BIẾT CHẤP NHẬN
Toại Khanh
Có nhiều người nói là lớn tuổi sẽ đi tu thiền. “Lớn tuổi, má sẽ đi vào chùa ở, má tu“, đó là thứ suy nghĩ rất là không nên. Là vì ngay thời còn trẻ còn khỏe, tu được thì nên làm liền chứ đừng có đợi. Có nhiều người coi tu thiền là chuyện quởn thì làm. Đừng có đặt chuyện tu vào dấu móc thời gian tuổi già, nếu làm được sớm thì làm ngay bây giờ vì nhiều lý do lắm. Chúng ta không biết được còn sống bao lâu, sẽ ra đi lúc nào. Và có nhiều trường hợp sống lâu nhưng không còn điều kiện tâm lý để mà làm việc đó nữa.
Sẵn đây tôi nói luôn, có nhiều trường hợp nghe tội nghiệp lắm, -“Trẻ như vầy, đẹp như vầy mà đi chùa thành bà già sớm. Tuổi trẻ nghĩ nhiều về kiếp nhân sinh, về tôn giáo, triết học sẽ làm cho cái đầu bị lão hoá sớm“.
Thật ra, có một điều khó ngờ, người sống trong tinh thần Phật pháp, chính là người trẻ hoài không già, quí vị có biết không?
* Người biết chấp nhận có hai hạng :
1 - Chấp nhận sự thật để rồi trở thành bi quan, ăn rồi cứ nghĩ là có một ngày mình già, chết, rồi mình sẽ ra đi bỏ lại tất cả. Đó là cách nghĩ tiêu cực.
2- Hạng thứ hai, nếu chấp nhận Sự Thật thì mới thấy rằng sống và chết chỉ cách nhau một sợi tóc thôi và cái chết không phải là sự kết thúc mà còn là điểm bắt đầu. Nhiều người cứ nói "lúc cuối đời", nhưng cuối là cuối kiếp này thôi, chứ nó là điểm bắt đầu một kiếp khác. Vấn đề lớn chuyện là ta có hành trang gì trong hành trình mới hay không.
**
Trong đạo, chỉ cần có ba thứ hành trang: Phước vật, phước đức và phước trí.
-Phước vật: Là khả năng buông bỏ vật chất.
-Phước đức: Là không sát sanh, không làm cho ai đau, không làm cho ai sợ, là khả năng quan tâm đến người khác mà hành xử cho phải phép, không làm tổn thương ai.
-Phước trí: Không thích bị ngăn che trong nhận thức, nghĩa là đời ra sao thì thấy như vậy. Không sợ sự thật mà phải thấy, phải yêu sự thật. Đây là Danh, đây là Sắc, chứ không có ông A bà B và đồng thời, cũng thấy rằng Danh và Sắc do duyên mà có, có rồi phải mất.
**
Thành Phật là gì? Là xé toạc màng Vô Minh đã che chắn mình mấy chục tỷ a tăng kỳ đại kiếp.
No comments:
Post a Comment