Luật Sư Trần Hữu Trung
Năm 1966, tôi trúng tuyển vào làm xướng ngôn viên đài Tiếng Nói Tự Do – Voice of Freedom – hay gọi tắt là đài VOF. Đài này qui tụ một số nhà văn, nhà báo, nhạc si và ca sĩ nổi tiếng. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là tiếng hát “vượt thời gian” của danh ca Thái Thanh với chương trình “Lời Trong Đêm”. Trong mục này, Thái Thanh tâm tình với các anh bộ đội miền Bắc.
Với giọng đọc hấp dẫn lôi cuốn, với những nhạc phẩm tình cảm do giọng ca hàng đầu trình bày, chương trình này làm cho bộ đội miền Bắc rất ghiền và nghe lén, theo anh Lê Tuấn, người cùng khởi đầu với tôi tại đài trước Nguyễn Hữu Công và Phạm Long.
Nguyễn Hữu Công hiện điều hành đài phát thanh Little Saigon tại Cali.
Phạm Long thường xuất hiện trong các đài truyền hình Việt Nam, cũng tại Cali.
Sau một thời gian làm xướng ngôn, chúng tôi được theo học một khóa đạo diễn phát thanh (producer) do đài VOA (Voice of America) tổ chức tại đài phát thanh Sàigòn.
Sau khóa học, tôi được giao làm producer, phụ trách chương trình nhạc cổ điển Tây phương do anh Lê Gia Thầm biên soạn. Nữ ca sĩ Kim Vui cũng là nữ tài tử nổi tiếng làm xướng ngôn, đọc chương trình.
Khi tôi vào đài, chương trình “Lời Trong Đêm” của Thái Thanh do nữ kịch sĩ Kiều Hạnh làm producer. Kịch sĩ Kiều Hạnh lấy ông Phạm Đình Sỹ là anh cả của Thái Thanh.
Nghệ sĩ Kiều Hạnh thỉnh thoảng đi đóng phim. Khi bác bận đi quay phim, tôi được giao làm producer cho chương trình Thái Thanh. Vì thế, tôi có dịp nói chuyện với bà.
Thái Thanh có lối nói chuyện rất lôi cuốn và duyên dáng. Bà có những nhận xét tinh tế về cuộc sống. Theo bà, vợ chồng cần có một khoảng cách xa nhau trong ngày, buổi tối hội ngộ mới đầy ý nghĩa.
Thái Thanh và các con ở một căn nhà rất xinh tại đường Lê Thánh Tôn, gần nhà thương Đồn Đất xưa.
Khi tôi lại thăm, bà dắt một vòng đi xem nhà. Trên lầu, khi chỉ tay vào phòng ngủ rất rộng so với tiêu chuẩn ở Sàigòn bấy giờ, trông rất “hoành tráng”, Thái Thanh khôi hài: “Đây là phòng ngủ của hoàng đế Neron”.
Vài năm sau khi tôi vào làm trong đài, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tức Hoài Bắc và anh Hoài Trung cùng Thái Thanh hợp thành ban văn nghệ trên sân khấu của nhà hàng “Đêm Màu Hồng” trên đại lộ Nguyễn Huệ Sàigòn. Nhà hàng này là tầng trệt của khách sạn Catinat. Ông chủ nhà hàng là dân biểu Trần Quý Phong, một người ái mộ danh ca Thái Thanh.
Tôi đến nhà hàng được nghe anh Hoài Trung hát “Bên Cầu Biên Giới”, anh Hoài Bắc chơi guitar, ngất ngưởng với ly ruợu và tất nhiên có tiếng hát lanh lảnh, lôi cuốn của Thái Thanh. Sau đó là giọng ca mạnh, đầy sức sống của một ca sĩ lớn là Lệ Thu.
Anh Hoài Trung cùng trong ban thực hiện chương trình với tôi tại đài Tiếng Nói Tự Do. Anh nói Thái Thanh và Lệ Thu là hai tiếng hát độc quyền của nhà hàng “Đêm Màu Hồng”. Anh tiết lộ, mỗi cô được trả 250,000 đồng một tháng. Thời đó, lương một công chức bình thường chưa tới 10,000 đồng. Như vậy, một công chức phải đi làm cả hai năm mới gần bằng thu nhập của hai danh ca miền Nam trong một tháng.
