Nhạc sư Vĩnh Bảo, ‘báu vật sống’ của nghệ thuật đờn ca tài tử
June 22, 2019
Nhạc sư Vĩnh Bảo, Tháng Mười, 2018. (Hình: Anh Kiệt/Người Việt)
Ở tuổi 102, ông vẫn minh mẫn, tài hoa nắn nót phím đờn, say sưa nói chuyện về đờn ca tài tử, vẫn dạy đờn online, offline cho mọi người yêu thích, truyền đi tình yêu âm nhạc và cung bậc âm thanh đẹp đẽ của tiếng Việt.
Nhạc với ông là đạo, là thiền, là cuộc sống. Nhạc sư Vĩnh Bảo là hiện tượng có một không hai, không chỉ của người Việt mà còn của cả nhân loại. Ông được xem là “báu vật sống” của nghệ thuật đờn ca tài tử.
Viết về nhạc sư Vĩnh Bảo thật quá khó, tài năng, nhân cách, trí tuệ và tình yêu của ông quá lớn. Vượt qua tuổi 100 vẫn minh mẫn, đam mê nắn nót những tiếng đờn sâu lắng mê đắm lòng người, vẫn dung dị khoan thai ôn cố tri tân giảng giải cho hậu thế chuyện đời, chuyện nhạc theo phong thái thanh thoát mà sâu lắng của thiền…
Tôi vốn ngưỡng mộ ông qua ngón đàn và những clip video các buổi nói chuyện, những suy gẫm sâu sắc trên Facebook Vĩnh Bảo của ông từ lâu nhưng chưa dịp gặp.
Nhạc là thiền
Có dịp theo chân nhạc sĩ Võ Trường Kỳ và nhóm bạn về Cao Lãnh, Đồng Tháp, thăm bác Chín Vĩnh Bảo (nói theo cách xưng hô của nhạc sĩ Võ Trường Kỳ và những người thân), một lần nữa tôi học ở ông những bài học bằng vàng.
Nhạc sư Vĩnh Bảo với học trò mới. (Hình: Anh Kiệt/Người Việt)
Khi chúng tôi tới, bác Chín ngồi trên chiếc ghế salon dài, ôm cây đờn kìm, bên cạnh một phụ nữ trẻ ngồi cạnh cây đờn tranh. Đúng là tri âm tri kỷ, không rào đón xã giao xởi lởi, anh Trường Kỳ nâng cây đờn tranh so dây nắn phím, lập tức tiếng đờn kìm của bác Chín cũng hòa nhịp theo điệu Nam Xuân.
Họ không chào nhau bằng lời nói mà bằng nhạc. Đó không phải sự tình cờ đột ngột mà đã thành thần thức, từ triết lý sống sâu xa. Bác Chín thường nói: “Âm nhạc gắn bó với cuộc sống sâu kín của tôi, vì thế tôi ôm chầm lấy nó. Mỗi khi tôi đờn, tôi cảm thấy tôi sống trong trạng thái tĩnh lặng, nó rất gần với thiền. Mà khi gần với thiền, nó giúp tôi gạt bỏ đi cái phàm ngã để thắng được chính mình, hầu bằng lòng với cái tối thiểu mà cuộc sống đã mang tới cho mình.”
Triết lý xem nhạc như đạo, yêu nhạc như thiền không chỉ là ý nghĩ mà đã thực chứng trong hơn 102 năm tuổi đời của bác trải qua bao thăng trầm vẫn dung dị thanh thản.
Dù là nhạc sư được quốc tế vinh danh, mấy mươi năm qua, bác sống trong căn phòng nhỏ chừng hơn 10 mét vuông trong con hẻm sâu có đến “ba cái xẹt” trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Tại căn phòng chứa đầy nhạc cụ, băng đĩa nhạc, tài liệu và dàn máy tính tiếng đờn vẫn ngân nga trong suốt, bác vẫn say sưa làm việc, tiếp bè bạn, khách trong nước và quốc tế, dạy đờn trực tiếp lẫn trên mạng Internet.
