Đại Họa 30 - 4 Và COVID - 19
Trần Như Nguyện
Tác giả trước The Vietnam Veterans Memorial - Washington DC
Dù Covid 19, tác giả và các bạn vẫn tưởng niệm 30/4 tại Tượng đài chiến sĩ của thành phố Houston - Texas
Đã 45 năm, gần nửa thế kỷ trôi qua mỗi khi 30 tháng 4 trở về, với người dân Việt Nam cũng như Mỹ, đó là một trang sử oai hùng lẫn bi thương đẫm lệ. Riêng 2020 năm nay, tuy thảm họa Covid - 19 đang gây nhiều tổn thất trên lãnh thổ Hoa Kỳ, nhưng quá khứ của ngày tháng ấy vẫn không thể nào quên.
Là thế hệ thứ 2 trưởng thành trên đất Mỹ, đã bao nhiêu lần tôi suy nghĩ với những khoảng lặng muốn tìm ra một sự thật là vì sao nước Mỹ lại liên quan vào cuộc chiến tranh Việt Nam; và " Đế quốc Mỹ " có " xâm lược Việt Nam " đúng hay không, như tôi từng bị tuyên truyền dưới mái trường Xã hội Chủ Nghĩa ?
Hội nhập nền giáo dục nhân bản, hiểu được văn hóa chia sẻ yêu thương nước Mỹ, tôi biết mình đã thuộc về nơi đây. Chính vì vậy, tôi không tin là Mỹ xâm lược Việt Nam. Đâu là sự thật nằm sau nửa sự thật khi những đoàn quân viễn chinh Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam vì nhiều nguyên nhân; để rồi hôm nay phải hứng chịu những đòn thù dã tâm từ Trung Quốc qua con virus corona - vũ khí sinh học có sức tàn phá nguy hiểm hơn các loại vũ khí tối tân khác.
Liệu 30 - 4 và Covid - 19 có liên quan nhau sau 45 năm ? Sẽ có người cho rằng câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng vấn đề nếu biết suy luận thì sẽ yêu hơn nước Mỹ thăng trầm - miền đất hứa với biểu tượng Nữ Thần Tự Do mà hàng triệu di dân từ nhiều quốc gia khát khao " Giấc mơ Mỹ ".
Như cơn sóng thần ập đến không kịp trở tay, có ai ngờ thế giới hôm nay phải đối mặt thách thức bởi Covid 19 từ Trung Quốc. Từ nước đông dân nghèo đói nay hùng mạnh lên nhờ sự giúp đỡ của các đời tổng thống Mỹ bắt đầu từ 1971, và đặc biệt là chính sách miễn thuế từ thời cựu tổng thống Bill Clinton. Thay vì trả ơn nước Mỹ đã tạo cơ hội, " cường quốc đỏ " lại phản chủ, không chỉ là gian thương mà còn dùng con virus corona để hại nhân loại.
Khi nhắc đến đây, ký ức chợt ùa về trong một lần viếng thăm The Vietnam Veterans Memorial ( Bức Tường Đá Đen) tại Washington DC. Từng bước chân theo cung đường uốn cong dẫn đến bức tường tưởng niệm hàng chục ngàn chiến sĩ trận vong hy sinh vì Tổ quốc, cung bậc cảm xúc trong tôi thật khó tả. Giữa một không gian buồn của thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhìn bức tường khắc ghi 58.000 tên tuổi người Mỹ đã ngã xuống chiến trường Việt nam, mắt tôi lúc ấy cay cay và rồi chợt dòng lệ lăn dài trên má tự lúc nào không thể ngăn nổi ...
Phải chăng bức tường khởi công vào 1982 có chiều dài mỗi cạnh 75 mét như thông điệp nhắc đến cuộc chiến kết thúc bắt đầu hai con số cuối 1975 ?
Ôi, một cuộc chiến trả giá đắt không phải chỉ bằng tiền của, mà còn bằng chính mạng sống. Phải gọi đây là sự hy sinh lớn nhất trong lịch sử Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, hơn cả Đệ nhị thế chiến. Con số thiệt mạng ra đi khi tuổi đời còn trẻ tại một nơi không phải là Tổ quốc của mình mới là " đau ". Còn quá nhiều mảng ghép khác nhau trên mỗi cuộc đời, mỗi số phận nhưng tất cả đều có mẫu số chung là lòng yêu nước, cống hiến tận tụy.
