Chỉ có ở Nhật: Chế tác "đồ ăn giả" được nâng lên thành nghệ thuật
Chúng ta luôn thưởng thức món ăn bằng miệng nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến việc thưởng thức món ăn bằng mắt chưa?
Ở Nhật Bản tại nhiều nhà hàng cũng như quán ăn lớn có truyền thống trang trí những mô hình món ăn ở tủ trưng bày ngay trước cửa ra vào. Việc này có tác dụng mời gọi thực khách vào nhà hàng để thưởng thức món ăn của quán. Điểm đặc biệt ở chỗ, những mô hình món ăn này có vẻ ngoài rất bắt mắt và giống thật, thậm chí trông chúng còn “ngon” hơn cả món ăn thật.
Món ăn giả nhìn còn "ngon" mắt hơn món ăn thật
Thức ăn giả ở Nhật Bản
Mô hình thức ăn giả được coi là một loại hình nghệ thuật không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo mà còn đem lại cho các công ty những lợi nhuận khổng lồ.
Thế nhưng, ít ai biết rằng ý tưởng làm thức ăn giả xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1926, do Iwasaki Takizo – một công dân sống tại Osaka nghĩ ra. Ý tưởng này nảy sinh trong hoàn cảnh gia đình ông đang gặp khó khăn.
Một hôm nọ khi đang canh chừng người vợ bị bệnh nặng, ngồi trong ánh nến trong tâm trạng rối bời vì không biết làm cách nào có tiền để trang trải cuộc sống, Takizo thấy sáp nến chảy, ông dùng ngón tay hứng và thấy dấu vân tay của mình in lên miếng sáp khi miếng sáp khô lại.
Thấy kỳ lạ, ông tiếp tục cho sáp nến khi còn nóng chảy xuống chiếu và phát hiện khi miếng sáp khô cũng in rõ ràng đường gân chiếu. Ông nảy ra ý tưởng làm món ăn từ sáp nến.
Sau đó, tiếp tục đi học hỏi những người thợ làm đồ vật bằng sáp nến. Một thời gian sau, Taikizo tự tay làm những mô hình món ăn. Đây được coi là chuyển biến lớn trong cuộc đời Iwasaki Taikizo cũng như trong nền ẩm thực Nhật Bản.
Tất cả những món ăn giả đều được làm thủ công đến mức hoàn hảo và tinh tế. Không đơn giản chỉ là một mô hình “trông có vẻ giống” mà chúng còn là những bản copy chính xác đến từng chi tiết của mỗi loại đồ ăn.
Nhiều người nhận xét, trông chúng còn hấp dẫn hơn cả món ăn thật. Chẳng thể phủ nhận, chúng chính là thực đơn sống động, không thể thiếu trong bất kỳ quán ăn Nhật lúc đó cũng như hiện nay.
Bên cạnh mục đích cơ bản là đại diện cho món ăn thật, món ăn giả còn được coi là tác phẩm nghệ thuật.
Món ăn giả là một trong những nét đặc trưng của văn hóa Nhật. Hàng năm, ngành công nghiệp sản xuất thức ăn giả đem về cho Nhật Bản hàng tỷ yên. Trước nhu cầu ngày càng đông đảo không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài, hàng ngàn món ăn mới được chế biến và ra đời, món ăn giả như là một đáp án cụ thể hơn cho những thực khách không ý thức được mình muốn gọi món gì.
Ai tin được đây là những món ăn giả cơ chứ!
Ngoài ra, mô hình thức ăn giả còn được dùng trong việc phân tích giá trị dinh dưỡng trên thông tin dinh dưỡng cụ thể của từng món ăn. Khách hàng sẽ chọn một số món vào khay để đưa đến quầy phân tích. Tại đây, máy sẽ hiển thị về thành phần tỉ lệ chất đạm, vitamin cũng như chất khoáng để khách hàng có những lựa chọn phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, người ta còn ứng dụng mô hình thức ăn giả vào việc làm đồ lưu niệm. Ví dụ như móc chìa khóa, giá điện thoại, những món đồ trang trí nho nhỏ, dễ thương...
Giá thành
Món ăn giả là bản sao của món ăn thật, nếu chỉ bằng thị giác, thực khách khó lòng phân biệt được đâu là đồ thật có thể ăn được và đâu là đồ giả. Yêu cầu của các chủ cửa hàng đặt ra cho nhà sản xuất là “thật giả khó phân” nên mỗi món ăn giả được họ chú trọng trau chuốt từng chi tiết, từ kích thước, màu sắc đến độ bóng trên nguyên liệu. Vì thế, giá thành của mỗi mô hình món ăn giả đắt gấp nhiều lần so với món ăn thật.
Thật thú vị khi biết lần đầu tiên “hàng giả” còn đắt hơn “hàng thật”, phải không nào?
Ảnh: Intermet
No comments:
Post a Comment