102 tuổi vẫn còn dạy nhạc
Yêu nhạc, bác không ôm giữ tình yêu đó cho riêng mình mà luôn sẵn lòng chia sẻ, truyền lửa cho thế hệ trẻ. Trên 100 tuổi bác vẫn say sưa nói chuyện âm nhạc đờn minh họa với thanh niên, sinh viên, say sưa đến mức đã hết giờ nhưng khán giả còn muốn nghe bác sẵn lòng nói tiếp.
Bìa CD nhạc sư Vĩnh Bảo và Giáo Sư-Tiến Sĩ Trần Văn Khê do hãng đĩa OCORA của Pháp phát hành. (Hình: Nguyễn Vĩnh Bảo cung cấp)
Trong buổi nói chuyện tại trường Đại Học Hoa Sen, Sài Gòn, kéo dài hàng tiếng đồng hồ nhưng người nghe trong đó có cả nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân (người đóng vai Trưng Trắc sau khi Thanh Nga chết) từ nước ngoài về, vẫn muốn hỏi thêm, muốn nghe thêm, đích thân Hiệu Trưởng Bùi Trân Phượng làm MC phải nhắc đi nhắc lại hết giờ vì lo sức khỏe của bác.
Không chỉ như vậy, bác còn dạy đờn miễn phí cho bất cứ ai yêu thích và biết một trong năm thứ tiếng để giao tiếp được là tiếng Việt, Pháp, Anh, Nhật và Cambodia. Chính điều kiện rộng rãi như vậy nên học trò của bác có nhiều nơi trên thế giới và phát sinh chuyện tréo ngoe do lệch múi giờ là có học trò gọi qua messenger đòi “trả bài” lúc 3 giờ sáng. Bác không phiền mà sẵn sàng nghe, “chấm điểm.” Bác giải thích rằng: “Nó đờn được nó ham, nghe, chỉ dẫn cho nó vui, học tiếp. Già rồi tiếc gì giấc ngủ.”
Không phải là nghệ sĩ, danh cầm mà ngay những người chưa từng biết đờn, thật sự yêu thích, có ý chí học bác cũng nhận dạy. Cô bạn của tôi vốn là kỹ sư, phó tổng giám đốc một công ty đình đám, hoàn toàn i tờ về âm nhạc nhưng mê ngón đờn của bác nên xin học đờn tranh. Bác cho kỳ hạn ba tháng thử sức, vượt qua ba bài tập Ngũ Điểm Bài Tạ, Lý Con Sáo và Dạ Cổ Hoài Lang, bác đã chấp nhận dạy.
Nhạc Việt hạp với khẩu vị mình
Không yêu âm nhạc theo kiểu “tình yêu như trái phá, con tim mù lòa” (“Tình Sầu,” Trịnh Công Sơn), bác Chín yêu nhạc dân tộc, mà cụ thể là đờn ca tài tử với sự hiểu biết sâu sắc từ cái đẹp của nhạc khí cho đến ngôn ngữ Việt. Với hiểu biết và tài hoa của mình, bác Chín đã cải tiến đờn tranh truyền thống 16 dây (còn gọi là đờn thập lục) thành đờn 17, 19, 21 dây hiện đang sử dụng phổ biến ngày nay.
Từ trái, Trần Văn Khê, Phạm Duy và Nguyễn Vĩnh Bảo hòa tấu tại trường Đại Học Southern Illinois (Hoa Kỳ) vào Tháng Mười Một, 1971. (Hình: Nguyễn Vĩnh Bảo cung cấp)
Do tính chất độc đáo của nhạc tài tử là mỗi bản nhạc, làn hơi khác nhau sẽ có dây đờn khác nhau. Đờn 16 dây mỗi lần đổi bài phải lên dây lại, đờn cải tiến của bác Chín đã khắc phục được điểm yếu này. Mỗi cây đờn của bác Chín là một tác phẩm theo kiểu đo ni đóng giày của tinh thần nghệ thuật Nam Kỳ. Theo yêu cầu, sở thích của người đặt bác sẽ làm ra cây đờn tiếng to tiếng nhỏ tiếng trầm tiếng bổng khác nhau. Chính vì vậy, năm 1963, ông bộ trưởng giáo dục Singapore đã ngưỡng mộ và xin đổi cây đờn tranh của bác Chín với cây đờn quý hiếm, huyền hoặc của ông ta bằng nghi thức rất trọng thị.