Chạm tay trên bức tường đá granit, bất ngờ nhìn thấy hình bóng chính tôi như đang soi gương, chút thảng thốt không thể tin nổi. Lẽ nào mình đang được chạm vào những linh hồn trên bức tường bằng đá này. Bóng dáng tôi phản chiếu khiến cảm xúc dâng trào bởi điều gì đó thật thiêng liêng gần gũi giữa người sống và linh hồn đã khuất. Như một nối kết vô hình, trái tim tôi đau đớn khi biết họ đã về thế giới bên kia với tuổi đời còn rất trẻ, qua ngày tháng năm sinh và tử nạn. Đã bao nhiêu người chưa một lần biết yêu, bao nhiêu người bỏ lại cha mẹ già khóc trong đau khổ mất mát? Đã bao nhiêu người vợ trẻ mất chồng, ly tan và con thơ rơi vào cảnh mồ côi ? Đã bao nhiêu món quà từ USA chưa kịp đến tay người nhận vì họ đã ra đi vĩnh viễn trong trận chiến ?
Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi đã học những điều khác xa những gì được biết về con người và đất nước này. Cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến ý nghĩa nhưng lịch sử lại bóp méo xuyên tạc.
Hãy nhìn vào sự thật Covid -19 đang diễn biến trên hành tinh này là do ai, từ đâu ? Lại từ Trung Cộng ! Virus cộng sản mới chính là mầm mống gây hậu quả bao tang tóc cho các quốc gia từ Châu Âu cho đến Mỹ.
Lý do tôi đề cập câu chuyện Covid - 19 và quay lại lịch sử chiến tranh Việt Nam để chứng minh rằng những nỗ lực trước đây Mỹ tìm cách ngăn chặn, diệt trừ Cộng sản Trung Hoa không phải là sai lầm.
Nay, như bức màn bị xé toang, một Trung Cộng hung hãn vô nhân khi sử dụng vũ khí nhân tạo coronavirus để thực hiện tham vọng làm bá chủ toàn cầu. Trước đây Mỹ " vào trận " là vì Trung Quốc, nay Mỹ " chịu trận " cũng từ Trung Quốc. Nhận ra sự thật phũ phàng thì đã muộn màng. Nếu ngày ấy Mỹ không rút quân khỏi Việt Nam thì dễ gì có cơ hội cho nhà cầm quyền Tập Cận Bình tung hoành ngày nay.
Một người bạn Mỹ của tôi đã chia sẻ : Việt Nam của bạn quá phức tạp, không thể hiểu nổi ! Ban ngày người dân nhận quyền lợi từ Mỹ, nhưng ban đêm thì lại trở thành du kích. Ngạc nhiên hơn khi thành phần trí thức, nhân sĩ, linh mục Công giáo, các sư Phật giáo cũng bị xách động biểu tình chống Mỹ. Chúng tôi, từng là cựu chiến binh thật sự hoang mang, không biết đâu là bạn đâu là thù. Dù thế giới chuyển động, nhưng cái giá các bạn nhận được khi phải sống với thể chế không thuộc khối tư bản tự do như thế nào thì đã muộn.
Chúng tôi đã đổi mạng sống bằng thương tích, bằng cái chết không lời từ biệt của những người bạn, người con, người anh, người em, người cháu trong hàng chục ngàn gia đình Mỹ có người thân phục vụ trong quân đội tại Việt Nam. Đó là nỗi đau thương bi thảm của một thời đại.
Các bạn " đau" nhưng chúng tôi còn " đau " hơn gấp trăm lần ! " Cái giá Freedom is not free, người dân Việt ngày ấy không hiểu để giữ lấy.
Vâng, tôi biết nổi đau ấy không điều gì có thể bù đắp nổi, chỉ cầu mong điều ấy sẽ không diễn ra, và lập lại một lần nữa trong lịch sử nước Mỹ đang bị chia rẽ quyền lực.
