Thương Cây Mai Già
Phạm Nga
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Thiền sư Mãn Giác)
1.
Hằng năm, cứ đúng ngày 15 tháng Chạp, dù bận cách mấy vợ tôi cũng không hề quên việc lặt lá cho cây mai trong sân nhà. Nếu thời điểm này trời tạnh ráo, thường là cây mai sẽ nở hoa thật đẹp vào Tết nguyên đán. Diễn biến thời tiết của tháng chạp âm lịch lại càng hệ trọng đối với dân trổng mai, bởi những trận mưa trái mùa vô duyên, không-mong-đợi luôn phá hại những cây mai mà họ giành để bán Tết cho bà con chưng Tết.
Như vào tháng chạp năm Bính Thân (2016), những cơn mưa lớn đột ngột vào các ngày 17, 18, 28 đã khiến mai Tết năm đó hư hại bộn bề. Nhiều nhà vườn – như ở vùng Thủ Đức – khổ sở vì thất thu, bởi dù giá có rẻ cỡ nào đi nữa, khách chọn mai chưng Tết luôn bỏ qua những cây mai chưa giao thừa mà nụ trên cành đã nở bung. Chính khách chơi mai cũng mệt mề, vì mai chưng, mai kiểng trên thị trường hoa Tết năm đó, tập trung là ở các chợ hoa xuân, sẽ vừa mắc lên vừa kém đẹp so với mùa Tết các năm khác.
Tôi nhớ có lần đã lân la ra chỗ một anh bán mai Tết bên lề đường Phạm Văn Đồng gần nhà. Cả buổi bị ế hàng, chẳng có khách ghé nên anh rề rà phân tích thật rành rẽ cho tôi nghe, rằng theo lệ, nhà vườn trồng mai ‘trúng’ hay ‘thua’ vụ mai Tết là tùy vào ngày ngắt lá mai. Nếu thời tiết thuận lợi thì tính từ lúc ngắt lá đến khi mai nở là 14-15 ngày, tức sẽ trúng hay trước /sau chút đỉnh đối với thời điểm lý tưởng: ngày mùng Một – đầu năm mới. Nhưng nếu ngắt lá xong mà gặp trời mưa lớn, mưa kéo dài cả buổi thì mai không thể bung được vỏ lụa, nụ sẽ không bung ra, coi như mất trắng. Còn trường hợp nụ hoa đã bung rồi nhưng gặp mưa, ướt nước hay thời tiết lạnh hơn dự kiến thì thời gian nở sẽ kéo dài thêm, có thể phải qua Tết cây mai mới đẹp đúng mức mong đợi.
2.
Như đã nói, từ lâu trong cái sân nhỏ xíu nhà tôi có một cây mai tứ quý. Cây mai già này gốc gác từ Vũng Tàu quê ngoại, tức nhà bên bà xả tôi. Vợ tôi kể với các con tôi: “Hồi mẹ 13-14 tuổi, Tết năm nào đó đã thấy ông ngoại đem cây mai này về để trong sân…”. Sau 30 tháng 4, đâu khoảng năm 1981, bởi cái tội trong nhà có người vượt biên, gia đình ông ngoại bị bắt đi kinh tế mới, hay nhẹ hơn cũng bị xếp vào diện hồi hương lập nghiệp, nghĩa là phải rời khỏi địa chỉ nhà phố đang ở để rút về đất quê mình sinh ra. Tôi liền xin cây mai, gởi xe hàng chuyển về nhà mình ở Gò Vấp (Sài Gòn), tức vượt qua hơn 100 cây số. Vài năm sau đó, cha vợ tôi – chủ nhân một thời vun trồng, chăm sóc cây mai qua đời…
Đối với vợ chồng tôi, cây mai già cỗi, giờ đã gần 50 tuổi, không thể còn tươi đẹp này cùng với bộ tách trà sứt mẻ, cái bình toong nhựa quân nhu VNCH vàng ố, cái radio ấp chiến lược hết “chạy”, cả con chó Vện già, xấu xí nhưng khôn-hết-biết…, đã lặng lẽ biến thành những món đồ cổ quý giá, vì vừa là những đồ vật mang nặng giá trị kỷ niệm gia đình do ông ngoại để lại, vừa chất chứa giá trị thời gian, lịch sử cuộc đời. Quá thân thương là cái bình toong, từng đi theo tôi một thời khóa sinh, sinh viên SQ đeo bên lưng trong hai quân trường Quang Trung và Thủ Đức, rồi một thời học tập cải tạo về, giữa những năm ăn độn lại thất nghiệp nên đi làm rẫy trồng lúa, trồng mì cùng cha vợ ở khu Trại Nhái, phường Phước Thắng, Vũng Tàu.