Bác Chín hiểu và yêu tiếng Việt như một nhà ngôn ngữ học. Nói chuyện với sinh viên bác đã minh họa, đối chiếu về ngữ âm, ngữ nghĩa, thanh điệu của tiếng Việt so với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật để chứng minh rằng âm nhạc Việt và ngôn ngữ Việt là sự hài hòa đẹp đẽ, độc đáo.
Chính vì vậy, ngay trong cách ký âm dù có thể ghi nhận nhạc tài tử theo phương Tây là đô, rê, mi, fa, sol, la… thay thế cho hò, xự, xang, xê, cống, liu… nhưng khi xướng âm, cách ký âm phương Tây sẽ chói tai lạc điệu, gây khó chịu cho người nghe mà không diễn đạt được thang âm bài hát. Một lần, một nghiên cứu sinh ở Đài Loan làm luận văn đề tài nhạc tài tử kêu cứu với bác là vị giáo sư hướng dẫn luận văn người Đài bắt buộc cô phải ký âm theo kiểu Tây phương. Bác Chín đã đàn, xướng âm theo truyền thống và đối chiếu với xướng âm theo kiểu Tây phương gởi cho vị giáo sư nghe. Ông này đã nhận ra và chấp nhận hò xự xang.
Nói về giá trị nhạc truyền thống nói chung và nhạc tài tử nói riêng, bác Chín khẳng định: “Khi mà mình còn yêu văn hóa, nghệ thuật, tiếng nói của mình thì mình còn là người Việt Nam, mình còn giữ nước được. Khi mình yêu văn hóa, nghệ thuật của người hơn của mình thì tất nhiên là mất nước. Mong mỏi của tôi là giới trẻ đừng coi thường âm nhạc dân tộc của mình, tuy là nó không giống với âm nhạc nào nhưng mà nó là món ăn tinh thần, nó hạp với khẩu vị của mình.”
Nhạc sư Vĩnh Bảo độc tấu đàn tranh các bản Nam Xuân, Nam Ai, Đảo Ngũ Cung và Tứ Đại Oán trên bìa đĩa do UNESCO phát hành. (Hình: Nguyễn Vĩnh Bảo cung cấp)
Đệ nhất danh cầm
Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), trong một gia đình trung lưu nho học. Cụ thân sinh rất sành các cây tranh, kìm, cò và gáo. Lên 5 tuổi ông đã chơi đờn đoản, đến 10 tuổi chơi được tất cả các loại nhạc cụ đờn ca tài tử và hòa nhạc với các nhạc sĩ tài danh.
“Sống giữa đầu hai thế kỷ (20 và 21), ông kể nhiều mặt về cuộc sống, về kiến thức, về kinh nghiệm, về tư duy và quan điểm của chính bản thân ông. Chúng tôi lắng nghe, nghi ngờ, và kiểm chứng để mong nói lên một cách nghiêm túc về điều thật. Như các đồng nghiệp tôi ghi nhận, ông là một nhạc sĩ, nhưng vượt lên trên nghề nghiệp ấy, ông là chứng nhân lịch sử âm nhạc và thời sự hiếm có.
Xoay quanh trục âm nhạc, ông là nghệ sĩ kéo dài tuổi thọ nhất, nhưng ông tự xem là một con người bình thường hơn nhiều người, khiêm tốn để thấy, lắng nghe được nhiều nhất về những gì đã và đang diễn ra trong xã hội mà ông đang sống. Ông hiện thể là một ‘con người’ thật mà chúng tôi muốn nghe và hiểu, vì chúng tôi muốn biết đúng về những gì gần trăm năm qua đã xảy ra cho ông và trước mắt ông.
