Thursday, October 8, 2020

Phiếm

Hồi mới sang Úc. Trong số sinh viên du hoc cũng có nhiều "hạt giống đỏ" (nhà nước gửi) sang học chung, họ được Úc cấp học bổng nghiên cứu rất nhiều, có đài thọ học phí và sinh hoạt nên khá thoải mái. Có lần cả nhóm được mời đi BBQ ở nhà một gia đình, trước kia là cựu quân nhân VNCH. Ông sang Melbourne từ 1975, mở một tiệm cà phê và bánh ngọt ở Richmond, vợ ông làm cho Hội Tương Trợ Phụ Nữ Việt Úc, cũng thường hay mời sinh viên Việt Nam về nhà chơi, "đỏ" hay "không đỏ" ông cũng không quan tâm. Lúc nướng thịt, ông nói thế này:

"Tụi cháu thấy không, đây mới là thiên đường này, ở Úc bác muốn chửi thằng thủ tướng là bác chửi thôi, chẳng ai dám làm gì bác!"

Một anh sinh viên tếu táo nói. 
"Ở Việt Nam cũng vậy mà bác! Có ai làm gì mình đâu! Thích chửi là chửi thôi!"

Ai cũng giật mình, mới sang, nhiều sinh viên chưa "nhả phèn", nên còn nhát gan khi nhắc tới Việt Cộng.

"Giỡn thiệt mày? Không sợ công an Việt Cộng bắt à?"

"Thiệt! Sợ gì! Ở Việt Nam ai muốn chửi thủ tướng Úc thì cứ chửi thôi! Có ai cấm đâu!"

Sau anh bạn này có kể lại, là trước đây Ronald Reagan từng có những câu chuyện hài hước như vậy. 

Chính trị tự nó ở cấp vi tế có rất nhiều vấn đề phức tạp, tranh đoạt phe phái, nhưng bạn đừng quên rằng một bà cụ ở quê không được học hành gì, vẫn có một lá phiếu tương đương với 1 giáo sư đại học. Một giáo sư đại học có thể tiếp thụ được những tranh biện chính sách hết sức phức tạp, nhưng một bà lão như trên, nhiều khi bà nghe câu sau, bà quên mất tiêu câu trước. Nếu ở xứ là 70% dân số ù ù cạc cạc như bà lão trên thì thế nào? Chẳng phải là vấn đề, tự nhiên sẽ xuất hiện các ứng viên chính trị có thể nói chuyn với đám đông cử tri kia. Các thông điệp, các biểu ngữ, sẽ được căn chỉnh (tuning, calibrating) sao cho thật phù hợp với trình độ nhận thức của nhóm cử tri mà người ta nhắm tới. 

Cho nên nhiều khi thông điệp tranh cử rất ngắn gọn, và việc các đối thủ công kích nhau cũng phải cô đọng sao cho lợi thế chính trị mang lại là tối ưu. Sai lầm của Mitt Romney, chính là nói Obama "Good Guy". Trong khi phe dân chủ thì rất thành công khi tô vẽ Mitt Romney là "cold blood capitalist". 

Ronald Reagan học hành làng nhàng, nhưng ông có sense of humor. Lúc ông đã có dấu hiệu của việc "lẫn lẫn" (alzheimer), trong một debate với ứng viên Mondale, người điều hợp mới hỏi ông là ông có nghĩ rằng tuổi tác và sức khỏe sẽ cản trở ông trong công việc không. Ông trả lời thế này: "tôi không muốn khai thác sự non trẻ và thiếu kinh nghiệm của đối thủ cho các mục tiêu chính trị!"

Ai cũng mắc cười, Mondale cũng không nhịn được cười. Anh già này vừa khôn vừa tỉnh. Mondale cố gắng lái Reagan vào những chi tiết kỹ thuật về nền kinh tế, thuế má, chính sách... Reagan luôn tránh nói về những chuyện đó, các terminology nhiều khi ông cũng còn không hiểu hết. 

Nên chính trị có cái hay là như vậy, người Á Đông luôn nghĩ rằng phải là người có trí tuệ, hết sức trí tuệ thì mới có thể bước ra làm chính trị. 

Thực ra, như ta thấy, ứng viên chính trị là người đại diện cho cử tri, họ là chiến binh. Đại biểu dân cử ở Đài Loan hay Nam Hàn nhiều lúc lao vào đánh nhau là chuyện không hề lạ, và chúng ta cần những người phụng sự cử tri như thế. Và Trump cũng chính là một nhân vật như thế. Nên Trump "dán nhãn" đối thủ chính trị của mình rất tài tình, Sleepy Joe là một ví dụ, Crooked Hillary là một ví dụ khác. Khi người ta đi bầu, nhiều khi người ta chỉ có thể nhớ tới nhiêu đó thôi. Sai lầm lớn nhất của chính trị gia là nhàm chán, Roger Stone phát hiện ra sai lầm đó của McCain, của Mitt Romney. Mấy ông lịch sự thì sao, đạo mạo thì sao? Không ai tin mấy ông. Mấy ông mà thua cuộc thì rất nhiều người theo ông cũng thua cuộc. Losers don't legislate!

Ở Canada, bạn thấy một điều thú vị thế này, là môi trường ở đây không có phân biệt chủng tộc, rất thoải mái. Nhưng trong vô thức, trong nội cảm của người Canada vẫn có sự phân biệt đó. Anh chàng diễn viên hài Peter Russel ăn khách chính là nhờ chạm vào được những câu chuyện đó. Anh nhại dân Ấn Độ, dân Tàu, dân Mỹ gốc Phi,.... anh sang Sydney, cũng không tha dân Úc.

Có một danh hài nữa, rất tiếc là ông đã mất, có tên là George Carlin. Show của ông luôn chật cứng người đi xem, vì ông nói những thứ mà người ta bình thường không dám nói.

Trump là một dạng chiến binh như vậy, nên người ta rất thích ông. Chính Trị cũng là một dạng show business, có như vậy mới có thể huy động được sự quan tâm của đông đảo quần chúng, và đó mới là nền chính trị khỏe mạnh. Còn không, khi chúng ta đặt kẻ trí cao hơn các giá trị đạo đức, ta chỉ đơn giản là tạo ra những con quái vật mới.

FB Andrew Nguyen

No comments:

Post a Comment