một khuôn mặt hiền hậu, cặp mắt không mấy lanh lẹ với tròng trắng hơi bị vàng. Điểm son duy nhất trên khuôn mặt chị là nụ cười thật tươi với hàm răng đều như những hạt bắp.


Chị Bảy cười tươi rói, 2 tay dơ ra phía trước vồn vã:


- “Ôi em Dũng đây ạ? Em của chị lớn quá rồi. Chắc em không còn nhớ chị Bảy nữa đâu hả?”


Đang bước đi, nó khựng lại vì ... không nhớ thật!


Vẫn giữ 2 tay dơ ra phía trước tuy không được thằng bé Dũng xà đến, quay đầu qua phía mẹ, chị hỏi ý:

- “Cho phép em được mời cô cùng các em chén tàu hủ cho ngọt miệng nhé cô? “


- “Được, tôi cám ơn chị!”

 

Hướng về thằng con, mẹ bảo:

- “Vào bếp lấy 7 cái chén ra đây cho mẹ”


Thằng bé Dũng lon ton chạy vào trong lòng khoái chí lắm. Tàu hủ nước đường là một trong những món mà nó thích nhất mà.


Và chỉ một quãng ngắn tới bếp mà nó chợt nghĩ ra “Không lẽ đây là chị Bảy, chị giúp việc mà mẹ hay nhắc tới tên từ trước tới giờ?”


Gia đình trước đó đã thay đổi nhiều người giúp việc, nhưng chị Bảy là người ở lâu nhất.


Lúc chị Bảy còn làm thì nó còn quá nhỏ, bởi thế hình ảnh của chị Bảy trong đầu nó hầu như không có, chỉ biết loáng thoáng qua những lời kể của mẹ về một chị giúp việc tính tình đôn hậu làm việc rất giỏi mà thôi.


Chị Bảy chỉ nghỉ làm khi bố mẹ chuyển qua Bangkok làm việc. 3 đứa nhỏ chưa tới tuổi đi học được đi theo, còn 2 anh lớn được gửi vào nội trú trong trường Lasan Taberd.


Chị bảy mở nắp của cái nồi lớn ra, hơi nóng tỏa lên nghi ngút.


Tàu hủ của chị làm bán trắng mịn ngó sạch sẽ & hấp dẫn. Nồi nước đường thơm thơm mùi gừng làm nó nuốt nước miếng ừng ực.


Hai mẹ con 2 chén, còn 5 chén còn lại được cất vào trạn cho bố cùng các anh chị lát về ăn.


Vừa ăn mẹ vừa hỏi thăm chuyện chị.


Té ra đây là chị Bảy mà nó đã nghĩ tới thiệt. Từ khi nghỉ việc với gia đình nó, chị trở về quê một thời gian, rồi lại trở ngược ra Sài Gòn làm việc.


Tại đây chị gặp anh & đem lòng yêu thương.


2 người lấy nhau & có được 2 đứa con.


Anh làm tài xế xe hàng tuyến đường Sài gòn - Lục Tỉnh. Cuộc sống gia đình không mấy sung túc nhưng chị đã khổ quen rồi, lại biết gói ghém nên cảm thấy hạnh phúc.


Chị nấu tàu hủ gánh đi bán hàng ngày để giúp vào cho kinh tế gia đình & nuôi con đi học. Và hôm nay, chị Bảy đã đi ra khỏi tuyến đường chị hay đi hàng ngày với mục đích chính là ghé thăm bố mẹ, ghé thăm gia đình nó.


Thế rồi chị cáo từ để đi bán tiếp. Mắt mẹ đỏ hoe & mắt chị cũng thế.


Mẹ sai thằng con chạy vào lấy tiền để mẹ trả cho 7 chén tàu hủ, chị nhất định không lấy “Lâu em mới ghé được, cô cho phép em mời cô cậu cùng mấy em ạ”

Mẹ nhất định không chịu:


- “Tôi không cướp cơm chim của 2 đứa con của chị được. Chị phải để cho tôi trả, nếu chị không lấy thì lần sau chị đừng bao giờ ghé lại đây nữa...”


Đẩy qua đẩy lại cuối cùng rồi chị cũng đành chịu cầm tiền.


Sau khi gửi lời chào thăm đến “cậu cùng các em”, chị Bảy khom xuống rồi nâng, quẩy cái gánh tàu hủ nặng trĩu lên vai. Chị từ giã bước đi mà còn quyến luyến ngoái lại mãi cho tới khi bóng chị xa tít rồi khuất sau dẫy nhà.


Mẹ xụt xịt mũi như đang khóc, rồi quay vào nhà, khoá chốt cửa.


Tuy không nhớ & chỉ mới gặp, nhưng chẳng hiểu sao thằng bé Dũng có nhiều cảm tình với chị Bảy?


Có lẽ từ bao lâu nay mỗi lần nhắc tới chị là mẹ toàn kể lại những mảnh chuyện thật tốt đẹp phần thêm dáng chị nó toát ra một cái gì đó khổ khổ, tồi tội làm thằng bé động lòng trắc ẩn!


Với với sức của một người đàn bà nó không hiểu làm sao mà chị có thể gánh được cái nồi tàu hủ to & nặng đến như thế mà đi rong ruổi khắp phố phường mà bán?! Bỗng nó ước gì có tiền để mua hết nồi tàu hủ để chị không phải xiêu vẹo nặng nhọc gánh đi & cũng để nó được ăn cho bằng đã.


Buổi cơm chiều hôm đó gia đình nó chỉ còn được có mỗi dĩa rau muống xào cùng vài miếng chao. Tiền đồ ăn đã bị bẹo ra bớt để trả cho mấy chén tàu hủ hồi trưa mất rồi. Ôi thời buổi mà chỉ toàn những con người cùng khổ, cùng hoàn cảnh mài mại giống nhau, chả ai khá hơn ai!


Những lần sau đó lâu lâu có những buổi trưa chị Bảy thỉnh thoảng lại có ghé qua.

Mẹ chả bao giờ còn có ở nhà vì phải bôn ba đi buôn bán kiếm tiền nuôi gia đình.

Cứ thế thằng bé Dũng lại được chị dúi cho ăn chén tàu hủ nước đường nóng ngọt lim, thơm lưỡi vào tay kèm với lời nhắn “Em đừng nói lại cho cô hay nhé!”

Con nít mà, ngây thơ mà cũng chẳng thắc mắc, cứ thế mà ... ăn của chị vô tội vạ. Mà nếu có muốn trả tiền thì cũng làm gì có có để trả chứ?!


Lớn hơn chút, biết suy nghĩ hơn, nó áy náy mãi chuyện này cho tới tận bây giờ.


Thế rồi gia đình nó ra ngoại quốc hết, mất liên lạc!


Ở bên quê nhà, bên kia bờ Thái Bình Dương, nó cầu mong gia đình chị mạnh khoẻ, chị Bảy khấm khá hơn. 2 con chị giờ đã trưởng thành có thể giúp lại cho bố mẹ, để chị không còn phải nhọc nhằn với gánh tàu hủ thật to trĩu nặng trên đôi vai.


Và cầu mong cho những con người thật thà đôn hậu như chị mãi mãi được nhiều hạnh phúc... 


Don Hồ

Thứ Tư 3 tháng 2, 2021 

 

No comments:

Post a Comment