Giữa hai giai đoạn lịch sử từ thời thuộc địa cho đến khi độc lập, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là viên gạch nối thật dài, thật lấp lánh. Thế hệ chúng tôi cần học hỏi, và mong những bài học đó sẽ lưu lại cho nhiều thế hệ mai sau.” Giáo Sư Nguyễn Thuyết Phong
Năm 1938, ông được hãng đĩa BEKA mời đàn thu đĩa cho cô Ba Thiệt, chị nghệ sĩ Năm Cần Thơ, hát vọng cổ nhịp 16.
Năm 1955 trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn mới thành lập, ông làm giảng viên môn đàn tranh, sau đó làm trưởng ban cổ nhạc miền Nam.
Năm 1963, ông tham dự hội nghị âm nhạc 11 nước Đông Nam Á do Singapore đăng cai tổ chức.
Năm 1970, ông được đài truyền hình NHK của Nhật mời sang Tokyo thuyết trình về nhạc cổ truyền Việt Nam với phần minh họa đàn tranh.
Đến giữa năm 1970, trường Đại Học Southern Illinois (Hoa Kỳ) mời ông sang giảng dạy nhạc cổ truyền Việt Nam.
Năm 1972, Giáo Sư Trần Văn Khê và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã thực hiện cho Ocora (Radio-France) một đĩa nhạc tài tử Nam Bộ. Đĩa này đã khiến cho UNESCO chú ý và cơ quan này đã mời hai người thực hiện thêm đĩa Collection UNESCO (Musical Sources, hãng Philips của Hòa Lan sản xuất) với Trần Văn Khê (đàn tỳ bà), Nguyễn Vĩnh Bảo (đàn tranh) hòa tấu các bản Bình Bán, Kim Tiền, Tây Thi, Cổ Bản. Riêng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn độc tấu đàn tranh các bản Nam Xuân, Nam Ai, Đảo Ngũ Cung và Tứ Đại Oán. Ít tháng sau đó, UNESCO đã điều đình với Giáo Sư Trần Văn Khê để xin mua đứt bản quyền đĩa này.
Năm 2002, hãng đĩa OCORA của Pháp đã phát hành CD nhạc sư Vĩnh Bảo bán khắp nơi trên thế giới.
Năm 2003, Trung Tâm Văn Hóa Thông Tin tỉnh Long An ấn hành quyển sách “Thử Tự Học Đàn Tranh” do nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo biên soạn giúp cho những ai muốn tự học đàn tranh với một số bài căn bản. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học rất có giá trị sư phạm và nghệ thuật âm nhạc dân tộc.
Năm 2006, tại hội thảo “Dân Tộc Nhạc Học Thế Giới” lần thứ 51 ở Honolulu (Hawaii, Mỹ), Giáo Sư-Tiến Sĩ Nguyễn Thuyết Phong qua bài tham luận “Considering the Fate of Tài tử Music: Nguyễn Vĩnh Bảo, the Last Guardian of the Tradition” (Nỗi quan tâm đến vận mạng của đờn ca tài tử: Nguyễn Vĩnh Bảo, người bảo vệ sau cùng của truyền thống) đã đề nghị và được hội thảo tôn vinh nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong sáu nhạc sư của thế giới có công đóng góp cho nhạc dân tộc và nổi tiếng nhất trong nước.
Năm 2008, tổng thống Pháp tặng ông huy chương văn học nghệ thuật (médaille des Arts et des Lettres) bậc “officier.” Ở Việt Nam chỉ có hai người được huy chương bậc này là Giáo Sư-Tiến Sĩ Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo.
Ông được vinh danh giải thưởng Đào Tấn và giải thưởng Phan Châu Trinh.
Theo Người Việt Daily News
No comments:
Post a Comment