Rồi đến bao cái Tết, tôi thầm hiểu khi luôn giữ lệ lặt lá mai vào ngày 15 tháng chạp, bà chủ nhà chịu thương chịu khó của tôi thầm hy vọng cây mai già, dù lại đến lúc nặng thêm một tuổi đời nữa nhưng nó vẫn sẽ còn đủ sức ra vài bông đẹp đẹp vào ngày mùng Một, hay trễ hoặc sớm đi một ngày cũng mừng luôn. Và mùa Tết năm nào cũng vậy, cứ như để động viên, dỗ dành cây mai già đừng rủ liệt, bà xã tôi đều gắn vào cành của nó một vài bông mai nhựa vàng rực, nở bung hết cỡ, cùng dây đèn L.E.D. nhấp nháy ánh sáng vàng, tím cho vui cửa vui nhà.
3.
Đến mùa Tết năm Đinh Dậu 2017, cũng bởi trúng mưa, dính nước mưa trái mùa trước Tết, nhiều cây mai Tết vùng Sài Gòn đã không thể đẹp như người trồng mai cùng người chơi mai kỳ vọng.
Tuy nhiên, thật kỳ diệu, trong lúc mai Tết ở nhiều nơi gây thất vọng như thế thì trong sân nhà tôi, vào tối 30 Tết năm này, không gian thật im ắng, tôi đã chợt nhận ra cây mai tứ quý già nua vẫn nở được vài bông trên một cành thật khẳng khiu như cánh tay cụ già. Các bông mai nho nhỏ thôi nhưng thật tươi thắm – nhất định tươi hơn các bông nhựa được vợ tôi đã gắn thêm ở những cành kề cận.
Hồi thế kỷ 11, thiền sư Mãn Giác có câu thơ thiền hay nức tiếng xưa nay:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Hòa thượng Thích Thanh Từ dịch: Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một cành mai)
Hãy hình dung là ngày xưa, vào một buổi sáng của mùa xuân đã kết thúc, tức vào lúc loài hoa nào cũng rụng hết cả, thiền sư thức giấc dậy, đã tình cờ bắt gặp trên cây mai ở sân trước của nhà chùa, vẫn chợt có một đóa mai đơn độc đã nở lúc nào đó đêm hôm trước.
Còn tôi, mùa xuân Đinh Dậu ấy cũng đã thầm lặng không có chút hy vọng nào vào cây mai già của mình. Vậy mà, rất tình cờ năm ấy, cây mai già đã oanh liệt nở được vài bông thật tươi thắm, tức gia đình tôi đã nhận được một món quà xuân thật quý từ cây mai trung tín và thương chủ. Vợ chồng tôi càng thương quí cây “lão mai” từng chất chứa bao kỷ niệm gia đình, nhất là từ người cha quá cố…
Tết năm đó, khi ngồi tính sổ năm cũ, tôi đã thấy chung chung là trọn một năm qua cuộc sống gia đình tôi vẫn vậy, tức vẫn bình bình, như không được may mắn trúng số Vietlott tiền tỷ chẳng hạn, nhưng ngược lại, cũng không gặp xui xẻo lớn như bị tai nạn hay dính bệnh nan y… Tuy nhiên, tôi đã được đón nhận như một sự kiện, một hạnh vận đầy ý nghĩa lạc quan, tươi sáng – đó là chuyện cây mai già cỗi trong sân nhà mình, dù đã suy kiệt nhựa sống nhưng vẫn đã kỳ diệu nở cho vài bông thật tươi đẹp vào ngày cuối năm/buổi giao thừa đón năm mới. Dù gì cây mai già thương chủ, có “nghĩa tình” của gia đình tôi cũng đã ráng hết sức già của nó để thực hiện sao cho tốt đẹp nhiệm vụ làm đẹp cuộc đời của họ Mai Vàng.
PHẠM NGA
(Cận Tết Canh Tý)
No comments:
Post a Comment