Hát hay, tiếng tăm lừng lẫy, duyên dáng lại nói chuyện lôi cuốn, tinh tế, thông minh nên Thái Thanh có nhiều quý ông ái mộ, phải nói là mê mệt.
Đứng đầu bảng là nhà văn Mai Thảo. Mỗi lần Mai Thảo vào trong đài, gặp Thái Thanh cùng thâu chương trình, tôi thấy hai người nói chuyện rất tương đắc. Mai Thảo có thái độ rất kẻ cả đối với các ca si đàn em của Thái Thanh. Tôi nghe ông hỏi một ca sĩ trẻ: “Em không chào anh à?”. Còn với danh ca Thái Thanh, ông cười cười nói nói coi như không biết thời gian là gì. Đúng là ông “vượt thời gian”.
Chính Mai Thảo là tác giả của nhận xét giọng ca “vượt thời gian” của Thái Thanh. Cụm từ của Mai Thảo nay đã thành biệt danh của Thái Thanh.
Còn nữa, để ca tụng lối diễn tả sống động của giọng ca Thái Thanh, Mai Thảo viết: “Giọng ca có da có thịt”, nhưng câu này ít được trích dẫn.
“Vượt thời gian” nay đã đi vào ngôn ngữ Việt Nam. Vì thế, người ta hay nói giễu những anh trốn nợ không trả tiền là những anh có món nợ “vượt thời gian”.
Một gương mặt nổi tiếng khác của Sàigòn cũng là người mê Thái Thanh như điếu đổ, nhưng là yêu một chiều thôi. Chàng giữ kín mối tình. Đó là quái kiệt Trần Văn Trạch.
Từ bé còn ở tiểu học, tôi đã thấy người ta mê lối trình diễn đầy hài hước của Trần Văn Trạch như khi ông hát: “Cái Telephone, Chuyến Xe Lửa Mồng Năm….”. Rồi giọng ông trầm ấm trong mỗi buổi truyền thanh trực tiếp cuộc sổ xố của đài Phát Thanh Sàigòn “Xổ số quốc gia, giúp đồng bào ta, mua lấy cửa nhà, giàu sang mấy hồi….”.
Sau này lớn lên, khi là sinh viên, tôi rất hâm mộ giọng miền Nam, ấm, vang của Trần Văn Trạch khi ông hát “Chiều Mưa Biên Giới”.
Mới đây tôi đọc một bài báo, ký giả hỏi Thái Thanh về người có mối tình câm lặng với bà. Danh ca trả lời rằng bà cũng đoán thế. Bà rất nể trọng tài năng và tư cách của nghệ si Trần Văn Trạch.
Theo nhạc si Nguyễn Quý Lãm, có một nhạc sĩ khá nổi tiếng cũng mê Thái Thanh như điếu đổ. Cụ Nguyễn Quý Lãm nay đã trên 90. Cụ ở gần nhà tôi và là thân chủ của tôi. Cụ Lãm chơi đàn violin rất nổi tiếng tại Sàigòn. Cụ dạy nhạc cho các con của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến và bà xã Ái Minh.
Theo cụ Lãm, người nhạc sĩ đa tình vô cùng cái mộ Thái Thanh là nhạc sĩ Võ Đức Thu.
Trên Việt Luận, Khánh Ly cho rằng Thái Thanh là ngọn hải đăng của cô. Còn theo Lệ Thu, chỉ có một mình Thái Thanh là tiếng hát vượt thời gian.
Trước đây, tôi đọc một bài báo khá dài đăng trên Việt Luận do ông Đỗ Tiến Đức, cựu Giám đốc trung tâm điện ảnh miền Nam trước 1975, viết về Thái Thanh. Theo ông, chúng ta nên cám ơn Thái Thanh vì bà đã đem tiếng hát tô đẹp đời sống của chúng ta.
Xin mượn nhận xét trên của ông Đỗ Tiến Đức để vĩnh biệt một tiếng hát đã tô đẹp đời sống của chúng ta.
Luật Sư Trần Hữu Trung
Sydney, tháng 03/2020
No comments:
Post a Comment