Tôi thầm nghĩ, người Mỹ cũng lao đao khi bước chân đến một nơi khí hậu hai mùa nắng mưa khác biệt. Họ là những chàng trai trẻ từ môi trường sung sướng nay phải chịu đựng làm quen địa lý của đất nước nằm trong xích đạo nhiệt đới nóng bức, ẩm ướt. Muỗi cắn, rừng sâu biển mặn cũng là một thách thức lớn. Những người lính Mỹ xa nhà nửa vòng trái đất, chấp nhận quay lưng với đời sống cao tiện nghi đầy đủ để chiến đấu trong hoàn cảnh khắc khổ đối mặt từ dân cho đến lực lượng du kích; cùng địa hình khó khăn lạ lẫm, và có thể bị giết bất kì lúc nào mới là điều khủng khiếp.
Nguồn tư liệu nước ngoài uy tín như Pháp, Mỹ, Úc, Anh cũng cho thấy thập niên 1960 - 1970, Hoa Kỳ đã gắng nổ lực vài sách lược nhằm ngăn chặn khối Cộng sản toàn cầu đang bành trướng không chỉ tại Châu Âu, mà còn cả Châu Á. Thời gian vào tháng 3 năm 1965, Mỹ giúp Việt Nam không lệ thuộc Trung Cộng bằng cách đưa 3.500 thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng được chọn làm căn cứ quân sự. Họ đã nhìn ra được tham vọng của Bắc Kinh thực hiện mưu đồ chiếm Biển Đông. Lo ngại khối cộng sản sẽ khó kiểm soát nếu lan tràn đến Miền Nam Việt Nam và Châu Á nên Mỹ nhân đạo gởi tiền, viện trợ vũ khí, quân đội đều từ thiện chí.
Trong một lần trao đổi về thời sự, cô Jennifer đồng nghiệp hỏi tôi:
- Vì sao bạn có mặt tại đất nước Hoa Kỳ ?
Chút nghẹn ngào, tôi chia sẻ những điều mà thế hệ mình biết trong giới hạn :
- Bạn có biết, sau khi Mỹ rút khỏi miền Nam thì ngày mất nước là một nỗi ám ảnh. Tháng Tư buồn bởi làn sóng di tản trực thăng tại Tòa Đại Sứ Mỹ, bắt đầu những con tàu thuyền nhân vượt biển tìm đường tự do làm kiếp lưu vong. Họ đến các nước tự do bằng căn cước tị nạn chính trị. Hàng triệu người tìm đường thoát thân, may mắn thì được đến bến bờ tự do, không may mắn thì bị hãm hiếp, rơi vào lòng đại dương làm mồi cho cá. Hàng trăm ngàn sĩ quan quân lực VNCH phải vào tù. Vào thời điểm thương đau ấy, làm người Việt như một định mệnh, chúng tôi cũng khổ lắm. Đó là bi kịch của một dân tộc. Sự hiện diện của tôi tại đây cũng từ những nguyên nhân ấy ".
Tôi ngậm ngùi khi chính anh của cô ấy cũng đã hy sinh tại chiến trường Xuân Lộc. Cả hai chúng tôi cùng lặng đi khi hồi ức trở về trong tâm thức. Một góc trời riêng, hai màu da khác nhau, không ngờ chúng tôi lại ngồi bên nhau với nổi niềm sóng lao xao. Giá như...
Bản thân lớn lên giữa hai dòng văn hóa, tư tưởng Việt - Mỹ khác biệt, tôi trăn trở dấu hỏi của một thế hệ rời nước ra đi, bỏ lại phía sau quê hương trầm tích. Thoát khỏi vòng chật hẹp trong khuôn khổ bé nhỏ, nay tại trời tây tôi hiểu " Nước Mỹ chữ Nhân trên vai " bởi những nơi đi qua, những điều khám phá, và tôi tự hào là công dân Hoa Kỳ.
Chiến tranh đã qua, Covid 19 rồi sẽ kết thúc. Nhưng, những người lính Mỹ thầm lặng, những chiến sĩ áo trắng vì tha nhân trên tuyến đầu chống Coronavirus sẽ trong trái tim các thế hệ. Tôi viết lên đây để nhớ đến một thời, đã có một thời ... Sức mạnh làm nên giá trị nước Mỹ vĩ đại cũng từ một thời thế đấy !
No comments:
Post a Comment